Đại Chiến Thành Ansi – Bản anh hùng ca bi tráng của điện ảnh Hàn Quốc
Là bộ phim có kinh phí khủng nhất Hàn Quốc trong năm 2018 (21,5 tỉ won), quả thật The Great Battle (Đại Chiến Thành Ansi) đã chứng minh cho khán giả thấy được số tiền này được đầu tư hoàn toàn xứng đáng. Với nội dung hấp dẫn được dựa trên những sự kiện có thật trong sử sách Hàn Quốc và thêm thắt nhiều chi tiết thú vị, cùng những cảnh chiến đấu cực kì hoành tráng, chân thật sống động và mạch phim gay cấn, dồn dập từ đầu đến cuối, Đại Chiến Thành Ansi xứng đáng được xem là bản anh hùng ca đầy bi tráng của điện ảnh châu Á nói chung, và điện ảnh Hàn Quốc nói riêng.
Nguồn: IMDb
Theo sử sách ghi lại, vào thế kỷ thứ 7, năm 645, vua Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) tấn công Goguryeo (Cao Câu Ly), thành công trong việc chọc thủng những tuyến phòng ngự biên giới nhưng lại bị chặn đứng tại thành An Thị (Ansi). Mặc dù những tài liệu lịch sử đều ghi nhận rằng tên của vị tướng giữ thành đã bị thất lạc, nhưng các câu chuyện dân gian vẫn còn nhắc đến danh tướng Dương Vạn Xuân – Yang Manchun đã có công lớn trong việc chặn đứng quân xâm lược. Sau 88 ngày công phá nhưng vẫn không chiếm được An Thị, cuối cùng quân Đường phải rút về nước khi lương thực cạn kiệt và phải gánh chịu những tổn thất nặng nề.
Nội dung của phim bám khá sát với lịch sử, với nhân vật chính của phim là thành chủ Yang Manchun (Jo In Sung) lãnh đạo 5 nghìn người lính Goguryeo chống lại 20 vạn quân nhà Đường do Lý Thế Dân (Park Sung Woong) trong 88 ngày. Bên cạnh đó, biên kịch còn thêm thắt nhiều nhân vật và tình tiết khác giúp phim hấp dẫn hơn. Đó là Samul (Nam Joo Hyuk) – chàng trai trẻ tuổi chứng kiến những đau thương và mất mát trên chiến trường, rồi bị giằng xé giữa việc làm người trung thành với đất nước thực hiện nhiệm vụ giết Yang Manchun hay trở thành kẻ bất trung giúp đỡ thành chủ để giữ vững Ansi.
Nguồn: IMDb
Đó là các võ tướng Soo Ji (Bae Sung Woo), Paso (Um Tae Goo), Poong (Park Byung Eun) và Hwal Bo (Oh Dae Hwan) trung thành và luôn một lòng tin tưởng thành chủ dù cho có chuyện gì xảy ra. Đó là em gái Baekha của thành chủ – một nữ chiến binh dũng cảm và mạnh mẽ trên chiến trường nhưng vẫn rất dịu dàng và nồng nhiệt khi yêu. Ngoài ra còn những nhân vật phụ khác được xây dựng với tính cách và vai trò riêng biệt, góp phần giúp bộ phim thêm cảm xúc và ý nghĩa.
Baekha (Seolhyun) – nữ chiến binh dũng cảm và mạnh mẽ. Nguồn: IMDb
Vì là phim cổ trang mang đề tài chiến tranh nên xuyên suốt phim chỉ là những màn chém giết hỗn loạn. Nghe qua thì có vẻ khá chán, nhưng phim lại cực kì hấp dẫn và gay cấn nhờ vào những chiến lược thông minh của thành chủ Yang Manchun. Xem phim, khán giả không chỉ “há hốc mồm” vì đội quân vô cùng hùng hậu và thiện chiến của nhà Đường, mà còn phải trầm trồ khen ngợi những mưu mẹo và chiến lược tài ba của vị thành chủ, mang lại chiến thắng cho thành Ansi một cách tâm phục khẩu phục.
Mưu lược của thành chủ Yang Manchun chắc chắn sẽ khiến người xem phải trầm trồ khen ngợi. Nguồn: IMDb
Đại Chiến Thành Ansi có lẽ cũng là bom tấn Hàn Quốc có kĩ xảo xuất sắc nhất cho đến thời điểm hiện tại, khi các cảnh chiến đấu trong phim vô cùng sống động. Các cảnh đâm chém cũng được thực hiện một cách rất chân thực, cho thấy được sự khốc liệt của chiến tranh, cũng như tính thiện chiến và tàn bạo của quân nhà Đường lúc bấy giờ. Nhiều đoạn slow motion giúp phim thêm phần bi tráng và giàu cảm xúc, đồng thời thể hiện được sự oai hùng và kĩ năng chiến đấu tinh nhuệ đáng nể của tướng Yang Manchun. Ngoài ra, phần âm nhạc cũng rất epic và hợp với từng cảnh phim. Lúc thì dồn dập góp thêm phần hoành tráng và hào hùng cho những cảnh chiến đấu giữa hai bên, lúc thì sâu lắng, da diết, thể hiện được những bi thương, mất mát trong chiến tranh mà các nhân vật phải chịu đựng.
Nguồn: IMDb
Bên cạnh chiến thuật, bối cảnh, thì trang phục và vũ khí là 2 yếu tố quan trọng tiếp theo đối với phim chiến tranh. Trong Đại Chiến Thành Ansi, trang phục được đầu tư rất kĩ lưỡng, từ thường phục cho đến những bộ giáp và mặt nạ của các chiến binh được làm một cách tỉ mỉ và đậm chất cổ trang. Vũ khí trong phim không chỉ có gươm, giáo, khiên và cung tên, mà khán giả còn được chứng kiến những món “đồ chơi” cực kì độc đáo và sáng tạo của cả 2 bên. Đó là máy bắn đá, những chiếc thang, toà tháp khổng lồ chứa quân lính để leo lên cung thành, cho đến những chiếc bánh xe lửa tuy thô sơ nhưng lại cháy sáng cả một vùng trời, tiêu diệt không biết bao quân địch nhà Đường.
HÌnh ảnh hàng vạn quân nhà Đường cực hoành tráng. Nguồn: IMDb
Góp phần vào thành công của phim là diễn xuất của dàn diễn viên, trong đó điểm sáng là Jo In Sung. Anh đã thể hiện xuất sắc một thành chủ Yang Manchun giàu lòng thương người, kiên định, tĩnh tâm và cực kì thông minh sáng suốt. Những đoạn đòi hỏi phải có diễn xuất đủ nội lực, thể hiện được nỗi đau của nhân vật, anh đã làm rất tốt, đặc biệt là cảnh ôm xác những người thân, phải chứng kiến những người mình yêu thương nhất hy sinh.
Yang Manchun (Jo In Sung) – bức tường thành vững chắc của người Gorgyreo. Nguồn: IMDb
Dàn diễn viên phụ cũng diễn rất tròn vai. Seolhyun của AOA tuy chưa có kinh nghiệm diễn xuất nhiều nhưng vẫn diễn rất tốt. Tuy vậy, đáng tiếc cho nam diễn viên trẻ Nam Joo Hyuk khi nhân vật của anh mờ nhạt hơn hẳn so với những người khác. Nhân vật Samul cũng không tham gia chiến đấu nhiều, biểu cảm từ đầu đến cuối cũng chỉ có lo lắng, sợ hãi chứ cũng không có nhiều đột phá. Nhưng dù sao thì Nam Joo Hyuk cũng đã thể hiện được sự chuyển biến trong tâm lý của Samul, và nhờ nam chính Yang Manchun vốn dĩ đã quá “chói sáng” nên đã lấn át được những khuyết điểm nhỏ trong bộ phim này.
Nhân vật của Nam Joo Hyuk không có nhiều đột phá. Nguồn: IMDb
Điện ảnh Hàn trong những năm gần đây đã phát triển một cách thần tốc với những tác phẩm hoành tráng không thua kém gì Hollywood như Đại Thuỷ Chiến (2014), Thử Thách Thần Chết 1,2, Train to Busan… Và Đại Chiến Thành Ansi là bộ phim tiếp theo góp mặt trong danh sách này. Có thể phim vẫn chưa thể nào sánh bằng những tác phẩm chiến tranh khác như Chúa Nhẫn, The Hobbit hay Xích Bích, nhưng dù sao đây vẫn là một tác phẩm đáng khen ngợi của điện ảnh Hàn Quốc và là bộ phim mà những người mê phim chiến tranh không nên bỏ lỡ.
Theo moveek.com
"Đại Chiến Thành Ansi": Choáng ngợp vì màn đầu tư hoành tráng trị giá 400 tỉ đồng
Nhờ lăng kính điện ảnh, những giây phút hào hùng của trận chiến giữa nhân dân pháo đài Ansi và hàng vạn quân nhà Đường lại trỗi dậy lần nữa thông qua bom tấn sử thi The Great Battle (Đại Chiến Thành Ansi).
Một trong những sự kiện được xem như kì tích của quân sự Hàn Quốc chính là trận thủy chiến lẫy lừng gắn liền với tên tuổi Thủy sư Đô đốc Yi Sun Shin. Chiến tích này từng được miêu tả trên màn ảnh rộng thông qua tác phẩm ăn khách nhất lịch sử phòng vé xứ kimchi The Admiral: Roaring Currents (2014). Tuy nhiên, từ trước đó rất lâu, đất nước này cũng từng xuất hiện một "phép màu" tương tự như thế. Dưới sự dẫn dắt của tướng Yang Man Chun, nhân dân pháo đài Ansi đã anh dũng chống trả kẻ thù xâm lược có số lượng áp đảo hơn mình đến 40 lần. Nhờ lăng kính điện ảnh, những giây phút hào hùng ngày ấy lại trỗi dậy lần nữa thông qua bom tấn sử thi The Great Battle (Đại Chiến Thành Ansi).
Vào thế kỉ thứ 7, nhà Đường ngày càng phát triển thịnh vượng và bắt đầu dòm ngó sang các vùng đất xung quanh. Tháng 4 năm 645, vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân (Park Sung Woong) đích thân lãnh đạo hơn 20 vạn quân binh tiến đánh Cao Câu Ly, quốc gia nằm ở phía Bắc Triều Tiên ngày nay. Quyết tâm bảo vệ kinh đô Bình Nhưỡng, tể tướng Yeon Gaesomun (Jung In Gyeom) lập tức hiệu triệu quần hùng để nghênh địch. Trong khi những tướng lĩnh khác đều nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi, Yang Man Chun (Jo In Sung) - chủ thành Ansi - lại án binh bất động.
Đường Cao Tông Lý Thế Dân, kẻ chỉ huy 20 vạn quân xâm lược nhà Đường.
Tập hợp được 15 vạn quân, tể tướng liền tổ chức phản công thần tốc. Đáng tiếc thay, do rơi vào ổ mai phục của giặc, quá nửa lực lượng Cao Câu Ly đã bị sát hại hoặc buộc phải đầu hàng. Nghi ngờ Yang Man Chun cấu kết với kẻ thù, Yeon ra lệnh cho Sa Mool (Nam Joo Hyuk) tìm cách ám sát tên phản bội. Thế nhưng, lúc đặt chân đến pháo đài Ansi, Sa Mool hoàn toàn ngạc nhiên khi chứng kiến vị chủ thành đang chuẩn bị mọi thứ nhằm chống trả nhà Đường, bất chấp việc ông ta chỉ có vỏn vẹn 5 ngàn lính trong tay. Là lá chắn cuối cùng nằm án ngự trên đường tiến đánh Bình Nhưỡng, Ansi nhanh chóng trở thành mục tiêu tiếp theo của Lý Thế Dân.
Sa Mool, vị tướng trẻ bị mắc kẹt giữa sự trung nghĩa và lòng yêu nước.
Với cảnh mở màn đầy bi tráng, The Great Battle khiến khán giả choáng ngợp bởi mức độ hoành tráng của một bom tấn có kinh phí sản xuất lên tới 21,5 tỷ won (khoảng 442 tỉ VND). Những đại cảnh hành động, cháy nổ mà bộ phim mang lại chẳng hề thua kém các tượng đài sử thi Hollywood như Troy (2004) hay Kingdom of Heaven (2005). Nhằm san bằng Ansi nhanh nhất có thể, quân nhà Đường đã sử dụng hàng loạt vũ khí tối tân nhất thời bấy giờ, từ máy bắn đá, xe thang, trục phá cổng cho đến cả tháp công thành... Cảnh tượng hàng ngàn con người chen chúc, chém giết lẫn nhau để giành giật từng mảng tường thành một thực sự gây ám ảnh về bản chất tàn bạo và khốc liệt của chiến tranh.
Bộ phim có rất nhiều đại cảnh hoành tráng.
Trước sức mạnh tưởng chừng áp đảo từ phía Lý Thế Dân, Yang Man Chun đã có dịp chứng tỏ tài trí kiệt xuất của mình. Nếu đối phương đưa vào trận đồ những cỗ máy đáng sợ, thì nhân dân Ansi cũng kịp tung ra vô số món đồ chơi khắc tinh cực kì lợi hại. Anh lấy thang leo? Tôi dùng bàn đinh, tạ đá. Anh chơi trục công phá? Tôi bày bẫy chông. Cứ như vậy, trong suốt 88 ngày trời, 20 vạn quân nhà Đường vẫn không thể khuất phục nổi pháo đài bé nhỏ. Vốn am tường binh pháp, vị chủ thành luôn làm chủ được "nhịp phách" ở mỗi trận đánh, biết rõ khi nào cần tiến và lúc nào nên lui.
Tất nhiên, một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, sát cánh bên Yang Man Chun là những thuộc hạ tâm phúc có võ nghệ cao cường. Dưới góc quay slow-motion, người xem sẽ phải mê mệt bởi những chiêu thức liên hoàn vô cùng mãn nhãn của kiếm thủ Poong (Park Byung Eun), hộ pháp Choo Soo Ji (Bae Sung Woo) và hổ tướng Hwal Bo (Oh Dae Hwan). Chưa kể, nhân dân địa phương nơi đây cũng hết lòng hỗ trợ nghĩa quân, sẵn sàng đóng góp công sức, tài lực để đẩy lui giặc thù.
Những màn chiến đấu đẹp mắt đậm chất điện ảnh.
Tương tự Đô Đốc Yi Sun Shin, vị chủ thành này vốn là người văn võ song toàn nhưng lại không được lòng triều đình. Nổi danh với biết bao chiến công lúc tuổi đời còn quá trẻ, Yeon Gaesomun rất lo sợ Yang Man Chun sẽ thừa cơ nổi loạn, tước đoạt quyền bính khỏi tay mình. Đã vậy, việc bất tuân mệnh lệnh thường xuyên của ông càng vô tình khiến Ansi trở thành cái gai trong mắt tể tướng Cao Câu Ly. Tuy nhiên, khi vận nước lâm nguy, Yang Man Chun vẫn luôn sẵn sàng gánh vác trọng trách trên vai, quyết tâm giữ vững bức tường thành nhằm bảo vệ kinh đô.
Tướng quân Yang Man Chun, người tạo nên "phép màu Ansi".
"Các ngươi hãy nhìn về phía sau. Gia đình, người thân của các người đều đang ở đó. Hãy vì họ mà chiến đấu đến hơi thở cuối cùng". Đối mặt trước một trong những quân đoàn hùng mạnh nhất thuở ấy, Yang Man Chun chỉ dặn dò quân sĩ của mình ngắn gọn như vậy. Cùng với nhau, họ đã tạo nên kì tích chiến tranh. Phép màu thành Ansi khiến cho nhà Đường phải dè chừng tiểu quốc Cao Câu Ly nhỏ bé, giúp vương triều này tiếp tục tồn tại thêm hơn hai thập kỉ.
Trailer "The Great Battle"
The Great Battle (Đại Chiến Thành Ansi) khởi chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc từ ngày 05/10/2018.
Theo Trí thức trẻ
Đạo diễn của Đại Chiến Thành Ansi chia sẻ lý do vì sao chọn Seolhyun và Nam Joo Hyuk The Great Battle (Đại Chiến Thành Ansi) đang được công chiếu ở rạp tại Hàn Quốc và thành công vang dội. Mới đây, đạo diễn Kim Kwang Sik cũng đã có buổi trò chuyện chia sẻ những thông tin thú vị phía sau bộ phim. Đạo diễn Kim Kwang Sik trên phim trường The Great Battle. Nguồn ảnh: Soompi Kinh phí để thực...