Đại chiến sâu bọ trong Worms: Ultimate Mayhem
Đây là bản remake của Worm 3D và Worm 4: Mayhem.
Kể từ khi ra đời vào năm 1995 đến nay, dòng game Worms vẫn trung thành với gameplay truyền thống của mình mà không hề có sự thay đổi nổi bật nào, trừ việc được “lột xác” từ đồ họa 2D cũ kĩ sang 3D với phiên bản Worms 3D. Team 17 đã phát hành Worms: Reloaded như một bản remake của Worms: Armageddon trên nền 2D vào năm 2010 và năm nay, Team 17 lại một lần nữa làm lại Worms 3D và Worms 4: Mayhem với phiên bản mới nhất, Worms: Ultimate Mayhem.
Thật đáng tiếc khi lối chơi của Worms: Ultimate Mayhem cũng lại trùng lặp như cũ, người chơi điều khiển một đội quân sâu tinh nghịch, được trang bị “tận răng” với hàng loạt loại vũ khí độc đáo, nhiệm vụ đơn giản là tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch trong màn chơi. Trận chiến sẽ diễn ra theo lượt, xen kẽ giữa các thành viên của mỗi phe. Một lượt đi giới hạn trong thời gian nhất định (trung bình khoảng 40 giây), bạn có thể di chuyển, chạy nhảy, tấn công, gài bẫy, sử dụng item… gameplay đơn giản nhưng cũng rất dễ gây nghiện và có chiều sâu chiến thuật. Đa phần các loại vũ khí trong game bị tác động bởi lực và hướng gió, ví dụ như bazooka hay lựu đạn.
Bên cạnh đó việc nhắm bắn của bạn còn gặp trở ngại với các vật thể môi trường, nhưng trong nhiều trường hợp nếu biết tận dụng chúng bạn có thể nhanh chóng “dọn dẹp” đối thủ, chẳng hạn như bắn vỡ chiếc đèn dầu làm bén lửa sang những kẻ thù (và cả quân ta) xung quanh, hay bắn xuống mặt đất tạo sức ép hất đối phương rơi xuống nước (những chú sâu không biết bơi nên sẽ “ngỏm” ngay lập tức). Điều này khuyến khích người chơi suy nghĩ, tìm ra những cách bắn, góc độ thuận lợi nhất để có thể hạ mục tiêu trong càng ít lượt càng tốt, thực hiện những cú bắn có độ khó cao. Đối với những bản Worms 2D như gần đây nhất là Reloaded, game thủ có thể dễ dàng quan sát, chọn góc độ, nhắm bắn… mà không gặp trở ngại nhiều. Nhưng khi chuyển sang môi trường 3D của game, bạn sẽ gặp chút khó khăn với góc camera và các vật thể khiến tầm nhìn bị hạn chế, thậm chí việc quan sát lượt đi của đối phương cũng không dễ. Không lạ gì nếu trong nền 2D bạn có thể dùng động cơ phản lực (jetpack) bay từ đầu bên này sang đầu bên kia màn chơi, thực hiện một cú bắn hoàn hảo rồi rút lui an toàn chỉ trong 40 giây, nhưng sang môi trường 3D lại mất đến vài phút.
Đồ họa của game được “tút” lại thành chuẩn HD, bổ sung một vài tùy chỉnh ngoại hình cho các chú sâu, nhưng hầu hết trùng lặp với những bản trước. Chế độ Story của Worms 3D và Worms 4 được bê thẳng sang Worms: Ultimate Mayhem, cả chế độ Challenge cũng tương tự. Story mode là chế độ phù hợp với những “tay mơ” vì nó giới thiệu đầy đủ những thao tác điều khiển, những vũ khí, tính năng trong game trong khi đó Challenge mode thử thách kĩ năng của người chơi với nhiều loại vũ khí, item khác nhau bằng những nhiệm vụ nhỏ điển hình như bắn trúng mục tiêu càng nhanh càng tốt với vũ khí được cấp sẵn. Những chú sâu do AI của máy điều khiển có đầu óc khá thất thường, chúng thường có những phát bắn rất đần, thậm chí là tự bắn đồng đội hoặc lao đầu vào ổ mìn nhiều lần bạn nghĩ rằng chú sâu của mình sẽ chết chắc, rốt cuộc đối thủ lại bắn hụt . Nhưng đôi khi chúng lại bắn một cách “xuất thần”, thực hiện những cú bắn tưởng chừng không thể nào trúng đích được.
Kho vũ khí đồ sộ vốn là thế mạnh của dòng game Worms với đủ loại “hàng độc”, có những món rất tức cười như máy bắn đá bắn ra tủ lạnh, mỗi loại có công dụng riêng mà bạn sẽ khám phá và vận dụng hợp lí trong các tình huống. Nhưng điểm không hài lòng chính là lượng damage của chúng, hãy tưởng tượng bạn hung hăng áp sát đối thủ đang đứng gần bờ vực, tặng cho anh chàng một cú đánh trời giáng bằng gậy bóng chày và nghĩ rằng hắn sẽ rơi tõm xuống biển, nào ngờ lại chỉ làm hắn văng ra một khoảng ngắn. Người chơi cũng có thể tự tạo vũ khí theo ý riêng của mình như Worms 4, nhưng những tùy chỉnh lại rất hạn chế.
Điểm thú vị Worms không phải nằm ở mục chơi đơn mà là mục chơi mạng. Game hỗ trợ chơi trực tuyến và chơi qua mạng Lan lên đến 4 người cùng lúc, với nhiều bản đồ phong phú thuộc đủ mọi địa hình khác nhau, một khuyết điểm nhỏ là thời gian load màn khá lâu. Phong cách đồ họa của game vẫn vui nhộn, hài hước như những bản Worms trước, bạn sẽ phì cười với những hành động ngớ ngẩn của các chú sâu hồng như sẩy chân rơi từ trên cao và cắm đầu xuống đất. Âm thanh cũng thể hiện tốt, đặc biệt là khâu lồng tiếng cho những chú sâu với nhiều sắc thái khác nhau.
Video đang HOT
Nhìn chung, Worms: Ultimate Mayhem chỉ là một bản remake không có nhiều đổi mới về lối chơi, dù sao với hơn 60 màn chơi đơn, 38 loại vũ khí độc nhất vô nhị và một chế độ chơi mạng hào hứng, đây cũng là một game đáng để bạn khám phá.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Những dòng game Nhật Bản nổi tiếng nhất mọi thời đại (phần 2)
Tiếp tục là những dòng game huyền thoại đến từ đất nước mặt trời mọc
Silent Hill
Với thể loại kinh dị, các nhà sản xuất game của xứ sở hoa anh đào cũng đem đến một cái tên mà mỗi khi nhắc đến, người chơi đều phải rùng mình, Silent Hill.
Silent Hill là tên của một thị trấn, nơi đã từng là mảnh đất tươi đẹp, nên thơ, một điểm tham quan thu hút rất nhiều du khách. Nhưng rồi một loạt biến cố xảy ra tại đây, Silent Hill bị bao phủ trong một lớp sương mù bí ẩn và trở nên cô lập với thế giới xung quanh.
Kể từ đó, "ngọn đồi câm lặng" trở thành một nơi đáng sợ với những sinh vật gớm ghiếc và những cơn ác mộng kinh hoàng. Theo những lời đồn đại, bất cứ ai xẩy chân bước vào Silent Hill thì họ sẽ một đi không trở về...
Các fan hâm mộ của dòng game này bị cuốn hút chính bởi sự ám ảnh mà cốt truyện đem lại. "Nhân quả" là bài học sâu sắc được rút ra từ trò chơi, những sinh vật gớm ghiếc ở trị trấn này không gì khác hơn là hiện thân cho những tội lỗi mà con người đã gây ra trong quá khứ.
Thêm vào đó, mỗi phiên bản chỉ kể về môt câu chuyện, tưởng chừng như riêng rẽ nhưng khi ghép tất cả lại với nhau thì lại tạo nên một sự logic chặc chẽ xuyên suốt dòng game. Chính điều này đã gây được cảm xúc mạnh với đa phần các fan hâm mộ.
Onimusha
Bất cứ ai yêu thích thể loại Action-RPG đều không thể không biết đến cái tên Onimusha. Đây là dòng game có cốt truyện khá thú vị với những chi tiết được hư cấu từ lịch sử của Nhật Bản.
Nobunaga Oda vốn là một vị tướng vô cùng nổi tiếng ở thời chiến quốc của đất nước này, người đã có công thống nhất Nhật Bản. Nhưng trong Onimusha thì Nobunaga lại biến thành chúa tể hắc ám, dẫn đạo quân âm binh đánh chiếm Nhật Bản và các nước trên thế giới. Chàng trai trẻ Samanosuke Akechi với sức mạnh quỷ thần Onimusha ban tặng có nhiệm vụ phải ngăn Nobunaga và giải cứu đất nước mình.
Gameplay của trò chơi cũng là một điểm đáng chú ý. Ngoài những pha hành động tốc độ cao, người chơi còn được phép nâng cấp vũ khí của mình thông qua số điểm linh hồn thu nhặt được. Bên cạnh đó, các nhà làm game còn đưa thêm yếu tố giải đố vào game, làm trò chơi trở nên vô cùng phong phú. Onimusha quả thực rất xứng đáng là một trong những dòng game nổi tiếng của đất nước mặt trời mọc.
Resident Evil (Biohazard)
Cũng lại là một dòng game kinh dị khác nhưng Resident Evil lại thiên về thể loại survivor, bạn là người duy nhất giữa thế giới đã bị biến thành xác sống.
Không sở hữu cốt truyện sâu sắc và bí ẩn như Silent Hill, Resident Evil lại thu hút người chơi bởi cảm giác thót tim khi những con quái vật bất thình lình hiện ra giữa màn đêm đen tối. Không những vậy, cảm giác khi có một bầy quái vật đuổi sau lưng nhưng súng của bạn lại hết đạn sẽ khiến dây thần kinh của rất nhiều người phải căng lên như dây đàn.
Resident Evil cũng chính là tựa game mở màn cho phong trào "một mình chống zombie" đang rất thịnh hành đối với các tựa game FPS hiện nay.
Devil May Cry
Lại nói về ma quỷ nhưng vị trí các nhân vật trong series Devil May Cry có lẽ đã bị đảo ngược khi người chơi trở thành kẻ đi săn còn lũ quái vật lại chính là con mồi.
Dòng game này có cốt truyện khá thú vị khi nhân vật chính là đứa con lai giữa quỷ và người, một con quỷ có trái tim con người đúng như tên gọi của trò chơi. Thế nhưng điểm hút khách của Devil May Cry lại đến từ hệ thống chiến đấu tốc độ cao với những pha combo liên hoàn đẹp mắt. Thậm chí, trong một số trường hợp, người chơi có thể hạ quái vật chỉ với một lần ra đòn nhưng điều đó đòi hỏi họ phải có một đôi tay cực kỳ lão luyện.
Tạo hình của các nhân vật trong game cũng rất được lòng người hâm mộ. Chẳng hạn như anh chàng Dante lãng tử với mái tóc màu bạch kim lúc nào cũng vác một thanh kiếm ở sau lưng. Chính những yếu tố kể trên đã làm nên dang tiếng lẫy từng cho dòng game này.
Disgaea
Đây là sản phẩm của hãng Nippon Ichi và cũng được coi là một trong những người mở đường hùng mạnh cho một thời đại mới của thể loại game chiến thuật theo lượt Nhật Bản ở đầu thế kỷ 21.
Disgaea là dòng game theo lượt có tính chiến thuật cao với hệ thống "Geo Panels" mới mẻ, người chơi sẽ phải suy tính kỹ lưỡng cho từng nước đi của mình. Công việc cày kéo trong game cũng thực sự rất đã tay khi giới hạn level của nhân vật lên tới 4 con số!?
Bên cạnh đó, các nhân vật và quái thú trong game đều được thể hiện theo phong cách hoạt hình Nhật Bản rất ngộ nghĩnh, đáng yêu, chiếm được cảm tình của đa số người chơi ở mọi lựa tuổi.
Không cần phải có đồ họa khủng như nhiều game khác nhưng với gameplay độc đáo của mình, series Disgaea đã, đang và sẽ còn chinh phục thêm nhiều trái tim của game thủ hâm mộ khắp năm châu.
(Còn tiếp)
Theo Bưu Điện Việt Nam
Những dòng game Nhật Bản nổi tiếng nhất mọi thời đại (phần 1) Nhật Bản có thể nói là một trong những nước có nền công nghiệp giải trí phát triển nhất thế giới với nhiều tựa game để đời. Final Fantasy Không còn gì phải bàn cãi về dòng game này, vị trí số một xứng đáng thuộc về Final Fantasy. Không có trò chơi nào phát hành đến 13 phiên bản cùng với phiên...