“Đại ca” Nguyên “tốc độ” từng đổi máu để mua nhà cho bố mẹ
Bỏ học từ năm lớp 4 để phụ giúp bố mẹ, Nguyên bảo, cái gì mình học cũng giỏi, trừ… văn hóa.
Nguyên “tốc độ” tên thật là Vũ Đăng Nguyên, SN 1977, trú tại xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương – đại ca của băng nhóm tội phạm chuyên bảo kê nhà hàng, karaoke, massage, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi ở huyện Cẩm Giàng, đã trải lòng mình về những tháng ngày thơ bé cơ cực khi gia đình anh ta bị vỡ nợ, phải bỏ quê, dạt về đất Quảng Ninh sinh sống. Đất Quảng Ninh với nghiệp chính là làm than thổ phỉ, đối với những kẻ sớm bước chân vào chốn giang hồ như Nguyên thì quả là mảnh đất màu mỡ. Nhưng để lấy được than, để có vị trí vững vàng ở nơi này, anh ta đã phải đổi bằng không ít máu.
Lấy ngắn nuôi dài
Nguyên “tốc độ” luôn phân trần về những vụ việc mà anh ta chỉ đạo đàn em làm như bảo kê nhà hàng, quán karaoke, massage… là “lấy ngắn nuôi dài”, chứ nghiệp chính của anh ta là cầm đồ, cho vay nặng lãi. Dưới trướng có hơn hai chục đàn em sẵn sàng tay đao, tay kiếm, thế nên cái tên Nguyên “tốc độ” nhanh chóng trở thành nỗi kinh hoàng đối với người dân Hải Dương. Còn nhớ, khi Công an huyện Cẩm Giàng và Công an tỉnh Hải Dương mới bắt Nguyên “tốc độ”, có nhà báo đi về địa phương tìm hiểu, khi hỏi người dân sống tại đây về băng nhóm của Nguyên “tốc độ”, hầu hết đều nhận được cái lắc đầu, từ chối tiếp xúc, đúng hơn là họ ngại “dây” với băng nhóm tội phạm này.
Theo cơ quan điều tra, băng nhóm của Nguyên “tốc độ” hoạt động từ khoảng đầu năm 2010 đến khi bị bắt (tháng 11-2011), đã gây ra hàng loạt vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Thủ đoạn của Nguyên là cho đàn em đến quậy phá tại các quán ăn, karaoke, massage, tẩm quất, điểm chứa gái mại dâm… mà anh ta đã “đánh dấu” trước đó. Đúng lúc các ông bà chủ quán karaoke, nhà hàng đang xanh xám mặt mày trước đám côn đồ lâu nhâu ở đâu bỗng nhiên mò đến phá đám, thì Nguyên “tốc độ” xuất hiện.
Rất đàng hoàng, Nguyên dàn xếp mọi chuyện đâu ra đấy, các ông bà chủ không những phải cảm ơn Nguyên mà kể từ lúc ấy, coi như các hàng quán này đã được “đảm bảo” bằng một chiếc “vé” có dấu tay của Nguyên. Tất nhiên, chủ các nhà hàng này không thể không biết “luật” một khi đã phải nhờ cậy đến Nguyên “tốc độ” để được yên ổn làm ăn. Nhiều người cắn răng chịu đựng, chỉ khi Nguyên và đàn em bị bắt, họ mới dám đồng loạt nộp đơn tố cáo. Ngoài ra, các tên đàn em của Nguyên còn tổ chức các hoạt động đòi nợ thuê, mua bán người, tàng trữ vũ khí, cho vay nặng lãi, môi giới và dẫn dắt gái mại dâm…
Nguyên “tốc độ” bị Công an bắt giữ.
Chuyên án bắt giữ Nguyên “tốc độ” được đích thân Đại tá Cao Ngọc Lan, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương chỉ đạo, giao cho Văn phòng cơ quan CSĐT (PC44) và Công an huyện Cẩm Giàng, các đơn vị vào cuộc. Đêm 6-11-2011, hơn 100 cán bộ, chiến sỹ của Phòng PC44, Công an huyện cẩm Giàng và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Hải Dương chia thành 5 mũi, đồng loạt phá án. Tại nhà trọ của Vũ Thị T – người tình mà Nguyên đang sống như vợ chồng, cơ quan điều tra đã thu được 1 súng tự chế, 4 tút đạn hoa cải và một chiếc kiếm. Ở những mũi khác, lần lượt các tên đàn em của Nguyên đã bị khống chế, bắt giữ, thu nhiều hung khí.
“Thương nhất là bố mẹ”
Nguyên “tốc độ” kể: “Nhà em trước đây ở Nam Sách, Hải Dương, nhưng bố mẹ em vỡ nợ nên cả nhà ra Quảng Ninh sinh sống”. Lớp 4 em đã bỏ học, nhà em mở quán phở nên giúp bố mẹ bưng bê phở cho khách, rửa bát, chăn lợn… Em thương nhất là bố mẹ nên khi làm than thổ phỉ cũng tích cóp mua cho bố mẹ em được ngôi nhà 240 mét vuông ở Cẩm Phả. Có được ngôi nhà này, em phải đánh đổi bằng máu”. Những ngày đó với Nguyên là hoàng kim, nhiều tiền, nhiều phụ nữ vây quanh, nhưng ma túy đá và thuốc lắc cũng là bạn đồng hành. Có những lúc tiền nhiều đến nỗi, anh ta không biết phải tiêu như thế nào cho hết, và cách duy nhất là đốt vào những cuộc chơi chết người cùng đám bạn giang hồ. Cá độ bóng đá, cờ bạc giống như nghiệp chướng dính vào cuộc đời những kẻ như Nguyên.
Trắng tay vì cờ bạc, vì cầm đồ, Nguyên “tốc độ” chán đời, đi đâu cũng nói mình nhiễm HIV vì thế, ngoài cái tên Nguyên “tốc độ”, người dân nơi đây còn gọi Nguyên là Nguyên “si đa”. Một điều tra viên cho biết, Vũ Đăng Nguyên không có tên trong hồ sơ quản lý các đối tượng nhiễm HIV ở địa phương, vì thế có thể anh ta tự đi kiểm tra hoặc tự nói mình thế để dọa mọi người. Một lần Nguyên đã từng cắt ven tự tử, không hiểu có phải vì lý do này hay không. Lạ một điều dù nói mình nhiễm HIV nhưng Nguyên được rất nhiều cô gái xinh đẹp “xin chết”.
Ngoài cô vợ đã sinh cho anh ta một cậu con trai, hiện đang sống tại Quảng Ninh cùng ông bà nội thì Nguyên vẫn cặp bồ với một cô sinh viên đến tháng 4 này là tốt nghiệp ra trường. Nguyên bảo, anh ta chiều người yêu lắm, sắm cho xe đẹp, biển số đẹp, chu cấp tiền ăn học mấy năm nay. Chiều 6-3, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với Nguyên “tốc độ” – kẻ giang hồ mà chỉ cần nhắc tên thôi cũng khiến nhiều người e ngại. Ban đầu, Nguyên trả lời ậm ừ, ra vẻ bất cần, nhưng khi nhắc đến bố mẹ, đến vợ con, Nguyên cởi mở dần, thậm chí đôi lúc còn “cướp diễn đàn” và luôn nói “em sống không cần tiền bạc, chỉ cần tình cảm thôi”:
- Người anh sao xăm nhiều thế, hình gì thế kia?
- Hình đại bàng, rồng, phượng.
- Sao trên cánh tay lại có hai vết sẹo? Bị chém à?
- Cắt ven.
- Sao lại cắt? Phê thuốc à? Cắt lâu chưa?
Video đang HOT
- Chán đời thì cắt, cắt lâu rồi, gần năm rồi.
- Cắt bằng dao lam à?
- Dao bầu.
- Đàn ông sao lại đi xăm lông mày?
- Buồn thì xăm.
- Sao lại có tên là Nguyên “tốc độ”?
- Anh em ngoài xã hội nó đặt cho.
- Vì làm việc gì cũng nhanh? Hay là đi xe nhanh nên gọi là “tốc độ”.
- Nói chung là con người em thì xưa nay không nghiện ngập, thỉnh thoảng đập đá thôi, nhưng vẫn điều khiển được mình, không mê muội gì cả, thỉnh thoảng chơi vui thôi, không phải chơi bời để đi chết đâu.
- Mỗi lần đập đá như vậy thì hết bao nhiêu tiền?
- Mười mấy hai mươi triệu, mấy anh em chơi vui thôi.
- Các “anh chị” ở Hà Nội, anh quen nhiều không?
- Nói chung là cũng biết một số, nhắc tên Nguyên thì ai cũng biết. Anh em Hải Dương ai cũng biết em. Hải Phòng cũng biết một số vì hồi trước ở trại dưới Thủy Nguyên. Trước em cầm đồ ở phố Phùng Hưng, Hà Nội nên cũng biết nhiều anh em trên đó. Trước em làm than ở Quảng Ninh nhiều tiền lắm, giờ mất hết, làm lô đề cờ bạc tan nát nhà cửa, lên Hà Nội cầm đồ song cũng mất hết. Em quay về Nam Sách, Hải Dương, mất nhiều máu ở đấy lắm. Em đứng vững được ở đó nên cũng được anh em nể.
- Mỗi quán karaoke hay nhà hàng, anh thu của họ một tháng bao nhiêu tiền?
- Chẳng nói giấu gì chị, em nói đúng lương tâm em, em không bao giờ cướp của họ, con người em có nguyên tắc, chỉ làm cầm đồ cầm điếc, cho vay nợ lãi, quán xá thì em nói chị thông cảm, bước đầu tiên em lấy ngắn nuôi dài thôi. Người ta làm mặt trái thì em cũng làm mặt trái, em cũng giúp người ta thôi. Nếu mà nói bảo kê thì phải những sàn lớn, còn đây chỉ là giúp nhau cốc nước, em bảo trả bao nhiêu thì trả, em không quan trọng, ai mà nói tháng đó làm ăn không được em cũng cho, ốm đau em cũng cho em không lấy tiền. Ở chỗ em nó rất là nhỏ, nên em cũng bị dư luận nhiều.
Quán cafe nơi Nguyên “tốc độ” mua phụ nữ về ép làm tiếp viên.
- Trước đây, anh từng đi tù về tội gì?
- Em đi 6 năm về tội cố ý gây thương tích, người ta bị em chém cụt tay, thương tích 81%.
- Vì lý do gì?
- Vì tranh chấp than vỉa. Hẹn nhau ra ngoài giải quyết, em cầm kiếm Nhật chém đứt tay luôn.
- Anh có chơi cá độ không?
- Em có, chơi mới mất hết.
- Lập nghiệp lúc đầu ở Quảng Ninh có khó khăn không?
- Nói thật với chị, em sinh ra lớn lên ở Nam Sách, nhà em vỡ nợ, em theo bố mẹ ra Quảng Ninh. Thực sự là thân cô thế cô, bị bắt nạt nhiều lắm, em phải đánh đổi rất nhiều, kể cả máu để có chỗ đứng và có tiếng nói trong giới làm than. Thời đó em nhiều tiền nhất, em mua cho bố mẹ em cái nhà 240 mét vuông ở Cẩm Phả.
- Sao anh không ở Quảng Ninh làm ăn mà về Hải Dương?
- Vì em chán. Nói thật với chị là em có vợ rồi nhưng chưa đăng ký kết hôn, em có một con trai hơn một tuổi. Em quen cô ấy trên Hà Nội, giờ mẹ con cô ấy ở Quảng Ninh cùng bố mẹ em. Em xác định là không bỏ cô ấy nhưng bọn em sống không có hạnh phúc. Có nhiều chuyện khiến em phải ra đi.
- Cái việc anh cắt ven là vì lý do gì thế?
- Vì em chán lắm. Em mất hết, nghĩ buồn định tự tử. Số mình không còn gì, mất trắng hết rồi. Em thẳng thắn, với phụ nữ con gái không bao giờ vớ vẩn, con gái rất sợ em nhưng em rất chiều, rất tình cảm với phụ nữ
- Cuộc sống giang hồ có điều gì thích thú khiến anh không thoát ra được?
- Em chẳng giấu gì cả, đúng ra thì em từ trước đến nay chỉ thích đi đánh nhau. Bình thường mà đối mặt thì không “ăn” được em đâu, em học võ, học nhiều thứ, không thiếu gì em không học, cái gì cũng giỏi nhưng văn hóa em kém lắm, em học hết lớp 4, hồi đó gia đình vỡ nợ nên em bỏ học về phụ giúp bố mẹ. Em từ nhỏ đã rất nghịch, chỉ thích đi tìm đối thủ nào nó ngang hàng với mình để thách đấu. Hồi đi học, cô giáo cũng sợ em, còn các bạn thì đương nhiên là rất sợ em rồi, em bắt chép bài, bắt làm mọi việc mà không làm theo là đánh.
- Tóm lại là rất thích dùng vũ lực?
- Vâng.
- Thời này rồi mà còn thích đánh nhau. Theo anh thì việc đánh nhau có giải quyết được vấn đề gì không?
- Không giải quyết được vấn đề gì. Do cái tính ăn vào máu thôi.
- Vào trong này rồi, vẫn làm “đại ca” chứ?
- Thực sự thì anh em trong này nể em. Vì em từ trước đến nay chỉ thích làm một mình, thích thì vác đồ đi chiến chứ không sai bảo ai cả.
- Bước chân vào cuộc sống giang hồ khó rút ra lắm đúng không, vì còn anh, còn em?
- Thực sự thì em không nợ ai cái gì, không nợ tình cũng không nợ tiền.
Theo ANTD
Vụ học sinh lớp 9 tự tử tại Hải Dương: Nỗi đau người ở lại
Đã gần 1 tháng trôi qua nhưng cái chết của em Lương Thị Hoa (15 tuổi) vẫn khiến những người dân thôn Hòa Tô, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương không khỏi xót xa, bàng hoàng...
Bố mẹ em Hoa thẫn thờ khi nhớ lại sự việc
Chuyện buồn giữa làng quê
Chúng tôi tìm được nhà em Lương Thị Hoa mà không cần hỏi thăm nhiều. Đó là một căn nhà cấp 4 ẩm thấp, chính giữa căn nhà là chiếc bàn nhỏ, phía trên đặt di ảnh của em nghi ngút hương khói càng khiến cho ngôi nhà thêm quạnh quẽ. Với bàn tay run run và gương mặt thất thần, anh Lương Văn Đoàn lặng lẽ cắm những nén nhang trước bàn thờ con gái.
Giọng khản đặc, chị Lưu Thị Trâm (SN 1975) đau đớn kể lại hôm chị đưa con từ chợ Ghẽ về nhà: "Chiều 10-2, trong khi đang bán hàng tại chợ, tôi được người nhà đang kinh doanh tại chợ Ghẽ gọi điện thông báo cháu Hoa - con gái tôi khi đi mua quần áo tại chợ đã ăn trộm 1 chiếc quần bò, đang bị chủ cửa hàng giữ lại chờ bố mẹ đến giải quyết. Nghe vậy, tôi bán tín bán nghi vì từ trước đến nay cháu không có tính tắt mắt và chưa lấy thứ gì của ai bao giờ.
Sau khi thu dọn hàng hóa xong, tôi vội vàng đến nơi. Khi đến quầy hàng bán quần áo của chị Vương Thị Hòe, tôi thấy con gái tôi đang ôm mặt khóc nức nở. Tôi chưa kịp hỏi cháu câu nào thì chị Hòe cho biết sau khi vào thử quần bò, con gái tôi đã lấy trộm quần bằng cách mặc chiếc quần đang thử vào trong, mặc quần của cháu ra ngoài rồi đi về. Khi cháu ra đến cửa, chị Hòe phát hiện nên đã giữ lại. Biết con mình sai, tôi bảo cháu xin lỗi chủ quán, trả tiền chiếc quần bò trị giá 300 nghìn đồng. Thấy con có vẻ sợ hãi, hoảng hốt tôi bảo con về trước, tôi trả tiền rồi về sau. Về đến nhà, cháu vẫn nấu cơm và ăn uống bình thường. Do biết tính con hay tự ái nên dù rất giận nhưng vợ chồng tôi không căn vặn cháu nhiều, định bụng để vài hôm nữa cho cháu nguôi ngoai mới hỏi lại cho rõ sự tình".
Kể đến đây giọng chị Trâm nghẹn lại. Anh Lương Văn Đoàn - chồng chị Trâm tiếp lời: "Sau khi ăn tối, con gái tôi lên nhà ông nội (sát vách nhà tôi) ngồi học cùng với chị gái. Trong khi đang học, Hoa có nói với chị: "Em còn hơn 700.000 đồng, em cho chị hết". Chị cháu tưởng em nói đùa nên không để ý. Được một lát cháu lại đưa ra quyển vở nói trong đó có viết mấy chữ, nhưng rồi lấy lại ngay và nói với chị "để mai hãy đọc". Sáng hôm sau, hai chị em vẫn đẩy hàng ra chợ cho mẹ như bình thường. Tuy vậy, chỉ có cháu lớn đi học, còn cháu Hoa lại đi ra khu đầm sát sông gần nhà. Buổi chiều khi bán hàng về, vợ tôi không thấy con đâu nên vội vã nhờ mọi người đi tìm nhưng không thấy. Đến ngày 17-2, gia đình tôi mới được một người quen thông báo nhìn thấy xác cháu nổi ở một khúc sông thuộc xã Hưng Thịnh. Bức thư tuyệt mệnh của Hoa để lại với vài dòng chữ viết khá nắn nót: "Tạm biệt cuộc đời. Mãi mãi". Quả thật, đến giờ phút này tôi vẫn không thể tin được con gái mình đã ra đi vĩnh viễn"
Không có chuyện em Hoa bị làm nhục
Con sông nơi em Lương Thị Hoa đã gieo mình xuống
Chiều 5-3, làm việc với PV Báo ANTĐ, đại diện trường THCS Cẩm Điền cho biết, em Lương Thị Hoa là một học sinh ngoan. Trong suốt mấy năm học tập tại đây, em không có bất cứ biểu hiện hay hành vi nào đi ngược lại với đạo đức và lối sống của một học sinh. Sự việc xảy ra không những cha mẹ, người thân và gia đình em Hoa đau đớn mà còn khiến cho những thầy cô giáo, bạn bè của cháu Hoa trong trường cũng hết sức thương cảm. Mỗi khi nhắc tới em, các học sinh cùng lớp của Hoa lại bật khóc, thương cho người bạn của mình trong một giây phút suy nghĩ dại dột, nông nổi mà huỷ hoại cả cuộc sống. Đề cập tới chi tiết có hay không việc em Hoa bị làm nhục dẫn tới xấu hổ phải gieo mình xuống sông, đại diện trường THCS Cẩm Điền cho biết: "Tại chợ Ghẽ ngoài cửa hàng bán quần áo của chị Hoè còn có hàng trăm cửa hàng buôn bán khác. Một số người thân, họ hàng của gia đình em Hoa cũng kinh doanh tại đây. Do đó, khả năng em Hoa bị làm nhục là rất khó xảy ra...".
Có mặt tại chợ Ghẽ chiều 5-3, chúng tôi được một số người kinh doanh tại đây cho biết: "Việc em Hoa có ý định lấy trộm 1 chiếc quần bò là có thật. Do đó giữa bên bán hàng và bên mua có xảy ra to tiếng nhưng không có chuyện em Hoa bị đánh đập, lột quần áo và trói vào cột điện". Trong buổi làm việc với phóng viên ANTĐ chiều cùng ngày, Thiếu tá Nguyễn Trọng Hiển - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Cẩm Giàng cũng khẳng định: "Về cái chết của em Lương Thị Hoa chúng tôi đã tiến hành điều tra và kết luận: Em Hoa chết là do ngạt nước, không có dấu hiệu hình sự.
Tuy nhiên, sau đó cơ quan công an tiếp tục nhận được đơn của gia đình nạn nhân đề nghị làm rõ việc em Hoa có bị chủ cửa hàng quần áo làm nhục hay không. CAH đã cử cán bộ xuống chợ Ghẽ để xác minh, điều tra. Kết quả ban đầu cho thấy, không có chuyện em Hoa bị chủ quán là chị Vương Thị Hòe đánh đập, lột quần áo, trói vào cột điện làm nhục".
Em Lương Thị Hoa tự tử do không vượt qua được áp lực từ việc làm của mình gây ra. Đây là sự việc vô cùng đáng tiếc và đau lòng, đồng thời là một hồi chuông báo động về tình trạng suy nghĩ bồng bột, lệch lạc của một bộ phận giới trẻ hiện nay với những cách xử sự tiêu cực trước những vấp ngã đầu đời.
Theo ANTD
Vụ nữ sinh chết '"bí ẩn": "Có bắt lột quần nhưng không làm nhục"?! Đại tá Nguyễn Văn Việt, Trưởng công an huyện Cẩm Giàng - Hải Dương cho biết, có việc chủ quán yêu cầu Hoa lột quần ngoài trả lại nhưng không làm nhục? Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, sau nhiều ngày rời khỏi nhà, gia đình đã phát hiện ra thi thể của nữ sinh Lương Thị Hoa...