Đại biểu Trần Du Lịch: “Chuyển giá, tôi đã cảnh báo từ Quốc hội thứ XII”
“Tôi đã cảnh báo vấn đề chuyển giá từ Quốc hội thứ XII, chứ không phải bây giờ. Bởi phương thức chuyển giá là cách mà các công ty đa quốc gia họ làm”, TS.Trần Du Lịch cho hay.
Bên hành lang Quốc hội sáng nay 5/11, TS.Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM , Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trao đổi về việc có hay không chính sách đang “quá ưu ái” cho doanh nghiệp FDI.
Đại biểu Trần Du Lịch. Ảnh: Việt Hưng
Đề cập tới việc ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách của Việt Nam vẫn đang ưu đãi doanh nghiệp FDI về thuế, đất đai hơn doanh nghiệp trong nước. Ông đánh giá về ý kiến này thế nào?
Từ khi ta có luật doanh nghiệp thống nhất (năm 2006) thì chúng ta có một sân chơi. Vừa rồi có một số lĩnh vực nước ngoài không làm được, chỉ doanh nghiệp trong nước làm được, đó là bất động sản thì ta đang sửa Luật Bất động sản và Luật Nhà ở để mở cho nước ngoài. Nên nếu nói nước ngoài được ưu đãi hơn doanh nghiệp trong nước là không đúng.
Chúng ta cứ nói là ưu đãi doanh nghiệp FDI thì hãy dẫn chứng cho tôi từng chính sách cụ thể đi. Có cái nào mà thuế doanh nghiệp nước ngoài thấp hơn doanh nghiệp trong nước.
Video đang HOT
Vấn đề là phải xem bản chất sự kiện, đúng chỗ nào, sai chỗ nào. Còn chuyện thanh tra, kiểm tra về thuế, nếu có hiện tượng bất thường nào thì ta xem lại. Còn chúng ta đừng nói là ép trong nước và ưu tiên nước ngoài. Cơ sở nào để nói thế, ưu tiên nước ngoài là ưu tiên ai?
Thời gian qua, chúng ta đã phát hiện ra nhiều doanh nghiệp FDI chuyển giá nhưng vẫn chưa có hình thức xử phạt nào, trong khi doanh nghiệp trong nước mà chưa kịp nộp thuế thì phạt ngay. Đây có được xem là dẫn chứng về hiện tượng ưu ái không, thưa ông?
Chúng ta không nên nêu quan điểm như vậy. Hiện nay chưa có ưu đãi riêng nào cho doanh nghiệp FDI cả. Cái ta gọi là chuyển giá là thủ tục mà người ta làm hợp pháp, chứ không phải là bất hợp pháp.
Một ví dụ phổ biến, đó là một công ty mẹ ở nước ngoài lập xí nghiệp làm ăn ở Việt Nam và công ty mẹ này lập công ty con ở chỗ khác để cung cấp nguyên liệu. Công ty con này được lập ở chỗ có thuế thu nhập rất thấp. Công ty con này mua nguyên liệu ở nước đó với giá rất cao để công ty con lập ở nước có thuế thu nhập thấp đó có lãi. Còn doanh nghiệp trong nước này họ không cần có lãi, cách làm này là hợp pháp.
Chuyển giá là hoạt động đầu tư nước ngoài ở trên khắp thế giới, nó đều diễn ra trường hợp đó, chứ không phải ở đây chúng ta phân biệt giữa các hoạt động trốn thuế vi phạm pháp luật với chuyển giá. Hai cái này là khác nhau. Tức là chuyển giá hợp pháp.
Thực ra có nhiều trường hợp kiểm tra không chặt chẽ, tức là cách họ làm chuyển giá không chặt chẽ, quá lộ liễu. Ví dụ, như nguyên liệu đó ở một xí nghiệp khác có đơn giá cùng loại là 10 đồng, nhưng nó tự nâng lên 15 đồng thì ở các nước xem xét như thế là giá vô lý.
Lâu nay bộ máy chúng ta kiểm tra vấn đề này chưa tốt. Tôi đã cảnh báo vấn đề chuyển giá từ Quốc hội thứ XII, chứ không phải bây giờ. Bởi phương thức chuyển giá là cách mà các công ty đa quốc gia họ làm. Tôi ví dụ như bây giờ Coca Cola không có lãi, nguồn nguyên liệu duy nhất là do công ty mẹ cấp. Với giá nguyên liệu đó thì hiện nay làm ăn không có lãi nhưng họ không cần lãi ở đây.
Thành ra ở đây có một chuyện thuế thu nhập càng cao thì người ta chuyển giá sang nước có thuế thu nhập doanh nghiệp thấp. Chứ đừng nói ta ưu đãi doanh nghiệp FDI. Thật sự hiện nay cũng có phát hiện ra nhiều doanh nghiệp trong nước cũng chuyển giá hợp pháp.
Nói như vậy là pháp luật của mình đang tạo kẽ hở cho doanh nghiệp chuyển giá?
Không phải tạo kẽ hở. Luật pháp nước nào thì doanh nghiệp cũng làm sao cho thuế thấp nhất. Đó là nghệ thuật của mọi doanh nghiệp. Thậm chí ngay cả nước như Mỹ, có một đội ngũ luật sư chuyên tư vấn luật pháp làm sao cho họ có cơ cấu thuế ở mức thấp nhất.
Doanh nghiệp nước ngoài có những chuyên gia tư vấn cho họ một cách hợp pháp, nhưng thuế thấp nhất, vì nó còn nằm trong cả phương pháp quản trị doanh nghiệp.
Vậy theo ông, làm sao để hạn chế tình trạng chuyển giá hiện nay?
Hiện nay, Bộ Tài chính và Cục thuế đang làm, ta gọi là lộ liễu, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì ta phải xử lý. Ta kiểm tra chặt chẽ để xử lý.
Tôi thấy Bộ Tài chính đã phát hiện được một số nơi, thực sự người ta thấy lúc đầu dễ dãi thì họ nhờn. Thực ra, ta có thể quản lý bằng cách tính theo cách dùng giá so sánh chẳng hạn. Rồi ví dụ như hệ thống kiểm toán quốc tế lấy nhiều loại thông tin khác để đối chiếu.
Nói nôm na để chống chuyển giá là một vấn đề cực kỳ khó khăn và những nước đang phát triển có kinh nghiệm họ có những biện pháp để doanh nghiệp không luồn tránh được.
Bình Dương là một tỉnh có chính sách khá mở trong việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp, vậy mà lại xảy ra trường hợp của Dũng “Lò vôi” với việc đóng khu Du lịch Đại Nam. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Vụ kiện đó như thế nào, bản chất vụ kiện đó ra sao tôi không được biết. thành ra tôi không thể bình luận được sự kiện đó là ép trong nước hay ép nước ngoài. Vấn đề là phải xem bản chất sự kiện, đúng chỗ nào sai chỗ nào. Hiện tượng này đang chờ Thủ tướng kết luận.
Cơ quan vừa phát hiện ra vụ buôn lậu vàng lớn ở biên giới lên tới 15 tấn vàng, trị giá 16 tỷ đồng. Lâu nay thị trường vàng khá yên ấm và không phát hiện ra hiện tượng buôn lâu vàng nào, thế nhưng gần đây lại có một số hiện tượng buôn lậu vàng ở biên giới, có phải vì chênh lệch vàng trong nước và thế giới đang cao?
Tôi không nghĩ như vậy. Việc buôn lậu vàng có thể có, tôi thấy hiện xã hội không quan tâm tới giá vàng. Đây là điểm thành công của chính sách tiền tệ trên thị trường vàng. Nói thẳng ra, chính sách tiền tệ thời gian qua là thành công nhất thể hiện qua thị trường vàng. Người dân giờ không còn quan tâm tới giá vàng. Trước đây, vàng lên xuống từng ngày, giờ người ta chẳng lo. Vàng lên xuống cũng kệ. Nền kinh tế thoát ly được vàng, đó là thành công lớn. Trước đây tôi nghi ngờ, giờ tôi khẳng định, thừa nhận thành công.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hiền
Theo Dantri