Đại biểu Quốc hội: Trao quyền chủ động tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ chế tuyển dụng giáo viên hiện nay có nhiều điểm bất hợp lý. Các đại biểu đề xuất, nên trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong vấn đề tuyển dụng nhà giáo.
Tự chủ trong tuyển dụng đội ngũ là xu hướng tất yếu trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ảnh: Thế Đại
Để ngành Giáo dục chủ động hơn
Theo đại biểu Chu Lê Chinh (đoàn Lai Châu), chúng ta nên phân cấp trong vấn đề tuyển dụng, có trao quyền chủ động cho địa phương. Tinh thần là giao quyền tự chủ trong tuyển dụng, sử dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp, trong đó có giáo dục, như thế sẽ phù hợp hơn. Khi đã giao quyền chủ động, cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, không để tình trạng vừa tuyển dụng, vừa kiểm tra hướng dẫn; như vậy sẽ không khách quan. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về cả chất lượng và số lượng. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung.
Đại biểu Chu Lê Chinh.
Trước ý kiến, ngành Giáo dục không chủ động về tuyển dụng giáo viên dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số địa phương, đại biểu Chu Lê Chinh cho rằng, công tác tuyển dụng trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từ trước đến nay vẫn phối hợp với ngành Nội vụ. Chủ trương tiến tới tự chủ hơn nữa thì nên giao cho ngành Giáo dục, thậm chí là người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập cũng được quyền chủ động tuyển dụng nhân sự.
“Họ chủ động tuyển dụng sẽ khắc phục thừa, thiếu cục bộ. Đặc biệt là giáo dục mầm non đang thiếu rất nhiều” – đại biểu Chu Lê Chinh nêu thực trạng, đồng thời trao đổi: Quản lý Nhà nước về tuyển dụng thì Sở Nội vụ các địa phương nên đứng ở vai trò kiểm tra, giám sát xem xét việc tuyển dụng, sử dụng có đúng hay không? Còn vấn đề tuyển dụng nên để ngành Giáo dục chủ động, nhằm hướng tới sự phân cấp.
Đồng quan điểm, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) cho rằng, nên giao sự chủ động trong tuyển dụng nhân sự cho các đơn vị. Bởi theo đề án vị trí việc làm, họ sẽ cân đối được nhân sự trong tổng thể chung. Theo đại biểu, nếu ngành Giáo dục được quyền tuyển dụng giáo viên, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Dĩ nhiên khi đó, chúng ta phải có cơ chế, điều kiện giám sát.
“Ví dụ: Điều kiện về khung tiêu chuẩn cho các chức danh biên chế? Quy định về các loại hợp đồng dài hạn, ngắn hạn phải như thế nào? Đây cũng là vấn đề sẽ được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Viên chức quy định chặt chẽ; thậm chí sẽ có văn bản dưới luật hướng dẫn để thực hiện” – đại biểu Tôn Ngọc Hạnh dẫn giải.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh.
Video đang HOT
Giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ
Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, nếu giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục sẽ rất tốt. Vì nếu ngành GD không chủ động được về con người thì sẽ rất khó, không phát huy được giá trị chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, thậm chí là nhân sự ở đơn vị đó.
“Ở thời điểm hiện tại, cần phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành Giáo dục – Nội vụ và nên theo hướng, ngành Giáo dục chủ trì tuyển dụng và có sự phối hợp với ngành Nội vụ.
Nếu còn băn khoăn, chúng ta có thể thực hiện thí điểm ở một số địa phương, sau đó rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả đến đâu. Việc thực hiện thí điểm để chúng ta có cơ sở thực tiễn; nếu có hiệu quả thì nhân rộng và áp dụng đại trà để trở thành cơ chế chung” – đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, theo Luật Viên chức, khi tuyển dụng giáo viên, ngành Nội vụ vẫn giữ vai trò chủ trì. Thực tế, vấn đề này đang gặp nhiều trở ngại. Ai cũng biết, vai trò của ngành Giáo dục rất quan trọng, vì thế rất cần có sự phối hợp sâu của ngành này với ngành Nội vụ trong vấn đề tuyển dụng, bố trí sắp xếp giáo viên.
Đại biểu Ngô Thị Minh.
Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ cần ngồi lại với nhau để có được giải pháp thấu đáo trong chính sách tuyển dụng giáo viên. Đặc biệt phải có cơ chế phối hợp thông thoáng và hiệu quả hơn giữa hai ngành. Bởi thực tế hiện nay, nếu tuyển dụng giáo viên như những viên chức khác là bất cập cho ngành Giáo dục.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chính sách nào cũng vậy, mục đích là để có được những công chức, viên chức hoạt động hiệu quả hơn trong công việc và thu hút được người tài, trong đó có ngành Giáo dục và Y tế. Do đó, cơ chế tuyển dụng cần mở hơn theo hướng phân cấp, phân quyền. Cốt lõi của vấn đề là, đơn vị đó hoạt động như thế nào, chất lượng và hiệu quả đến đâu. Vì thế phải trao quyền tự chủ về tổ chức và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp ở hai ngành này, trong đó có vấn đề tuyển dụng và sử dụng nhân sự.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.
Cũng theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, khi giao quyền tự chủ tuyển dụng cho ngành Giáo dục, phải gắn trách nhiệm cho ngành đó. Nếu người dân phản ánh về tình trạng thiếu giáo viên, ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm. Quan trọng nhất là phải sòng phẳng trong tuyển dụng và đánh giá chất lượng. Đại biểu dẫn giải: Như hiện nay, nếu giao cho cá nhân làm lãnh đạo một đơn vị nào đó, sau đó đánh giá họ không hoàn thành nhiệm vụ, họ sẽ cãi rằng: Có cho họ gì đâu, tiền không cho, người cũng không được quyết. Người giỏi không được tuyển, người yếu kém thì không được đuổi… Vì vậy không thể đánh giá họ là không hoàn thành nhiệm vụ.
“Ngành Nội vụ định suất chỉ tiêu chung cho ngành Giáo dục, sau đó ngành Giáo dục thực hiện tuyển dụng theo chỉ tiêu và tính toán, điều phối nhân sự sao cho hiệu quả, tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay.” – Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh
Bài và ảnh Hải Minh
Theo GDTĐ
Lâm trường ôm đất chờ sang nhượng, nông dân thất nghiệp đợi phát tô
"Kiên quyết thu hồi đất của các nông, lâm trường, các doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, các dự án chuyển đổi sai mục đích.
Nhiều đơn vị "ôm" diện tích đất lớn chờ thời sang nhượng, trong khi nhiều hộ đồng bào thiếu đất là rất phản cảm, bất hợp lý", đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) nhấn mạnh khi thảo luận về Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Sáng nay (1/11), Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSMN), vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
"Bội thực" chính sách nhưng thiếu vốn thực hiện
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) khẳng định, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSMN), với 118 chính sách đang có hiệu lực bao phủ hầu hết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KTXH). Tuy nhiên, khu vực này vẫn tồn tại nhiều khó khăn, chưa kể còn phải chịu nhiều tổn thất nhất do thiên tai, do phá rừng, do biến đổi khí hậu gây ra với số liệu đáng lo ngại.
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm tới 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước, còn 221.754 hộ thiếu đất sản xuất, 80.960 hộ thiếu đất ở, 370.150 hộ chưa có nước hợp vệ sinh sử dụng.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng vẫn có những chính sách kiểu "quan cần nhưng dân chưa vội, quan có vội quan lội quan sang".
Có thể nói chúng ta đang có tình trạng "bội thực chính sách", nhưng lại thiếu vốn. Điển hình như Chương trình mục tiêu quốc gia 3 năm chỉ đạt 52,1% tổng nhu cầu vốn; nhiều chính sách không bố trí được nguồn vốn như chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KTXH theo Quyết định 2085, 2086, chính sách bảo vệ rừng theo Nghị định 75, Quyết định 38.
Do quá nhiều chính sách dẫn đến chồng chéo, phân tán, thậm chí chính sách này suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác, lại có chính sách kiểu "quan cần nhưng dân chưa vội, quan có vội quan lội quan sang".
Tình trạng mất rừng, thiếu đất, sa mạc hóa đã và đang thu hẹp không gian sống, không gian văn hóa ngay trên nơi "chôn rau cắt rốn" ngàn đời. Đây là vấn đề lớn, cận kề nghiêm trọng phải kịp thời giải quyết.
Đại biểu Đinh Duy Vượt cho rằng, cần phân định rõ những lĩnh vực nào phải đầu tư toàn diện, lĩnh vực nào là trợ giúp. Thực tế, nhiều chính sách thời gian qua chỉ hỗ trợ chứ không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, vì hộ nghèo thì không có tiền để đóng góp. Nên bỏ chính sách cấp phân bón, cấp giống cây, thậm chí cấp bò cho hộ nghèo thiếu điều kiện, vì không hiệu quả và lãng phí, phân tán nguồn lực.
"Về chính sách, dự án, mục tiêu đặt ra hỗ trợ 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Hiện nay có 68,5% hộ DTTS có nhu cầu cần thêm đất để sản xuất. Chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề bức thiết, then chốt, quan trọng nhất, là tiền đề, nền tảng tất yếu để hoàn thành các mục tiêu. Chính vì vậy, chính sách này tôi đề nghị xem xét bỏ từ "hỗ trợ", thay vào đó là "đầu tư giao đất không thu tiền", ĐB tỉnh Gia Lai kiến nghị.
Đồng thời, ông Vượt cũng nhấn mạnh cần quy định không được sang nhượng khi sửa đổi Luật Đất đai tại đây, không quy hoạch, phê duyệt các dự án thu hồi đất của đồng bào khi chưa bố trí được đất tái định cư. Có cơ chế góp vốn, hưởng lợi bằng giá trị đất vào các doanh nghiệp để đồng bào không bị mất đất.
"Kiên quyết thu hồi đất của các nông, lâm trường, các doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, các dự án chuyển đổi mục đích, sai mục đích, ôm diện tích đất lớn chờ thời sang nhượng, trong khi nhiều hộ đồng bào thiếu đất là rất phản cảm, bất hợp lý", ĐB Đinh Duy Vượt nói.
Đất của các lâm trường bị lấn chiếm, xâm canh hàng chục ngàn hecta trên khắp Tây Nguyên - Ảnh: TRUNG TÂN
Chấn chỉnh việc sử dụng đất ở các nông, lâm trường
Trong khi đó, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) khẳng định sự đồng tình với tiêu chí phân loại thôn, xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đề nghị quan tâm xem xét thêm đối với loại xã ở vùng trọng điểm có công trình quốc phòng đặc biệt mà không đạt các tiêu chí như đề án nêu.
"Là cán bộ và đại biểu Quốc hội công tác tại địa phương đó, tôi thấy các xã này nằm trong diện quản lý rất chặt chẽ về mọi mặt, không được đầu tư, khai thác mà luôn phải bảo tồn để xây dựng thế trận lòng dân. Tuy Nhà nước cũng đã có nhiều sự quan tâm nhưng chừng mực nào đó vẫn còn những khó khăn, nếu không để cho các xã này được thụ hưởng các chính sách đầu tư của đề án thì khó có khả năng phát triển theo kịp các địa phương khác, người dân và cán bộ ở đó sẽ rất bị thiệt thòi", bà Trang nói.
Liên quan đến vấn đề tạo sinh kế, thu nhập cho đồng bào DTTSMN, bà Trang cho rằng có thể tập trung khuyến khích, hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với đặc thù của vùng miền núi như chăn nuôi, trồng trọt, các cây, con chủ lực, cải tạo vườn tạp, xây dựng các vườn chuẩn. Đối với mô hình kinh tế này không phải đầu tư lớn, có thể tận dụng được sức lao động, lấy công làm lãi sẽ xóa đi các khu vườn tạm, vườn bỏ hoang...
Đồng thời thu hút các doanh nghiệp, các dự án nhà máy sử dụng nhiều lao động địa phương và hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là trung tâm, còn người nông dân là vệ tinh xung quanh doanh nghiệp. Ở đó, doanh nghiệp vừa sản xuất một phần nhưng vừa đầu tư giống và kỹ thuật để cho người dân tự sản xuất và chăn nuôi, còn doanh nghiệp thu mua và chạy sản phẩm của bà con.
Đại biểu tỉnh Nghệ An cũng nhấn mạnh đến phát triển rừng và cho rằng việc quản lý, sử dụng đất rừng hiện nay đang cònn nhiều hạn chế.
"Hầu hết qua các cuộc tiếp xúc cử tri ở miền núi, cử tri luôn phản ánh những vướng mắc về vấn đề này. Một số nông, lâm trường được giao quản lý đất rất lớn nhưng hoạt động không hiệu quả, sử dụng sai mục đích. Trong khi việc bàn giao đất từ các nông, lâm trường cho địa phương và giao cho dân sử dụng thì toàn đất xấu, đất khó canh tác. Vì vậy, thực trạng đất rừng bỏ hoang hoặc sử dụng trái phép trong khi đồng bào lại thiếu đất sản xuất là phổ biến", bà Trang cho hay.
Để tập trung giải quyết vấn đề này, ĐB Hoàng Thị Thu Trang đề nghị Chính phủ cân đối, tăng hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định cắm mốc giới, cấp quyền sử dụng đất cho nông, lâm trường, cho dân... Có như vậy thì mới chấn chỉnh, nâng cao được hiệu quả sử dụng đất rừng của các nông, lâm trường và giúp bà con có tư liệu sản xuất, phát triển rừng gắn bó với rừng.
Theo Danviet
Chính sách cho đồng bào dân tộc: Đừng để như quả đẹp mà không ăn được! Thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn tại hội trường Quốc hội (QH) . Sáng nay (1/11), các đại biểu Quốc hội (ĐB) cơ bản nhất trí với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ...