Đại biểu Quốc hội phản đối gay gắt chuyển quyền cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ sáng 16/11, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc chuyển thẩm quyền sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.
Đa số đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận đều không đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 Luật đang trình Quốc hội như hiện nay: Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, không tán thành việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sang Bộ Công an.
Đáng chú ý, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, chúng ta đã và đang thực hiện quản lý đất nước theo hướng “trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiệu quả, quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh cục bộ, tránh cát cứ”. Vì vậy, vấn đề này cần phải được đánh giá một cách toàn diện, khách quan, khoa học.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh.
Đại biểu Sinh cho rằng việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô từ Bộ GTVT sang Bộ Công an là chưa thuyết phục vì hai lý do. Thứ nhất là không phù hợp với chủ trương của Đảng. Cụ thể, tại Nghị quyết số 17 ngày 1/3/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X chủ trương một số nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực Quốc phòng, công an quản lý nhằm tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng Công an chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Thứ hai, từ năm 1995, Bộ GTVT nhận nhiệm vụ quản lý cấp giấy phép lái xe từ Bộ Công an sang. Khi đó, cả nước có 127 cơ sở đào tạo lái xe, cơ sở vật chất còn thiếu thốn; đến nay đã có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 135 trung tâm sát hạch lái xe ô tô đã được xã hội hóa 100% với cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, phù hợp với thực tiễn.
Video đang HOT
Ngành GTVT đã và đang triển khai đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại trong việc cấp, đổi, quản lý giấy phép lái xe và thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Như vậy, về cơ bản, ngành GTVT đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Trước ý kiến cho rằng vấn đề tồn tại trong quản lý, sát hạch cấp giấy phép lái xe là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông nên cần chuyển thẩm quyền cấp sang Bộ Công an, ông Sinh dẫn lại số liệu thống kê. Theo đó cho thấy số người chết do tai nạn giao thông tính trên 100 nghìn giấy phép lái xe được cấp lại tiếp tục giảm. Cụ thể, năm 1995 là 691 người thì năm 2020, ước chỉ còn 15 người.
Mặt khác, qua thống kê, phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy nguyên nhân chính của các vụ tai nạn này là ý thức của người tham gia giao thông, ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Có đến 90% các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đối với người điều khiển phương tiện giao thông có giấy phép lái xe từ 7-10 năm. Như vậy, ý kiến trên là chưa thuyết phục.
Không những thế, ngành GTVT có khoảng 2.200 cán bộ công chức, viên chức đang làm nhiệm vụ cấp giấy phép lái xe. Trường hợp chuyển sang Bộ Công an thì phải sắp xếp cho lực lượng lao động này. Về phía Bộ Công an, phải bổ sung lực lượng để tiếp nhận nhiệm vụ. Tương tự là cơ sở vật chất kỹ thuật hàng nghìn tỷ đồng của ngành GTVT có nguy cơ bị lãng phí, còn ngành Công an lại phải đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, dẫn đến tốn kém cho ngân sách Nhà nước.
Hơn nữa, thực tế hiện nay có rất nhiều văn bằng, chứng chỉ giả, kể cả tiền giả. Do đó, giấy phép lái xe, hộ khẩu, hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân cũng không phải là ngoại lệ. Nếu cứ văn bằng, chứng chỉ giả đang thuộc trách nhiệm cơ quan này lại chuyển sang cơ quan khác quản lý sẽ gây rối loạn xã hội.
Từ những phân tích trên, Đại biểu Sinh đề nghị Quốc hội xem xét không chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô từ Bộ GTVT sang Bộ Công an và tán thành với nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội khác là không tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 Luật như đề xuất của Chính phủ.
Chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an không làm tăng biên chế
Chiều 29/9, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tổ chức Hội nghị thông tin về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thông tin về sự cần thiết, những điểm mới, tiến bộ của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Về cơ sở khoa học, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là việc thiết lập, duy trì, củng cố, thúc đẩy trạng thái tham gia giao thông có nề nếp, kỷ cương, trật tự, an toàn đối với người và phương tiện tham gia giao thông, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra. Bản chất của trật tự, an toàn giao thông là điều chỉnh các hoạt động giao thông "động" liên quan đến hành vi của người tham gia giao thông.
Các chính sách được điều chỉnh trong Luật hoàn toàn trên cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với mục tiêu ban hành luật, phù hợp với Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ, với luật của nhiều quốc gia và đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân, các cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương.
Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã thảo luận rất kỹ về phạm vi điều chỉnh của Luật này và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), bảo đảm tính khoa học, khách quan, thực tiễn và phù hợp với xu thế xây dựng pháp luật hiện nay, trong đó một luật điều chỉnh về lĩnh vực trật tự, an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông, một luật điều chỉnh về lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ. Phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phù hợp với luật về an toàn giao thông của nhiều quốc gia có tính chất tương đồng về văn hóa với Việt Nam (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Campuchia...), Bộ Công an đã dịch và gửi Quốc hội tham khảo.
Quản lý hành vi chấp hành pháp luật một cách xuyên suốt và nhất quán
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thông tin về sự cần thiết, những điểm mới, tiến bộ của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Một trong những nội dung thu hút sự chú ý của dư luận về dự án luật là vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ được chuyển từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Dự án luật quy định các vấn đề: Quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác đề nghị quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo 2 phương án. Phương án 1, vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phương án 2, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.
Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải lập luận, thuyết minh cho từng phương án và nhận thấy, việc quy định vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng người lái xe về kỹ năng điều khiển, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông, phòng ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông, phù hợp với Công ước Viên về Giao thông đường bộ năm 1968 và luật của nhiều nước trên thế giới, bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ quyền con người. Đa số Thành viên Chính phủ đồng ý với phương án 1.
Trước ý kiến băn khoăn về sắp xếp tổ chức bộ máy, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho hay, chỉ phải sắp xếp cho 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý (trong đó 600 cán bộ, công chức được cấp thẻ sát hạch viên) tại 64 đầu mối của Bộ Giao thông Vận tải, việc bố trí lại nhiệm vụ sẽ không gặp khó khăn.
Còn với Bộ Công an, đã bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo 3 cấp (bộ, tỉnh, huyện) gồm 780 đầu mối nên chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế, hoàn toàn đủ điều kiện tiếp nhận công việc chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành Giao thông. Cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý đào tạo phải là những người đã có kinh nghiệm thực tế về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Số làm nhiệm vụ sát hạch viên sẽ được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ bảo đảm đạt tiêu chuẩn như một số quốc gia tiên tiến. Sau chuyển giao, Bộ Công an sẽ quản lý chặt chẽ từ đào tạo, sát hạch, quá trình tham gia giao thông của người lái xe theo hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông trong các lĩnh vực qua căn cước công dân, cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý vi phạm pháp luật hành chính, hình sự..., đảm bảo thường xuyên, liên tục, hiệu quả.
Đối các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe sẽ tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ, đảm bảo tự chủ về hoạt động, đáp ứng yêu cầu xã hội, đúng quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ có điều kiện, công khai, công bằng trong đánh giá hiệu quả, chất lượng. Nội dung đào tạo, sát hạch được đổi mới cho phù hợp điều kiện người lái xe tham gia giao thông an toàn nhưng vẫn đảm bảo triệt để tận dụng nguồn vốn, tiết kiệm, hiệu quả, giảm thấp nhất phát sinh về đầu tư. Người dân có quyền tự do lựa chọn về đào tạo, sát hạch, được công khai, minh bạch, công bằng, tiết kiệm được thời gian học và được thụ hưởng đúng theo mức phí đã bỏ ra. Bộ Công an sẽ tổ chức thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe đến Công an cấp xã, đảm bảo nhanh gọn, chính xác, phục vụ nhân dân ngay tại cơ sở.
Chứng chỉ lái xe: Đề xuất không hợp lý của Bộ GTVT Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định khá chi tiết về người lái xe nhưng dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi vẫn đề ra yêu cầu riêng, trong đó có việc cấp chứng chỉ hành nghề lái xe. Tuy Chính phủ đã lưu ý từ đầu là "không chồng chéo" nhưng...