Đại biểu Quốc hội nói gì về việc “cấm bán rượu bia từ 22g”
Sau khi Bộ Y tế đưa ba phương án mềm dẻo để hạn chế sự lạm dụng rượu bia thay cho quy định “cứng” cấm bán rượu bia từ 22g, vẫn còn những tranh luận về các biện pháp này.
Sau 23g, rất đông khách du lịch ngồi ăn uống từ trong hẻm ra đến vỉa hè đường Bùi Viện, Q.1, TP.HCM
* Ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Rất dễ bị “lách luật”
Việc Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Y tế soạn thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia để trình Quốc hội là cần thiết. Tác hại của sự lạm dụng quá độ rượu bia đối với mỗi người cũng như với xã hội thì tất cả chúng ta đều biết, có lẽ không cần phải phân tích nhiều, vấn đề là phòng chống thế nào cho có hiệu quả. Ở đây dư luận quan tâm nhiều đến quy định cấm bán rượu bia từ 22g-6g sáng, theo như giải thích của Bộ Y tế, là đã có các phương án khác nhau như chỉ cấm ở một số địa điểm nhất định và có lộ trình, hoặc giao cho địa phương xem tình hình để có quy định cụ thể. Tôi ủng hộ các nỗ lực giảm thiểu tác hại của lạm dụng rượu bia, tuy nhiên từ góc độ một người làm luật thì tôi quan tâm đến tính khả thi của quy định này.
Vừa qua đã có nhiều quy định pháp luật không đi vào cuộc sống, trong khi đó một trong những nguyên tắc của việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm tính khả thi. Đã có nhiều ý kiến băn khoăn là làm sao biết cơ sở nào bán rượu bia trước 22g hay sau 22g, ai kiểm tra và kiểm tra như thế nào vì đây là một quy định hành chính rất dễ bị “lách luật”. Tôi nghĩ rằng Bộ Y tế muốn thuyết phục đại biểu Quốc hội thì trước hết phải trả lời được thấu đáo các băn khoăn mà dư luận đặt ra.
Trước hết ban soạn thảo cần có điều tra xã hội để trả lời được câu hỏi nếu cấm bán rượu bia sau 22g thì quy định này thật sự đi vào cuộc sống được không hay chỉ nằm trên giấy, và nếu quy định như vậy thì giảm được tỉ lệ bao nhiêu tác hại của việc lạm dụng rượu bia? Trong khi đó ảnh hưởng của quy định này đến các ngành nghề khác như dịch vụ, du lịch ra sao? Nghĩa là ban soạn thảo phải có đánh giá tác động rõ ràng, chứ không thể đơn giản cấm đoán theo cảm tính.
Chúng ta phải lưu ý rằng ở đây không phải là luật cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng rượu bia mà là đạo luật phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia. Cho nên cần có cách tiếp cận phù hợp và quan trọng nhất là luật ra đời thì tình trạng lạm dụng rượu bia được ngăn chặn, đẩy lùi chứ không phải là mọi việc vẫn như cũ.
* Ông Trần Ngọc Vinh (đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng):
Cần biện pháp mạnh hơn
Video đang HOT
Quan điểm của tôi là cần biện pháp mạnh hơn. Nhà nước có thể sử dụng công cụ thuế, ví dụ như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng rượu bia. Điều này làm cho rượu bia trở thành một thức uống xa xỉ mà ai đó muốn uống nhiều cũng phải cân nhắc. Một biện pháp khác có thể nghiên cứu là đối với các hành vi vi phạm hành chính về an ninh trật tự vào lúc đêm khuya, nếu có nguyên nhân từ sự lạm dụng rượu bia (đo nồng độ cồn) thì cơ quan chức năng sẽ xem đó như là tình tiết tăng nặng để xử phạt nghiêm khắc hơn.
Nhiều người ủng hộ phương án 3
Trong gần 400 ý kiến phản hồi của bạn đọc đã có hai luồng ý kiến ngược nhau. Rất nhiều bạn đọc ủng hộ việc cấm bán rượu bia sau 22g với lý do phải cấm mới bớt được tình trạng uống rượu bia sa đà gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Tuy nhiên số lượng bạn đọc nhiều không kém đã phản ứng với đề xuất cấm bán này, lý do là không khả thi, ảnh hưởng du lịch…
Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc bày tỏ ủng hộ phương án 3, là không quy định về giờ được bán rượu bia nữa mà hạn chế tác hại rượu bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác. Bạn đọc Trần Văn Dũng viết: “Phương án 3 là phù hợp nhất. Cần hạn chế nguồn cung, cộng tăng thuế đánh vào mặt hàng rượu, bia và tăng cường xử lý nghiêm các sai phạm do rượu, bia gây ra, chứ đừng cấm đoán mà e không thực hiện được, thành ra hỏng cả một chính sách đúng đắn của Nhà nước”.
Mua bia rượu ở Thái Lan phải canh giờ
Thái Lan là một trong những nước có luật về rượu bia được thực hiện nghiêm ngặt để ngăn chặn tình trạng lái xe say xỉn và học sinh “chè chén” dưới tuổi quy định.
Đến Thái Lan, nhiều du khách nước ngoài rất ngạc nhiên, thậm chí là bực dọc, vì không mua được bia rượu vào một số thời điểm, nhất là sau nửa đêm. Do bất đồng ngôn ngữ và không hiểu luật, nhiều du khách nước ngoài đã nổi cáu quát: “Nhưng tôi có tiền. Hãy bán cho tôi”. Một số khách tỏ ra tức tối vì nghĩ mình bị phân biệt đối xử. Nhưng luật là luật.
Từ đầu năm 2006, Thái Lan đã có luật về bán đồ uống có cồn. Chính quyền chỉ cho phép bán bia rượu từ 11g-14g và từ 17g-0g. Quy định này áp dụng cho cả siêu thị, cửa hàng, trong đó có cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, chị Nuchy Tungwarapojwitan – chủ nhà hàng JFK ở Bangkok – nói với Tuổi Trẻ rằng quy định này không áp dụng đối với các nhà hàng, quán bar và quán rượu.
Đó là chưa kể trước các ngày bầu cử hay trưng cầu ý dân, mọi nơi đều bị cấm bán bia rượu hay đồ uống có cồn, kể cả trong nhà hàng. Nếu vào một nhà hàng ở Thái Lan trước ngày bầu cử, không có gì ngạc nhiên khi tiếp viên từ chối phục vụ rượu.
Theo báo Hua Hin Today (Thái Lan), lý do của quy định này là để tăng cường các chính sách của chính phủ hướng tới việc kiểm soát mua bán bia rượu và thuốc lá vì lợi ích của xã hội bằng cách giảm thời gian bán lẻ rượu. Khoảng thời gian cấm bán bia rượu từ 14g-17g còn có mục đích là để cấm học sinh uống rượu (học sinh Thái tan trường lúc 14g).
Vào năm 2008, Thái Lan đưa ra Luật kiểm soát đồ uống có cồn, được chỉnh sửa từ luật về bia rượu năm 2006. Một số điều được sửa đổi như tăng tuổi tối thiểu được phép uống rượu từ 18 lên 20 tuổi. Những ai bán rượu cho người dưới 20 tuổi đều là phạm pháp. Ngoài ra, luật còn quy định một số khu vực cấm bán bia rượu bất kể giờ giấc như đền chùa hay nơi thờ cúng, bệnh xá, nhà thuốc, công sở, trường học, trạm xăng và công viên.
Theo Tuổi trẻ
Đại biểu Quốc hội nói về vụ ca từ thô tục, kích dục
Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến trao đổi với PV Dân trí xung quanh vụ ca khúc thô tục như "Phiếu bé ngoan" hiện được đăng tải, lan truyền trên các trang mạng gây phản ứng, bức xúc trong dư luận.
Đại biểu Lê Như Tiến: "Rác" lan tỏa tới hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn công chúng, tác hại rất lớn".
Bộ VH, TT&DL vừa chính thức lên tiếng về vụ ca khúc rap "Phiếu bé ngoan" và nhiều ca khúc khác có ca từ thô tục, kích dục được đăng tải công khai trên nhiều website nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam. Bộ đã khẳng định sẽ xử lý sự việc đến cùng nhưng việc lại thêm một thứ "rác văn hóa" lọt cửa kiểm soát chứng tỏ quy chế quản lý trong lĩnh vực này vẫn nhiều lỗ hổng, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng tất cả các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã có quy chế do Bộ Văn hóa ban hành. Chúng tôi ở UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cũng đã góp ý cho Bộ rất nhiều về việc xây dựng quy chế và làm việc, xử sự theo quy chế. Hiện tại, tất cả các hoạt động văn hóa nghệ thuật, từ vấn đề hình thức như nghệ sỹ ăn mặc hở hang, phản cảm, sân khấu thiết kế vi phạm đến nội dung như biểu diễn các bài hát không đúng với thuần phong mỹ tục, giá trị nhân văn, giá trị xây dựng con người thấp... đều có những hình thức xử lý nhất định như thổi còi, quyết định ngừng biểu diễn... Bài hát nói chung có nội dung phản cảm, giá trị thẩm mỹ chưa cao, giá trị nhân văn rất thấp thì phải ngăn chặn được trước khi đưa ra công chúng.
Như ông nói, câu chuyện ở đây là bài hát được thể hiện bởi các ca sĩ có tên tuổi, nổi tiếng, thu hút giới trẻ như Yanbi, Bueno, Mr.A, Mr.T... mà thu âm từ lúc nào, tổ chức sản xuất ra sao không ai hay. Chỉ khi sản phẩm được đưa công khai trên các trang nhạc trực tuyến, qua báo chí phản ánh, Bộ VH, TT&DL mới nắm được thông tin, thổi còi. Có vướng mắc gì trong quy trình khi đáng ra, những thứ "rác" này phải được chặn trước khi đổ vung ra giữa chốn công cộng, gây ô nhiễm rồi cơ quan chức năng lại phải đi gom, dọn lại?
Khi thông qua chương trình hoặc cấp các thủ tục để nghệ sỹ biểu diễn, sản xuất, tôi chắc cơ quan quản lý nhà nước đã phải xem xét xem họ biểu diễn gì, nội dung thế nào. Tôi sợ trường hợp hoặc là do buông lỏng, hoặc là người ta đăng ký một đằng nhưng hoạt động biểu diễn thực sự lại diễn ra kiểu khác. Với việc họ đăng ký - biểu diễn theo kiểu gian lận để trốn kiểm soát, biểu diễn theo tinh thần hoặc lời nhạc khác thì cũng phải xem xét, lỗi chính là ở các ca sỹ và người tổ chức sản phẩm biểu diễn đó.
Còn trường hợp dù biết rõ nội dung mà cơ quan cấp phép vẫn chấp nhận cho biểu diễn thì đó là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước.
Như lý giải của cơ quan quản lý, lỗi ở đây là của các website nghe nhạc trực tuyến đã đăng tải, công bố những sản phẩm âm nhạc này khiến đông đảo công chúng vô tình phải tiếp xúc với "rác". Cách giải thích này, nhiều người cho là chưa tròn trách nhiệm?
Tôi cho là bài hát đó, với nội dung không lành mạnh thì việc các trang nghe nhạc đưa lên hay không đưa lên thì cũng đã có cái sai từ gốc vì dù không phải đông đảo công chúng có thể tiếp cận mạng mà chỉ một vài người khán giả tiếp nhận văn hóa ấy cũng đã không nên. Còn việc lan tỏa của "rác" tới hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn công chúng thì tác hại của nó sẽ lớn hơn nhiều.
Hai ca sỹ Yanbi và Mr.T trong đêm Young Music tại Hải Phòng cuối năm 2013
Có một số ý kiến biện giải, đây là một dòng nhạc thực tế có mặt trong cuộc sống, dù không chính thống, không phải là đại chúng, các nghệ sỹ cũng học tập xu hướng này từ Âu, Mỹ về. Sự tồn tại của loại nhạc này cần được chấp nhận như một nhu cầu có thật của cả nghệ sỹ và khán giả nghe nhạc?
Tôi cho là không phải cái học nào cũng áp dụng vào Việt Nam được vì truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, các quy định về chuẩn văn hóa của Việt Nam không chấp nhận hình thức thể hiện nghệ thuật như thế. Không thể mang mọi đặc trưng văn hóa ở phương Tây vào áp dụng được. Ví dụ, trong đời sống xã hội phương Tây khá phổ biến, được chấp nhận như chuyện bình thường những hoạt động mà như ở ta coi là tệ nạn xã hội. Mỗi quốc gia có những quy định riêng nên cách biện giải là "học hỏi" như thế không xác đáng.
Còn ở một chừng mực nào đó, tầng văn hóa khác đi, nhận thức khác đi, xu hướng chung thay đổi thì chúng ta xem xét điều chỉnh sau còn trong thời điểm hiện nay, cần thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Trước đây, cuối năm 2013, Bộ Văn hóa đã từng phạt ca sĩ Yanbi và Mr.T 10 triệu đồng khi biểu diễn ca khúc Thu cuối bị dư luận lên án gay gắt bởi ngôn từ tục tĩu tại một đêm nhạc ở Hải Phòng. "Dính án" lần này, biện pháp xử lý của cơ quan chức năng nên theo hướng nào khi việc phạt tiền rõ ràng đã tỏ ra không mấy tác dụng?
Quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có nhiều mức, không chỉ có tiền mà có cả những quy định về cấm biểu diễn trong khoảng thời gian nhất định, công khai sự việc lên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí nếu vi phạm nghiêm trọng thì có thể không cho biểu diễn vĩnh viễn. Việc này chúng ta cần chờ để các cơ quan quản lý xem xét quyết định.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)
Theo Dantri
"Lực lượng công an rất chủ động và quyết liệt" "Tôi cho rằng, an ninh, trật tự trong bối cảnh hiện nay còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, vì vậy tôi rất chia sẻ những khó khăn, vất vả của lực lượng công an" - đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Hội Luật gia Việt...