Đại biểu Quốc hội lo lắng vì tiêu cực thi cử diễn ra có tổ chức, quy mô lớn
Đại biểu Quốc hội nói chất lượng giáo dục hiện nay không thực chất, trong khi giáo viên lại không dám “thương cho roi cho vọt”.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế – xã hội ngày 30/5, đại biểu Thái Trường Giang (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau) cho biết, những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây ở ngành giáo dục buộc ông không khỏi lo lắng, đôi khi còn nghi ngờ vai trò quốc sách hàng đầu.
Ông đánh giá, chất lượng giáo dục đào tạo không thực chất, bệnh thành tích trong giáo dục không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng vì những giải pháp của ngành hiệu quả thấp.
Ngành không mạnh dạn đối diện với sự thật để làm kết quả học tập trở nên thực chất, đúng với thực trạng hơn.
“Không phải là bệnh thành tích là gì, khi mà lớp có 43 học sinh thì 42 em giỏi, duy nhất một học sinh loại khá? Ngành giáo dục bây giờ tìm một học sinh yếu kém khó như mò kim đáy bể”, đại biểu nói.
Đại biểu Thái Trường Giang
Ông Giang cũng đánh giá, mối quan hệ giữa thầy trò ngày càng lỏng lẻo, đạo đức suy giảm.
Thầy, cô giáo không dám cư xử với học trò theo đúng nghĩa “thương cho roi cho vọt”.
“Để giải quyết vấn đề này cần nhà trường, gia đình và xã hội phối hợp chặt chẽ để củng cố mối quan hệ thầy trò vốn vô cùng đẹp đẽ và cao cả”, đại biểu tỉnh Cà mau nói.
Phiên thảo luận cũng nhận được nhiều ý kiến về vụ gian lận điểm thi tại ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang.
Theo ông Giang, đây là giọt nước làm tràn ly buộc ngành giáo dục phải xem xét và đánh giá lại hiệu quả thực chất của việc nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, đồng thời xem lại phương pháp coi thi, chấm thi… nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực.
Video đang HOT
Ông Giang lo lắng trước đây tiêu cực thi cử chỉ diễn ra nhỏ lẻ, còn ngày nay có tổ chức, quy mô lớn hơn, tinh vi hơn và diễn ra ở nhiều địa phương; do những người có chức, có quyền, có tiền, có thế lực trong và ngoài ngành giáo dục.
“Tôi có thể gọi gian lận thi cử năm 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai các cháu học thật và thi thật. Hành động gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội giáo dục nước nhà.
Từ những vấn đề này, tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng, trúng, thực chất hạn chế để có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa cứu vãn nền giáo dục”, ông Giang nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ luôn mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý nghiêm, chỉ ra những thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia những năm qua.
Người chịu trách nhiệm cụ thể không thể nói hoàn toàn là lỗi địa phương vì không phải chỉ một mà là nhiều địa phương phát hiện gian lận thi cử.
“Nếu phân tích kết quả không thể không đặt dấu hỏi, vì sao nhiều tỉnh miền núi điểm khá giỏi lại cao hơn Hà Nội, TP HCM. Nếu phúc tra cả nước, tôi tin sẽ còn rất nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua”, ông Hiếu nói và nhận xét đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại) cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thấy hết hệ quả tệ hại của vụ gian lận điểm thi, đó là khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà.
“Chỉ khi xử lý triệt để vụ này thì mới lấy lại niềm tin của người dân và để người dân tin rằng đất nước này vẫn còn pháp luật”, ông Cương nói và băn khoăn, sau sai phạm năm 2018, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực cải tiến kỳ thi năm 2019 nghiêm túc và an toàn, nhưng ai dám bảo đảm sai phạm sẽ không xảy ra?
Theo ANTD
Bộ trưởng LĐTBXH : Tăng tuổi hưu không phải để quan chức giữ ghế
Phải nhìn nhận Việt Nam hiện không phải ở giai đoạn đỉnh cao của dân số vàng, đang chuyển sang già hóa dân số.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu không có chuyện người già tranh chấp chỗ làm của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ với báo chí sáng 29/5.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ảnh V.H).
Thưa Bộ trưởng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay có nhiều luồng quan điểm khác nhau, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có lộ trình dài nhưng phải hành động mau lẹ, đặc biệt tiến tới thích ứng được với già hóa dân số vào 2035.
Chúng ta đang khẳng định Việt Nam là dân số vàng, nhưng thực chất thời điểm dân số vàng bắt đầu chuyển sang già vào 2014. Năm 2000, bình quân lao động bước vào tuổi lao động là 1,2 triệu, đến bây giờ lực lượng lao động đã giảm xuống còn 400.000 người.
Nếu tính về lực lượng lao động, có thể nói rằng, tỉ lệ lao động bước vào tuổi lao động ngày càng giảm, khoảng 7% người ở độ tuổi 60 trở lên.
Độ tuổi lao động đã được quy định từ năm 1961, tức là hơn 60 năm rồi. Khi đó, bình quân tuổi thọ Việt Nam mới trên 45 tuổi, đến nay tuổi thọ bình quân là 76,6, đặc biệt sống sau tuổi nghỉ hưu nữ là 79,5 tuổi - là một trong những nước có tuổi thọ cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thời gian đóng BHXH của nam và nữ đều thấp, thời gian hưởng lại rất cao. Thông thường các nước mức lương bảo hiểm là 30% đến cao nhất là 45%, nhưng ở Việt Nam người hưởng cao nhất 75%, bình quân là 70%.
Nếu một người bình quân đóng BHXH 28 năm thì chỉ đủ để chính mình hưởng trong 10 năm, 9,5 năm còn lại là phải lấy đóng góp của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ hiện tại. Do đó, riêng việc đảm bảo cân bằng ổn định của quỹ BHXH thì điều chỉnh tuổi hưu là cần thiết. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nằm trong tổng thể rất nhiều phương án và các luật khác chứ không phải chỉ Bộ luật Lao động này.
Tôi rất muốn báo chí tuyên truyền rộng hơn cho người lao động hiểu là đây là điều chỉnh dần dần, điều chỉnh theo lộ trình chậm và đến năm 2028 mới có người nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62, đến năm 2035 người nữ đầu tiên mới nghỉ hưu ở độ tuổi 60
Vậy người lao động có quyền được nghỉ hưu trước tuổi không, thưa Bộ trưởng?
- Người lao động trong 3 trường hợp: suy giảm sức khỏe, lao động nặng nhọc, độc hại có quyền nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi. Đi liền với đó, chúng tôi đang phải thiết kế chính sách, thậm chí có thể có người nghỉ hưu ở tuổi 50, hay quyền nghỉ hưu sớm hơn, nghỉ khi đóng đủ BHXH rồi, kể cả chưa đủ tuổi. Có nghĩa là không phải bắt buộc người lao động cứ phải đủ tuổi mới được nghỉ hưu.
Đối với đối tượng là công nhân, chúng tôi đặc biệt quan tâm. Chính phủ cũng đang rà soát lại toàn bộ ngành nghề, những công việc lao động nặng nhọc độc hại là phải có danh sách kèm theo Bộ luật Lao động.
Ví dụ, riêng lĩnh vực than hầm lò, chúng ta đang quy định 24 lĩnh vực có thể nghỉ hưu sớm hơn. Những lĩnh vực khác, lực lượng lao động có tình độ cao, như với ngành tòa án, kiểm sát..., các vị là giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học giỏi, phải khuyến khích họ làm suốt đời, họ muốn cống hiến đến lúc nào thì cống hiến.
Chúng ta cần phân biệt tuổi nghề và tuổi hưu. Nghỉ hưu là người đủ điều kiện để hưởng BHXH, còn nghề thì khác, bởi có nghề làm thời gian ngắn, có nghề làm thời gian dài. Như lao động trong lĩnh vực xiếc, thể thao chỉ được thời gian ngắn sau đó phải chuyển nghề. Có trường hợp người thôi làm quản lý rồi họ vẫn có thể làm nghề của mình. Ví dụ như làm luật sư có thể làm suốt đời.
Tôi rất muốn chúng ta hiểu một cách đầy đủ về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và đến lúc này chúng ta không thể không tăng tuổi nghỉ hưu. Nếu đến năm 2035 không điều chỉnh, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản hay một số nước hiện nay.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu liệu có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người trẻ không, thưa Bộ trưởng?
- Chúng tôi xác định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định và cả việc làm cho giới trẻ. Phương án 1 đã cân đối công việc hiện tại cho giới trẻ và cả cho cả người già. Hiện có 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang làm việc tiếp. Lúc này lực lượng lao động trẻ của chúng ta không dồi dào nữa. Tôi quan sát rất nhiều khu vực nông thôn, hiện nay chỉ còn người già và phụ nữ, không thấy thanh niên đâu.
Phải nhìn nhận Việt Nam hiện không phải ở giai đoạn đỉnh cao của dân số vàng, đang chuyển sang già hóa dân số. Cần khẳng định, việc tăng tuổi nghỉ hưu không có chuyện người già tranh chấp chỗ làm của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc. Đây là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, chúng ta sẽ chuyền gánh nặng cho thế hệ sau.
Trong dự thảo Luật lao động (sửa đổi), Chính phủ quy định nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:
Phương án 1, tuổi hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021).
Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).
Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Danviet
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ trình bày trước Quốc hội tờ trình gia nhập Công ước 98 Sáng 29/5, Quốc hội sẽ nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Ngày 29/5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8 của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội...