Đại biểu Quốc hội giám sát lời nói của Chủ tịch Hà Nội về chợ Trời
Bà Bùi Thị An khẳng định sẽ giám sát lời khẳng định của Chủ tịch Hà Nội trên báo chí về việc “kiên quyết dẹp bỏ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán tại chợ Trời”.
Liên quan đến loạt bài trộm phụ tùng ôtô tung hoành trên phố đăng trên Zing.vn, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Thị An cho rằng, nếu không dẹp được nạn mất cắp gương, phụ tùng người dân sẽ sống rất bất an.
Về việc này, chính quyền và Công an quận Hai Bà Trưng nói, sau chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND Hà Nội, các cơ quan đã vào cuộc kiểm tra quyết liệt hoạt động kinh doanh tại đây.
Có thế lực “chống lưng” ở chợ Trời?
Trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Đại Phong – Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, UBND quận này đã yêu cầu công an quận phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, Công an Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh hàng cũ, không rõ nguồn gốc ở khu vực chợ Trời.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hộ vi phạm và đã xử phạt hành chính. Vị chủ tịch quận khẳng định, lãnh đạo địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh tại chợ Trời.
Còn theo thượng tá Nguyễn Thành Tín – Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng, lực lượng công an của quận đã và đang họp bàn với quản lý thị trường tìm ra giải pháp xử lý khu vực chợ Trời sao cho hợp lý, hiệu quả nhất.
“Chúng tôi đang bàn bạc để lên phương án xử lý triệt để và làm rất quyết liệt”, thượng tá Tín khẳng định.
Cũng theo ông Tín, các phương án đưa ra phải hài hòa, không ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh. Các hộ kinh doanh nơi đây phải thực hiện cam kết kinh doanh đúng pháp luật.
“Siết chặt quản lý ở chợ Trời là việc phải làm để đảm bảo an ninh trật tự và tránh những bức xúc của người dân. Khi có phương án giải quyết cụ thể chúng tôi rẽ công bố rộng rãi”, ông Tín nói. Tuy nhiên, ông phó trưởng công an quận chưa đưa ra thời gian chốt phương án.
Nói về việc, có hay không ai đó “chống lưng” cho một số kẻ mua bán đồ gian tại chợ Trời, ông Tín thẳng thắn: “Có thông tin như vậy nhưng cần phải xác minh. Nếu có chúng tôi sẽ đề xuất xử lý người “chống lưng” theo quy định pháp luật”.
Video đang HOT
Một số phụ tùng ôtô không nguồn gốc bị thu giữ ở chợ Trời. Ảnh: Tùng Lâm
Một mũi tên trúng nhiều đích
Theo đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, lâu nay nạn ăn cắp phụ tùng ôtô gây nhức nhối cho người dân và du khách. Nếu không dẹp được nạn mất cắp gương, phụ tùng người dân sẽ sống rất bất an.
Không đồng tình với một số ý kiến là nên dẹp bỏ chợ Trời, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Quản lý diễn đàn otofun nhìn nhận khu chợ này xuất phát là nơi mua bán đồ cũ, là nơi mưu sinh của những gia đình, bà con tiểu thương chân chính. Đây cũng là điểm phục vụ tốt những ai có nhu cầu mua sắm trang thiết bị cũ cần thiết nhưng tiền bạc chưa rủng rỉnh. “Biện pháp quan trọng nhất là chính quyền nên làm chặt, nghiêm khắc với việc buôn bán hàng ăn cắp, hàng lậu. Các hãng ôtô cần chung tay với người tiêu dùng để áp dụng giá ưu đãi cho những phụ kiện dễ bị mất cắp. Khi đó, tôi tin “đất sống” cho những tên trộm cắp sẽ không còn”, ông Thắng nói.
“Người ta tới Hà Nội làm việc, tiếp khách, ngoại giao. Nếu chỉ đỗ xe vào cuộc họp rồi ra lại mất gương xe ôtô, tiếng xấu của Hà Nội sẽ lan truyền. Người ta không thể nào yên tâm để làm việc, hình ảnh của Hà Nội sẽ đi xuống”, bà An nói.
“Đã nói ra phải làm được. Bởi dẹp được các hàng hóa không rõ nguồn gốc tại chợ Trời, chính là dẹp được nơi tiêu thụ hàng ăn cắp, ăn trộm. Việc này cũng là chặn đường sinh sống của chính những kẻ bất lương, lười lao động. Tôi sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện tuyên bố của Chủ tịch Hà Nội”, đại biểu An nhấn mạnh.
Bà An cũng cho rằng, không nên võ đoán tất cả hàng hóa tại chợ Trời đều là gian, có nguồn gốc bất minh. Nhưng nên cho các cửa hàng tại đây cam kết không tiêu thụ đồ gian. Cam kết rồi mà vẫn vi phạm thì phải đình chỉ kinh doanh.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty luật hợp danh Thiên Thanh phân tích, việc các cá nhân, tổ chức buôn bán, tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa có biểu hiện nghi vấn (hàng hóa là đồ vật do phạm tội mà có) đang là một vấn đề hết sức nổi cộm tại các địa phương, đặc biệt là khu vực chợ Trời (Hà Nội). Tuy nhiên, để phân loại được đâu là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và đâu là đồ vật, hàng hóa do phạm tội mà có thì lại phải phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chứng minh của các cơ quan có thẩm quyền.
Việc chứng minh những hàng hóa, đồ vật như: Cần gạt nước, lazăng ôtô, gương chiếu hậu … là đồ vật do phạm tội mà có là hết sức khó khăn. Bởi nếu nói nó là “sản phẩm” của hành vi trộm cắp thì việc đầu tiên phải chứng minh được ai là người đã trộm cắp đồ vật đó? Và người mua đồ vật đó pháp luật có bắt buộc họ phải biết đó là đồ vật do trộm cắp mà có, trong khi nó không phải là tài sản phải đăng ký khi giao dịch hay không?
“Tôi cho rằng, những khó khăn trong việc xác định đối với hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đang là một rào cản lớn để có thể xử lý triệt để và tiến tới xóa bỏ hành vi này trong đời sống xã hội”, luật sư Tuấn Anh chia sẻ.
Để hạn chế tiến tới xóa bỏ hành vi vi phạm này, bên cạnh việc thắt chặt các biện pháp trấn áp tội phạm liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu, thì các cơ quan chức năng cần phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh các mặt hàng này viết cam kết không tiêu thụ đối với các hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ và đồ vật, hàng hóa nghi là do các hành vi phạm pháp mà có. Điều 250, Bộ luật Hình sự về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định việc này rất rõ.
Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì những cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với hàng hóa nêu trên có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa lên tới 40 triệu đồng. Đồng thời, còn bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều luật nêu trên.
Chiếc Mercedes – Benz C250 bị trộm cặp gương ở Hà Nội hôm mùng 4 Tết Bính Thân. Ảnh: Đặng Hữu Đạt
Trao đổi với Zing.vn, một đại lý kinh doanh xe sang ở phố Dương Đình Nghệ (Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cần dẹp bỏ các cửa hàng kinh doanh không rõ nguồn gốc, đầu mối tiêu thụ đồ ăn cắp thì vấn nạn trộm cắp phụ tùng ôtô chắc chắn sẽ thuyên giảm. Nói về vấn nạn trộm cắp gương, logo và phụ kiện xe gây bức xúc dư luận thời gian qua, đại diện Ford Việt Nam chia sẻ rằng có lẽ chỉ ở Việt Nam mới xảy ra việc này. Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam đều kiến nghị những nhà lãnh đạo và cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, đảm bảo trật tự xã hội và tạo môi trường kinh doanh trong sạch, đúng pháp luật, hòa nhập với sân chơi toàn cầu.
Theo Thắng Quang – Công Khanh – Nguyễn Hân (Zing)
Đột kích ma trận "hàng nhảy" và những mánh "luộc đồ" giữa chợ Giời
Những ai ưa thích kiểu săn đồ hiếm với giá rẻ đều ít nhiều biết đến chợ Giời (còn gọi là chợ Trời, Hà Nội) với vô thiên lủng hàng cổ kim này, từ nhỏ nhất như ốc vít, dây dợ cho đến mặt hàng thời thượng như phụ tùng, đồ chơi ô tô...
Gắn liền với cuộc sống từ thời bao cấp, chợ Giời dần trở nên quen thuộc với người Hà Nội, đến nỗi người ta nhiều khi quên hẳn đi tên thật của chợ là chợ Hòa Bình.
Đi chợ mất... biển số
Ở chợ Giời, gần như khách có thể mua bất cứ đồ gì cần mua mà có lẽ sẽ vô cùng khó để tìm được ở bất cứ một khu buôn bán hiện đại nào khác tại Hà Nội. Đó có thể là biển số của chính chiếc xe họ đi đến chợ, câu chuyện cười ra nước mắt của anh Vũ Hưng (26 tuổi, ở Đội Cấn, Hà Nội) là một minh chứng.
Số là, trong một lần đến chợ Giời tìm mua vài linh kiện cho chiếc máy ảnh, anh Hưng gửi xe ở một bãi trông giữ bên ngoài rồi đi vào chợ khoảng 30 phút, sau đó anh trở lại bãi xe. Phải mất một lúc tìm kiếm, anh Hưng mới choáng váng nhận ra chiếc xe Wave của mình vẫn còn đó, nhưng biển số thì đã "không cánh mà bay". Thắc mắc với thanh niên trông xe thì anh nhận được câu trả lời: "Ở đây chỉ trông xe chứ biển số thì ai mà trông được? Muốn tìm, anh thử quay vào chợ thì may ra...".
Lực lượng chức năng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh tại chợ Hoà Bình (chợ Giời).
Mặc dù rất khó chịu nhưng không còn cách nào khác, anh Hưng đành làm theo gợi ý của cậu thanh niên là quay vào chợ hỏi mua chính chiếc biển số của mình. Theo chỉ dẫn, anh đến một sạp ở ngõ Thịnh Yên, chuyên bán phụ tùng xe máy dò hỏi. Chỉ sau vài câu trao đổi, chủ sạp khẳng định không quá 20 phút sẽ tìm được với cái giá chắc nịch là 300 nghìn đồng. Thắc mắc về số tiền "cắt cổ" phải trả, anh Hưng được ông chủ giải thích: "300 nghìn là còn rẻ vì mất ở gần đây nên dễ tìm, chứ ở xa thì không những vừa phải đợi lâu mà giá phải từ 500 - 600 nghìn đồng".
Quả thật, chỉ sau hơn 20 phút len vào chợ, anh Hưng nhận ra cô nhân viên của cửa hàng đang vui vẻ trở lại, trên tay cầm chiếc biển số của mình. Vẫn còn ấm ức vì cuộc mua bán chóng vánh và "cái giá cắt cổ", nhưng vì biết tiếng "dân chợ Giời", không muốn thêm rắc rối nên anh đành ngậm ngùi trả tiền rồi quay lại bãi lấy xe đi về.
Cứ đặt hàng là... có!
Theo chân anh C.G (36 tuổi, ở Đồng Nhân, Hai Bà Trưng, Hà Nội), một dân chơi ô tô cổ, thường xuyên nhặt nhạnh "đồ chơi" ở khắp chợ Giời, PV được anh dẫn đi xem đồ ở vài sạp quen bên trong chợ. Đến một cửa hàng khá lớn, người phụ nữ tên Hiền (anh G giới thiệu là chủ cửa hàng) vừa lục lọi đồ theo mong muốn của anh G vừa xởi lởi giới thiệu giá, nguồn gốc của mỗi thứ.
Theo chủ cửa hàng này, hàng nhà chị có chủ yếu là do chị và người nhà tìm mua lẻ hoặc do người ta đem đến bán lại. Khi nghe PV than thở dạo này ô tô dễ mất "tai" (gương) quá, mà mua mới thì đắt nên không biết phải làm sao, chị Hiền lanh lảnh nói: "Mất "tai" thì cứ tìm đến đây, cả cái Hà Nội này chúng nó "nhảy" (vặt trộm - PV) ở đâu thì cũng phải mang về chợ này hết, nhà chị không mua được thì chị hỏi ở hàng khác cho, chỗ chị em, chị không lấy công. Còn nếu là bạn bè chú mất thì chị lấy vài chục, coi như tiền điện thoại, giá cả cứ trả theo mức chung là được".
Khi được hỏi mức chung là như thế nào, chị Hiền cho biết: "Ví dụ như em hỏi cặp gương nào đấy, người ta báo niêm yết khoảng 8 - 10 triệu đồng, thì em cứ trả mức thấp nhất là 8 triệu, cùng lắm thêm vài trăm là đúng giá". PV thắc mắc: "Nhưng mà nhiều ông phải mua lại chính đồ của mình, như thế sao gọi là đúng giá được?". Người phụ nữ lại ôn tồn giảng giải: "Đồ mất rồi thì kiểu gì cũng phải mua lại đúng không? Chú cũng biết, mò ra hãng thì có mà chết tiền, vớ vẩn vài hôm lại bị "nhảy" thì có mà khóc! "Anh chị" ở chợ này cũng phải dùng mối quan hệ đi tìm coi như là "giúp" khách thôi chứ lãi lời được mấy".
Qua thêm một vài cửa hàng, PV được biết với sự nhạy bén của mình, các tay buôn chợ Giời vẫn luôn có nhiều "mánh" khác nhau, cho khách hàng lựa chọn nhằm đáp ứng nhu cầu. Khách dễ tính, không muốn phải chi nhiều tiền thì có thể dùng hàng nhái với giá có lúc thấp đến hơn một nửa hàng chính hãng. Khách khó tính hơn thì có thể nhờ chủ hàng "dựng" đồ.
"Dựng" ở đây chỉ là một cách gọi lái đi của những kẻ sành sỏi, trên thực tế, tùy theo yêu cầu của khách, chính các chủ hàng đặt trực tiếp với một "đội quân du mục" bên ngoài nhằm tìm kiếm đồ, có thể là săn lùng mua lại ăn chênh giá, hoặc trắng trợn hơn là đặt hàng "nhảy" của những kẻ chuyên chôm chỉa. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao nhiều người kém may mắn bị mất đồ mà vẫn không thể tìm lại được đồ của mình ngay cả khi phải mò đến chợ Giời.
Tạm giữ hàng nghìn phụ tùng ô tô nghi vấn
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự (PC45 Công an TP.Hà Nội), trong dịp Tết Bính Thân - 2016 vừa qua, đơn vị này tiếp nhận 3 vụ trình báo mất trộm gương ô tô. Trong đó, có một vụ người dân trình báo vào ngày 28 Tết và hai vụ còn lại được trình báo trong mấy ngày Tết. Tuy nhiên, cũng theo nhận định của cơ quan công an, trên thực tế có thể vẫn còn có các trường hợp khác bị mất cắp phụ tùng xe ô tô nhưng do người dân ngại nên đã không trình báo công an. Ngoài ra, trong mấy ngày Tết, PC45 cũng nhận được trình báo về 2 vụ mất trộm cần gạt nước xe ô tô. Qua điều tra ban đầu cho thấy, các vụ mất trộm phụ tùng ô tô chủ yếu xảy ra ở những nơi vắng người, chủ sở hữu tài sản để xe ở nơi khuất, không có người trông giữ.
Ngay sau dịp Tết, ngày 14.2 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng và Đội quản lý thị trường số 5 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra các cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô tại khu vực quanh chợ Hòa Bình (chợ Giời), nơi được coi là điểm nóng về hàng gian, hàng giả. Qua kiểm tra hành chính, lực lượng liên ngành đã phát hiện, lập biên bản tạm giữ hơn 1.000 sản phẩm linh kiện, phụ tùng ô tô đã cũ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, như vòng bi, cần gạt nước, logo, logo ốp bánh, lazăng...
Toàn bộ số linh kiện, phụ tùng đã được bàn giao đến cơ quan quản lý thị trường để phân loại, xác minh, xử lý. Được biết, trên cơ sở phân loại, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những phụ tùng, cá nhân nào có dấu hiệu phạm pháp hình sự thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV, đại tá Dương Văn Giáp - Trưởng phòng PC45 Công an TP.Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng cảnh sát hình sự của các quận và của thành phố đã tăng cường kiểm tra giám sát trên địa bàn để phát hiện và bắt giữ các đối tượng có biểu hiện trộm cắp các loại phụ tùng ô tô. Dịp trước và trong Tết, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, PC45 cũng đã phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng để điều tra khảo sát 44 hộ kinh doanh phụ tùng ô tô xe máy ở hai phường Đồng Nhân và phường Phố Huế, yêu cầu các hộ kinh doanh này cam kết không tiếp tay, mua bán đồ cũ của các đối tượng đem đến bán. Nếu trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Tiếp tục chặn đường tiêu thụ đồ gian Đại tá Dương Văn Giáp cũng khẳng định, thời gian tới, PC45 vẫn phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục ra quân, đẩy mạnh công tác kiểm tra, phòng ngừa để các hộ kinh doanh phụ tùng ô tô, xe máy không có điều kiện tiếp tay tiêu thụ đồ gian. Lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền cho người dân các địa điểm thường hay mất trộm để phòng tránh. Đại tá Giáp cũng khuyến cáo, người dân không nên đỗ xe tại các địa bàn công cộng, nhất là ban đêm thì cần phải đưa đến điểm gửi xe. Trong trường hợp bị mất trộm các loại phụ tùng xe ô tô cần phải trình báo ngay với công an phường nơi gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết.
Theo Chí Công - Vũ Khoa (Người Đưa Tin)
Hành trình đại gia tìm lại gương siêu xe 3 lần bị vặt Ba lần bị trộm vặt mất gương thì hai lần, đại gia Hà Nội ra chợ Trời tìm và mua lại được chính đôi gương siêu xe bị trộm vặt trước đó không lâu. Mức giá ông phải trả khoảng 60% giá gương chính hãng mua mới. Đó là câu chuyện của anh Vũ Văn Định ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội)...