Đại biểu Quốc hội: Cáp treo không đơn giản chỉ là làm hay không
“Bản thân cáp treo không có tội. Điều này không chỉ đơn giản bàn chuyện có làm hay không mà phương án cụ thể như thế nào, thẩm định ra sao” – đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 7/11, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, cách đây hơn 10 năm, hệ thống cáp treo đầu tiên ở Yên Tử cũng gây dư luận xã hội mạnh mẽ nhưng cuối cùng mang lại kết quả tốt.
“Ví dụ, trước kia lên Yên Tử có duy nhất con đường mòn. Một trong những băn khoăn mà hội đồng tư vấn của Bộ Văn hóa mà tôi có tham gia là bảo vệ hàng tùng. Rõ ràng nhờ cáp treo mà nó được bảo tồn thay vì để hàng vạn người đi bộ, qua lại khu vực này”, ông Quốc nói.
Theo ông, nếu chỉ nói chung chung là xây dựng cáp treo thì mọi người chưa hình dung ra. Vấn đề là làm như thế nào, chọn tuyến không tạo phản cảm, có thể đi vòng, thậm chí đầu tư nhiều tiền hơn để làm cột cao hơn. Ví dụ cáp treo không đi ngang qua đường hành hương hay công trình kiến trúc, hạn chế tối đa việc phá rừng để xây cáp.
Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: N.Phương.
“Bản thân cáp treo không có tội. Theo tôi cáp treo cách cửa hang 300 m là an toàn. Điều này không chỉ đơn giản bàn chuyện có làm hay không mà phương án cụ thể như thế nào, thẩm định ra sao. Nếu duy trì bảo tồn như một số ý kiến gần đây thì chỉ có người giàu, người có chuyên môn sâu mới được phép vào khám phá hang. Phương thức duy nhất là hạn chế số người vào, chứ không phải hạn chế người nghèo vào”, đại biểu Quốc nói.
Đại biểu Quốc cũng cho rằng việc xây dựng cáp treo biết khai thác sẽ tạo cơ hội để người dân có cái nhìn toàn cảnh từ trên cao mà nếu chỉ đi dưới đất thì không thể có được.
“Tôi không ủng hộ vô điều kiện cũng không cật lực phản đối. Vấn đề là làm như thế nào, quản lý di sản ra sao. Nhà đầu tư thường coi trọng việc khai thác, nhưng tôi nghĩ họ cũng hiểu giữ gìn được di sản đồng nghĩa với việc họ được hưởng lợi lâu dài. Nếu thấy được trách nhiệm của nhà đầu tư, cộng với quản lý nhà nước chặt chẽ, giám sát xã hội tích cực, tôi nghĩ chúng ta nên cho xây dựng công trình này” đại biểu Quốc nói.
Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, lâu nay việc giải quyết vấn đề bảo tồn di sản, di tích với phát triển kinh tế xã hội luôn là bài toán khó khăn.
Nếu như chỉ bảo tồn mà không phát triển kinh tế xã hội thì di sản kém ý nghĩa. Nhưng nếu phát triển nóng thì việc bảo tồn di tích sẽ gặp rất nhiều khó khăn, di sản sẽ mai một, khi đó sẽ không còn điều kiện để phát triển.
Video đang HOT
Ông Lê Như Tiến. Ảnh: N.Phương.
“Việc xây dựng cáp treo qua Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vào Sơn Đoòng theo tôi phải hết sức cân nhắc vì khi xây dựng chắc chắn sẽ ảnh hưởng, không nhiều thì ít tới sự hoang sơ, cái gốc của di sản thiên nhiên thế giới. Chúng ta phải hết sức cân nhắc nếu như phá đi vẻ nguyên dạng của di sản”, đại biểu Tiến nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban đề nghị Quảng Bình cần lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, các nhà quản lý di sản, tham khảo ý kiến, kinh nghiệm quốc tế xem họ khai thác và bảo tồn di sản tầm cỡ thế giới như thế nào.
Theo ông Tiến, nếu cáp treo tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thăm quan ở vị trí tương đối xa di sản thì cũng có thể nghiên cứu được. “Di sản phải là tất cả người dân hưởng thụ chứ không phải chỉ dành cho người có tiền, cho nên việc làm cáp treo để phục vụ đông đảo người dân cũng là ý tưởng tốt. Tuy nhiên như tôi nói phải cân nhắc làm ở vị trí nào để bảo tồn được di sản nhưng cũng tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng giá trị của di sản”, đại biểu Tiến nói.
Trước đó, ngày 4/11, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức họp báo về dự án cáp treo Phong Nha – Kẻ Bàng. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh Phong Nha – Kẻ Bàng ở độ cao 50-250 m. Thông tin ngay lập tức gây xôn xao dư luận vì cho rằng sẽ ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và vẻ đẹp của cảnh quan.
Nam Phương
Theo VNE
PSG Đặng Văn Bài: 'Không nên vì bảo tồn mà cấm phát triển'
"Bảo tồn là phải phục vụ phát triển và ngược lại phát triển không thể bằng mọi giá mà hy sinh bảo tồn", PGS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam nêu quan điểm khi Quảng Bình có ý định làm cáp treo vào Phong Nha - Kẻ Bàng.
- UBND tỉnh Quảng Bình đang lấy ý kiến và cho nhà đầu tư khảo sát để xây dựng cáp treo vào Phong Nha - Kẻ Bàng. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Dự án đang ở giai đoạn khảo sát và chủ đầu tư hoàn toàn có quyền làm điều này mà không bị cấm đoán nếu không ảnh hưởng đến di sản. Họ đi khảo sát cũng giống như khách đi tham quan mà thôi. Dự án chưa hoàn thiện nên tôi chưa thể nói "có" hay "không". Nếu nói không thì là cảm tính chứ không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, với 37 năm làm về bảo tồn di sản văn hóa, từng duyệt hàng trăm dự án liên quan đến lĩnh vực này, cá nhân tôi chắc chắn không bao giờ ủng hộ dự án nào nếu nó ảnh hưởng đến di sản văn hóa. Trường hợp dự án đó không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít nhất đến di sản thì sẽ phải cân nhắc.
Nhu cầu bảo tồn, bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa cũng có thể coi là nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương nên dự án mà UBND tỉnh đưa ra, chúng ta không nên vội cản trở mà cần xem kỹ rồi đưa ra lời khuyên, tư vấn mang tính tích cực. Dự án này phải đáp ứng trước hết yêu cầu của UNESCO với di sản thiên nhiên thế giới, đáp ứng nhu cầu quản lý bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo tinh thần của luật Di sản văn hóa.
- Nhiều người lo ngại dự án trên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới với nhiều thành tạo hiếm có. Ông nghĩ sao về lo ngại này?
Ông Đặng Văn Bài. Ảnh: HT.
- Chắc chắn khi thực hiện bất kỳ công trình nhân tạo nào trong tự nhiên cũng gây ra ảnh hưởng dù ít hay nhiều. Vấn đề là làm sao để phát triển kinh tế - xã hội mà ít ảnh hưởng đến di sản, môi trường nhất.
Tất nhiên với di sản thiên nhiên tầm cỡ thế giới thì việc bảo tồn được phải đặt lên trên, và không thể hy sinh bảo tồn cho phát triển được vì như thế đâu còn là di sản nữa. Nhưng nếu vì nhu cầu bảo tồn mà cấm không cho phát triển thì sẽ mâu thuẫn. Ngược lại nếu phát triển bừa bãi, cốt đặt mục tiêu lợi nhuận và phát triển kinh tế xã hội lên trên, không quan tâm đến bảo tồn thì cũng là mâu thuẫn. Vì vậy, chủ đầu tư nếu phát triển mà hạn chế tối đa ảnh hưởng tới di sản thì có thể chấp nhận trong chừng mực nào đó.
Việc xây dựng cáp treo, hay bất kỳ dự án nào trong di sản thiên nhiên thì các đòi hỏi về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa phải khắt khe hơn và đáp ứng được yêu cầu của những bên hữu quan.
- Dự án liên quan đến di sản như thế nào thì được cho là hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thưa ông?
- Đó là khi nó không làm ảnh hưởng mà còn góp phần bảo tồn; điều hòa được lợi ích cộng đồng, lợi ích đối tác tham gia và mang lại công ăn việc làm cho người dân. Tôi cho rằng, dự án nào thực hiện được điều này thì sẽ được hoan nghênh và cộng đồng chắc chắn sẽ ủng hộ.
Quá trình khảo sát điều tra xây dựng, chủ đầu tư phải có ý thức tôn trọng môi trường thiên nhiên. Nếu tôn trọng, họ sẽ đặt ra các giải pháp để cân bằng giữa việc bảo tồn và xây dựng mới, giữa bảo tồn và phát triển. Chủ đầu tư cần tạo ra sự hài hòa trong lợi ích của các đối tác can dự đến dự án và đặc biệt là lợi ích của cộng đồng đang sinh sống gắn bó với di sản.
Tiếp đó, khi xây dựng dự án hoàn chỉnh rồi, để được phép thi công thì chủ đầu tư phải nhận được ý kiến từ cơ quan chủ quản, cụ thể ở đây là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cùng sự tham gia của các bộ, ngành liên quan như trường hợp này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng. Đặc biệt, dự án phải có sự đồng thuận của Trung tâm di sản văn hóa thế giới và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia - đơn vị tư vấn của Thủ tướng và giúp Bộ Văn hóa làm thẩm định.
Sau khi trình, nếu dự án không đạt chuẩn thì sẽ không được xây dựng. Một nguyên tắc trong xây dựng dự án ở khu di sản là chủ đầu tư cần căn cứ vào Nghị định 70 do Thủ tướng ký về xây dựng quy hoạch các dự án bảo tồn di sản văn hóa.
Các nhà thám hiểm đi trong hang Én. Con sông ngầm chảy qua đây rồi ra hang Sơn Đoòng. Nhiều người lo ngại khi cáp treo xây dựng ở đây sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cảnh quan và môi trường. Ảnh: NatGeo.
- Sở hữu di sản thiên nhiên thế giới nhưng Quảng Bình vẫn là tỉnh nghèo, người dân chưa được hưởng lợi từ di sản này. Ông có thể chia sẻ một số giải pháp được UNESCO khuyến cáo để giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế?
- UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên tham gia công ước bảo tồn di sản văn hóa thiên nhiên quốc tế phải thức tỉnh ý thức cộng đồng và trách nhiệm của quốc gia ấy, đồng thời thực hiện cam kết về việc bảo vệ sự toàn vẹn của di sản, bảo vệ được giá trị nổi bật, sự toàn cầu của di sản.
Một quốc gia thực hiện việc gì đó để phục vụ cho phát triển, UNESCO cũng không cản nếu như việc ấy không làm tổn hại đến sự toàn vẹn của di sản, không làm suy giảm giá trị nổi bật toàn cầu. Thậm chí hoạt động đó còn được khuyến khích nếu nó góp phần bảo vệ sự toàn vẹn ấy.
Tôi lấy ví dụ, trước khi được xếp hạng là di sản thiên nhiên thế giới thì trong vùng lõi của Cát Bà có cộng đồng dân tộc đang sống. Họ sống nhờ vào rừng như đánh bẫy, hái lượm khai thác nguồn lợi từ rừng lâu nay. Nhưng khu rừng giờ ở vị thế khác và cần được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, muốn phát triển du lịch thì phải tạo công ăn việc làm cho dân, để họ tham gia dự án có dịch vụ nhỏ và vừa để tồn tại cùng di sản. Vì vậy sự đồng thuận của cộng đồng người sống xung quanh di sản ấy cũng là yếu tố quyết định cho phép xây dựng công trình hay không.
Di sản văn hóa là của cộng đồng, do cộng đồng sáng tạo ra và cộng đồng bảo vệ nó, nhưng họ chỉ bảo vệ khi họ được hưởng thụ lợi ích về mặt tinh thần và vật chất. Thế nên bất kỳ dự án nào trong di sản phải tính đến lợi ích cộng đồng địa phương ấy.
- Cá nhân ông có băn khoăn gì về dự án này?
- Điều khiến tôi băn khoăn là nhà kinh tế thường đặt lợi nhuận lên hàng đầu chứ không phải lợi ích di sản. Bởi vậy tôi rất mong các nhà đầu tư hãy xây dựng dự án trên tinh thần tôn trọng sự toàn vẹn, tôn vinh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Có như vậy họ mới tìm được những giải pháp tối ưu thích hợp về khoa học kỹ thuật, kinh tế để giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển.
Nếu chủ đầu tư phát triển thái quá, thiếu kiểm soát gây những hậu quả nặng nề thì họ sẽ phải chấp nhận việc di sản bị loại ra khỏi di sản văn hóa thế giới. Trong trường hợp ấy hình ảnh quốc gia, uy tín thương hiệu quốc gia sẽ bị ảnh hưởng và suy giảm theo.
- Theo ông, Quảng Bình nên học tập mô hình cáp treo nào trên thế giới?
- Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang làm công việc này khá tốt. Nhưng họ rất tôn trọng môi trường sinh thái, văn hóa, tính toàn vẹn giá trị di sản và đặc biệt họ đã tạo ra các công trình đạt giá trị thẩm mỹ, xanh, sạch đẹp.
Tại Việt Nam, tôi thấy mô hình cần học tập là ở Yên Tử (Quảng Ninh), công ty thực hiện cáp treo đang làm khá tốt khi họ hạn chế quy mô xây dựng đến mức tối đa, tức là diện tích xây dựng thấp nhất theo nghĩa là vừa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cáp treo, vừa ảnh hưởng ít nhất tới môi trường.
Tuy nhiên, Yên Tử làm được không có nghĩa là các nơi khác cũng làm. Yên Tử có thể kiểm soát tốt dòng người tham gia du lịch ở mức độ và rõ ràng họ đang ngày càng phát huy lợi thế nhờ cáp treo. Quan trọng là họ luôn ý thức bảo vệ môi trường và sử dụng số tiền thu được để đầu tư cho bảo tồn di sản.
Hương Thu thực hiện
Theo VNE
Cáp treo khám phá Sơn Đoòng có "phá hỏng" di sản? PV đặt câu hỏi: Việc xây dựng tuyến cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng có ảnh hưởng đến rừng di sản? Lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư trả lời, sẽ đặt việc bảo vệ giá trị rừng di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng lên hàng đầu. Chiều 4/11, tại thành phố Đồng Hới, UBND...