Đại biểu QH muốn mặc quần soóc đi làm
Bác Hồ vận quần soóc tiếp khách quốc tế, nam nữ chiến sĩ Giải phóng quân từ chiến khu về Thủ đô đều mặc quần soóc…
LTS: Chiếc quần soóc tưởng chừng như chỉ để mặc đi chơi, nhưng ít ai còn nhớ trước đây, quần soóc được nhiều người lựa chọn làm trang phục thuận tiện để đi làm. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Bác Hồ cũng từng tiếp khách quốc tế trong trang phục quần soóc và khoác veston theo một kiểu cách thời thượng của người Hà Thành xưa.
Thời gian gần đây, ít ai mặc quần soóc đến công sở, cho dù sự thuận tiện, thoáng mát, phù hợp với khí hậu nước ta hơn hẳn những bộ quần dài, sơ mi thắt cà vạt, comple… Vậy tại sao bộ trang phục này lại “biến mất” khỏi công sở? Giờ là lúc nên để bộ trang phục này trở lại với môi trường công sở? Khampha.vn xin giới thiệu đến quý độc giả loạt bài xung quanh đề xuất mặc quần soóc đi làm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc mặc quần soóc đi họp
Nhà sử học Dương Trung Quốc bắt đầu câu chuyện với PV bằng đề xuất của một vị Thủ tướng Nhật Bản cách đây ít lâu, kêu gọi cởi cái cà vạt cho bớt nóng.
“Điều này khiến mình nghĩ liệu có thể cởi thêm cái gì nữa không? Tôi gợi ý nên trở lại với cái quần ống ngắn (gọi theo kiểu phiên âm của người Tây là cái quần soóc) của cánh đàn ông”, ông Quốc nói.
Bác Hồ trong trang phục quần soóc và khoác veston bên cạnh các ông: Phạm Văn Đồng, Chu Xương, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp (Ảnh chụp năm 1946)
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng có vài lần mặc quần soóc đến cuộc họp, cơ quan, công sở…. Ông Quốc cho biết, ông luôn gặp phải sự e ngại, bởi nhiều người không biết mặc quần soóc như vậy bị cấm không?
Theo nhà Sử học, những ai có ký ức về thời trước cách mạng đều biết rằng vận quần ống ngắn mùa hè rất phổ biến, không chỉ đối với giới trẻ năng động mà với cả lớp người cao tuổi.
Cái quần soóc không chỉ là đồ thể thao hay mặc khi đi pic-nic mà còn trở thành sắc phục của công chức trong một số ngành nghề.
Đến khi cách mạng thành công, cảnh sát của chế độ mới mặc quần ống ngắn đạp xe tháp tùng chiếc ô tô của Cụ Chủ tịch ra Quảng trường Ba Đình để đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Anh chị em lặn lội từ chiến khu về Hà Nội cũng được vận bộ quân phục mới do người Hà Nội may sắm để dự lễ điểm binh…, lấy cái quần ngắn ống để tôn thêm cái vẻ đẹp mạnh khoẻ của đội quân cách mạng.
Cụ Hồ cũng vận quần soóc tiếp khách quốc tế cho dù dấu ấn của tuổi tác cũng như đau ốm trên chiến khu để lại trên đôi chân vạn dặm của mình. Hơn thế, Cụ mặc quần soóc nhưng lại khoác veston theo một kiểu cách thời thượng của dân Hà Thành xưa.
Cái quần ngắn ống ấy được ống kính của các nhà nhiếp ảnh hay điện ảnh lưu giữ lại thành những chứng tích lịch sử của một thời đã qua.
“Nhưng vì sao đến nay không thấy ai mặc thứ quần ngắn ống ấy như một thứ trang phục được coi là nghiêm chỉnh mà chỉ được coi là thứ đồ dành cho giới trẻ, chỉ được dùng trong sinh hoạt thể thao hay chí ít là ngoài công sở”, ông Quốc nói.
Video đang HOT
Bác Hồ mặc quần soóc tiếp khách quốc tế
Phù hợp với khí hậu Việt Nam
Theo ông Dương Trung Quốc, quần soóc tiện dụng, thoải mái, kích thích năng động… do đó cần được quan tâm, nhất là ở nước nhiệt đới như Việt Nam.
“Không phải suồng sã lúc nào cũng mặc quần soóc, ví dụ như đến đám ma, đám cưới… không nên mặc. Tuy nhiên, nên coi mặc quần soóc là chuyện bình thường, không nên coi quần soóc chỉ để mặc đi chơi”, ông Quốc bày tỏ quan điểm.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc đã từng mặc quần soóc đi họp
Ngoài ra, mặc quần soóc còn giúp con người ý thức hơn về sự tiết kiệm. Ông Quốc nhấn mạnh đề xuất của một vị Thủ tướng Nhật Bản, tháo cà vạt cho bơt nóng. Đề xuất này nhằm giảm bớt nhu cầu sử dụng máy lạnh tại công sở, góp phần giảm bớt sự tiêu hao năng lượng. Thậm chí Nhật Bản cũng quy định máy lạnh công sở không được thấp dưới 28 độ.
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: Nước giàu có như Nhật Bản mà ý thức tiết kiệm cao như vậy, có đáng để chúng ta lưu tâm?
Ông Dương Trung Quốc cho biết, khi ông đặt vấn đề liệu có thể coi quần soóc là một thứ thời trang công sở mùa hè hay không, đại đa số bày tỏ sự tán đồng.
“Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng đó là một thứ trang phục “thiếu đứng đắn”, thậm chí còn sẵng giọng mắng người đề xướng dỗi hơi nêu chuyện dở hơi… Có lẽ vì thế mà chẳng thấy nhà thiết kế thời trang hay buổi trình diễn thời trang nào quan tâm đến cái quần ống ngắn này”, ông Dương Trung Quốc bày tỏ.
Tại sao chiếc quần soóc lại “biến mất” khỏi công sở? Nguyên nhân vì sao và vào thời điểm nào? Những họa sỹ, nhà nghiên cứu trang phục nói gì về đề xuất mặc quần soóc đi làm? Mời quý độc giả đón đọc bài 2: Quần soóc đi làm – trở lại sau 50 năm? vào 10h ngày 21/8
Theo Dương Tùng (Khampha.vn)
Lễ phục Việt Nam: Ai mặc?
Nguyên thủ quốc gia, người có tính chất đại diện cho nhân dân... sẽ mặc lễ phục trong dịp tiếp xúc ngoại giao, hội họp có tính chất quốc gia, lễ lớn của dân tộc.
Hiện nay Bộ VHTT - DL đang phát động cuộc thi thiết kế mẫu lễ phục Việt Nam. Mục đích, tìm ra bộ lễ phục để sử dụng trong các hoạt động quốc gia và quốc tế, nhằm tôn vinh, thể hiện ý thức tự hào của dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam...
Nhân dịp này, PV có cuộc trao đổi với PSG, TS, họa sỹ, NSUT Đoàn Thị Tình (Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc)
Là một nhà nghiên cứu về trang phục Việt Nam, bà có suy nghĩ gì về lễ phục?
Lễ phục là sắc phục của mỗi dân tộc, hình thành do nhiều yếu tố: Môi trường, địa lý, hoàn cảnh tâm lý xã hội, truyền thống đất nước, nguồn nguyên liệu, giao lưu văn hóa...
Lễ phục là thể diện và niềm tự hào về văn hóa mặc dân tộc, chứ không phải là sáng tác thiết kế thời trang theo xu hướng mốt.
Ai sẽ mặc lễ phục, thưa bà?
Nguyên thủ quốc gia, người có tính chất đại diện cho nhân dân... sẽ mặc lễ phục trong dịp tiếp xúc ngoại giao, hội họp có tính chất quốc gia, lễ lớn của dân tộc...
Có câu "Y phục xứng kỳ đức", nghĩa là trang phục thế nào, con người thế ấy. Có lễ phục để có vị thế giao tiếp với nước ngoài.
Các lãnh đạo APEC trong trang phục áo dài lụa tại kỳ hội nghị ở Việt Nam năm 2006. Ảnh: AFP
Lãnh đạo nước ta hiện nay khi tiếp xúc ngoại giao hoặc ngày lễ lớn thường là bộ âu phục comple với nam, còn nữ là áo dài. Bà nhận xét gì về trang phục kiểu này?
Mặc bộ âu phục như hiện nay, tôi thấy, như vậy cũng được nhưng không nên. Hiện nay các nhà lãnh đạo của ta thường mặc bộ comple đen trong các buổi ngoại giao, nhưng hãy để ý đến màu sắc. Cần nghiên cứu để có màu sắc phù hợp hơn.
Tại sao bà để ý đến màu sắc?
Màu sắc là ký hiệu thông tin gây ấn tượng cảm xúc hơn nhiều ký hiệu khác. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là màu sắc, đó cũng là tín hiệu để người ta nhận biết được văn hóa Việt Nam.
Tôi lấy ví dụ ở nước Nga, khi vị tổng thống lên nhậm chức, bao giờ mặc bộ comple, nhưng là bộ comple có màu xanh, màu cờ của nước Nga.
Lễ phục Nhật Bản, có chiếc áo màu đen gần giống với "áo đuôi tôm" của châu Âu, còn quần màu ghi. Lễ phục đó tạo ấn tượng người Nhật rất hiện đại nhưng có nét dân tộc, tôi cảm nhận rằng rất "Nhật Bản".
Ví dụ cá nhân bà thích màu sắc nào ở lễ phục Việt Nam?
Cá nhân tôi thấy, lễ phục mang tính trang trọng, cần sự hòa điệu về màu sắc. Tôi đã từng có tham luận tại một hội thảo về chiếc áo dài nữ.
Với áo dài của nữ, nên sử dụng hai màu đen và đỏ nhưng là màu đỏ tía ấm (hoặc màu hỏa hoàng) tượng trưng cho phương nam nhiệt đới.
Hòa sắc tông tối và sáng giữa hai màu đen và đỏ tía, tăng độ cảm giác rực rỡ trong sáng của màu. Điều này cũn phù hợp với môi trường nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, quanh năm tồn tại trong tông xanh lục của lá cây và màu nâu của đất.
Nó cũng là một yếu tố thể hiện về nhân sinh quan, thế giới quan của cư dân văn hóa lúa nước.
Tôi cũng xin lưu ý, nếu chiếc áo dài của phụ nữ trở thành lễ phục, ai cũng mặc được, nhưng người đại diện cho đất nước trong các buổi làm việc có tính chất ngoại giao thì màu sắc cần khác đi.
Có ý kiến băn khoăn, trong một buổi lễ, người mặc lễ phục sẽ khác biệt và dễ tạo cảm giác đẳng cấp, phân biệt giàu nghèo với những người còn lại. Ví dụ như thời phong kiến trước đây, màu áo vàng thêu rồng chỉ dành cho vua?
Nhà nước đã có quy định về trang phục công sở, trang phục đến nơi công cộng, đền chùa... Như vậy, với người biết tự trọng, khi đến những nơi như vậy, họ đã cần phải chuẩn bị trang phục cho phù hợp.
Nếu thời phong kiến, trang phục của vua với rồng phượng thể hiện quyền uy. Nhưng ngày nay, người lãnh đạo với nhân dân cùng một chí hướng. Song người lãnh đạo ấy là đại diện cho nhân dân, bộ trang phục cần nói lên văn hóa dân tộc.
Ví dụ, một nguyên thủ quốc gia đến dự hội nghị, ông ta mặc comple, những người còn lại trong đoàn cũng mặc comple. Riêng vị nguyên thủ sẽ mặc bộ comple có màu sắc và một vài chi tiết riêng biệt, chỉ dành cho nguyên thủ. Sự khác nhau về màu sắc không tạo sự cách biệt về đẳng cấp, chỉ là sự phân biệt giữa người nguyên thủ và những người khác.
Thậm chí, chưa chắc bộ comple của ngyên thủ đã đắt tiền bằng bộ comple của người dân. Vì người dân có thể mua bộ comple đắt tiền tùy thích, nhưng bộ của nguyên thủ đã theo quy định.
Cũng như vậy, nữ nguyên thủ mặc lễ phục áo dài theo quy định, nhưng những phụ nữ khác cũng mặc áo dài và có thể thêm nhiều đồ trang sức khác. Như vậy, bộ áo dài của phụ nữ mặc tại một ngày lễ nào đó còn có thể đắt tiền hơn lễ phục của nguyên thủ.
Hiện nay có hai luồng ý kiến, lễ phục nên theo hướng hiện đại, cải cách từ âu phục comple. Có ý kiến ngược lại, nên theo hướng truyền thống lấy tinh thần từ chiếc áo dài truyền thống dành cho nam (khăn đóng, áo the). Bà nghiêng về phong cách nào?
Tôi không nghiêng về phong cách nào, nhưng theo tôi thì lễ phục của Việt Nam, cần mang cả yếu tố hiện đại và yếu tố dân tộc và thuận tiện, phù hợp người Việt Nam. Tôi ví dụ, nước Nhật, Nga mặc comple nhưng họ không mất bản sắc dân tộc.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp thích nghi với môi trường tiếp xúc mà mặc lễ phục. Có ý kiến cho rằng, nên có hai mẫu lễ phục, nhưng không phải chọn hai bộ lễ phục để mặc đồng thời.
Lễ phục cần có quy định dành cho đối nội riêng, đối ngoại riêng. Khi đối nội, mặc theo phong cách dân tộc, hợp với ngày lễ lớn. Khi đi đối ngoại, mặc cho hòa hợp với với cộng đồng quốc tế, không "xa lạ" với bạn bè quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo Dương Tùng (thực hiện) (Khampha.vn)
"Việt Nam nên có hai mẫu lễ phục" Việt Nam nên có hai bộ lễ phục, một bộ mang phong cách hiện đại dùng cho dịp ngoại giao; một bộ lễ phục mang phong cách truyền thống, mặc vào dịp lễ lớn trong nước. Đó là đề xuất của ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam tại lễ phát động cuộc thi mẫu lễ phục Nhà...