Đại biểu QH: Luật quy định để lãnh đạo có đi chơi golf sẽ yên tâm
Liên quan đến vấn đề thể thao quần chúng, đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho rằng, luật cần phải quy định đầy đủ để trường hợp cán bộ công chức, nhất là lãnh đạo có đi đánh golf, chơi tennis yên tâm, bởi đây là quyền.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt. Ảnh VPQH.
Chiều 15.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Góp ý vào dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Thuận có phát biểu rất đáng chú ý. Liên quan đến thể thao quần chúng, đại biểu Việt cho rằng nếu trong luật chưa thể hiện thì nên thể hiện đó là quyền của người được tham gia rèn luyện sức khỏe, tham gia hoạt động thể thao.
Ông cho rằng, trong thực tế, nếu người dân tham gia thể thao thì không vấn đề gì nhưng cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt tham gia thể thao sẽ có ý kiến tại sao không lo làm việc lại đi hoạt động thể dục, thể thao.
“Cần phải khẳng định quyền tham gia hoạt động rèn luyện thân thể là quyền của mỗi người. Nếu luật chưa thể hiện thì cần phải khẳng định để cho cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo có đi đánh golf, chơi tennis gì thì yên tâm, bởi đây là quyền”, đại biểu Việt nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đặt cược trong thể thao như bóng đá, chọi gà, đua ngựa, đua chó là vấn đề nhạy cảm, còn nhiều ý kiến bất đồng. Tuy nhiên, đây là vấn đề phổ biến ở nhiều nước. Nhiều nước quản lý tốt. Ở Việt Nam, dù không cho phép nhưng nhiều nơi vẫn diễn ra hiện tượng đặt cược trong thể thao.
Video đang HOT
“Tôi là người cả đời không biết đến cờ bạc, cá cược nhưng thấy cần phải nói rằng Quốc hội nên suy nghĩ và xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Cá cược thể thao có lẽ là một thú vui, nó có thể xấu đi, mang tính ăn thua, ảnh hưởng đến an ninh trật tự nên rất cần được quản lý”, đại biểu Trí nói.
Vẫn theo đại biểu Trí, lần sửa luật này là cơ hội để đưa đặt cược thể thao vào luật, như ý kiến của 19 thành viên Chính phủ đã đồng ý, nhưng chỉ giới hạn một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện.
Cũng đề cập tới vấn đề này, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, Chính phủ xin ý kiến vấn đề đặt cược, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, dù không quy định trong luật nhưng thực tiễn vẫn đã và đang diễn ra.
“Chúng ta để tràn lan như vậy hay chúng ta có hành lang pháp lý để quản lý. Chúng ta cần nghiên cứu sâu, nhưng theo tôi nên mạnh dạn quy định trong luật và có những quy định hết sức chặt chẽ về vấn đề này, thừa nhận một số hình thức như cá cược bóng đá quốc tế chẳng hạn. Quy định rõ trong luật sẽ không làm thất thoát nguồn thu đồng thời giúp quản lý tốt hơn”, đại biểu Bình nói.
Giải trình về vấn đề đặt cược trong hoạt động thể thao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thời gian qua, vấn đề này đã du nhập từ quốc tế vào Việt Nam. Chính phủ đã cho phép thí điểm đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Khi thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị đưa vào luật với quy định chặt chẽ, nhưng cũng có nhiều ý kiến thận trọng đề nghị chưa nên đưa vào luật.
“Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát vấn đề này trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm phù hợp với thực tế xã hội cũng như cơ sở pháp lý”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay.
Theo Danviet
"Tăng thu nhập cho công chức để tránh tình trạng... sách nhiễu"
Ủng hộ đề xuất cơ chế cho phép nâng thu nhập cho cán bộ công chức của TPHCM, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phân tích, khối lượng công việc tại địa bàn thành phố rất lớn so với địa phương khác. Tăng thu nhập là cần thiết để tạo động lực cho cán bộ công chức để tránh tình trạng sách nhiễu...
Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 14/11.
Hà Nội cần cơ chế đặc thù. Các đặc khu kinh tế tới đây cần cơ chế đặc thù. Và TPHCM cũng đang xin cơ chế đặc thù để phát triển. Quan điểm của ông về việc này?
TPHCM có vị trí rất đặc biệt trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong những năm vừa qua, thành phố có mức tăng trưởng rất cao so với trung bình của cả nước (1,5 - 1,6 lần), đóng góp 21% GDP, 28% thu ngân sách. Nhưng so với vị trí, vai trò, so những lợi thế của mình thì thời gian vừa qua, TPHCM cũng đã có sự tăng trưởng chậm lại. Để phát huy sự đóng góp của thành phố với đất nước cũng như thể hiện sự quan tâm của đất nước với TPHCM thì cần có một cơ chế đặc thù, đột phá để khai thác tiềm năng lợi thế của thành phố đầu tàu này.
Nguồn lực cho phát triển chúng ta đang thiếu và giải pháp đặt ra là phải đưa ra các cơ chế, chính sách đột phá làm nguồn lực, động lực cho sự phát triển của thành phố. Ví dụ, đất đai là nguồn lực rất quan trọng của TPHCM mà một đơn vị diện tích đất nơi đây có thể tạo ra giá trị gia tăng cao hơn các địa phương khác. Cho phép việc chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa thành đất dịch vụ là một việc rất cần thiết. Vậy nên cần có đặc thù cho TPHCM để làm những việc như vậy.
Nhiều cơ chế được đề xuất, đưa ra trong dự thảo Nghị quyết khác với quy định của pháp luật hiện hành, thậm chí có vấn đề được xem là "vượt quyền" Quốc hội. Đâu là giới hạn trong trường hợp này, thưa ông?
Một trong những nguyên tắc rất quan trọng là đặc thù nhưng không được trái Hiến pháp, không được trái các điều ước quốc tế mà Việt nam đã tham gia.
Trên nguyên tắc này, có thể cho phép TPHCM phê duyệt các dự án nhóm A. Đây là việc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng nhưng phân cấp cho thành phố để đơn giản thủ tục hơn nhằm thúc đẩy những dự án hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Hay việc quyết định các mức phí, lệ phí đặc thù hoàn toàn có thể giao thẩm quyền cho thành phố. Chúng ta cũng có thể nghiên cứu một số loại thuế tài sản...
Vấn đề này báo cáo thẩm tra của UB Tài chính ngân sách cũng đặt vấn đề giao Chính phủ sớm trình Quốc hội dự án luật thuế tài sản và cho phép thí điểm trước hết ở TPHCM. Chuyện thuế tài sản, cần đánh giá tác động rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng cũng như phương pháp tính thuế để vẫn đảm bảo sự phát triển bình thường, không làm giảm đi yếu tố cạnh tranh của TPHCM so với địa bàn khác.
2 đề xuất khác dường như thuyết phục các đại biểu Quốc hội hơn là việc trao quyền chủ động để thành phố quyết định mức lương, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, chuyên gia cũng như thêm những nguồn thu để lại cho thành phố để đầu tư phát triển hạ tầng?
Cơ chế cho phép nâng thu nhập cho cán bộ công chức của thành phố tôi rất ủng hộ vì khối lượng công việc tại địa bàn như TPHCM rất lớn so với địa phương khác. Tăng thu nhập là cần thiết để tạo động lực cho cán bộ công chức, tránh tình trạng sách nhiễu. Theo đó, thành phố vẫn bảo đảm mức lương cơ sở như cả nước nhưng có tỷ lệ điều tiết lại để nâng cao thu nhập cho cán bộ.
Còn việc giữ lại nguồn thu từ đất đai, cổ phần hoá DNNN... để có dư địa cho thành phố sử dụng nguồn lực để phát triển, đảm bảo khả năng trả nợ của TPHCM. Vấn đề là sử dụng nguồn lực tài chính đó làm sao cho hiệu quả thì sự phát triển của TPHCM cũng sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Ông vừa nói đến cơ chế động lực để thu hút nhân tài nhưng có ý kiến là tăng lương chưa phải là yếu tố cốt yếu để giữ chân người tài mà cần có cơ chế để lựa chọn, tạo điều kiện cho việc tự quyết định bộ máy, tổ chức thế nào cho hiệu quả?
Theo tôi, việc này phải làm "rộng tay" hơn nữa vì chính quyền đô thị khác chính quyền nông thôn. Ví dụ, Chính phủ đã quy định số lượng cụ thể các sở, ngành ở địa phương, nhưng TPHCM có thể tổ chức nhiều hơn, ít hơn. Cần giao cho thành phố tự chủ sắp xếp bộ máy của mình để công việc hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo(ghi)
Theo Dantri
Cần Thơ chấn chính cán bộ công chức sử dụng mạng xã hội Thành ủy Cần Thơ vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn yêu cầu chấn chỉnh việc sử dụng mạng xã hội trong cán bộ, công chức, viên chức. Văn bản nêu rõ, thời gian qua, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến. Trong đó,...