Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: ‘Không thể lấy vấn đề của Bộ Công an để lý giải tôi nghĩ sai, phát biểu sai’
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục bảo vệ quan điểm và từ chối đính chính những gì đã nêu tại phiên chất vấn của Quốc hội.
Ngày 5/11, Bộ Công an thông tin liên quan đến nội dung chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đối với Bộ trưởng Bộ Công an vào ngày 31/10. Theo đó, Bộ công an dẫn ra những thống kê cụ thể để chứng minh phát biểu “vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp” của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng là không chính xác.
Trả lời phỏng vấn VTC News sáng nay bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng một lần nữa bảo vệ quan điểm của mình. Đồng thời ông Nhưỡng từ chối đính chính những gì đã nêu tại phiên chất vấn của Quốc hội.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn báo chí sáng 6/11.
“Đây là việc xuất phát từ hai cách hiểu khác nhau. Bộ Công an đưa ra thông tin ấy là nhằm vào một sự việc khác. Đó là đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ngành công an, còn tôi đánh giá mức độ, tỷ lệ vi phạm pháp luật của các cơ quan trong hoạt động tư pháp và cái này nêu trong phụ lục báo cáo riêng. Có nghĩa là hai cách nhìn nhận về hai vấn đề khác nhau. Không thể lấy vấn đề của Bộ Công an để lý giải rằng tôi nghĩ sai, phát biểu sai.
Hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Tôi nói là so sánh tỉ lệ vi phạm pháp luật tư pháp của cơ quan này với cơ quan khác. Việc thông tin mà Bộ Công an đưa ra, tôi nhất trí thôi. Cái này được đánh giá trong báo cáo khác của Uỷ ban Tư pháp.
Tôi cho rằng, trong quá trình công tác, lực lượng công an rất cố gắng, xử lý đến 12.000 tin tố giác. Nhưng theo báo cáo của Uỷ ban Tư pháp trình trước Quốc hội thì một số chỉ tiêu của ngành vẫn chưa đạt yêu cầu.
Vì áp lực về mặt thời gian, tôi không nói được đầy đủ, hết nghĩa. Buổi sáng hôm sau khi đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói về vấn đề đó, tôi đã nói lại rất rõ.
Ở đây, tôi khẳng định chỉ nêu về tỷ lệ so sánh vi phạm giữa các cơ quan trong hoạt động tư pháp. Cái này có tiêu đề, báo cáo đàng hoàng chứ không phải tự tôi nghĩ ra. Những vấn đề này nằm trong cùng một hệ quy chiếu. Có thể, do tôi nói nhanh, chưa nói hết được vấn đề. Hôm sau, tôi nói lại rồi, chứ không bịa ra điều đó”.
Về câu chuyện tranh luận qua lại với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) tại Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm: “Tôi đưa ra ý kiến chất vấn nhưng không hề nhận được thông tin phản hồi của các trưởng ngành, đó là điều hết sức đáng tiếc.
Video đang HOT
Theo quy định khoản 2 điều 19 của Luật Hoạt động Giám sát Quốc hội, việc chất vấn là của quyền của đại biểu với các chủ thể được chất vấn theo quy định. Các chủ thể này có trách nhiệm trả lời, thậm chí có thể yêu cầu chúng tôi nêu ý kiến lại, giải trình hoặc cung cấp thông tin.
Câu chuyện chất vấn là câu chuyện của đại biểu với trưởng ngành, không phải câu chuyện tranh luận giữa đại biểu này với đại biểu khác, không phải quy trình thủ tục của 1 phiên thảo luận.
Đặc biệt, đại biểu này không có quyền chất vấn đại biểu khác, nếu chất vấn như thế là chưa hiểu gì về vấn đề chất vấn và các quy định chất vấn. Các đại biểu có thể tranh luận với nhau nhưng không được đại biểu này chất vấn đại biểu khác.
Chỗ này phải hết sức thận trọng. Với nghị trường, phải tuân thủ sự điều hành của chủ toạ. Khi chủ toạ yêu cầu các bên gặp nhau thì anh không nên giải quyết vấn đề cá nhân. Phải tôn trọng kỷ luật chung, tôn trọng pháp luật.
Đặc biệt, tôi đã cảnh báo, nếu là tài liệu mật thì không được phép công bố. Người làm công tác pháp luật, càng phải hết sức thận trọng. Có thể lúc này chưa gây hậu quả nhưng là vi phạm pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước”.
Ngày 5/11, Bộ Công an thông tin liên quan đến nội dung chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đối với Bộ trưởng Bộ Công an vào ngày 31/10.
Bộ Công an nhấn mạnh tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng cung cấp thông tin đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho thấy đánh giá tình hình của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng không chính xác.
Bộ Công an cho rằng, Bộ Công an rất trân trọng tất cả các ý kiến đóng góp với tinh thần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch vững mạnh, đóng góp cho lực lượng công an khắc phục những vấn đề còn tồn tại thiếu sót để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình hiện nay.
Quan điểm của Bộ Công an là không chấp nhận các vi phạm trong hoạt động điều tra và tiến hành nhiều giải pháp nhằm hạn chế các vi phạm. Tuy nhiên, các ý kiến đánh giá cần khách quan, thận trọng, không chỉ nhìn ở khía cạnh tiêu cực mà cần đánh giá tổng thể để cử tri và nhân dân cả nước hiểu đúng vấn đề.
PHẠM THÀNH
Theo VTC
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: "Tôi khẳng định không nói bất cứ gì sai trái"
"Tôi giơ biển xin tranh luận sau tranh luận lần 2 của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (nhưng không được phát biểu) không phải tranh luận lại nội dung mà muốn nói: Quy tắc làm việc ở Quốc hội là đại biểu được tôn trọng.
Vấn đề tôi đưa ra là Bộ trưởng Bộ Công an trả lời, nhưng Bộ trưởng không trả lời. Tại sao Bộ trưởng Bộ Công an không trả lời mà đại biểu khác lại tranh luận với tôi vấn đề này", đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (ảnh quochoi.vn).
Tại phiên chất vấn của Quốc hội diễn ra tranh luận sôi nổi giữa đại biểu đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) và Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) xung quanh chuyện "vi phạm khủng khiếp của cơ quan điều tra". Đại biểu Cầu nói 2 lần, đại biểu Nhưỡng 1 lần, dù đại biểu Nhưỡng có giơ biển xin tranh luận, nhưng Chủ tịch Quốc hội đề nghị dừng cuộc tranh luận này tại hội trường. PV Dân Việt đã có trao đổi thêm với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng xung quanh câu chuyện này.
Hôm qua (1.11) khi giơ biển tranh luận lại đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), nhưng Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị dừng cuộc tranh luận này tại hội trường, nếu được phát biểu ông sẽ nói gì?
- Tôi muốn nói phát biểu thêm của đại biểu tranh luận với tôi sau giờ giải lao đã không đúng với tinh thần như Chủ tịch Quốc hội đã nói trước đó. Trong giờ giải lao, trao đổi với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tôi nói cách đặt vấn đề của tôi là hệ quy chiếu hoàn toàn khác. Còn khi phát biểu ở hội trường, tôi đã nói không công bố số liệu vì đây là báo cáo mật, vì thế đã phải tính tỷ lệ phần trăm. Tôi đảm bảo con số đã chia chính xác. Cần phải nói rõ thêm là phụ lục trong báo cáo đó chỉ nói về một vấn đề, đó là vi phạm của các cơ quan trong hoạt động tư pháp.
Tôi phải tính tỷ lệ để xem trong số vi phạm đó thì cơ quan nào có vi phạm cao hơn. Ví dụ, tổng số vi phạm của các cơ quan trong hoạt động đó là 10 thì phải xem cơ quan A vi phạm bao nhiêu, cơ quan B vi phạm bao nhiêu, cơ quan C là bao nhiêu, chính vì thế tôi phải chia tỷ lệ, cách làm đó là chính xác, khoa học.
Khi phát biểu tôi đã giãi bày trước Quốc hội, cử tri cả nước là mình làm việc một cách nghiêm túc, số liệu trong báo cáo mật tôi không công bố, chỉ nói tỷ lệ. Tôi không vi phạm quy định về bảo mật Nhà nước. Tôi khẳng định mình trung thực, khách quan, không lấy những gì ngoài luồng để đưa vào phát biểu, đây là cách làm việc của tôi. Cá nhân tôi cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu trong đó có những đại biểu là Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, họ cho rằng cách nhìn nhận của tôi là khoa học.
Còn đại biểu Nguyễn Hữu Cầu khi tranh luận đã nói, phải lấy số vi phạm chia cho tổng số vụ việc. Tôi cho rằng đây là câu chuyện khác, đó là việc của ngành Công an. Ở đây tôi chỉ so sánh giữa các cơ quan với nhau để xem cơ quan nào vi phạm nhiều hơn, cơ quan nào làm việc tốt hơn.
Tôi giơ biển xin tranh luận sau tranh luận lần 2 của đại biểu Cầu (nhưng không được phát biểu) không phải tranh luận nội dung mà muốn nói: Quy tắc làm việc ở Quốc hội là đại biểu được tôn trọng. Vấn đề tôi đưa ra là Bộ trưởng Bộ Công an trả lời, nhưng Bộ trưởng không trả lời. Tại sao Bộ trưởng Bộ Công an không trả lời mà đại biểu khác lại tranh luận với tôi vấn đề này?
Khi tranh luận, tôi không hiểu tại sao đại biểu Nguyễn Hữu Cầu là Đại tá Công an lại dám công bố số liệu trong báo cáo mật, lúc này phiên chất vấn của Quốc hội đang được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Về vấn đề này tôi sẽ có ý kiến với lãnh đạo Quốc hội.
Ông có nghĩ phát biểu chất vấn của mình trong ngày 31.10 chưa rõ có thể làm hiểu lầm dẫn tới phản ứng của đại biểu trong ngành Công an?
- Cũng có thể, bởi không phải ai cũng có thể nói hoàn hảo được. Nhưng tôi đã nói rõ đây là vi phạm của cơ quan điều tra chứ tôi không nói trong tổng số thụ lý đơn báo tố giác phạm, có 94% là vi phạm. Khi tôi xem trong báo cáo thấy vi phạm của cơ quan Công an nhiều nhất nên tôi so sánh với cơ quan tương đương, khi đặt so sánh không bao giờ đi đặt sai hệ quy chiếu, ví dụ không thể so sánh cơ quan công an với cơ quan không có chức năng trong hoạt động tư pháp. Tôi khẳng định lại là không nói bất cứ gì sai trái, đó là nguyên tắc làm việc của một chính khách. Khi tôi nói thái độ có thể rắn chắc, ngôn ngữ mạnh mẽ, còn sai thì không. Nếu tôi sai thì sẽ nhận lỗi ngay trước quốc dân đồng bào
Ông nghĩ sao về phản ứng của các cử tri trong lực lượng Công an trước phát biểu của ông?
- Việc phản ứng của các cử tri trong lực lượng Công an tôi rất chia sẻ, họ là những người làm trong ngành, đặc biệt là cán bộ điều tra. Tôi đã dự tính được vấn đề này, nhưng trách nhiệm trước nhân dân lớn hơn trách nhiệm trước một ngành nên phải chỉ ra. Tôi cho rằng giả sử những điều tôi nói ra anh em Công an cầu thị và chân thực có thể trao đổi với tôi. Những việc làm tốt, chưa tốt, tồn tại, hạn chế thì các báo cáo cũng đã nêu.
Tôi không vơ đũa cả nắm, cái gì làm tốt, hy sinh của anh em Công an tôi biết. Tôi biết điều này từ khi bắt đầu làm công tác pháp luật, tham mưu về cải cách tư pháp, cũng như tham gia thẩm tra, thẩm định các đề án của lực lượng Công an. Bên cạnh những mặt tốt, tôi biết trong số đó vẫn có "con sâu".
Ông có muốn nói rõ việc này trong phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm tới đây?
- Tôi chưa có dự định.
Xin cảm ơn ông (!)
Theo Danviet
Bộ Công an lên tiếng về tranh luận với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng Chiều 5.11, Bộ Công an chính thức có phản hồi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ về tranh luận xung quanh phát biểu của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng tại phiên chất vấn sáng 31.10. ĐB Lưu Bình Nhưỡng tranh luận tại Quốc hội sáng 31.10 ẢNH: TTXVN Theo đó, Bộ Công an dẫn lại chất vấn của đại...