Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Có cán bộ tưởng ‘chim vành khuyên’, điều tra ra mới biết là ‘quạ’
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng một số cán bộ tạo ra vỏ bọc tốt để tham nhũng, nhưng khi cái vỏ bọc vỡ ra mới phát hiện họ “không phải chim vành khuyên mà là quạ”.
Gần đây, hàng loạt cán bộ vi phạm khiến dư luận bức xúc, đặt dấu hỏi về tư cách của những người ngồi ở các vị trí cao trong bộ máy Nhà nước và ở các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước.
Trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng ( Bến Tre) – Phó ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc xảy ra hàng loạt các sai phạm thời gian qua của các cán bộ cấp cao một phần xuất phát từ kẽ hở của pháp luật.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.
“Nhiều cán bộ lợi dụng quyền lợi của mình để lách qua kẽ hở này, trèo lên pháp luật, nhảy qua, phá hàng rào pháp luật dựng lên trong các lĩnh vực.
Nguyên nhân sâu xa của các hành vi đó là máu tham, trục lợi, thoái hóa biến chất của các cán bộ. Nhiều trường hợp sai phạm rồi thậm chí khi ra tòa còn thoái thác là nếu có kiếp sau sẽ không bao giờ vi phạm.
Song song với đó, ở nhiều nơi, công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước còn chưa tới, có những cán bộ mua bán quyền chức để ngồi vào vị trí hiện tại, giờ họ phải kiếm chác để bù đắp lại cái bỏ ra. Những trường hợp đó thực sự là vô liêm sỉ”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bức xúc.
Vị Phó ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập tới một thực trạng nguy hiểm hiện nay là nhiều cán bộ tham lam, muốn trục lợi nên hình thành các nhóm lợi ích, mua chuộc lẫn nhau, ăn chia từ các khoản tham nhũng rồi dần hình thành thói quen ăn sâu vào máu.
Họ tạo ra các vỏ bọc tốt để tham nhũng, chỉ khi vỏ bọc vỡ ra mới phát hiện họ không phải là chim vành khuyên mà là quạ. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
Ông Nhưỡng cho rằng, thực trạng này phản ảnh thực tế rằng công tác đánh giá tổ chức Đảng ở một số nơi còn nhạt nhòa, chưa sát sao.
Tuy nhiên, vị đại biểu Bến Tre khẳng định tổ chức Đảng chỉ là một phần chứ không phải là tất cả. Đảng lo phần lãnh đạo, là linh hồn chứ Đảng không thể quản lý hết được bởi nếu các cán bộ muốn “làm thêm” ở các nơi khác thì không thể quản lý được.
Video đang HOT
“Vấn đề nằm ở công tác quản lý cán bộ. Lẽ ra với những người có lương tâm, khi thấy có trường hợp vi phạm phải xử phạt nhưng lại không làm rồi dẫn tới trượt dần, xuống vực thẳm, không thể cứu được”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Theo ông, không phải ngẫu nhiên mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư lại ban hành quy định nêu gương. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều người không coi đó là gì, không cần biết tới tấm gương. Bên ngoài thì tỏ ra là tấm gương, nhưng bên trong lại không phải vậy.
“Ở đây có một điểm vênh, đó là cái đạo đức thực sự với cái thể hiện ra bên ngoài. Họ tạo ra các vỏ bọc tốt để tham nhũng và rất khó có thể phát hiện. Chỉ khi vỏ bọc vỡ ra mới phát hiện họ không phải là chim vành khuyên mà là quạ”, ông chia sẻ.
Một sự thật phải chấp nhận đó là nhiều sai phạm vẫn đang và có thể sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong một số bộ máy. Việc loại bỏ nó là một quá trình lâu dài, không thể là chuyện một sớm một chiều.
Ông Nhưỡng cho rằng, giải pháp để gột bỏ những “con sầu làm rầu bộ máy” là thực hiện ráo riết các Nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ; sắp xếp lại bộ máy, thanh lọc, xử lý nghiêm khắc cán bộ để họ không dám tiếp tục các hành vi sai phạm.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng song song với việc xử lý các vi phạm, điều quan trọng là phải xây dựng môi trường để người ta không thể và không dám vi phạm.
“Ví dụ như nói về các sai phạm trong các doanh nghiệp Nhà nước, tôi khẳng định lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước không hề được tạo môi trường để kinh doanh theo quy luật thị trường như các doanh nghiệp tư nhân. Đứng trước cơ hội nào cũng phải xin phép, xin toàn bộ hệ thống.
Chúng ta cắt cử các lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước một cách rất kỳ lạ, đôi khi có sự giao thoa giữa lãnh đạo Nhà nước với cán bộ quản lý. Vì không thể nắm bắt được cơ hội thị trường, cái gì cũng phải xin phép để rồi dẫn đến hành chính hóa, cái gì cũng đổ thừa, ngồi đấy chờ, lời thì mình ăn, lỗ thì Nhà nước chịu thì sao không dẫn tới thất bại.
Rồi sau đó thất bại mà nắm được tận tay, day tận trán thì xử lý nhưng có thỏa đáng hay không? Lỗi của chúng ta là tạo ra một môi trường không phù hợp”, đại biểu Lan chia sẻ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.
Đại biểu Lan cho rằng trong mọi trường hợp cần phải xử đúng người, đúng luật. Nếu đánh giá là mức xử phạt quá nhẹ thì phải xem lại mức độ kỷ luật ghi trong luật với mức độ như thế nào. Nếu cảm thấy luật chưa đủ phải sửa từ luật. Khi kỷ luật một cán bộ cũng phải xem lại toàn bộ hệ thống: Ai đã đưa lên, ai đã tạo điều kiện, cơ chế có cho người đó làm việc, phát huy hay không.
“Tại sao có những người ban đầu vào rất hăng hái tới khi đi ra thì tất cả đều tàn tạ hết. Khi xử lý, các mức kỷ luật đã quy định hết rồi, luật như thế chỉ phạt vậy thôi. Nhưng làm thế đôi khi gây phản cảm với người dân. Khi tuyên truyền thì có cảm giác bao che cho nhau”, bà Lan nói.
Nữ đại biểu TP.HCM chia sẻ rằng thời gian gần đây, chúng ta thường nghe nhiều về các trường hợp kỷ luật, thậm chí tuần nào cũng có người bị kỷ luật. Mọi người cho đó là thực trạng xuống cấp của cán bộ. Nhưng cũng có thể đã xuống cấp từ trước rồi nhưng bao che, không ai dám nói.
“Hiện giờ, đứng trước các vụ việc tiêu cực, người ta có 2 lựa chọn. Nếu thấy nó xấu thì buông hoặc cố gắng đấu tranh để chống lại. Nhưng nếu tồn tại trình trạng bôi đen tất cả, buông xuôi tất cả, không ai muốn làm, muốn vạch trần, đó sẽ là thảm họa cho cả dân tộc”, bà Lan cho biết.
Ngày 4/6, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng là cán bộ Ngân hàng đầu tư và phát triển (BIDV) Chi nhánh Bỉm Sơn để điều tra, làm rõ hành vi lập hồ sơ khống để lừa đảo chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng của ngân hàng BIDV.
Ngày 2/6, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên An (quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm rõ thông tin tố cáo 2 cán bộ thuộc cơ quan này nhận 12 tỷ đồng “chạy” dự án gây ồn ào dư luận.
Tại kỳ họp từ 29-31/5, UBKT Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật ông Huỳnh Quang Hải, Ủy viên ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính với lý do chấp hành không nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Bộ Tài chính.
SONG HY
Theo VTC
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói gì về đơn kêu cứu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo?
Bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 6/6, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, ông đã nhận được đơn kêu cứu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi tới.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (ảnh quochoi.vn).
Sau phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng, trong đó có gửi tới ông, ông đã xử lý thế nào?
- Khi đơn thư của công dân gửi tới chúng tôi, chúng tôi đều đã xem xét, đặc biệt là đơn khẩn cấp thì việc xem xét càng hết sức nghiêm túc. Đơn của bà Diệp Thảo, chúng tôi đã chuyển đơn đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền của Tòa án.
Việc chuyển đơn được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp và các quy định pháp luật khác có liên quan để đảm bảo tính công lý, tính công bằng cho vụ việc này.
Sau phiên tòa xử vụ ly hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng.
Ông có nói đơn của công dân gửi tới đều được ông nghiên cứu, vậy qua nghiên cứu đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo ông thấy có vấn đề gì?
- Tôi đã nghiên cứu và thấy có nhiều vấn đề đặt ra. Thứ nhất, trong đơn bà Diệp Thảo rất phàn nàn và không bằng lòng về hoạt động tố tụng, rồi việc liên quan tới lời khuyên của thẩm phán. Bà Thảo cho rằng còn có lúc bị lừa để thực hiện các việc để hợp pháp hoá cho các vấn đề pháp lý.
Tôi cho rằng đây là vấn đề rất lớn. Trong quá trình xét xử có những vấn đề bộc lộ rất rõ là không bình thường như vấn đề đánh giá các loại chứng cứ và xác định các vấn đề về tài sản. Đối với một vụ án liên quan tới rất nhiều tài sản cần phân chia thì nếu tòa án không làm cẩn thận sẽ nảy sinh những xung đột tiếp theo.
Điểm nữa là tôi thấy băn khoăn nhất chính là việc "toà án tự quyết định thay các đương sự". Toà án không có thẩm quyền quyết định việc "người này thì được giữ cổ phần, người kia không giữ cổ phần. Bởi vì, cổ phần không chỉ liên quan tới tài sản mà còn liên quan tới quản lý công ty.
Hiện nay theo bà Diệp Thảo cho biết, bà ấy đang bị tước đoạt quyền điều hành công ty theo quy định của pháp luật. Công ty không chỉ là vấn đề tài sản mà còn liên quan tới quyền lực, quyền lực này còn thể hiện tính nội bộ của nó, nhưng lại là một vấn đề thể hiện trước xã hội. Bà Thảo bị tước cả danh hiệu nội bộ lẫn sự ảnh hưởng xã hội và chỉ trở thành người cầm tiền. Như vậy, câu chuyện này là lỗi của tòa án. Chúng ta phải xem xét hết sức thận trọng tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp.
Ông có nhìn nhận gì về kết quả phiên toà sơ thẩm hiện nay đã bị Viện Kiểm sát kháng nghị, người liên quan kháng cáo?
- Về bản án sơ thẩm bị đã kháng nghị, tôi cho rằng việc kháng nghị bản án đó không nằm ngoài dự đoán của mọi người. Ở đây không phải là câu chuyện bênh vực ai, mà vấn đề quan trọng là chúng ta phải đứng trung lập để xem xét.
Tôi lấy ví dụ như một điểm mà ai đọc đến trong bản án đó thì cũng thấy rất buồn cười, đó là việc tòa tuyên bà Thảo chỉ được nhận tiền, không được nhận cổ phần, giao hết cổ phần cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Không ai cho phép tòa án được phép tuyên người này chỉ nhận tiền mà không được nhận cổ phần, bởi đấy chính là tài sản của họ. Việc làm như vậy có nghĩa là đã vượt qua cả Hiến pháp và các đạo luật như Bộ luật Dân sự để anh phế bỏ quyền sở hữu tài sản của một công dân.
Vào ngày 6/6, tổ công tác của Cục Thi hành án Dân sự TP HCM đến biệt thự của bà Lê Hoàng Diệp Thảo để cưỡng chế thi hành án, buộc giao trả con dấu và giấy đăng ký kinh doanh cho Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên theo bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không thể thực thi quyết định cưỡng chế do biệt thự của bà Thảo không mở cửa, ông thấy sao về việc này?
- Việc trả con dấu, việc thi hành án phải theo đúng các quy định của pháp luật, nếu đã có quyết định của toà án (quyết định có hiệu lực) về việc trả con dấu thì phải thi hành.
Tuy nhiên, cần phải hết sức lưu ý trong xem xét các thủ tục thi hành án và những vấn đề có liên quan, thì việc trả con dấu là đúng hay không còn phụ thuộc vào những yếu tố đó nữa, chứ không chỉ căn cứ vào bản án. Cần hết sức lưu ý, việc thi hành bản án có hiệu lực pháp luật là yếu tố bắt buộc nhưng không có nghĩa là người ta thi hành ngay được mà có các yếu tố khác liên quan cũng cần phải xem xét.
Theo Danviet
Kỷ luật hàng loạt cán bộ vi phạm đạo đức, lối sống: 'Nêu gương phải thấm vào máu của mỗi cán bộ, đảng viên' Ông Nguyễn Túc cho rằng việc nêu gương phải thấm vào máu của mỗi cán bộ, đảng viên chứ không phải chỉ được thực hiện thông qua Nghị quyết. Tại kỳ họp lần thứ 36 vừa kết thúc cách đây ít ngày, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TW) xem xét, thi hành kỷ luật ông Huỳnh Quang Hải, Ủy viên ban...