Đại án VNCB: VKS đề nghị xử lý lãnh đạo 3 ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank
Theo đại diện Viện kiểm sát, nếu không có hành vi trái pháp luật của những người có trách nhiệm tại 3 ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank thì Phạm Công Danh không thể vay tiền, gây thiệt hại cho VNCB 6.120 tỉ đồng.
Ngày 1/2, TAND TPHCM tiếp tục xét xử Phạm Công Danh (sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt nam – VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh).
Tại phiên xử này, tòa triệu tập thêm đại diện công ty kiểm toán Ernst and Young để làm rõ việc điều chỉnh báo cáo tài chính 2014 của ngân hàng CB (tiền thân là VNCB) liên quan đến số tiền 4.500 tỉ đồng Danh đã dùng để tăng vốn điều lệ của VNCB.
Sau hơn hai tuần tranh luận, chiều 1/2, các bị cáo sẽ nói lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án
Trước đó, tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh khai sử dụng 4.500 tỉ đồng từ tổng số tiền vay tại BIDV, TPBank nộp vào VNCB để tăng vốn điều lệ, nhưng không được NHNN đồng ý. Nay, bị cáo Danh yêu cầu được đối trừ thiệt hại, khắc phục hậu quả cho vụ án.
Ngược lại, ngân hàng CB cho rằng 4.500 tỉ đồng này đã được VNCB sử dụng hết, đồng thời, số tiền này đã hòa chung vào dòng tiền của VNCB nên không biết thu chi như thế nào.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trước hơn 10 câu hỏi về vấn đề này, đại diện Ernst and Young trình bày: chỉ đến tòa với vai trò “ghi nhận lại các câu hỏi”, sau đó về báo cáo với lãnh đạo và có câu trả lời chính thức bằng văn bản gửi đến HĐXX.
Do đó, HĐXX đề nghị Ernst and Young trả lời sớm nhất, trường hợp không trả lời được thì cũng phải có văn bản chính thức.
Sau phần tái thẩm vấn, phía Viện kiểm sát cũng tranh luận bổ sung, giữ nguyên quan điểm về số tiền 4.500 tỉ đồng mà Danh khai dùng để tăng vốn điều lệ VNCB. Viện Kiểm sát khẳng định không coi số tiền này là vật chứng vụ án nên không đề nghị thu hồi và đề nghị HĐXX trao quyền cho Danh khởi kiện dân sự ngân hàng CB để đòi khoản tiền này.
Tuy nhiên, nhóm luật sư bào chữa cho Danh không chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát, đề nghị HĐXX căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu để giải quyết dứt điểm về khoản tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ VNCB trong vụ án hình sự này.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát cho rằng kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa cho thấy: nếu không có hành vi trái pháp luật của những người có trách nhiệm tại 3 ngân hàng (BIDV, Sacombank và TPBank) thì Phạm Công Danh không thể dùng tiền của VNCB bảo lãnh để 3 ngân hàng trên cho 29 lượt công ty vay được tiền bằng những bộ hồ sơ khống, sau đó chuyển cho Danh sử dụng và VNCB sẽ không bị thiệt hại 6.120 tỉ đồng.
Do đó, ngoài các bị cáo đã bị xét xử tại phiên tòa này, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND Tối cao tiếp tục điều tra làm rõ, có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật đối với những cá nhân tại 3 ngân hàng nêu trên.
Xuân Duy
Theo Dantri
Luật sư của bà Hứa Thị Phấn đồng thuận đề nghị thu hồi 6.120 tỉ đồng từ BIDV, TPBank, Sacombank
Luật sư bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn đồng ý với nội dung mà Viện kiểm sát đề nghị thu hồi số tiền 6.120 tỉ đồng từ các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.
Ngày 30/1, phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (sinh năm 1959, nguyên phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận.
Phạm Công Danh tại tòa
Mở đầu phần bảo vệ cho bà Phấn, luật sư Trương Thị Minh Thơ và Nguyễn Thị Thanh Thảo đồng ý với nội dung mà Viện Kiểm sát đề nghị thu hồi số tiền 6.120 tỉ đồng từ Sacombank, TPBank, BIDV và trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 6.120 tỉ đồng của ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh cho 3 ngân hàng.
Luật sư cũng nhất trí với Viện Kiểm sát không thu hồi 600 tỉ đồng ông Danh đã chuyển vào Ngân hàng Xây dựng (VNCB) để trả nợ cho các hợp đồng tín dụng của nhóm Phú Mỹ thông qua tài khoản phong tỏa của bà Phấn.
Bởi vì theo luật sư, các giao dịch giữa ông Danh, bà Phấn và VNCB liên quan đến tái cơ cấu VNCB không thể khôi phục bằng vụ kiện khác vì các giao dịch này đã được thay thế bởi giao dịch mua lại 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước.
Luật sư cũng khẳng định rằng VNCB, ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh mới là người thụ hưởng cuối cùng 600 tỉ đồng. Đồng thời, 600 tỉ đồng ông Danh chuyển cho bà Phấn không phải là vật chứng vụ án để thu hồi, xử lý và không phải tiền do phạm tội mà có.
Liên quan tới khoản tiền này, luật gia Vương Công Đức (bảo vệ cho Sacombank) cho rằng, tại phiên tòa Phạm Công Danh và Phan Thành Mai đã thừa nhận sai sót và xin lỗi ngân hàng Sacombank. Không có lý do gì để yêu cầu BIDV, Sacombank, TPBank trả tiền cho VNCB cả.
"Đường đi của tiền từ VNCB đến ngân hàng chúng tôi và đến sáu công ty vay vốn và đến Tập đoàn Thiên Thanh rồi thì quay về cho ông Phạm Công Danh. Vì sao Viện Kiểm sát chỉ dừng dòng tiền đi tại Sacombank của chúng tôi. Viện Kiểm sát không đặt sự công bằng lên trên trong vụ án này. Nếu yêu cầu thu hồi tiền thì không thể đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các tổ chức kinh tế trong nền kinh tế"- luật gia Đức, thắc mắc.
Vị luật gia này xác định Sacombank cho vay đúng và không có nghĩa vụ liên đới đến thất thoát xảy ra tại VNCB. Việc cho rằng Sacombank đồng phạm với VNCB và gây ra thất thoát là khiên cưỡng. Ngân hàng Nhà nước đã xác định rằng những giao dịch cầm cố tiền gửi giữa Sacombank và VNCB là đúng quy định. Mọi giao dịch là đúng với quy định hiện hành.
Sacombank không giao dịch với các cá nhân ông Phạm Công Danh hay Phan Thành Mai mà là giao dịch với các công ty và ngân hàng VNCB. Giao dịch đã hoàn tất 4 năm và không có bên nào có ý kiến liên quan. Bây giờ, khởi tố vụ án lại đưa Sacombank vào sai phạm và phải trả tiền cho VNCB là hoàn toàn vô lý.
Phiên tòa tạm nghỉ đến ngày 1/2, Viện KSND TPHCM sẽ đối đáp lại các quan điểm của luật sư.
Xuân Duy
Theo Dantri
Cựu Phó Chủ tịch PVC trong vụ án ông Đinh La Thăng kháng cáo Bị HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt 6 năm tù giam về tội "Cố ý làm trái..." trong vụ án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam, (PVN) và Tổng Cty Xây lắp Dầu khí (PVC), cựu Phó Chủ tịch HĐQT PVC, Nguyễn Ngọc Quý đã làm đơn kháng cáo. Những sai phạm tại Nhà máy...