Đại án VNCB: Vi phạm nghiêm trọng từ thời… Trust Bank
Trước khi chuyển đổi thành Ngân hàng Xây dựng và được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, Ngân hàng Đại Tín đã bị âm vốn hàng ngàn tỷ đồng. Đây là hậu quả của những sai phạm từ nhóm Phú Mỹ mà bà Hứa Thị Phấn đại diện cấu kết cùng các lãnh đạo cũ của ngân hàng này thực hiện.
Vi phạm nghiêm trọng từ thời… Trust Bank
Tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, đại diện Viện kiểm sát nêu, trước khi bán Ngân hàng Đại Tín – Trust Bank (sau này là Ngân hàng Xây Dựng – VNCB) cho Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn (Chủ tịch), Trần Sơn Nam (Tổng Giám đốc) đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân hàng. Nhóm này đã khiến ngân hàng rơi vào tình trạng âm 2.854 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng.
Bà Hứa Thị Phấn và ông Phạm Công Danh tại phiên toà sơ thẩm
Viện kiểm sát phát hiện nhóm bà Hứa Thị Phấn có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định cho vay, sử dụng 29 cá nhân đứng tên vay tiền không có tài sản hoặc nâng khống giá trị để vay tiền góp vốn cổ phần ngân hàng, mua bán tài sản cố định, mua bán nhà lòng vòng không thực hiện nộp thuế…
Điển hình là trong quan hệ của Trust Bank với “ Công ty Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh”, như chính ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai – nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng khai tại phiên toà đã chỉ ra cụ thể: Nhóm Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn đã lợi dụng hồ sơ của hợp đồng mua bán trái phiếu 2.000 tỷ, nhận tài sản thế chấp, làm các thủ tục giải ngân nhưng đã sử dụng và chiếm đoạt, không giao tiền cho người vay nhưng vẫn ghi khống nợ vay cho khách vay.
Viện kiểm sát đã đề nghị khởi tố vụ án điều tra nhóm Hứa Thị Phấn về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định cho vay, trốn thuế, chiếm giữ trái phép tài sản…
Theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 7/2012, với sở hữu gần 85% cổ phần, nhóm Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam thao túng toàn bộ hoạt động của Trust Bank nhằm mục đích phục vụ cho bà Phấn và các công ty, dự án của bà Phấn. Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Hội đồng tín dụng ngân hàng vi phạm pháp luật là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả thua lỗ nghiêm trọng cho Trust Bank.
Quang cảnh phiên sơ thẩm xét xử đại án tham nhũng VNCB
Nhóm bà Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn nhờ hàng chục người đứng tên để vay hơn 3.600 tỷ đồng, với tài sản là đất nông nghiệp giá trị 200.000 đồng/m2 đã được nâng đến mức 32 triệu đồng/m2; dùng gần 1.000 tỷ đồng của Trust Bank để góp vốn vào chính các dự án kinh doanh bất động sản của bà Hứa Thị Phấn, rồi sau đó chính bà Phấn là người sử dụng khoản tiền này cho mục đích cá nhân. Trust Bank tạm ứng cho công đoàn ngân hàng này 135 tỷ lại để góp vốn với chính Công ty Lam Giang của bà Phấn. Trust Bank tạm ứng cho Công ty chứng khoán Đại Việt (có vốn góp của nhóm bà Phấn) 200 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Hứa Thị Phấn, ông Hoàng Văn Toàn còn mang 700 tỷ đồng của ngân hàng này gửi tại các tổ chức khác. Những số tiền khủng này hiện chưa thu hồi được.
Video đang HOT
Đặc biệt, bà Hứa Thị Phấn còn có dấu hiệu thông qua người nhà, công ty của mình mua tài sản với giá thấp, rồi nâng khống rất cao để bán lại cho ngân hàng với giá cao nhằm thu lợi bất chính. Tổng số tiền Trust Bank đã mua bất động sản hơn 3.600 tỷ đồng, số tiền vi phạm vượt mức luật cho phép hơn 2.100 tỷ đồng. Riêng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch được bà Phấn mua rồi bán cho chính Trust Bank hưởng chênh lệch hàng ngàn tỷ đồng.
Giá như xử lý sớm hơn!
Trong một diễn biến khác, nhóm Phương Trang cũng đã lên tiếng tố cáo nhóm Phú Mỹ do bà Phấn làm đại diện. Phía Phương Trang khẳng định họ chỉ là khách hàng có quan hệ tín dụng với Trust Bank chứ không liên quan đến bà Phấn. Thế nhưng, khi đang là người thâu tóm mọi quyền hành của Trust Bank, nhóm Phú Mỹ đã “phù phép” để đưa Phương Trang gánh nợ thay cho nhóm Phú Mỹ với khoản tiền hơn 6.000 tỷ đồng.
Từ đơn tố cáo của Phương Trang và các tài liệu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân TPHCM cho rằng, nhóm bà Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn và một số cá nhân tại Trust Bank đã có dấu hiệu lợi dụng pháp nhân, các hồ sơ vay vốn của nhóm Phương Trang rút hơn 6.000 tỷ đồng của Trust Bank nhưng “đổ thừa” cho nhóm Phương Trang.
Nhóm khách hàng Công ty Phương Trang thế chấp tài sản trị giá 14.500 tỷ đồng và làm các thủ tục vay vốn tại Trust Bank nhưng nhóm khách hàng này mới nhận 3.436 tỷ đồng tiền vay từ Trust Bank. Theo logic thì ngân hàng phải là người quản lý chặt chẽ hồ sơ vay, chủ động đối chiếu công nợ với khách. Thế nhưng, chính nhóm Phương Trang lại nhiều lần yêu cầu, thường xuyên thúc giục Trust Bank đối chiếu công nợ, hoàn trả các chứng từ, hồ sơ vay.
Hiện nay Nhóm Phương Trang vẫn đang bị cầm giữ trái phép tài sản 14.500 tỷ đồng trên tổng dư nợ vay chỉ có 3.436 tỷ đồng. Khi phát hiện bị ghi khống nợ lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhóm Phương Trang đã phải tố cáo, cầu cứu các cơ quan chức năng liên tục trong thời gian dài.
Vì hành vi này của nhóm Phú Mỹ nên VNCB hiện nay vẫn đang hạch toán ghi nợ khống cho nhóm Phương Trang 9.437 tỷ đồng, trong khi số tiền vay thực tế chỉ là 3.436 tỷ đồng.
Căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bị “thổi giá” để hưởng chênh lệch khủng
Như vậy, qua các sai phạm toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động (tín dụng, đầu tư, mua sắm tài sản…), nhóm Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn , Trần Sơn Nam đã có dấu hiệu rút ra hơn 12.000 tỷ đồng của Trust Bank để sử dụng riêng.
Theo Viện kiểm sát nhân dân TPHCM, các sai phạm của bà Hứa Thị Phấn đã được phát hiện từ tháng 7/2012. Thế nhưng, ngày 12/2/2015, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Ngay sau đó, Viện kiểm sát TPHCM đã ra quyết định số 04/QĐ-HBQĐKKTVA-P1 ngày 22/4/2015 huỷ bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của công an TPHCM và yêu cầu công an TPHCM làm rõ khởi tố vụ án hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật. Hơn 4 năm sau, ngày 9/9/2016, khi xử ông Phạm Công Danh, TAND TPHCM mới có quyết định khởi tố vụ án Cố ý làm trái, Vi phạm quy định về cho vay với nhóm Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn.
Từ quyết định khởi tố vụ án này đến quyết định khởi tố bị can với Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam liệu có tiếp tục là một quãng đường dài như trước đó? Đến bao giờ vụ án mới kết thúc, số tiền khổng lồ mà nhóm Phú Mỹ đã rút ra hiện ở đâu?.
Giá như không có những sai phạm của bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm ở Trust bank thì chắc những sai phạm, thất thoát ở đại án VNCB cũng chưa đến mức “khủng” như hiện nay…
Công Quang
Theo Dantri
Ông Phạm Công Danh ôm hoạ vì 'giấc mơ' ngân hàng
Mua lại ngân hàng đang thua lỗ nặng, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh kỳ vọng sẽ vực dậy thành nhà băng phục vụ ngành xây dựng nhưng chỉ sau hai năm số nợ đã tăng lên 38.000 tỷ đồng.
Giữa năm 2012, với tư cách là doanh nhân - người nắm giữ Tập đoàn Thiên Thanh với tiềm lực tài chính rất lớn, ông Phạm Công Danh được ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương) gợi ý mua lại Ngân hàng Đại Tín do bà Hứa Thị Phấn làm Chủ tịch HĐQT.
Là doanh nghiệp thành công đi lên từ nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, ông Danh có ý tưởng thành lập một ngân hàng riêng biệt nhằm thúc đẩy ngành xây dựng như những ngân hàng chuyên biệt ở các nước phát triển.
Sau cuộc gặp gỡ ba bên, dù biết Đại Tín đang bị âm chủ sở hữu là 2.800 tỷ và lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, 95% dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, song Chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh vẫn bất chấp. Ngoài 500 tỷ đồng trả cho ông Thắm (được cho là tiền đã bỏ ra để chăm sóc khách hàng của Đại Tín trong thời gian tiếp quản lại từ bà Phấn), ông Danh đồng ý mua lại ngân hàng này với giá 4.620 tỷ đồng.
Lúc này, tài sản của Đại Tín còn hơn 100 tỷ đồng tiền mặt, 2 lô đất tại quận 2 và huyện Nhà Bè với giá trị ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế hai lô đất này đã bị bà Phấn và các cổ đông khác đem thế chấp cho chính Đại Tín để đảm bảo cho các khoản vay trước đó.
Ông Danh thất bại với ý tưởng xây dựng ngân hàng chuyên biệt phục vụ lĩnh vực xây dựng. Ảnh: Hải Duyên.
Ông Danh sau đó đặt vấn đề với Phan Thanh Mai (từng là Tổng thư ký hiệp hội bất động sản Việt Nam và làm việc ở nhiều ngân hàng) nhờ viết đề án quy hoạch tái cơ cấu thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với tiền công 3,2 tỷ đồng. Sau này, Mai được đưa vào làm Tổng giám đốc VNCB.
Theo ông Danh, ông và Mai rất "tâm đầu ý hợp". Ông cũng khá tin tưởng vào tài năng của Mai vì anh từng được đào tạo bài bản ở nước ngoài về quản trị tài chính. Ngồi ghế Chủ tịch VNCB nhưng bản thân không biết gì về tài chính tín dụng nên mọi hoạt động điều hành ông đều giao cho Mai, phần mình chỉ lo tìm cách đi huy động tiền cho ngân hàng.
Lý giải về lý do chấp nhận mua lại một ngân hàng đang thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, ông Danh nói lúc đó "tự tin vào tiềm lực tài chính của mình" với rất nhiều tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh.
"Thời điểm đó, không chỉ Đại Tín mà nhiều ngân hàng khác cũng yếu kém, tình hình bất động sản đóng băng. Tôi tin rằng trong vòng một hai năm sau, bất động sản ấm lên tôi sẽ bán được hai khu đất ở Nhà Bè và quận 2 để xoay sở", ông nói và cho biết cũng hi vọng sẽ thu hồi được 95% nợ xấu mà Đại Tín chưa thu hồi được.
Thực tế sau khi tiếp quản ông đã phải bán nhiều tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh, tài sản cá nhân cũng như tìm mọi cách để có tiền trả hơn 7.000 tỷ đồng nợ gốc và lãi cho nhóm Phú Mỹ mà Đại Tín nợ, cũng như chăm sóc khách hàng mà ngân hàng này để lại. Do không đủ tiền hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho nhóm Phú Mỹ nên ông không thể giải chấp hai khu đất tại Nhà Bè và quận 2 để lấy ra chuyển nhượng.
Ngoài ra, 95% khoản nợ xấu của Đại Tín ông cũng không thể thu hồi được đồng nào dù đã làm nhiều văn bản nhờ Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng mọi hình thức, kể cả kiện dân sự.
Tài sản không thể lấy ra, nợ không thể thu hồi, Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng bắt đầu rơi vào vòng luẩn quẩn. Một số cổ đông thấy tình hình thua lỗ nên lần lượt rút lui. Ông cũng nhiều lần làm việc với Ngân hàng Nhà nước xin rút lui khỏi đề án tái cơ cấu VNCB nhưng được động viên nên tiếp tục làm.
Để có tiền duy trì hoạt động của ngân hàng, ông cho biết đã phải trả lãi suất ngoài vượt trần quy định để vay tiền của các nhóm khách hàng lớn, trong đó có nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc công ty TNHH Tân Hiệp Phát). Đồng thời, chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp dưới ra chủ trương làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế cũng như trong hoạt động tín dụng để rút tiền của VNCB ra thông qua các hợp đồng khống.
Theo kết quả kiểm toán, đến cuối năm 2012, sau nửa năm tiếp nhận Đại Tín, lỗ lũy kế của ngân hàng này đã tăng lên 8.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là âm 5.000 tỷ. Đến cuối 2013, kết quả kinh doanh của VNCB lỗ lũy kế là 11.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là âm 8.000 tỷ. Đến thời điểm khởi tố vụ án, vốn chủ sở hữu âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.000 tỷ đồng.
Tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh và Tổng giám đốc Phan Thành Mai cùng nhiều lãnh đạo cấp dưới của VNCB bị bắt. Trước tình trạng của VNCB, Ngân hàng Nhà nước sau đó phải mua lại với giá 0 đồng, toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của ông Phạm Công Danh tại ngân hàng này bị chấm dứt.
Ông Danh bị cáo buộc cùng động phạm thực hiện các hành vi trái pháp luật trong quá trình tái cơ cấu VNCB gây thất thoát 9.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi sai phạm của ông và những người liên quan còn được tách ra để xử lý trong một vụ án khác.
Ông Danh già đi nhiều so với thời điểm trước khi bị bắt, bản thân cũng mang nhiều bệnh tật. Xác nhận với HĐXX, ông thừa nhận những con số trên là đúng và hoàn toàn nhận trách nhiệm về thua lỗ này. Ông cho biết, quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng, nhận thấy không đủ sức tiếp tục làm nên đã cùng Phan Thành Mai trực tiếp mang hết hồ sơ nộp cho cơ quan điều tra, trả lại cho Ngân hàng Nhà nước.
"Các cơ quan nhà nước cũng không giải quyết được thì với một tập thể chúng tôi cũng không thể làm được gì. Chúng tôi vừa nghiên cứu vừa ra văn bản kêu cứu khắp nơi", ông nói trong những lần trả lời thẩm vấn.
Vụ án đang được TAND TP HCM xét xử, dự kiến kéo dài đến 19/8.
Hải Duyên
Theo VNE
Đại gia Hà Văn Thắm bất ngờ xuất hiện trong đại án Phạm Công Danh Bà Phấn từng khai với cơ quan điều tra rằng đã giao toàn bộ số cổ phần bản chính hơn 84% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín mà bà và các cổ đông nhóm Phú Mỹ (các cá nhân và công ty) đang sở hữu cho ông Hà Văn Thắm. Trước phiên tòa xét xử vụ án Ngân hàng TMCP Xây Dựng...