Đại án Vietcombank Tây Đô : Xin thay đổi kiểm sát viên vì… nói khó nghe
Đại án thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Đô tiếp tục đưa ra xét xử.
Các bị cáo tại phiên tòa
Ngày 13/6, TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa sơ thẩm đưa vụ án vi phạm quy định về hoạt động cho vay gây thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô) ra xét xử sau nhiều lần tạm hoãn trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Bị cáo xin thay đổi kiểm sát viên
Các bị cáo trong vụ án gồm: Nguyễn Minh Chuyển (SN 1965), nguyên Giám đốc VCB Tây Đô; Trần Anh Huy (SN 1972), nguyên Trưởng Phòng khách hàng; Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 1971), cán bộ VCB Tây Đô, cùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
8 bị cáo là giám đốc các doanh nghiệp bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Nguyễn Hùng Cường (SN 1971); Nguyễn Công Trừng (SN 1982); Võ Vũ Bình (SN 1974); Hoàng Cao Thám (SN 1984); Trang Hồng Sơn (SN 1982); Võ Hoàng Thám (SN 1987); Trịnh Minh Tú (SN 1964); Nguyễn Thanh Hùng (SN 1968) .
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ năm 2010 – 2014, Chuyển, Huy, Nghĩa và một số cán bộ của VCB Tây Đô đã có hành vi vi phạm trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra giám sát vốn vay đối với 56 hợp đồng tín dụng cho 41 doanh nghiệp thuộc 6 nhóm khách hàng: nhóm Nam Sông Hậu; nhóm Du lịch Đại Dương; nhóm Cơ khí Tây Đô; nhóm An Đô; nhóm Thép Đông Dương; nhóm Trường Nguyên, với tổng số tiền giải ngân hơn 2.476 tỷ đồng vay vốn, đến nay không có khả năng thu hồi.
Ngoài ra, Chuyển đã để cho các bị cáo là Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Công Trừng, Hoàng Cao Thám, Trần Văn Anh Duy, Võ Vũ Bình, Võ Hoàng Thám, Trang Hồng Sơn, Trịnh Minh Tú, Nguyễn Thanh Hùng là chủ các doanh nghiệp lừa đảo chiếm đoạt của VCB Tây Đô với tổng số tiền hơn 1.040 tỷ đồng.
Đặc biệt, Chuyển tạo cơ hội cho 2 em ruột là bị cáo Cường, Trừng chiếm đoạt hơn 243 tỷ đồng.
Cáo trạng quy kết, Chuyển là người tổ chức, chủ mưu và thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động cho vay, gây thiệt hại hơn 1.838 tỷ đồng cho ngân hàng VCB Tây Đô nên phải chịu trách nhiệm chính.
Đối với bị can Trần Văn Anh Duy, đã có hành vi giúp sức cho Vưu Minh Tuấn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng hiện Tuấn đã bỏ trốn, hành vi phạm tội của Tuấn có liên quan trực tiếp đến xác định vai trò, hành vi phạm tội của Duy nên VKSND Tối cao ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can. Khi nào bắt được Tuấn sẽ xử lý trong cùng 1 vụ án.
Trong phần thủ tục, bị cáo Vũ Bình bất ngờ xin thay đổi kiểm sát viên là ông Đặng Quốc Việt vì cho rằng vị này đã không có sự khách quan trong vụ án. Vũ Bình trình bày đã rất nhiều lần khiếu nại, nhưng kiểm sát viên đã không giải quyết, không có văn bản về việc thay đổi kiểm sát viên, cạnh đó vị kiểm sát viên này là người miền ngoài, giọng nói khó nghe.
“Bị cáo đề nghị thay đổi kiểm sát viên, có như thế thì bị cáo mới được giải oan”, Vũ Bình nói.
Video đang HOT
Sau khi hội ý, HĐXX đã không chấp nhận đề nghị của bị cáo vì cho rằng lấy lí do vùng miền để thay đổi kiểm sát viên là không có căn cứ. Đồng thời, bị cáo cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc kiểm sát viên đã không khách quan.
Bị cáo Vũ Bình
Công bố kết luận điều tra bổ sung
Sau phần thủ tục VKS đã công bố kết luận điều tra bổ sung (lần 5) của Cơ quan an ninh Bộ Công an.
Theo đó, Nguyễn Hùng Cường khai nhận từ cuối năm 2012, Công ty TNHH Vĩnh Nguyên (thuộc nhóm khách hàng Trường Nguyên) không có khả năng thanh toán nợ cho VCB Tây Đô. Trần Anh Huy (nguyên trưởng phòng khách hàng VCB Tây Đô) đề nghị Cường tiếp nhận, điều hành và gánh lại khoản nợ của Công ty Vĩnh Nguyên tại VCB Tây Đô. Huy hướng dẫn Cường sử dụng pháp nhân Công ty Vĩnh Nguyên và lập các pháp nhân mới để vay vốn đảo nợ tại VCB Tây Đô.
Còn Nguyễn Thanh Hùng (chủ nhóm khách hàng An Đô) khai khi các công ty trong nhóm An Đô không còn khả năng thanh toán các khoản vay đến hạn, Hùng đã trực tiếp gặp Chuyển, Anh Huy để trao đổi và xin phá sản. Tuy nhiên, Chuyển, Huy không đồng ý mà tiếp tục cho các công ty trong nhóm An Đô của Hùng vay để đảo nợ nhằm mục đích không để nợ xấu tại VCB Tây Đô. Do vậy Hùng tiếp tục sử dụng các pháp nhân trong nhóm lập chứng từ, hồ sơ khống để ký hợp đồng tín dụng vay vốn tại VCB Tây Đô. Ngoài ra, một số khoản nợ trong nhóm An Đô, VCB Tây Đô tự sử dụng tiền vay của các nhóm khác để đảo nợ Hùng không biết…
Chuyển, Anh Huy khai không hướng dẫn doanh nghiệp để cho vay vốn đảo nợ và không biết các doanh nghiệp lập khống hồ sơ để rút vốn vay.
Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định, các bị cáo là chủ các pháp nhân doanh nghiệp đã trực tiếp chỉ đạo lập các pháp nhân mới, sau đó lập khống hồ sơ, tài liệu đưa vào VCB Tây Đô xin cấp hạn mức sử dụng rồi chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ khống để rút vốn vay, sử dụng số tiền không đúng mục đích vay vốn. Do đó đủ căn cứ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với nhóm bị cáo này.
Nhóm bị cáo thuộc ngân hàng VCB Tây Đô, quá trình điều tra, từ chứng cứ thu thập được đã đủ cơ sở chứng minh các bị cáo đã vi phạm pháp luật về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.
Lê An
Theo baogiaothong
Năng lực kiểm sát viên liên quan gì khi án hình sự bị trả hồ sơ?
Thời gian vừa qua, nhiều vụ án hình sự bị Toà án nhân dân các cấp trả hồ sơ để điều tra lại. Theo nhận định, điều này có liên quan đến trách nhiệm, năng lực của kiểm sát viên.
Trách nhiệm của kiểm sát viên như thế nào?
Theo ông Võ Sử Em - Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu, trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một quyền của Viện kiểm sát và Tóa án nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình điều tra vụ án.
Tuy nhiên, xét dưới gốc độ yêu cầu của ngành kiểm sát, việc phát sinh trả hồ sơ điều tra bổ sung có liên quan đến trách nhiệm, năng lực, kinh nghiệm của kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đối với vụ án hình sự.
Theo Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu, qua công tác thanh tra hồ sơ được các cơ quan tiến hành tố tụng trả điều tra bổ sung, nhận thấy xuất phát từ thiếu sót trong công tác kiểm sát và một số nguyên nhân cơ bản.
Cụ thể, một là, do tính chất phức tạp của vụ án nên trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ còn nhiều khó khăn, dẫn đến nhận thức, đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng khác nhau.
Theo Chánh tra tra Viện kiểm sát nhân dân Bạc Liêu, việc vụ án hình sự bị trả hồ sơ điều tra lại có một phần liên quan đến kiểm sát viên. (Trong ảnh là bác sĩ Hoàng Công Lương, vụ án liên quan đến bác sĩ này ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cũng được trả hồ sơ điều tra lại)
Hai là, việc phân công án cho kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp có lúc chưa đúng với năng lực, sở trường của Kiểm sát viên tương ứng với tính chất của vụ việc.
Ba là, một số vụ án, sự phối hợp giữa điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán chưa đúng theo Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22.12.2017 quy định phối hợp gữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Bốn là, kiểm sát viên khi được phân công chưa thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản liên quan đến lĩnh vực được phân công, nhất là các văn bản hướng dẫn các thao tác nghiệp vụ của ngành, từ đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chưa đúng, bỏ qua nhiều thao tác nghiệp vụ nên không kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót của Cơ quan điều tra, điều tra viên trong điều tra giải quyết nguồn tin về tội phạm hoặc vụ án hình sự.
"Khi thực hiện nhiệm vụ, có lúc kiểm sát viên chưa quan tâm thực hiện tốt các quyền hạn của Viện kiểm sát, kiểm sát viên và quy định trách nhiệm cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát theo quy định Bộ Luật tố tụng hình sự", Chánh Thanh tra Võ Sử Em nhận định.
Thứ năm, theo ông Võ Sử Em, một số kiểm sát viên chưa quan tâm đến hiệu quả yêu cầu xác minh và yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, từ đó chất lượng hai văn bản này chưa đáp ứng yêu cầu làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án. Do đó, kiểm sát viên chưa chủ động kiểm tra tiến độ, kết quả điều tra vụ án để kịp thời yêu cầu điều tra viên bổ sung tài liệu, chứng cứ chưa rõ hoặc có mâu thuẫn.
Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa kiểm sát viên và điều tra viên
Trước thực trạng này, vị cán bộ của ngành kiểm sát Bạc Liêu đưa ra 6 giải pháp cơ bản để hạn chế tình trạng.
Cụ thể, khi phân công giao án cho kiểm sát viên, cần quan tâm đến năng lực, sở trường, tương ứng với tính chất vụ việc được phân công, nhất là chú trọng đến Kiểm sát viên có thực tế, nghiên cứu chuyên sâu từng lĩnh vực (nếu có).
Hai là, kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự thường xuyên nghiên cứu các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành, nhất là những quy định về quyền hạn của Viện kiểm sát, kiểm sát viên và trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát đối với các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định BLTTHS.
Ba là, ngay sau khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát viên kịp thời nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để nắm nội dung vụ việc, định hướng điều tra, xác minh và đề ra yêu cầu xác minh; nội dung yêu cầu bám vào những vấn đề cần chứng minh và phải cụ thể, rõ ràng; quan tâm những chứng cứ chứng minh dấu hiệu tội phạm, chứng cứ gỡ tội, tránh yêu cầu chung chung không định hướng.
Trong quá trình xác minh, kiểm sát viên thường xuyên theo dõi kết quả thu thập chứng cứ của điều tra viên, đối chiếu với những nội dung yêu cầu xác minh xem đã đáp ứng được yêu cầu nào chưa, kể cả những vấn đề mới phát sinh, kịp thời bổ sung yêu cầu xác minh; phải kiểm tra tính có căn cứ, hợp pháp và giá trị chứng minh các chứng cứ đã được thu thập theo quy định.
Ông Võ Sử Em - Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho rằng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa kiểm sát viên và điều tra viên. (Ảnh minh hoạ)
Trước khi hết thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát viên và điều tra viên cần rà soát, đối chiếu toàn bộ tài liệu đã thu thập xem còn vấn đề gì cần phải tiếp tục làm rõ?
Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã thu thập, phải đánh giá và định hướng đường lối giải quyết và báo cáo lãnh đạo Viện theo quy định.
Bốn là, trong giai đoạn điều tra, việc yêu cầu điều tra ngoài chứng minh hành vi phạm tội còn phải chứng minh nội dung khác như tính chất, mức độ, hậu quả hành vi, nhân thân người phạm tội.... có ý nghĩa giải quyết vụ án nên kiểm sát viên cần quan tâm đề ra yêu cầu điều tra đảm bảo có chất lượng đạt được những nội dung yêu cầu giải quyết vụ án; thường xuyên theo dõi, nắm chắc tiến độ điều tra, nghiên cứu kỹ tài liệu chứng cứ do điều tra viên đã thu thập, chủ động phối hợp với điều tra viên làm rõ những vấn đề cần chứng minh ngay trong giai đoạn điều tra vụ án; đồng thời kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra đảm bảo khách quan, toàn diện theo quy định của BLTTHS.
Kiểm sát viên yều cầu điều tra viên thực hiện tốt việc chuyển giao tài liệu, chứng cứ mà hoạt động điều tra không có kiểm sát viên tham gia theo khoản 5 Điều 88 BLTTHS để kiểm sát; đây cũng là phương thức để nắm chắc tiến độ điều tra của điều tra viên, kịp thời yêu cầu, bổ sung những vấn đề cần làm rõ trong quá trình điều tra vụ án.
"Trước khi hết thời hạn điều tra, kiểm sát viên và điều tra viên phải phối hợp rà soát, đánh giá lại kết quả điều tra vụ án lần nữa, xem tài liệu, chứng cứ có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can hay chưa?
Còn những vấn đề gì cần phải làm rõ, bổ sung? Nếu vụ án có tính chất phức tạp thì giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải trao đổi, định hướng đường lối xử lý vụ án theo quy định" - ông Võ Sử Em nêu quan điểm.
Theo Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu, trong quá trình kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát viên thường xuyên phối hợp tốt với điều tra viên, thẩm phán được phân công trao đổi, bổ sung những tài liệu chứng cứ chưa rõ mà không cần thiết trả điều tra bổ sung.
Cuối cùng, khi có vấn đề cần trả hồ sơ điều tra bổ sung, trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung phải ghi rõ những nội dung cần điều tra và thường xuyên theo dõi kết quả điều tra, tránh một nội dung nhưng trả điều tra nhiều lần.
Theo Danviet
Kinh nghiệm của Kiểm sát viên qua giải quyết vụ án hiếp dâm trẻ em Trong thời gian gần đây, tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn biến phức tạp, việc phát hiện, xử lý loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ. Từ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiểm sát điều tra vụ...