Đại án tham nhũng ngàn tỷ: Kẻ lừa đảo thân thiết với lãnh đạo NH?
Toàn bộ hồ sơ đã được giám đốc ký duyệt trước khi đưa xuống phòng tín dụng, thay vì hồ sơ phải được đề xuất từ phòng tín dụng rồi mới trình lên giám đốc xem xét.
Sáng ngày 26/10, phiên tòa xét xử Đại án tham nhũng ngàn tỷ xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triền Nông thôn – Chi nhánh 6 (gọi tắt là Agribank Chi nhánh 6) tiếp tục với phần xét hỏi liên quan đến khoản vay 628 tỷ đồng.
Theo nội dung liên quan đến khoản vay này, tháng 10/2007, Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát) thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh nên chỉ đạo Lê Văn Tuấn (Giám đốc công ty Thanh Phát do Cường thuê) lập hồ sơ vay 628 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6.
Bị cáo Dương Thanh Cường tại tòa.
Tài sản thế chấp để vay vốn là 3 bất động sản tại quận 12, quận Bình Tân và quận 8 cùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Trong phi vụ này, bị cáo Hồ Đăng Trung (Nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 6) dù biết dự án Khu biệt thự nhà vườn mà Thanh Cường sắp triển khai chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 23 bất động sản mà Cường đem thế chấp chưa được chuyển nhượng cho Công ty Thanh Phát nhưng Trung vẫn phê duyệt cho vay.
Khi Agribank Chi nhánh 6 đang giải ngân cho công ty Thanh Phát, Thanh Cường chỉ đạo cho thuộc cấp mượn 23 tài sản thế chấp nói trên từ ngân hàng để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau đó Cường không đem trả lại các giấy tờ này cho Agribank Chi nhánh 6 mà tiếp tục đem đến thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam để vay tiền.
Đến hạn trả nợ cho Ngân hàng Phương Nam, Cường và đồng phạm không có khả năng chi trả nên gán luôn các quyền sử dụng đất trên cho ngân hàng này dẫn đến Agribank Chi nhánh 6 bị thiệt hại.
Trả lời HĐXX, kẻ cầm đầu vụ lừa đảo Agribank Chi nhánh 6 Dương Thanh Cường khai rằng, để vay vốn của Agribank Chi nhánh 6, Thanh Cường chỉ đạo Giám đốc Công ty Thanh Phát (do Cường lập ra và thuê Lê Văn Tuấn làm giám đốc) ký hợp đồng vay vốn.
Video đang HOT
Toàn bộ số tiền vay được của Agribank Chi nhánh 6 Cường dùng mua khách sạn và nhiều bất động sản, góp vốn với nhiều cá nhân, tổ chức để mua lại các bất động sản.
Cường khai trong số các khoản tiền chi tiêu từ nguồn vay Agribank Chi nhánh 6, Cường dùng một phần để tài trợ cho một số chương trình vì người nghèo của công ty Tri Thức Việt.
Sau khi được Agribank Chi nhánh 6 ký duyệt cho vay 628 tỷ đồng và mới chỉ giải ngân được hơn 600 tỷ đồng thì Thanh Cường làm giấy đề nghị mượn lại 23 bất động sản là tài sản thế chấp để hoàn tất thủ tục chuyển đổi đất nhưng không trả lại cho Agribank Chi nhánh 6 mà đem thế chấp tại ngân hàng khác để tiếp tục vay tiền.
23 bất động sản Cường dùng để thế chấp vay vốn tại Agribank Chi nhánh là tài sản Cường mua lại của người khác để triển khai dự án biệt thự nhà vườn. Hầu hết tiền giải ngân đều từ Agribank Chi nhánh 6 đều chuyển tiền vào tài khoản của người mà Cường mua đất, sau đó Cường chỉ đạo cấp dưới rút ra và chuyển vào tài khoản công ty của Cường.
Hai thuộc cấp của Cường khai việc ký các giấy tờ, hợp đồng vay vốn là theo chỉ đạo của giám đốc Thanh Cường. Ngay cả việc ký hợp đồng vay vốn với Ngân hàng Phương Nam đều không biết 23 bất động sản thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam trước đó đã thế chấp cho Agribank Chi nhánh 6.
“Khi ký hợp đồng vay vốn, bị cáo hoàn toàn không biết gì. Bị cáo chỉ là người làm thuê, anh Cường kêu ký thì cứ ký, sau này khi biết đã sợ nên xin nghỉ”, bị cáo Lê Sơn Hùng (nguyên phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Thanh Phát) khai.
Được gọi thẩm vấn tại tòa, bị cáo Trung khi rằng, hợp đồng vay vốn giữa Agribank Chi nhánh 6 với công ty Thanh Phát ký một lần 628 tỷ đồng nhưng giải ngân nhiều lần. Mỗi lần giải ngân lại làm một giấy nhận nợ.
Trung không thừa nhận giữa Trung và Thanh Cường có mối quan hệ mật thiết nên mới dễ dàng ký duyệt cho vay và ký cho mượn lại 23 tài sản thế chấp trong hợp đồng vay vốn. Nhưng Trung thừa nhận đã đứng ra bàn bạc việc vay vốn với Dương Thanh Cường chứ không bàn bạc với người đứng tên trên hợp đồng vay vốn là Lê Văn Tuấn.
Trung cũng thừa nhận là người ký cho Thanh Phát mượn lại các tài sản thế chấp và thừa nhận sai sót khi không kiểm tra 23 bất động sản đã được chuyển đổi hay chưa nên mới xảy ra chuyện.
Trong khi đó, bị cáo Hồ Văn Long (nguyên trưởng phòng tín dụng Agribank Chi nhánh 6) tiếp tục cho rằng, việc ký duyệt của các công ty của Thanh Cường vay vốn và ký cho công ty Thanh Phát mượn lại 23 bất động sản là tài sản thế chấp đều thực hiện theo quy trình ngược.
Toàn bộ hồ sơ đã được giám đốc ký duyệt trước khi đưa xuống phòng tín dụng, thay vì hồ sơ phải được đề xuất từ phòng tín dụng rồi mới trình lên giám đốc xem xét.
Nhưng Long cũng thừa nhận, theo lệnh Giám đốc thì khi đưa 23 bất động sản là tài sản thế chấp đi làm thủ tục phải có cán bộ tín dụng đi kèm. Khi cán bộ tín dụng định đi thì Long kêu cứ đưa cho khách hàng.
“Vì tin tường khách hàng nên bị cáo mới làm như vậy, niềm tin của bị cáo đã đặt sai chỗ rồi”, Long biện minh.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.
Công Thư
Theo_Người Đưa Tin
Ăn chặn sữa bị khiển trách, bài học vàng về "ăn bẩn"
Giám đốc và Phó Giám đốc ăn chặn sữa độc hại của công nhân và kê khống phân bón đã có hồi kết bằng 2 quyết định khiển trách và cảnh cáo.
Những công nhân phải làm việc với rác thải độc hại mỗi ngày nhưng vẫn bị cấp trên ăn chặn tiền sữa.
Câu chuyện các lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nha Trang ăn chặn sữa của công nhân với tổng số tiền 457 triệu đồng, quyết toán khống 408 triệu đồng tiền phân bón thảm cỏ, tự chi lương lãnh đạo vượt 1,6 tỷ đồng so với quỹ lương được phê duyệt gây xôn xao dư luận vào cuối năm 2014 đã có kết quả xử lý.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lương Khánh Thuận, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nha Trang. Ngoài ra còn có một quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đăng Khoa, nguyên thành viên HĐTV, Phó Giám đốc công ty trên.
Đọc xong mẩu tin này, ai không thấy bất bình chắc chỉ có thể là người đến từ sao Hỏa. Hai ông Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty trong quá trình làm lãnh đạo đã tự trả lương cho mình cao chất ngất, lương của công nhân thì nợ đọng. Đến cái khoản 10.000 đồng tiền sữa độc hại/ngày/người của công nhân, các ông này cũng hớt ngọn ăn luôn. Rồi còn kê khống phân bón cho thảm cỏ để lấy tiền ăn tiếp.
Ấy thế nhưng, kết luận xử lý vụ việc của UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ là khiển trách và cảnh cáo. Như đùa. Như bỡn cợt với sự bức xúc của dư luận suốt bấy lâu nay. Thật là một trò đùa cay đắng cho những người lao động thấp cổ bé miệng ở cái công ty ấy.
Tôi thì chỉ băn khoăn một điều thế này, cái kiểu ăn uống của ông Thuận, ông Khoa có thể gọi đích xác là "ăn bẩn", "ăn trên lưng", "ăn trên mồ hôi người lao động". Thế mà với 2 quyết định khiển trách và cảnh cáo nhẹ như phủi bụi thế này, phải chăng người ta đang giễu cợt những bài học dạy trẻ con phải ăn uống vệ sinh, sạch sẽ trong sách giáo khoa?
Thế đấy. Cứ dạy trẻ con ăn uống phải giữ vệ sinh, sống phải trung thực, ngay thẳng, không được gian tham, ăn chặn của người thấp cổ bé miệng. Vậy mà đến lúc làm thì thế nào? Phải chăng quyết định kỷ luật chỉ là khiển trách và cảnh cáo bởi vì so với những vụ "ăn uống" khác, gần 1 tỷ đồng tiền sữa, tiền phân và 1,6 tỷ tiền lương chi sai chỉ là bọt bèo, không đáng kể?
Càng ngẫm càng thấy buồn. Ai cũng phê phán ý thức tuân thủ pháp luật của người Việt Nam yếu kém, còn một khoảng cách xa so với các nước văn minh. Thế nhưng cái trách nhiệm làm gương của một bộ phận những người có quyền thì đã bị bỏ quên. Những vụ kỷ luật mà như không thế này càng làm cho tình trạng ấy trầm trọng hơn, khiến người dân mất niềm tin vào sự công minh của luật pháp.
Tôi chỉ mong sao càng ít những đứa bé đang tuổi cắp sách đến trường biết về vụ kỷ luật do "ăn bẩn" này càng tốt. Bởi một khi chúng đã có những ví dụ bằng vàng về việc người lớn nói một đằng làm một nẻo thế này, chúng sẽ biết tin ai? Tin vào những bài học đạo đức ở trường hay tin vào chuyện "làm sai nhưng lại có thưởng" thế này?
Điều có hại cho xã hội và cộng đồng không phải là viêc những người nghèo đang nghèo thêm, người giàu bất chính đang giàu lên mà chính là chúng ta không còn tin là có công lý trên đời, không tin rằng làm việc xấu sẽ bị trừng phạt, làm điều tốt thì được trân trọng, tôn vinh.
Bạn nghĩ sao?
Mi An
Theo_Báo Đất Việt
11 sếp Agribank vướng lao lý trong đại án mất nghìn tỷ Nhận 900.000 USD của khách hàng khi giải quyết cho vay vốn trái quy định, giám đốc Agribank Nam Hà Nội biếu 310.000 USD cho Tổng giám đốc và chuyển "quà" tới hàng loạt cấp trên. TAND Hà Nội dự kiến trong tháng 11 mở phiên sơ thẩm xét xử 13 cựu cán bộ ngân hàng Agribank cùng 4 cựu cán bộ hải...