Đại án tham nhũng: “Cứ đi tù, tử hình là xong?”
“Cử tri rất hoan nghênh việc xử lý hàng loạt đại án kinh tế tham nhũng. Nhưng họ cũng rất buồn vì việc thu hồi tài sản các vụ án rất thấp, chỉ dưới 10%. Phần lớn còn lại đi đâu, phải chăng cứ đi tù là xong?”, Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
Chiều ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan đến ban hành văn bản pháp luật. Trong đó, đại biểu tập trung đề nghị ông Hà Hùng Cường làm rõ việc có lợi ích nhóm trong ban hành văn bản hay không. Đại biểu cũng đề nghị ông Cường cho biết quan điểm về việc thu hồi tài sản các “đại án” kinh tế tham nhũng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn
Mở đầu phần chất vấn Bộ trưởng Bộ tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nêu hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của Bộ, ngành trong một số văn bản pháp luật hoặc có quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc quản lý của cơ quan công quyền, đẩy khó khăn cho người dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết quan điểm và hướng khắc phục tình trạng trên.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, tại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ông đã được hỏi và đã trả lời. Trước hết, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp được giao thẩm định các loại văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn thông tư, thông tư liên tịch của các bộ giao cho pháp chế của các bộ thẩm định.
Theo ông Cường từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên thấy rằng quy trình làm rất chặt chẽ theo đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những nhiệm vụ thẩm định của Bộ Tư pháp là phải phát biểu ý kiến dự thảo đó có phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng hay không.
“Câu chuyện cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích ngành trong các văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên chúng tôi thấy chưa phải là vấn đề đặt ra với quy trình như vậy, với kết quả như vậy. Tuy nhiên đứng từ phía nào để nhìn xem lợi ích nhóm như hôm qua đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính có nói câu chuyện giá xăng dầu, tôi nghĩ có thể mỗi cách nhìn khác nhau”, ông Cường nói.
Ngoài ra, với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được giao, bộ này cũng có trách nhiệm kiểm tra văn bản của các bộ và cơ quan ngang bộ, nói cách khác là hậu kiểm. “Trong hậu kiểm đó với kết quả như đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng đã xem qua báo cáo của chúng tôi, thực tế trong nhiệm kỳ này lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích cơ quan ở trong các văn bản của các bộ cũng chưa phải là vấn đề gì nổi lên”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết thêm.
Video đang HOT
Đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng nhiều văn bản hành chính hiện nay đang trở thành vấn nạn gây bức xúc cho nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo đại biểu để giải quyết được công việc doanh nghiệp, nhân dân phải tìm cách “bôi trơn”. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vấn nạn này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định việc ban hành các văn bản không được trái với luật, pháp lệch, nghị định… và càng không được trái với Hiến pháp. Những vấn đề đại biểu nêu ra, ông Cường hứa sẽ kiểm tra cụ thể và gửi kết quả báo cáo lại sau. “Văn bản ra sai vừa rồi có nhiều dư luận cũng xin đại biểu thông cảm cho. Tuy nhiên, cũng có những văn bản ban hành rồi, nhưng cũng có những cái mới là dự thảo, lấy ý kiến nhận được phản ánh của dư luận họ đã tiếp thu, xử lý ngay”, ông Cường nói.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, vừa qua cử tri rất hoan nghênh vì đã truy tố, xét xử rất nhiều “đại án” kinh tế tham nhũng gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho đất nước, cho nhân dân, chỉ riêng vụ Huyền Như đã 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại biểu, cử tri cũng rất buồn với việc thu hồi tài sản ở các vụ án là rất thấp, chỉ dưới 10%.
“Phần lớn còn lại đi đâu, có phải chăng cứ đi tù là xong? Trước tình hình như vậy, Bộ trưởng có giải pháp gì để kết nối giữa việc điều tra, truy tố xét xử với công tác thu hồi tài sản cho nhà nước và cho công dân. Với tư cách là Trưởng ban soạn thạo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) thì quan điểm của Bộ trưởng về chính sách hình sự với vấn đề này thế nào cho nghiêm minh, chẳng hạn như bổ sung vào luật hình phạt tù suốt đời để sống mà trả tiền chứ không phải đi tù, tử hình là xong”, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị.
Sau phần chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương, Quốc hội nghỉ, sáng ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ tiếp tục trả lời.
Theo Dantri
Nên dừng cấp đổi chứng minh nhân dân 12 số?
- Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, nên dừng cấp đổi chứng minh nhân dân 12 số để tránh lãng phí...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
- Thưa Bộ trưởng, có thông tin cho rằng sẽ có tới 3 loại thẻ căn cước công dân. Ông có thể giải thích rõ về điều này?
Về vấn đề này, trong tờ trình của Chính phủ đã nói rõ, Chứng minh nhân dân hay căn Cước công dân là giấy tờ rất quan trọng của mỗi công dân. Khi ban hành thẻ Căn cước công dân sẽ thay thế Chứng minh nhân dân.
Về tên gọi, hiện còn đang tranh luận xem giữ tên gọi là Chứng minh nhân dân hay Căn cước công dân, nhưng đa số ủng hộ tên gọi là Căn cước công dân. Khi luật có hiệu lực, sẽ cấp 1 loại thẻ là Căn cước công dân để thay thế Chứng minh nhân dân, nên không có chồng chéo thẻ này với thẻ khác.
Vấn đề là vận dụng trở lại đối với những người đang có Chứng minh nhân dân như thế nào? Theo dự thảo Luật, Chứng minh nhân dân vẫn có hiệu lực, đúng hơn là thẻ Căn cước công dân sẽ cấp cho những người đến tuổi, trong khi Chứng minh nhân dân còn hiệu lực vào thời điểm đó thì vẫn tiếp tục có giá trị và người dân vẫn sử dụng để thực hiện các quyền và nghĩa vụ đến khi đổi sang thẻ Căn cước công dân khi Chứng minh nhân dân hết hạn, muốn đổi hoặc mất Chứng minh nhân dân. Trong giai đoạn chuyển tiếp, sẽ có một số người có giấy tờ khác nhau nhưng mỗi người chỉ có một loại giấy tờ, hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.
- Việc Lưu hành cả Chứng minh nhân dân và thẻ Căn cước công dân liệu có gây bất tiện cho người dân không, thưa ông?
Có một thời kỳ chuyển tiếp sẽ lưu hành cả hai loại giấy tờ này, nhưng mỗi người vẫn chỉ có một loại. Đương nhiên mỗi luật ban hành đều có thời kỳ chuyển tiếp, đòi hỏi giai đoạn nhất định để giải quyết những vấn đề đang tồn tại. Tuy nhiên, nếu thực hiện một cách khoa học thì chắc không có vấn đề gì lớn, xáo trộn về vấn đề này.
- Bộ Công an đang triển khai cấp Chứng minh nhân dân 12 số và được ưu đãi khoản vốn lớn, nhưng Chứng minh nhân dân có thời hạn 15 năm sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước. Như vậy, có phải là đang có sự lãng phí?
- Vấn đề đổi Chứng minh nhân dân từ 9 số sang 12 số chỉ là thực hiện thí điểm. Chính phủ đã yêu cầu sơ kết thí điểm mới cho triển khai rộng. Hiện Bộ Tư pháp chưa thấy sơ kết nên không biết về chủ trương triển khai tiếp như thế nào. Thậm chí, Quốc hội còn đang thảo luận về tên gọi của thẻ nên theo tôi, nên chờ Quốc hội quyết định xong mới làm theo qui định của Luật Căn cước công dân. Tôi cũng cho rằng nên dừng việc cấp đổi Chứng minh nhân dân, chỉ thực hiện cấp mới cho những người đến tuổi.
- Theo ông, có khó khăn gì khi cấp thẻ Căn cước công dân không khi khả năng cán bộ hộ tịch và thiết bị ở phường xã còn hạn chế đối với việc thực hiện việc này?
Quan điểm nhất quán của Chính phủ là trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh và đến tuổi nhất định sẽ được cấp Chứng minh nhân dân. Nhưng trong quá trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến cho rằng cấp thẻ Căn cước công dân ngay khi sinh ra, thay Giấy khai sinh và duy nhất trong đời chỉ có thẻ Căn cước công dân để tạo thuận lợi hơn cho người dân.
Tuy nhiên, thay mặt Chính phủ, tôi đã có báo cáo về việc này, theo đó trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh cho đến khi đủ 14 tuổi vì qui định của Bộ luật Hình sự qui định 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự và quản lý con người phải chặt chẽ hơn quản lý trẻ em. Quan trọng ở chỗ này là tại sao gọi là thẻ Căn cước công dân, vì để nhận dạng một người thì có yếu tố hình ảnh. Hình ảnh thì phải cố định tương đối. Nên trẻ em đến 14 cơ bản hình ảnh có nhiều thay đổi nên Chính phủ đề nghị giữ như qui định hiện hành, đến 14 tuổi cấp Chứng minh nhân dân (khác hiện nay là đủ 15 tuổi) phù hợp Bộ luật Hình sự.
Cấp số định danh cá nhân rất đơn giản. Dự thảo luật này được xây dựng dựa trên một đề án được Chính phủ phê duyệt theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm trung tâm dữ liệu cho công tác quản lý dân cư, cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, không bắt người dân kê khai những thông tin đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia để tiết kiệm cho người dân. Số định danh công dân (12 số) sẽ được cấp khi cơ sở dữ liệu này vận hành (theo đề án của Chính phủ là từ 1/1/2016). Kho số định danh công dân thì do Bộ Công an quản lý, sẽ được nối mạng đến toàn bộ xã, phường, thị trấn và bất kỳ ai có trách nhiệm đều có thể cập nhật để lấy số
Theo qui định của dự thảo Luật, từ 1/1/2016 cấp số định danh cho những người mới sinh. Còn những người sinh trước 1/1/2016 có cấp không tùy vào Quốc hội quyết định, nhưng theo đánh giá của Bộ Công an, dự tính đến 31/12/2019 sẽ xong. Kinh nghiệm của các nước là làm từng bước một, nhưng quan trọng là xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm, hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm thực thi được thì có làm lại cho những người sinh ra trước 1/1/2016 cũng là phương án tốt.
- Xin cảm ơn ông.
Ngọc Quỳnh
Theo_VnMedia
Sáng nay, Dương Chí Dũng cùng đồng phạm hầu tòa Sau hơn 4 tháng bị tòa cấp sơ thẩm tuyên án tử hình rồi làm đơn kháng cáo, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải lại hầu toà. Sáng 22/4, TAND tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt...