Đại án tại VNCB: Phạm Công Danh đã không “tự cứu mình”?
Mặc dù “đổ thừa” do vướng vào việc chuyển nhượng cổ phần Ngân hàng Đại Tín và một số tài sản của nhóm Phú Mỹ nên mới có hậu quả như hôm nay, ít ai biết Phạm Công Danh cũng đã có cơ hội “tự cứu mình” nhưng bị cáo đã không làm điều này…
Chuyển nhượng qua tay Hà Văn Thắm
Trong phần trả lời HĐXX trong sáng 3.8, bà Hứa Thị Phấn (người liên quan trong việc chuyển nhượng 84,92% cổ phần Ngân hàng Đại Tín, một số tài sản của nhóm Phú Mỹ cho Phạm Công Danh) cho biết, đầu tiên nhóm của bà chuyển giao Ngân hàng Đại Tín là cho ông Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương). Ông Hà Văn Thắm nói việc chuyển nhượng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, nên bà đại diện nhóm Phú Mỹ ký hợp đồng chuyển nhượng vào tháng 2.2012. Nhưng sau đó ông Hà Văn Thắm lại chuyển giao ngân hàng cho Phạm Công Danh và chuyển giao như thế nào thì bà không rõ. Chỉ biết đến ngày 6.6.2012 bà và Phạm Công Danh gặp để ký hợp đồng chuyển giao.
Bà Hứa Thị Phấn tại tòa.
Tài sản bàn giao gồm 84,92% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín; 9ha đất tại Q.2 (TP.HCM), 24ha đất tại huyện Nhà Bè (TP.HCM), số cổ phiếu Đại Việt (85 tỷ đồng), số cổ phiếu Bảo hiểm Hùng Vương (27 tỷ). Tổng giá trị tài sản chuyển giao 4.619 tỷ đồng. Nhưng đến nay số tiền ông Danh đã chuyển cho nhóm bà 3.581 tỷ đồng, cộng tiền lãi 3.618 tỷ đồng để thanh lý 29 hợp đồng tín dụng đang nợ tại Ngân hàng Đại Tín và còn nợ lại 1.037 tỷ đồng.
Liên quan đến điều này, trong các ngày xét xử vừa qua, mỗi khi đề cập đến việc chuyển nhượng cổ phần của nhóm Phú Mỹ, Phạm Công Danh luôn cho rằng đây là sai lầm lớn dẫn đến ngày hôm nay, thậm chí cho rằng ông “bị lừa” đưa tiền lót tay cho Hà Văn Thắm đến 500 tỷ đồng. Nhưng ông tự tin tiềm lực của Tập đoàn Thiên Thanh, vào các bất động sản của nhóm Phú Mỹ để lại, cũng như việc tái cơ cấu ngân hàng để vực dậy Ngân hàng Đại Tín (sau đổi thành Ngân hàng Xây dựng – VNCB).
Không chịu xóa lãi để lấy tài sản ra
Riêng hai mảnh đất 9ha ở Q.2 và 24ha ở Nhà Bè (TP.HCM), bà Hứa Thị Phấn cho rằng hai mảnh đất chưa chuyển mục đích sử dụng. Các mảnh đất chưa thể bàn giao cho Phạm Công Danh vì đang được thế chấp tại Ngân hàng VNCB và nhóm bà chưa trả được lãi nên không thể lấy ra.
Video đang HOT
Bà Hứa Thị Phấn cũng cảm thấy đau lòng khi thấy Phạm Công Danh bị như ngày hôm nay bởi bà không trả lại được tài sản cho ông Danh để ông xoay xở. Nhưng đó không hoàn toàn là lỗi của bà, chính Phạm Công Danh cũng từng có cơ hội “tự cứu mình”.
“Khi đó Ngân hàng Nhà nước cho phép được xóa lãi, tôi đã năn nỉ nhiều lần nhưng ông Danh không nghe. Ông còn nói cô đừng lo, cháu nhiều tiền”, bà Phấn nói.
Theo bà Phấn, nếu như được xóa lãi thì nhóm bà có thể lấy tài sản ra để trả cho Phạm Công Danh, nhưng không biết lý do gì mà ông Danh không làm, không tạo điều kiện khắc phục hậu quả.
Tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh tiếp tục khẳng định hai mảnh đất tại Q.2 và Nhà Bè trị giá trên 7.000 tỷ đồng. Bị cáo kỳ vọng tài sản này trong bối cảnh bất động sản đang khó khăn nhưng 1 – 2 năm sau sẽ có giá trị cao. Bị cáo không biết các bất động sản này đang được 29 pháp nhân mang ra thế chấp và bị cáo tin bà Phấn sẽ giải quyết được. Tuy nhiên bị cáo đã phải thất vọng khi Cơ quan CSĐT, Bộ Công an ra văn bản thông báo không được chuyển giao tài sản của nhóm bà Phấn dưới bất cứ hình thức nào.
Bị cáo Danh cũng thừa nhận còn hơn 1.000 tỷ đồng chưa thanh toán cho nhóm Phú Mỹ.
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay còn 2.100 tỷ đồng VNCB không thu hồi được.
Theo Danviet
Đại án tại VNCB: Phạm Công Danh "trách" thuộc cấp tại tòa
Ngày 1.8, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm liên quan đến hành vi gây thất thoát cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) hơn 9.000 tỷ đồng tiếp tục phần thẩm vấn. Trong phần này, Phạm Công Danh đã phản bác nhiều ý kiến mà thuộc cấp của mình tại VNCB đưa ra, đồng thời cho rằng họ chưa dám nói đúng sự thật.
Phủ nhận chỉ đạo chuyển tiền vào tài khoản
Trong phần thẩm vấn các bị cáo liên quan đến hành vi cố ý làm trái, rút gần 5.200 tỷ đồng nhưng không có chữ ký của chủ tài khoản (bà Trần Ngọc Bích - PV), rút 300 tỷ đồng không có chứng từ, gây thiệt hại cho VNCB gần 5.500 tỷ đồng, bị cáo Phạm Công Danh tiếp tục khai lòng vòng.
Theo bị cáo Danh, nhóm Trần Ngọc Bích do Phạm Thị Trang (Trang "phố núi") giới thiệu. Do đây là khách hàng lớn nên bị cáo Danh chỉ đạo thuộc cấp của mình phải "chăm sóc đặc biệt", đồng thời bác bỏ nhiều ý kiến cho rằng mình chỉ rút tiền của nhóm Trần Ngọc Bích.
Nhưng trả lời HĐXX, bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) khẳng định, mối quan hệ giữa Phạm Công Danh và nhóm Trần Ngọc Bích là mối quan hệ vay mượn và có từ rất lâu. Chính Danh chỉ đạo chuyển tiền từ tài khoản bà Bích vào tài khoản Danh để rồi sau đó Danh chuyển tiền cho ông Trần Quý Thanh.
Theo bị cáo Quyết, việc chuyển 3.100 tỷ đồng ngày 21.8, 2.090 tỷ ngày 26.8.2013 từ tài khoản của bà Bích sang tài khoản của Danh theo chỉ đạo của Danh. Cũng nghe chỉ đạo của Danh, Quyết thực hiện hồ sơ cho nhóm bà Bích vay 300 tỷ, cho khách hàng nợ chữ ký. Sau khi cho vay, chuyển tiền về tài khoản những người vay, sau đó chuyển vào các tài khoản do Danh chỉ định. Còn Quyết nhận sai vì cho khách hàng nợ chứng từ.
Đến đây, bị cáo Danh một mực khẳng định lời khai của bị cáo Quyết là không đúng. "Tôi chưa bao giờ chỉ đạo anh Quyết chuyển tiền từ tài khoản bà Bích vào tài khoản của tôi, và tôi cũng không chỉ đạo anh Quyết cho nợ chứng từ. Mong HĐXX xem xét lại lời khai của anh Quyết", bị cáo Danh nói.
Trước đó, tại phiên tòa, bà Trần Ngọc Bích phủ nhận mối quan hệ vay - trả với Phạm Công Danh. Việc số tiền của bà bị rút khỏi tài khoản bà không hề hay biết và những lần rút tiền đều không có sự đồng ý của bà.
Các bị cáo là thuộc cấp của Phạm Công Danh tại phiên tòa.
Phạm Công Danh nói thuộc cấp "nhát"
Mặc dù phản bác lại nhiều ý kiến của thuộc cấp nêu tại phiên tòa, nhưng Phạm Công Danh vẫn một mực khẳng định không trách các thuộc cấp của mình. "Các bị cáo khai tại tòa như thế tôi cũng chấp nhận, kể cả đổ lỗi cho tôi. Tôi không trách ai, kể cả nhân viên ở Tập đoàn Thiên Thanh và cả ngân hàng".
Theo ông, các nhân viên của mình chỉ làm việc theo chỉ đạo, kể cả các giám đốc làm thuê, các nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh cũng như cán bộ tín dụng, thẩm định giá của ngân hàng. Riêng với các bị cáo là lãnh đạo ngân hàng, bị cáo Danh cho rằng nhiều người "nhát", không dám nói sự thật. Điển hình như bị cáo Phan Thanh Mai, liên quan đến việc chi tiền chăm sóc khách hàng không có hóa đơn chứng từ, Danh triệu tập nhiều cuộc họp để giải quyết điều này nhưng bị cáo Mai lại không dám đề cập đến.
"Có làm thì có chịu nhưng tôi không hiểu tại sao anh Mai lại không dám nói, không dám nhìn nhận?", ông Danh đặt câu hỏi.
Phạm Công Danh cũng cho rằng có nhiều việc bị cáo không chỉ đạo thuộc cấp làm, nhưng nhiều người lại không dám thừa nhận khiến bị cáo rất đau khổ. "Tôi không trách, nhưng không hiểu sao đồng nghiệp không dám nói thẳng. Chẳng hạn như anh Hào (Bạch Quốc Hào, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý khai thác tài sản VNCB-AMC, người liên quan đến việc thuê 2 mặt bằng tại đường Sư Vạn Hạnh và Tô Hiến Thành, TP.HCM và thẩm định các khu bất động sản tại Đà Nẵng - PV) cũng thế".
Trước đó, một số bị cáo nguyên lãnh đạo của VNCB khai nhận việc thực hiện các hành vi là theo chỉ đạo của vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Phạm Công Danh. Thời điểm đó ngân hàng rất khó khăn nên bị cáo Danh đã chỉ đạo bằng mọi cách phải có tiền để duy trì ngân hàng. Trong đó có các việc như nâng cấp Corebanking, rút tiền từ tài khoản Trần Ngọc Bích, thực hiện khống hợp đồng thuê mặt bằng tại đường Sư Vạn Hạnh, Tô Hiến Thành (TP.HCM)...
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB số tiền là 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 2.100 tỷ đồng.
Chiều 1.8, bị cáo Phạm Công Danh trình bày nguyện vọng được tiếp xúc với lãnh đạo tập đoàn Thiên Thanh (vợ và em của bị cáo - PV) để tìm cách khắc phục hậu quả đã gây ra cho Ngân hàng Xây dựng. Đề nghị này được HĐXX xem xét bởi đây là một trong những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Theo Danviet
Phạm Công Danh chối việc chỉ đạo rút hơn 5.000 tỷ của khách hàng Trước HĐXX, nguyên chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh khai rằng không chỉ đạo trực tiếp anh em chuyển 5.490 tỷ đồng sang tài khoản của mình và một số tài khoản khác mà do nhóm cán bộ của ngân hàng tự làm. Phạm Công Danh và thuộc cấp liên quan trong vụ đại án kinh tế thất thoát hàng nghìn tỷ...