Đại án Phạm Công Danh: Nhiều “giám đốc” là… bảo vệ, lái xe
Trong đại án gây thất thoát cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) hơn 9.000 tỷ đồng, Phạm Công Danh đã lập ra hàng loạt công ty với mục đích để thực hiện các khoản vay tiền với VNCB. Nhiều bảo vệ, lái xe và nhân viên rửa xe tại Tập đoàn Thiên Thanh bỗng dưng trở thành giám đốc…
Phạm Công Danh cùng các bị cáo tại phiên tòa.
Theo cáo trạng của VKSNDTC, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập và duyệt hồ sơ cho 14 công ty, trong đó có 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Hầu hết số công ty mà ông Danh lập ra đều không có hoạt động thực chất, không có nhân viên, chỉ có giám đốc được Danh chỉ đạo để ký các hồ sơ vay tiền của VNCB.
Điển hình như trường hợp Nguyễn Tấn Thành vốn là bảo vệ cho Tập đoàn Thiên Thanh. Khoảng tháng 5.2012, Thành được nhờ đứng tên Giám đốc Công ty Thành Trí, mức lương ban đầu 5 triệu đồng/tháng, sau đó nâng lên là 10 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2014, Nguyễn Tấn Thành được nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh gọi lên trụ sở để ký hồ sơ vay (hồ sơ vay này đã được chuẩn bị sẵn và nhân viên hướng dẫn Thành ký). Với hành vi này, Thành được xác định cùng các bị can khác giúp sức cho Phạm Công Danh cho vay trái pháp luật 330 tỷ đồng của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB 152 tỷ đồng.
Còn với Trần Thanh Tùng, cũng là nhân viên bảo vệ tại Tập đoàn Thiên Thanh, nhưng tháng 5.2012, Tùng được đề nghị đứng tên Giám đốc Công ty Thanh Quang với mức lương 5 triệu đồng/tháng, sau đó nâng lên 10 triệu đồng/tháng. Tháng 2.2014, Tùng đến VNCB Chi nhánh Sài Gòn để ký hồ sơ, thủ tục vay tiền. Hành vi của Trần Thanh Tùng đã cùng với các bị can khác giúp sức cho Phạm Công Danh cho vay trái pháp luật 450 tỷ đồng của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB hơn 74 tỷ đồng.
Tương tự, trước khi làm Giám đốc Công ty An Phát, Nguyễn Minh Quân đang làm bảo vệ tại Tập đoàn Thiên Thanh, sau đó được nhờ đứng tên Giám đốc công ty này và được Tập đoàn Thiên Thanh hỗ trợ 10 triệu đồng/tháng. Tháng 3.2014, Quân lên VNCB Sài Gòn để ký hồ sơ vay tiền. Hành vi của Nguyễn Minh Quân đã cùng các bị can khác giúp sức cho Phạm Công Danh cho vay trái pháp luật 440 tỷ đồng của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB 298 tỷ đồng.
Trong khi đó, Nguyễn Hữu Duyên vốn là nhân viên rửa xe tại Tập đoàn Thiên Thanh, nhưng tháng 5.2012, Duyên được đề nghị đứng tên Giám đốc Công ty Quang Đại với mức lương được hưởng từ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2014, Duyên đến ngân hàng để ký hồ sơ vay tiền, các hồ sơ vay đều đã được chuẩn bị sẵn. Sau đó khoảng một tuần, Duyên đến VNCB để ký một số giấy tờ như: Hợp đồng tín dụng; hợp đồng thế chấp; khế ước nhận nợ và các giấy tờ liên quan khác. Hành vi của Nguyễn Hữu Duyên đã cùng các bị can khác giúp sức cho Phạm Công Danh cho vay trái pháp luật 380 tỷ đồng của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB 11,8 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Phạm Công Danh còn nhờ Nguyễn Văn Bình là lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh đứng ra làm Giám đốc Công ty Trung Dung để lập khống hợp đồng thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành, rút của VNCB 200 tỷ đồng.
Video đang HOT
Ngoài ra, Phạm Công Danh còn lập nhiều công ty khác và thuê các nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh làm lãnh đạo với mức lương từ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Đa phần lương của các giám đốc này do Tập đoàn Thiên Thanh trả.
Khai nhận tại cơ quan điều tra, các bị can trên cho biết họ nhận làm giám đốc chủ yếu để tăng thêm thu nhập. Còn việc ký giấy tờ thực chất là do được chỉ đạo, họ chỉ việc đến ký khi các hồ sơ vay tiền đã được chuẩn bị sẵn; việc giải ngân và sử dụng tiền thế nào họ đều không hề được biết. Tuy nhiên, các giám đốc làm thuê cho Phạm Công Danh đang đứng trước khả năng bị nhận án nặng khi bị VKSNDTC truy tố về tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Căn cứ trên các hồ sơ của cơ quan điều tra, VKSNDTC cho rằng các bị can đã giúp sức Phạm Công Danh trong việc gây thất thoát cho VNCB hàng trăm tỷ đồng.
Theo Danviet
Xét xử Phạm Công Danh: Kế hoạch rút 9.000 tỷ ra sao?
Sáng 20/7, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm bước vào ngày xét xử thứ 2, công tố viên đã đọc bản cáo trạng luận tội các bị cáo.
Hôm nay, ngày thứ hai xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), bị cáo Phạm Công Danh - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB và đồng phạm được dẫn giải đến tòa từ 7h30.
Đến 8h40, phiên tòa mới bắt đầu làm việc. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM, ông Trần Ngọc Quang thực hành quyền công tố tại phiên toà đã công bố bản Cáo trạng của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao dài 123 trang. Do cáo trạng dài nên được phép của thẩm phán Phạm Lương Toản, chủ toạ phiên toà, bị cáo Phạm Công Danh được ngồi nghe cáo trạng vì sức khoẻ yếu.
Theo cáo trạng số 20/CT-VKSTC-V3, Phạm Công Danh và 35 đồng phạm bị truy tố hai tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165, Bộ luật hình sự năm 1999) và tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (điều 179, Bộ luật hình sự năm 1999).
Theo VOV, trong vụ án này được chia làm 3 nhóm bị cáo. Nhóm bị cáo bị truy tố hai tội danh gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng và Bạch Quốc Hào, về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Nhóm bị cáo bị truy tố tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Phạm Việt Thép, Trần Văn Bình, Nguyễn Thị Kim Vân và Lê Công Thảo.
Bi cáo Phạm Công Danh. Ảnh: VOV.
Các bị cáo bị truy tố tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" gồm: Nguyễn Quốc Thịnh, Bùi Thị Hà Thu, Nguyễn Văn Cường, Trần Thanh Tùng, Nguyễn An Vinh, Cao Phước Nhàn, Vưu Thị Diệu, Nguyễn Minh Quân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Chí Bình, Nguyễn Hữu Duyên, Phan Tuấn Anh, Lê Khắc Thái, Lâm Kim Thu, Doãn Quốc Long, Huỳnh Nguyên Sang, Võ Ngọc Nguyễn Bình, Lý Minh, Nguyễn Tiến Hùng, Hoàng Việt Thắng, Nguyễn Quốc Sơn, Bùi Thanh Nguyên, Đặng Đình Tuấn và Thái Minh Thanh.
Trong tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan tố tụng làm rõ các hành vi của cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB và đồng phạm gồm: Lập hồ sơ khống thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking đã rút ra hơn 63,2 tỷ đồng của Ngân hàng VNCB; Lập khống hợp đồng thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành, rút ra hơn 201 tỷ đồng; Lập hợp đồng thuê trụ sở tại 816, Sư Vạn Hạnh của Công ty Hương Việt, rút ra 400 tỷ đồng; Rút gần 5.200 tỷ đồng nhưng không chứng từ, không có chữ ký của chủ tài khoản; rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng VNCB gần 5.500 tỷ đồng; Rút 903 tỷ đồng từ Ngân hàng VNCB dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Công ty Cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt.
Trong hành vi Lập hồ sơ khống thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking đã rút ra hơn 63,2 tỷ đồng của Ngân hàng VNCB, ngoài Phạm Công Danh còn có các bị cáo liên quan gồm: Mai Hữu Khương (SN 1983, cựu thành viên HĐQT, cựu Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn); Nguyễn Quốc Viễn (SN 1976, cựu Trưởng ban kiểm soát VNCB); Phan Minh Tùng (SN 1968, Phụ trách Tổ tài chính Tập đoàn Thiên Thanh); Phạm Việt Thép (SN 1972, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và TM JSC An Phát); Lê Công Thảo (SN 1979, cựu Giám đốc Trung tâm CNTT Ngân hàng VNCB).
Trong hành vi Lập hồ sơ khống thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking đã rút ra hơn 63,2 tỷ đồng của Ngân hàng VNCB, Phạm Công Danh khai nhận tại cơ quan điều tra: Do nhu cầu thanh khoản của VNCB rất căng thẳng, để đảm bảo khả năng thanh toán, cần phải thu hút khách đến gửi tiền. Do vậy cần phải có tiền để chi chăm sóc khách hàng ngoài quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phạm Công Danh khai, đề án nâng cấp hệ thông Corebanking chỉ là hợp thức hóa nhằm để rút tiền từ VNCB.
Hành vi Lập khống hợp đồng thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành, rút ra hơn 201 tỷ đồng; Lập hợp đồng thuê trụ sở tại 816, Sư Vạn Hạnh của Công ty Hương Việt, rút ra 400 tỷ đồng ngoài Phạm Công Danh còn có các bị cáo liên đới hành vi phạm tội gồm: Phan Thanh Mai (SN 1971, cựu Tổng giám đốc VNCB); Mai Hữu Khương; Bạch Quốc Hào (SN 1975, cựu Phó giám đốc Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản VNCB); Trần Văn Bình (SN 1966, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Trung Dung); Nguyễn Thị Kim Vân (SN 1979, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Hương Việt).
Về hành vi lập khống hợp đồng thuê mặt bằng, Phạm Công Danh khai nhận, do cần tiền để sử dụng, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB đã chỉ đạo cấp dưới rút tiền của VNCB hợp thức bằng Nghị quyết HĐQT với nội dung ký khống hợp đồng thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành và tại 816, Sư Vạn Hạnh. Hành vi này làm thất thoát gần 600 tỷ đồng (đã hoàn trả 20 tỷ đồng).
Hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm được cơ quan tố tụng làm rõ là: Rút gần 5.200 tỷ đồng nhưng không chứng từ, không có chữ ký của chủ tài khoản; rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng VNCB gần 5.500 tỷ đồng.
Trong hành vi này của Phạm Công Danh và đồng phạm liên quan hai người của Tập đoàn Tân Hiệp Phát là ông Trần Quý Thanh, con gái là Trần Ngọc Bích và người thân trong gia đình (Nhóm Trần Ngọc Bích). Theo đó, Phạm Công Danh đã chỉ đạo thuộc cấp lập hồ sơ cho Nhóm Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm này. Sau khi hoàn thành thủ tục vay tiền, VNCB giải ngân và chuyển vào tài khoản của Trần Ngọc Bích mở tại VNCB Chi nhánh Sài Gòn.
Khi muốn vay tiền thì thông qua Phạm Thị Trang (còn gọi là Trang Phố Núi) thỏa thuận, thống nhất với Trần Ngọc Bích việc điều chuyển dòng tiền vào các tài khoản do Trang chỉ định (chủ yếu là vào các tài khoản của Phạm Đình Thiêm và Phạm Công Danh) và Bích thực hiện các thủ tục theo quy định để VNCB chuyển tiền vào các tài khoản đó hợp pháp, đúng quy định. Khi nào đến hạn trả nợ thì Trần Ngọc Bích thống nhất với Trang chuyển trả tiền vào tài khoản do Bích chỉ định.
Trong thời gian này, hai bên đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của Nhóm Trần Ngọc Bích với tổng số tiền VNCB đã giải ngân là 17.761,5 tỷ đồng, trong đó có 16.260,5 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản của Phạm Công Danh.
Sau khi tiền đến tài khoản, Phạm Công Danh sử dụng: Trả nợ cho Nhóm Phú Mỹ 2.079,606 tỷ đồng. Chuyển lại cho Nhóm Trần Ngọc Bích 9.608,873 tỷ đồng để tất toán một số khoản vay trước đó. Số còn lại 4.572,021 tỷ đồng được Phạm Công Danh chuyển qua nhiều tài khoản của Danh (các cá nhân và công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh) để trả nợ, đảo nợ, chi chăm sóc khách hàng và sử dụng cá nhân. Các khoản vay này, đến thời điểm khởi tố vụ án đã được hai bên tất toán hết.
Ngày 21/8 và ngày 26/8/2013 có 5.190 tỷ đồng rút ra từ VNCB (trong tài khoản của Trần Ngọc Bích), nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản, được chuyển đến các tài khoản của Phạm Công Danh.
Các khoản tiền này, Phạm Công Danh chỉ đạo thuộc cấp tự ý chuyển sang tài khoản của Phạm Công Danh để tất toán các khoản mà Danh đã vay trước đó của Nhóm Trần Ngọc Bích và rút từ VNCB ra 300 tỷ đồng đứng tên trong sổ tiết kiệm 3 cá nhân của Nhóm Trần Ngọc Bích nhưng không có hồ sơ, chứng từ vay. Khoản tiền này đã bị Phạm Công Danh chỉ đạo rút ra chi tiêu nhưng không giải trình được sử dụng vào mục đích gì.
Hành vi cuối cùng trong tội Cố ý làm trái quy đinh của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Phạm Công Danh và đồng phạm là việc rút 903 tỷ đồng từ VNCB dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Công ty Cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt.
Tổng hợp nhiều sai phạm trên, theo kết luận của cáo trạng, tổng số tiền mà Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB đến thời điểm khởi tố vụ án hơn 9.000 tỷ đồng.
Theo Doanh Nghiệp Việt Nam
Phạm Công Danh và thủ đoạn rút 5.500 tỉ đồng của VNCB Trong ngày thứ hai xét xử đại án thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, đại diện Viện kiểm sát đã công bố bản cáo trạng truy tố Phạm Công Danh cùng đồng phạm. Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT VNCB (thứ hai từ phải) và đồng phạm - Ảnh: Hữu Khoa Cáo trạng liệt kê hàng...