Đại án Phạm Công Danh: Làm tổng giám đốc nhận lương 5 triệu đồng mỗi tháng
Sáng 26/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam ( VNCB) tiếp tục phần xét hỏi.
Ông Danh thành lập hàng loạt doanh nghiệp nhưng không hoạt động kinh doanh, thuê người làm giám đốc để rút tiền ngân hàng.
Sáng 26/7, Tòa tiến hành xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (37 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Hương Việt), là người đứng tên hợp đồng cho thuê thửa đất tại 816 Sư Vạn Hạnh để giúp Phạm Công Danh rút 400 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định Vân phải liên đới chịu trách nhiệm về việc rút 400 tỷ đồng ra khỏi tài khoản của VNCB bằng hành vi gian dối.
Trả lời trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân cho biết trước khi làm giám đốc công ty Hương Việt hồi tháng 12/2010, bị cáo làm nhân viên bán xe. Người nhờ bị cáo làm giám đốc là Phạm Công Trung (em Phạm Công Danh).
Theo bị cáo, sau 6 tháng làm giám đốc đến tháng 4/2011 bị cáo nghỉ ở Tập đoàn Thiên Thanh và không được nhận khoản tiền nào hỗ trợ từ việc làm giám đốc. Trong thời gian làm giám đốc, bị cáo cũng chỉ là nhân viên bán xe. Con dấu, tài khoản và tất cả mọi thứ bị cáo đều không biết.
Khi Tòa hỏi bị cáo đã học qua trường lớp về quản trị kinh doanh chưa, Vân cho biết: Bị cáo học hết lớp 12 và thừa nhận việc ký tên trên hợp đồng thuê mặt bằng gây thiệt hại cho VNCB 400 tỷ đồng là sai.
Video đang HOT
Bị cáo Vân kể: Tháng 3/2014, chị Thúy – kế toán tài chính VNCB gọi bị cáo lên ký hồ sơ, chị Thúy đưa bị cáo ủy nhiệm chi, tất cả những phần trong ủy nhiệm chi là trống. Bị cáo hỏi: “ Sao bắt chị ký nhiều vậy?” thì được trả lời là cứ ký đi, còn phần thông tin thì ngân hàng sẽ điền vào sau.
Đến ngày 13/3/2014, bộ phận của tập đoàn Thiên Thanh gọi bị cáo lên ký vào giấy tờ nhưng không có nội dung thì bị cáo cũng hỏi là sao không có ngày tháng thì họ nói là điền sau. Sau khi cơ quan điều tra đưa ra hồ sơ thì ngày trên chứng từ lại không khớp ngày bị cáo ký. Như vậy, họ đã rút tiền rồi mà quay lại bắt bị cáo ký vào chứng từ.
Vân quả quyết chi rằng, việc thanh lý hợp đồng thì bị cáo không ký nhưng cáo trạng lại ghi bị cáo ký. Lý giải tất cả những việc làm, Vân nói do mình “tin vào anh Danh và tập đoàn Thiên Thanh”.
Khi được Tòa hỏi: Vậy tiền lương hưởng chức vụ giám đốc là bao nhiêu, bị cáo Vân trả lời: Lúc đầu 5 triệu đồng/tháng, sau đó là 10 triệu đồng/tháng. Nhưng thời gian đầu bị cáo không nhận được đồng nào.
Trước đó, trong phiên xét xử ngày 22/7, khi tòa yêu cầu trả lời về vi phạm của mình, bị cáo Vân òa khóc nức nở giữa tòa khiến HĐXX phải cho bị cáo nghỉ 10 phút lấy lại bình tĩnh. Vân cũng cho biết, công ty Hương Việt chỉ có Vân làm giám đốc, không có hoạt động kinh doanh gì, không có nhân viên và kế toán, Vân cũng không biết gì về nghiệp vụ.
Ngoài Vân, có rất nhiều nhân viên, bảo vệ, lái xe, rửa xe… được đưa lên làm giám đốc và đang phải đối mặt với vòng lao lý. Như trường hợp ông Trần Văn Bình (50 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Trung Dung) cũng bị cáo buộc về hành vi ký khống hợp đồng thuê mặt bằng với Ngân hàng Xây dựng giúp Danh rút hơn 400 tỷ đồng.
Ông này vốn là tài xế cho các sếp Tập đoàn Thiên Thanh từ năm 2009 và mới học hết lớp 7, sau này được ông Danh và lãnh đạo tập đoàn nhờ làm Giám đốc công ty Trung Dung.
Ông Bình nói không biết vì sao được đưa vào chức vụ lớn, cũng không biết những hoạt động cơ bản của công ty mà chỉ làm theo chỉ đạo của sếp. Đến cuối năm 2012, ông mới hay mình làm tới chức Tổng giám đốc.
Theo Bizlive
Bi kịch 12 giám đốc ngu ngơ ký bừa cho Phạm Công Danh rút 2.000 tỷ
Trước tòa, các bị cáo nguyên là Giám đốc các công ty thuộc tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh lập ra dùng để "rút ruột" VNCB đã được thẩm vấn. Qua lời khai cho thấy các bị cáo này như những gã bù nhìn, đã góp phần giúp Danh rút ruột hàng trăm tỷ đồng nhưng không hề biết.
Phiên tòa xét xử đại án gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng tại VNCB hôm nay tiếp tục với phần xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát.
Theo cáo trạng, quá trình hoạt động, Phạm Công Danh đã thành lập hàng loạt công ty "ma" để thực hiện những phi vụ rút tiền. Cuối năm 2012, biết mình là Chủ tịch HĐQT VNCB, theo quy định không thể vay tiền trực tiếp từ ngân hàng này nên đã Danh chỉ đạo các cấp dưới tại ngân hàng và các nhân viên tại tập đoàn Thiên Thanh lập các bộ hồ sơ khống để phê duyệt và giải ngân cho 12 pháp nhân của Thiên Thanh vay tổng cộng 4.400 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 26/7
Theo chỉ đạo của Danh, 12 cá nhân đứng tên giám đốc các công ty đã dùng các hợp đồng mua bán vật liệu khống, phương án trả nợ khống, nâng giá tài sản thế chấp lên nhiều lần (tài sản thế chấp là các lô đất tại sân vận động Chi Lăng và 209 Trường Chinh, TP Đà Nẵng) để vay tiền tại VNCB. Khi 4.400 tỷ đồng giải ngân, Danh chỉ đạo sử dụng các khoản tiền vào những mục đích khác nhau, trái với nội dung nêu trong hợp đồng.
Tại tòa, lời khai của các "giám đốc thuê" đầy bi hài, chua chát. Bị cáo Bùi Thị Hà Thu (SN1970, Hà Nội) khai trước khi làm giám đốc, bị cáo là nhân viên của Thiên Thanh sau đó được nhờ đứng tên Giám đốc công ty Đại Hoàng Phương với mức lương 5-10 triệu đồng/tháng.
Thu biết công ty không có hoạt động kinh doanh gì, không có nhân viên hay phương án kinh doanh nhưng vẫn nhắm mắt ký hồ sơ vay 280 tỷ đồng của VNCB gây thiệt hại 202 tỷ đồng. Không chỉ bản thân làm "giám đốc thuê" mà Thu còn lôi kéo cả chồng là Nguyễn An Vinh (là họa sĩ, SN 1973, Hà Nội) tham gia.
Trước tòa, bị cáo Vinh khai đang là họa sĩ thì được vợ là bị cáo Thu giới thiệu vào Thiên Thanh làm giám đốc. Tòa hỏi vậy vì sao đang là họa sĩ, chưa từng đào tạo các kỹ năng sao làm giám đốc doanh nghiệp được, bị cáo nghĩ gì?
Bị cáo nói: "Bị cáo nghĩ người họa sĩ thì khác với người bình thường ạ", nghe bị cáo trả lời người dự khán bật cười. Tòa hỏi bị cáo nghĩ sao về tổng thiệt hại mà vợ chồng bị cáo góp phần gây ra là hơn 400 tỷ đồng? Nghe đến đây, bị cáo Vinh xin tòa xem xét.
Tương tự, Trần Thanh Tùng đang làm nhân viên bảo vệ thì được "mời" đứng tên làm giám đốc công ty Thanh Quang. Sau đó, Tùng được gọi đến VNCB chi nhánh Sài Gòn để ký hồ sơ vay tiền. Tại đây, Tùng đã ký vào các giấy tờ đã chuẩn bị sẵn như giấy đề nghị vay vốn, phương án vay, hợp đồng tín dụng... Đến khi vụ án bị phát hiện, Tùng mới biết đã giúp sức cho Danh vay trái pháp luật 450 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VNCB trên 74 tỷ đồng.
Cũng trong khoảng thời gian trên, bị cáo Nguyễn Hữu Duyên là nhân viên rửa xe của tập đoàn Thiên Thanh được đề nghị làm thêm "nghề" giám đốc thuê để kiếm thêm thu nhập. Thấy việc kiếm tiền quá dễ dàng, đầu năm 2014, Duyên còn giới thiệu bạn là Vưu Thị Diệu, đứng tên làm giám đốc công ty Toàn Tâm để hưởng lương. Trong năm 2014, Diệu và Duyên lần lượt ký vào các hợp đồng vay tiền của VNCB tổng cộng 640 tỷ đồng, gây thất thoát cho VNCB gần 188 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của tòa tại sao lại ký tên vay tiền, có nghĩ tiền sẽ được chuyển đi đâu, dùng vào việc gì không? Hầu hết 12 bị cáo đều trả lời không biết, có bị cáo khai khi ký có băn khoăn và hỏi Phạm Công Danh thì Danh nói "cứ yên tâm" nên làm theo.
Theo cáo trạng, tính đến thời điểm khởi tố vụ án, 12 "giám đốc thuê" của Thiên Thanh đã giúp sức để Danh gây thiệt hại của VBCB 2.095 tỷ đồng.
Theo Vietnamnet
Xét xử 'đại án' Phạm Công Danh: Làm rõ khoản vay 5.490 tỉ đồng Đại diện Viện Kiểm sát cũng tập trung hỏi, làm rõ khoản vay 5.490 tỉ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích - Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát. Ngày 26.7, phiên sơ thẩm xét xử "đại án" Phạm Công Danh tiếp tục với phần đại diện Viện KSND TP.HCM xét hỏi các bị cáo ở các hành vi cố ý...