Đại án Phạm Công Danh Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Chuyên gia pháp lý Đinh Văn Quế có kiến nghị trước khi có quyết định xử phúc thẩm đại án VNCB.
Với tư cách là một cử tri, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, tác giả hàng loạt bộ sách, giáo trình về pháp luật hình sự được coi là cẩm nang của những người học tập, nghiên cứu và thực hành pháp luật, đã có Bản Kiến nghị gửi các cơ quan có thẩm quyền về vụ án Phạm Công Danh, vì vụ án này “có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.
Có hành vi chiếm đoạt tài sản
Ông Đinh Văn Quế cho rằng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát (VKS) và Tòa án cấp sơ thẩm xác định hành vi phạm tội của Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN – VNCB) và đồng phạm là “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” là chưa chính xác, chưa phản ánh đúng bản chất hành vi phạm tội của các bị cáo. Trong số hơn 18.000 tỷ đồng Phạm Công Danh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn rút ra từ VNCB và lập các hồ sơ khống để vay của 3 ngân hàng (NH) khác, theo Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm thì Danh dùng hơn 10.000 tỷ đồng mua cổ phần cho nhóm của mình và trả nợ cá nhân hoặc trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh. Số tiền còn lại Cơ quan điều tra, VKS và Tòa án cấp sơ thẩm không xác định được Danh đã chi tiêu vào việc gì. Như vậy, tất cả các khoản tiền hơn 18.000 tỷ đồng Phạm Công Danh rút ra từ 3 NH đều sử dụng cho mục đích riêng của Danh, Tập đoàn Thiên Thanh. Cơ quan điều tra, VKS và Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã chứng minh Phạm Công Danh không hề dùng tiền lấy được để “cứu” VNCB, cho dù Phạm Công Danh có “cứu” VNCB thì cũng chỉ là vì mục đích cá nhân của Danh. Thực tế Phạm Công Danh không hề bỏ ra một đồng nào để sở hữu và kiểm soát gần như toàn bộ VNCB. Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 thì hành vi của Phạm Công Danh có đủ dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Nếu hành vi này xảy ra tại NH của Nhà nước hoặc theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 thì đó là hành vi phạm tội “tham ô tài sản”. Tuy nhiên, Bộ Luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực thi hành nên Phạm Công Danh không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tham ô tài sản”. Nhưng không vì thế mà cho rằng hành vi của Phạm Công Danh chỉ là hành vi phạm tội “Cố ý làm trái…” hay “Vi phạm các quy định về cho vay…”. Theo hồ sơ vụ án, kết quả xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm thì hành vi của Phạm Công Danh không phải là hành vi phạm tội “Cố ý làm trái…” hay “Vi phạm các quy định về cho vay…”, mà hành vi này có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có tình tiết tăng nặng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Theo ông Đinh Văn Quế, do xác định không đúng tội danh của Phạm Công Danh nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định chưa đúng tư cách tham gia tố tụng của VNCB, không xác minh tới cùng Phạm Công Danh đem tiền chiếm đoạt đi đâu, cũng như quyết định xử lý vật chứng của vụ án không đúng nhằm thu hồi tài sản cho VNCB…
Video đang HOT
Phạm Công Danh tại tòa sơ thẩm
Có bỏ lọt tội phạm?
Cơ quan điều tra đã xác định Phạm Công Trung, em trai Phạm Công Danh là người giúp sức đắc lực cho Phạm Công Danh trong việc lập hồ sơ khống tại 4 chi nhánh của BIDV để vay với số tiền 4.700 tỷ đồng. Ngoài ra, Phạm Công Danh chỉ đạo Phạm Công Trung lấy số liệu dự án xây dựng của 30 dự án đem về cho Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Lưu Trung Kiên, Phan Minh Tùng lập hồ sơ, hợp đồng mua bán khống giữa 12 công ty và 29 công ty bên ngoài nhằm chứng minh đầu ra của phương án kinh doanh trong hồ sơ vay vốn BIDV.
Theo Cơ quan điều tra, nhiều giám đốc các công ty ký các hợp đồng khống khai việc ký hợp đồng khống là do Phạm Công Trung liên hệ, thỏa thuận với họ. Việc lập hồ sơ khống để vay tiền tại VNCB, Sacombank, Tienphongbank, và rút tiền từ VNCB cũng do Phạm Công Trung là người trực tiếp nhờ họ đứng tên làm giám đốc và lấy thông tin của họ, đưa họ đi ký thủ tục để thành lập doanh nghiệp.
Trong việc gúp sức anh trai mình, Phạm Công Trung được hưởng lợi tiền rút ra từ NH, trực tiếp dùng tiền này mua và sở hữu cổ phần trong VNCB. Cơ quan cảnh sát điều tra đã có lệnh khởi tố và bắt giam Phạm Công Trung và đề nghị VKSND Tối cao phê chuẩn, nhưng không hiểu sao Viện kiểm sát lại không phê chuẩn.
Theo Đất Việt
Bài toán thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế
Những năm qua, các "đại án" kinh tế xảy ra ngày càng nhiều với thiệt hại từ trăm tỉ đồng đến hàng ngàn tỉ đồng, nhưng thực tế việc thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả có khi chưa được số lẻ của thiệt hại.
HĐXX tuyên buộc Phạm Công Danh phải bồi thường hơn 6.000 tỉ đồng nhưng để thi hành được không phải dễ
Cơ chế pháp luật có nên thay đổi về cấu thành tội phạm, thu hồi tài sản đối với loại tội danh này để có được kết quả thu hồi tài sản tốt nhất?
Có lẽ không ai quên được vụ án Epco - Minh Phụng, một trong những vụ án kinh tế nổi tiếng nhất của VN ở thập niên 1990. Vụ án đã khiến nhiều "đại gia" có tiếng và cán bộ ngân hàng phải vào tù, thậm chí nhận án tử hình do những sai phạm trong quản lý tài chính, vi phạm quản lý nhà nước, gây thiệt hại gần 6.000 tỉ đồng cho các ngân hàng và một số bên liên quan.
Đến giai đoạn 2014, lịch sử ngân hàng VN lại "lưu danh" Huỳnh Thị Huyền Như (Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank chi nhánh TP.HCM, quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) đã chiếm đoạt gần 5.000 tỉ đồng của 9 công ty, 4 ngân hàng, 3 cá nhân. Đến cuối tháng 12.2014, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên buộc Như án chung thân về 2 tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "làm giả con dấu của cơ quan tổ chức". Về phần dân sự, tòa tuyên Như và một số bị cáo khác bồi thường hơn 14.000 tỉ đồng.
Song song với "đại án" Huỳnh Thị Huyền Như, vụ án Nguyễn Đức Kiên ("bầu" Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) và các cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB cũng gây chấn động dư luận khi ông Kiên cùng đồng phạm gây thiệt hại cho ACB gần 2.000 tỉ đồng. Trong vụ án này, ông Kiên cũng phải nhận hình phạt 30 năm tù cho 4 tội danh và tổng số tiền phải thu hồi trong vụ án là 100 tỉ 146 triệu đồng.
Trầy trật thu hồi chưa được một nửa
Liên quan đến dân sự trong các vụ án hình sự là "đại án" nêu trên, các bị cáo phải bồi thường cho các bên liên quan hoặc phải nộp một khoản tiền lớn cho nhà nước để sung công quỹ. Nhưng không phải án tuyên xong rồi là có thể thi hành được. Và cho đến nay cả 3 "đại án" trên chưa vụ nào có thể thi hành án xong phần dân sự.
Về vụ án Epco - Minh Phụng, một vụ án kết thúc ở thập niên 1990 và ai từng quan tâm đến vụ án này cũng không quên câu chuyện quá trình thi hành án đã khiến một chấp hành viên phải ngồi tù, một lãnh đạo khác cũng liên quan về hành vi thiếu trách nhiệm nhưng được miễn trách nhiệm hình sự. Sau gần 16 năm tổ chức thi hành án, vẫn còn hơn 2.000/6.000 tỉ đồng chưa được thi hành án xong. Dù trước đó, tổng số nợ theo các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh hoặc khoản nợ vay khác của 6 ngân hàng đã được HĐXX cấn trừ bằng giá trị tài sản thế chấp trên 2.232 tỉ đồng.
Đến "đại án" Huỳnh Thị Huyền Như, trong số tiền phải thi hành án hơn 14.000 tỉ đồng, thì có khoảng 11.080 tỉ đồng tòa buộc sung công quỹ nhà nước vì đây là số tiền thực hiện tội phạm và thu lợi bất chính của vụ án; tiền bồi thường cho các ngân hàng, tổ chức, cá nhân là hơn 2.907 tỉ đồng; án phí phải nộp là gần 3,5 tỉ đồng. Nhưng đến nay chỉ mới thi hành xong phần tiền án phí; còn lại, chỉ mới thi hành sung công quỹ nhà nước gần 164 trong số 11.080 tỉ đồng, hơn 80 trong số 2.907 tỉ đồng tiền bồi thường cho các ngân hàng, tổ chức, cá nhân. Đó là những con số rất khiêm tốn và trong hầu hết các cuộc họp của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) hoặc Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, các cơ quan này cho biết để thi hành xong phần dân sự trong các vụ án kinh tế có thiệt hại lớn là rất khó và cần có thời gian lâu dài.
Đối với vụ án Nguyễn Đức Kiên, dù số tiền thu hồi có vẻ nhỏ hơn so với các "đại án" kinh tế khác nhưng theo Tổng cục Thi hành án dân sự thì đến nay vẫn còn gần 24 tỉ đồng trong 100 tỉ 146 triệu đồng chưa được thi hành án xong, do đang có khiếu nại của ngân hàng trong việc khấu trừ tiền trong tài khoản của bên liên quan để thi hành án.
Trong tháng 8 - 9.2016, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án "cố ý làm trái..." và "vi phạm quy định cho vay..." đối với bị cáo Phạm Công Danh cùng 35 đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB) hơn 9.000 tỉ đồng. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát thì Danh phải đối diện mức án 30 năm tù, đồng thời bị cáo và Tập đoàn Thiên Thanh phải liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại với số tiền gốc và lãi trên 9.000 tỉ đồng.
Quá trình điều tra xét xử, bị cáo Danh và gia đình đã xin cơ quan thẩm quyền được chọn, thỏa thuận với một đối tác mua một số tài sản với giá tốt hơn giá thẩm định của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự; tích cực cộng tác và yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng truy hồi toàn bộ số tiền là vật chứng và dòng tiền đi bất hợp pháp của vụ án để đối trừ nhằm khắc phục hậu quả. Tòa sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu trên, đã có hơn 6.500 tỉ đồng trên tổng số 9.000 tỉ đồng được tuyên thu hồi. Phần lớn thiệt hại của vụ án đã được khắc phục.
Với một số khoản tiền không được tòa sơ thẩm chấp nhận liên quan nhóm bà Trần Ngọc Bích, nhóm cổ đông cũ do bà Hứa Thị Phấn đại diện, bị cáo Danh tiếp tục kháng cáo lên phúc thẩm.
Theo Thanh Niên
Tiếp tục kê biên nhiều tài sản của Phạm Công Danh Tòa tuyên tiếp tục kê biên với hàng loạt tài sản của Phạm Công Danh như đất ở SVĐ Chi Lăng, khách sạn Mỹ Trà, 3 bất động sản mà luật sư cho rằng tiền của vợ ông Danh vay mượn mẹ ruột... Tiếp tục kê biên nhiều tài sản của Phạm Công Danh Theo kết luận của Hội đồng xét xử tòa...