Đại án Ocean Bank: “Đừng vì lệnh sếp mà làm sai, sếp lo cho sếp còn chưa được”
“Sếp chỉ đáng để các bạn tin cậy khi không bao giờ ép các bạn làm sai, hoặc khi các bạn nói lại sếp sẽ hiểu và đánh giá cao bạn. Nếu các bạn vượt rào vì cá nhân thì hãy nghĩ lại, tiền bạc rất quý nhưng đến lúc lao lý bệnh tật, tiền bạc sẽ chẳng có nghĩa gì”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI đưa ra lời khuyên với nhân viên và những người cùng ngành trong “tâm bão” đại án Ocean Bank.
Trong khi phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và 47 đồng phạm liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) đang tiếp tục diễn ra và là tâm điểm của dư luận thì trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân hàng, những rủi ro của ngành này là vấn đề được bàn đến.
Vụ đại án được đưa ra xét xử không chỉ có cựu Chủ tịch Ocean Bank – ông Hà Văn Thắm mà còn kéo theo 34 giám đốc ngân hàng phải ra đứng trước ngành móng ngựa. Bên cạnh đó còn có 227 cán bộ khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì chi lãi suất ngoài hợp đồng…
Trong một chia sẻ rất tâm huyết với những người trong ngành, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, đây là một ngành nhiều cám dỗ, nhiều cơ hội để trục lợi nhưng cũng chính vì vậy nên cũng nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Duy Hưng đánh giá, tài chính, ngân hàng là ngành nhiều cám dỗ, lắm cơ hội trục lợi, những rất dễ hầu tòa
Các sản phẩm tài chính trá hình, tham gia tổ lái, vi phạm các quy định về giao dịch, tín dụng, thế chấp… mọi thứ chỉ cần tặc lưỡi đều có thể mang lại một nguồn lợi.
“Khi làm được một lần mình sẽ nghĩ mọi chuyện đơn giản, tiền bạc làm mờ mắt và một phần thấy đã trót lọt kiếm lời, không còn thấy vượt rào là rủi ro thì việc vi phạm sẽ là việc làm hàng ngày. Khi vi phạm là việc hàng ngày thì có nghĩa là việc đứng trước vành móng ngựa chỉ còn là may rủi hay khi nào thôi”, vị Chủ tịch SSI nhìn nhận.
Video đang HOT
Đây cũng chính là nguyên nhân mà tại phiên tòa xét xử đại án Ocean Bank, nhiều người đi làm thuê cũng đã bị ra trước vành móng ngựa vì tội cố ý làm trái.
Nhìn họ khóc trước toà, những giọt nước mắt của hối hận với những gì đã xảy ra, và cả những giọt nước mắt bất lực khi nghĩ nếu được làm lại mình sẽ phải làm thế nào đây khi mình chỉ là người làm thuê phải có nghĩa vụ tuân thủ chỉ đạo của lãnh đạo. Chính vì vậy, ông Hưng cho rằng, mỗi người làm chứng khoán, tài chính, ngân hàng cần bỏ ra 10 phút để xem lại những gì mình làm trong thời gian qua để xác định cho mình một nguyên tắc cho thời gian tới.
“Nếu vì tiền vì tham cho mình rồi dính vòng lao lý, tuy đau thương nhưng thôi thì “có gan làm thì có gan chịu”. Nhưng nếu chỉ vì nghe theo sếp phải làm trái thì đừng bao giờ các bạn làm, khi các sếp nói các bạn làm trái họ luôn nói “bọn em đừng sợ, anh quen người này, anh có người kia chống lưng, các em cứ yên tâm”. Chỉ đến khi vào vòng lao lý các bạn mới thấy rằng chỉ có pháp luật mới giúp được mình, sếp lo cho sếp còn chưa được lo sao được cho mình, thậm chí rất nhiều sếp còn đổ trách nhiệm ngược lại cho mình, quên mất rằng khi các bạn làm là tuân lệnh sếp”, ông Hưng chia sẻ.
Cũng là một người chủ doanh nghiệp và nhiều năm lăn lộn trong ngành tài chính, chứng khoán, ông Hưng đưa ra lời khuyên với những người cùng ngành, rằng: Vì nhiều lý do khác nhau như tin vào khả năng của sếp, chủ quan nghĩ không sao đâu ai chẳng như vậy, vì lợi trước mắt hay bị ép buộc sợ mất việc nếu không làm theo ý sếp… hay vì một lý do nào khác mà các bạn vượt rào vi phạm. Hãy dừng lại ngay trước khi quá muộn.
Bởi, sếp chỉ đáng để các bạn tin cậy khi không bao giờ ép các bạn làm sai, hoặc khi các bạn nói lại sếp sẽ hiểu và đánh giá cao bạn. Nếu các bạn vượt rào vì cá nhân thì hãy nghĩ lại, tiền bạc rất quý nhưng đến lúc lao lý bệnh tật tiền bạc sẽ chẳng có nghĩa gì.
Theo Chủ tịch SSI, nếu tất cả những người làm trong ngành này nói không với vượt rào, tuân thủ các quy định thì ngay cả để cạnh tranh cũng sẽ rất lành mạnh. Người lao động vì an toàn cho chính mình thì ngay cả các ông chủ muốn làm sai cũng chẳng làm được.
“Không ai yêu mình bằng chính mình, không ai bảo vệ mình bằng chính mình. Các bạn xin đừng quên điều đó. Tôi nói với các bạn tâm tình của một đồng nghiệp và cũng là một sếp của ngành này. Với nhân viên của tôi, không bao giờ tôi yêu cầu ai làm trái kể cả vì công ty hay vì cá nhân tôi, nếu có ai cố ý làm trái vì bất kể lý do gì nếu tôi phát hiện ra tôi sẽ xử lý, thậm chí buộc thôi việc!”, ông Hưng nhấn mạnh.
(Theo Dân Trí)
Cáo trạng đại án OceanBank
Hôm qua (22.12), Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm (41 tuổi, ở Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và 47 bị can khác.
Hà Văn Thắm gây thiệt hại 14.000 tỉ đồng trong đại án OceanBank
Đây là các bị can trong vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại OceanBank và một số đơn vị liên quan.
Nợ xấu hơn 14.000 tỉ đồng
Trong đó, Hà Văn Thắm bị truy tố về 3 tội: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong 47 bị can khác còn có: Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu (đều là nguyên Tổng giám đốc OceanBank); Nguyễn Văn Hoàn, Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó tổng giám đốc) và nguyên một số lãnh đạo các hội sở đến chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống OceanBank và lãnh đạo của Công ty CP BSC VN (gọi tắt là BSC).
Theo cáo trạng, trong quá trình điều hành OceanBank, bằng thủ đoạn thành lập các công ty sân sau, ông Thắm chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân, dùng nhiều thủ đoạn để rút tiền của NH, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng không có khả năng thu hồi. Đến ngày 31.3.2014, các vi phạm của ông Thắm và đồng phạm dẫn đến nợ xấu là hơn 14.000 tỉ đồng. Ngày 6.5.2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định mua lại Ngân hàng TMCP Đại Dương với giá 0 đồng.
Trong quá trình tham gia quản trị, điều hành OceanBank, với cương vị người đứng đầu NH, ông Thắm đã chỉ đạo Ban Tổng giám đốc OceanBank giải quyết cho vay 500 tỉ đồng đối với Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản bảo đảm, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của NHNN về quy chế cho vay và quy trình, thủ tục cho vay của OceanBank, trực tiếp gây thiệt hại cho OceanBank 343 tỉ đồng.
Thu phí ngoài hợp đồng khi cho vay
Cuối năm 2008, Tập đoàn dầu khí VN (PVN) ký thỏa thuận và trở thành cổ đông, đối tác chiến lược của OceanBank, đồng thời giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên HĐQT và Tổng giám đốc của OceanBank. Đầu năm 2009, ông Sơn và Thắm bàn bạc về việc huy động vốn cho OceanBank, Sơn đã chủ động đề nghị với Thắm về việc OceanBank phải chi cho mình ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng với mức trên, dưới 1%/năm/tổng số tiền gửi để huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí. Ông Thắm chấp nhận đề nghị của Sơn. Nhưng để có tiền chi cho Sơn, OceanBank phải tăng lãi suất khi cho vay nhằm đảm bảo NH không bị lỗ, trong khi NHNN lại quy định trần lãi suất, nên muốn "vượt trần" thì cần có một công ty sân sau đứng ra thu phần chênh lệch này. Vì vậy, 2 người bàn bạc và thống nhất sẽ "thu phí" chênh lệch lãi suất của khách hàng vay vốn thông qua BSC - công ty "sân sau" của ông Thắm.
Sau đó, Thắm đưa Phạm Hoàng Giang (Phó phòng Pháp chế - khối tuân thủ OceanBank) về BSC làm tổng giám đốc để điều hành hoạt động công ty này và giao cho Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng, thông báo chủ trương và triển khai thực hiện hoạt động "thu phí" chênh lệch lãi suất trên toàn hệ thống OceanBank.
Bán ngoại tệ cũng... thu phí ngoài hợp đồng
Cùng thời điểm triển khai việc "thu phí" chênh lệch lãi suất ngoài hợp đồng tín dụng, OceanBank phát sinh bán ngoại tệ cho khách hàng, chủ yếu là khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ đến kỳ hạn thanh toán. Theo lời khai của Nguyễn Minh Thu, năm 2009, thị trường ngoại tệ khan hiếm nhưng theo quy định thì OceanBank không thể bán ngoại tệ với tỷ giá cao hơn tỷ giá trần do NHNN niêm yết cũng như không được thu thêm bất kỳ các khoản phí nào khi bán ngoại tệ đối với các hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay. Khi Thu báo cáo tình hình này với Sơn thì được Sơn chỉ đạo phải bán ngoại tệ cho các khách hàng đang có quan hệ vay vốn tại OceanBank và khách hàng khác. Ngoài ra, phải thu phần chênh lệch tỷ giá ngoại tệ ngoài hợp đồng thông qua Công ty BSC bằng các hợp đồng dịch vụ. Sau đó, Thu phổ biến lại chủ trương này cho khối nguồn vốn để thu phí chênh lệch tỷ giá ngoại tệ trên toàn hệ thống của OceanBank.
Việc làm này của ông Thắm và Sơn gây thiệt hại cho OceanBank và khách hàng 68 tỉ đồng. Ông Thắm còn chỉ đạo thống nhất với lãnh đạo OceanBank về chủ trương chi trái với các quy định của nhà nước về trần lãi suất và chế độ tài chính, kế toán gây thiệt hại cho OceanBank hơn 1.500 tỉ đồng.
(Theo Thanh Niên)
Hà Văn Thắm và di sản 0 đồng Trước khi rơi vào vòng lao lý, Hà Văn Thắm từng được coi là một doanh nhân trẻ giàu có, với tài sản lên tới hàng nghìn tỉ đồng... Hà Văn Thắm lúc còn ở &'đỉnh cao' Cái tên Hà Văn Thắm gắn với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như:Ocean Bank, Kem Tràng Tiền, chuỗi khách sạn và bất động sản Star...