Đại án ngành đăng kiểm từ manh mối xe cơi nới nghênh ngang trên đường
Từ nguồn tin báo về một số xe cơi nới thành thùng được hợp thức hóa vi phạm trên giấy đăng kiểm, cơ quan điều tra đã làm rõ hàng loạt sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm.
Xe cơi nới thành thùng vẫn cấp chứng nhận đăng kiểm
Trong nhiều tháng qua, lực lượng chức năng tiếp tục mở rộng điều tra sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Đến thời điểm này đã có hơn 300 đối tượng tại nhiều trung tâm đăng kiểm bị khởi tố, bắt tạm giam với một loạt tội danh: Nhận hối lộ, môi giới hối lộ, gian dối trong kiểm định, sử dụng phần mềm để thay đổi thông số kiểm định khí thải, bỏ qua vi phạm, thậm chí tiếp tay cho sai phạm…
Trong đó, đáng lưu ý tình trạng bỏ qua sai phạm ở những xe cơi nới thùng xe.Vụ việc được Công an TP.HCM phát hiện từ tháng 10/2022.
Theo Thượng tá Nguyễn Đình Dương, trưởng Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM (PC08), trước đó đơn vị nhận được nguồn tin trong hoạt động kiểm định phương tiện có dấu hiệu sai phạm.
Ngày 26/10/2022, lực lượng Cảnh sát giao thông đã chặn dừng xe tải 50H-100.20 trên đường để kiểm tra thành thùng và giấy kiểm định phương tiện.
Qua kết quả đo thành thùng phương tiện về chiều dài, rộng, cao và đối chiếu với sổ giấy kiểm định, phương tiện này khớp với thông số kỹ thuật trên giấy kiểm định do Trung tâm kiểm định 62-03D cấp.
Tuy nhiên, qua rà soát lại dữ liệu đăng kiểm gốc của Cục Đăng kiểm lưu, cảnh sát giao thông phát hiện thùng xe đã được hợp pháp hóa cơi nới 71 cm. Việc cơi nới này nhằm mục đích chở thêm hàng hóa.
Video đang HOT
Tương tự, sau đó cảnh sát giao thông tiếp tục phát hiện xe 51D-325.89 cũng thay đổi thông số kỹ thuật. Kết quả xác minh ban đầu, cơ quan chức năng phát hiện xe này cũng thay đổi như xe 50H-100.20.
Mở rộng điều tra, Công an TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước xác định nhiều phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật (xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm không đúng kích thước; lốp mòn; biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải…), nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
“Công thức” chung được áp dụng để được bỏ qua những lỗi trên là chủ phương tiện hoặc người trực tiếp đưa xe đi đăng kiểm phải đưa tiền hối lộ cho những nhân viên đăng kiểm. Số tiền này sau đó được nộp về trung tâm.
TS. Nguyễn Minh Hiếu: “Nếu như chốt chặn đăng kiểm hoạt động đúng chức năng, sẽ có ít hơn đáng kể các phương tiện cơi nới thùng xe có thể ra đường” (Ảnh: N. Huyền)
“Chốt chặn” đăng kiểm ngó lơ sai phạm
Chia sẻ với VietNamNet, TS. Nguyễn Minh Hiếu (Trường Đại học GTVT) cho rằng, mục tiêu của đăng kiểm là kiểm tra toàn bộ hệ thống máy móc trang thiết bị bên trong và bên ngoài của phương tiện.
Việc làm này để đảm bảo rằng chỉ những xe đủ điều kiện vận hành an toàn cho chính nó và các phương tiện khác khi cùng lưu thông mới được phép hoạt động ở trên đường.
“Như vậy, việc đăng kiểm bỏ qua sai phạm của xe quá khổ là hình thức “ngầm” hợp thức hóa về tính an toàn của loại phương tiện được cơi nới trái phép này.
Điều này khiến cho số lượng phương tiện quá khổ chở quá tải hoạt động tràn lan trên đường gây nên các nguy cơ hết sức nghiêm trọng về tai nạn, tàn phá hệ thống cơ sở hạ tầng.
Đơn cử như vụ tai nạn giao thông diễn ra ngày 4/6/2022, tại Km472 960 đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xóm Hợp Lý, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) làm 3 người tử vong, xe tải có kích thước thành thùng cao hơn 1,13m (chiều cao cơi nới gấp 2 lần so với chứng nhận đăng kiểm).
TS Minh Hiếu nhấn mạnh, nếu như đăng kiểm làm nghiêm, các nhà xe buộc phải cắt thùng trả lại nguyên bản.
“Nếu làm nghiêm việc làm này, chủ xe sẽ tốn kém cả thời gian và tiền bạc, không còn thu lời được từ việc cơi nới thùng xe, đồng thời cũng giảm các nguy cơ tiềm ẩn từ xe quá khổ, quá tải. Theo nghĩa này, nếu như chốt chặn đăng kiểm hoạt động đúng chức năng, sẽ có ít hơn đáng kể các phương tiện cơi nới thùng xe có thể ra đường”, TS. Nguyễn Minh Hiếu nhấn mạnh.
Đáng ngại khi số lượng phương tiện quá khổ quá nhiều, hoạt động rộng khắp (sau khi được đăng kiểm chấp thuận và bỏ qua lỗi), trong khi việc xử lý phương tiện này rất mất thời gian (cần trang thiết bị) dẫn đến việc theo dõi và xử lý sai phạm gặp nhiều khó khăn – đặc biệt trong bối cảnh lực lượng chức năng còn hạn chế.
“Ngoài ra, sự dễ dãi của đăng kiểm dẫn đến sự phổ biến của xe quá khổ cũng làm sụt giảm lòng tin của người dân vào lực lượng chức năng trong việc giám sát và đảm bảo an toàn giao thông”, TS Nguyễn Minh Hiếu nói.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, xe quá khổ, quá tải là nguyên nhân tiềm ẩn của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong khi đó, tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường những năm qua khá phổ biến.
Chỉ sau 1 tháng trong đợt cao điểm ra quân (từ ngày 20/6 -20/9/2022), lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 13.210 trường hợp xe quá khổ, quá tải vi phạm. Trong đó có 7.107 trường hợp chở hàng quá trọng tải (chiếm 65,5%); 1.856 phương tiện quá khổ giới hạn (chiếm 17,1%); 1.883 trường hợp tự ý cải tạo phương tiện (chiếm 14,4%)…
Lỗ hổng pháp lý về đăng kiểm?
Thông tin một giám đốc trung tâm đăng kiểm (TTĐK) ôtô tại TP HCM bị công an xác định 'không biết chữ' khiến dư luận ngã ngửa đặt câu hỏi về công tác quản lý nhân lực của ngành đăng kiểm.
Ảnh minh họa
Thế nhưng một cán bộ của Cục Đăng kiểm, khi trả lời báo chí, lại cho rằng "mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào việc người giám đốc này có đồng thời là đăng kiểm viên hay không".
Vị cán bộ viện dẫn ngay Điều 24 Nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới: "Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật". Lý giải câu chữ trong điều khoản, vị cán bộ Cục Đăng kiểm cho rằng "lãnh đạo đơn vị đăng kiểm" không nhất thiết là giám đốc, mà có thể là các phó giám đốc. Các TTĐK hiện nay thường có một phó giám đốc đồng thời là đăng kiểm viên để thỏa mãn quy định tại Điều 24.
Từ đó, vị cán bộ này nói: "Theo tôi được biết thì luật hiện nay không có điều kiện về trình độ với chủ đầu tư đơn vị đăng kiểm, chỉ có điều kiện theo Quy chuẩn 103/2019 về cơ sở vật chất, nhân lực của đơn vị đăng kiểm. Điều kiện về trình độ ở đây chỉ áp dụng với các đăng kiểm viên, người chịu trách nhiệm ký lên các giấy tờ chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện". Trong thực tế có trường hợp lãnh đạo TTĐK không phải là đăng kiểm viên, chỉ hiện diện với vai trò quản lý tài chính, quán xuyến các tài sản của chủ đầu tư.
Quy định như trên, thì quả là cần sớm xem xét sửa đổi. Hóa ra theo cách hiểu trên, thì "lãnh đạo TTĐK" chỉ là một chủ đầu tư, có tiền thì đem ra thành lập TTĐK và cơ quan chức năng, cơ quan cấp phép không xét trình độ văn hóa của họ, chỉ coi họ như giám đốc DN tư nhân. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ không thể coi TTĐK là một DN đơn thuần, mà phải là một dạng DN đặc thù đặc biệt, bởi kinh doanh dịch vụ kiểm định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sản phẩm đầu ra liên quan đến trật tự an toàn giao thông của xã hội, sinh mạng con người, thì lẽ ra chủ đầu tư cũng phải có những kiến thức hiểu biết về lĩnh vực này mới được phép đầu tư.
Trước khi xảy ra động thái Công an TP HCM khám xét phát hiện vi phạm tại hàng loạt TTĐK, có một sự kiện khác xảy ra ở một địa phương khác. Đó là chuyện một "liên danh" được địa phương này đồng ý chủ trương cho xây một TTĐK, cơ sở vật chất đã gần hoàn tất, dây chuyền kiểm định đã lắp ráp, nhưng điều quan trọng nhất thì lại thiếu: Cục Đăng kiểm chưa cấp phép.
Ngay trong báo cáo mới đây của Cục Đăng kiểm cũng đánh giá số lượng đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tư nhân gia tăng nhanh chóng kéo theo cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh để thu hút khách hàng; thậm chí một số đơn vị thực hiện sai tiêu chuẩn, bỏ nội dung kiểm tra, giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới...
Thực tế, các sai phạm tại các TTĐK hiện nay không nằm hết ở khối tư nhân. Trong số các TTĐK bị điều tra sai phạm tại TP HCM, có cả một số trung tâm trực thuộc chính Cục Đăng kiểm.
Chủ trương của Nhà nước xã hội hóa nhiều ngành nghề dịch vụ, trong đó có dịch vụ đăng kiểm ô tô, là chủ trương đúng đắn. Nhưng bộ, ngành quy định cặn kẽ chặt chẽ và thực hiện ra sao, thì qua sự việc này, là bài học cần rà soát sửa đổi siết chặt nghiêm túc.
Khởi tố 8 đối tượng tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D Chiều 21/2, tin từ Viên KSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vi vừa phê chuẩn quyết định khởi tố 8 bị can là lãnh đạo, nhân viên thuộc Công ty TNHH An Phát và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D để điều tra về hành vi "Nhận hối lộ". Theo đó, các bị can bị khởi tố gồm: Mai Huỳnh...