Đại án Agribank: tham bát, bỏ mâm
Cuối tháng 12 này, TAND TP. Hà Nội sẽ đưa vụ “đại án” xảy ra tại Agribank ra xét xử sơ thẩm. 18 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Agribank và Chi cục Hải quan Hà Tây sẽ phải hầu tòa.
Khoản thiệt hại Agribank phải gánh chịu là 2.496 tỷ đồng
Các bị can bị cáo buộc các tội danh: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Agribank thiệt hại 2.496 tỷ đồng
Theo cáo buộc, năm 2011, CTCP Enzo Việt đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam (Lifepro), Chủ tịch HĐQT là Yang Yong (quốc tịch Trung Quốc). 5 đối tượng nguyên là dàn lãnh đạo Lifepro (hiện đang bỏ trốn) đã cấu kết lừa đảo, chiếm đoạt 2.425 tỷ đồng của Agribank.
Thủ đoạn nhóm này sử dụng là thông qua việc xin chuyển đổi pháp nhân và Dự án dệt – nhuộm – may của Enzo Việt thành Dự án Luxfashion của Lifepro, kê khống hồ sơ vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu “ma” để được Agribank phê duyệt nâng quyền phán quyết cho vay.
Giữ chức vụ Giám đốc Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội thời kỳ từ tháng 8/2008 đến tháng 8/2012, bị can Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã để xảy ra hàng loạt sai phạm dẫn đến hàng nghìn tỷ đồng của Agribank bị “bốc hơi”. Cơ quan tố tụng đã chỉ rõ những vi phạm của bị can này gồm: không thẩm định hồ sơ xin nâng quyền phán quyết cho vay của Lifepro; bỏ qua các điều kiện giải ngân cho vay theo các Nghị quyết số 62 và 77; xin cấp nguồn cho vay ngoại tệ ngoài kế hoạch trái 2 nghị quyết trên; không tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn sau cho vay…
Nhóm bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan Hà Tây bị cáo buộc đã giải quyết cho thông quan hàng hóa trái quy định. Hậu quả, làm thất thu thuế nhập khẩu, gián tiếp tạo thuận lợi cho các bị can người nước ngoài có các bộ tờ khai hải quan, lừa dối Agribank giải ngân theo giá trị hàng hóa nhập khẩu thể hiện trên các tờ khai để chiếm đoạt tiền vay.
Video đang HOT
Tiếp tay cho các hành vi sai trái của bị can Phạm Thị Bích Lương là bị can Chử Thị Kim Hiền (SN 1958, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), nguyên Phó giám đốc Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội và 4 bị can khác nguyên là cán bộ chi nhánh này.
Biết rõ hạn mức cho vay của Lifepro không còn, nhưng bị can Lương và Hiền đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn giúp công ty này tìm cách “lách” để được tiếp tục vay tiền. Dưới sự chỉ đạo của Lương, Hiền móc nối với ông Lê Minh Hiếu (SN 1974) – Chủ tịch HĐQT Công ty Vietmade và cổ đông Lifepro, sử dụng 2 pháp nhân này để vay vốn.
Hám lợi, ông Hiếu đồng ý đứng tên ký hợp đồng tín dụng và giấy nhận nợ của Lifepro với Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội. Hai công ty nêu trên không đủ điều kiện vay vốn, nhưng Hiếu đã thống nhất với nguyên một số cán bộ Agribank chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ pháp lý, tạo lãi khống. Sau phi vụ này, ông Hiếu kiếm lời hơn 19,5 tỷ đồng.
Sau lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, bản cáo trạng số 25 xác định, khoản thiệt hại Agribank phải gánh chịu là 2.496 tỷ đồng.
Nhận “lót tay” gần 900.000 USD
Cáo buộc cũng chỉ rõ các sai phạm của ông Phạm Thanh Tân (SN 1955, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội), nguyên Tổng giám đốc Agribank. Cụ thể, trong quá trình điều hành, bị can Tân cố ý làm trái Nghị quyết HĐQT Agribank, ký cho Chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của Hội sở.
Ông Phạm Thanh Tân có hành vi thiếu trách nhiệm, ký ẩu tờ trình gửi Chủ tịch HĐQT đề nghị nâng mức phán quyết tín dụng ngắn hạn cho vay với Lifepro đến 400 tỷ đồng, phần tăng thêm là 320 tỷ đồng.
Mặt khác, Tân thiếu sát sao, không ban hành văn bản chỉ đạo dẫn đến Chi nhánh Nam Hà Nội giải ngân 50 triệu USD (vượt mức cho phép 15 triệu USD) cho Lifepro, giải ngân không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được hiệu quả khả thi.
Quá trình giải quyết cho vay, bị can Lương và Hiền thừa nhận cầm khoản tiền 898.000 USD “lót tay” từ phía đối tác. Số tiền này được chia như sau: Hiền 50.000 USD, Tân 310.000 USD, Đỗ Quang Vinh (nguyên Trưởng ban Tín dụng doanh nghiệp Agribank) 50.000 USD, Hoàng Anh Tuấn (nguyên Ủy viên thường trực HĐQT Agribank) 100.000 USD; số còn lại dùng để chi đối ngoại, bồi dưỡng một số nhân viên cấp dưới, biếu một số người khác thuộc Hội sở…
Đỗ Mến
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Bóc vụ liên doanh Lifepro lừa Agribank 2.700 tỷ đồng
Agribank đã bị một số đối tượng nước ngoài lừa đảo, gây thiệt hại lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Nhưng chính các cựu cán bộ cấp cao của ngân hàng này đã giúp hành vi phạm tội được thực hiện trót lọt.
Trong số 18 bị can của vụ án, có 13 bị can nguyên là cán bộ của Agribank
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, có 18 bị can, trong đó 13 bị can nguyên là cán bộ của Agribank, bị truy tố về các tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Khoản thiệt hại nghìn tỷ nói trên có liên quan đến một nhóm các pháp nhân, trong đó hạt nhân là Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam. Tiền thân của Lifepro Việt Nam là CTCP Enzo Việt (thành lập năm 2007), do một nhóm cổ đông người nước ngoài sáng lập, gồm Yang Hong (quốc tịch Trung Quốc) là Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật; Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada), cổ đông; Boubker El Fehdi (quốc tịch Canada) Tổng giám đốc; Driss Bou Chama (quốc tịch Canada), Giám đốc Công nghiệp và Manuela Polga (quốc tịch Italia). Công ty Enzo Việt có dự án xây dựng Nhà máy Dệt nhuộm may công nghiệp tại Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) với tổng vốn đầu tư hơn 32 triệu USD, sản xuất vải dệt và quần áo.
Quá trình thực hiện dự án, Enzo Việt đã nhiều lần vay vốn tại Agribank và đã trả nợ gốc và lãi. Năm 2011, Công ty Enzo Việt được chuyển đổi thành Công ty Liên doanh Lifepro và dự án Nhà máy Dệt nhuộm may được đổi tên thành Dự án Luxfashion, Yang Hong là Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật Công ty. Liên doanh Lifepro tiếp tục đề nghị vay vốn tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội và thực tế đã được giải ngân nhiều lần với tổng số tiền quy đổi lên tới hơn 2.177 tỷ đồng.
Khi vay vốn, các đối tượng đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội thông qua việc tạo lập hồ sơ giả vay vốn để mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang. Các đối tượng còn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm tiền vay của một số đối tác Việt Nam. Riêng đối với việc chuyển nhượng thương hiệu, Agribank đã giải ngân 50 triệu USD cho Lifepro nhưng kết quả điều tra xác định, những thương hiệu này không có thật hoặc không thuộc sở hữu của bên chuyển nhượng, số tiền bị chủ đầu tư chuyển ra nước ngoài để chiếm đoạt.
Cơ quan điều tra xác định, tổng cộng thiệt hại của Agribank thông qua việc cho vay đối với nhóm các công ty liên quan đến Lifepro là 2.755 tỷ đồng. Đáng chú ý, sau khi gây án, các đối tượng đã bỏ trốn ra nước ngoài trước khi vụ án bị phát hiện. Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang thực hiện lệnh truy nã quốc tế đối với các đối tượng trên.
Để xảy ra vụ án gây hậu quả nghiêm trọng này, cơ quan tố tụng xác định một số cá nhân nguyên là cán bộ ngân hàng, doanh nghiệp và hải quan đã có các hành vi phạm tội. Cụ thể, từ tháng 8/2008 đến tháng 8/2012, Phạm Thị Bích Lương, cựu Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội, đã ký các đề nghị HĐQT Agribank nâng quyền phán quyết cho vay, ký hợp đồng thế chấp, phê duyệt cho vay các khoản mà Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đối với các đơn vị: Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, CTCP Vietmade, CTCP Lifepro Việt Nam.
Tuy nhiên, trong việc nâng quyền phán quyết, Lương lập hồ sơ cho vay hoàn toàn không có căn cứ, không thẩm định thực tế, mà chỉ dựa vào thông tin do doanh nghiệp cung cấp, cố tình bỏ qua các điều kiện về giải ngân của Agribank như tài sản đảm bảo, giá trị tiền cho vay..., từ đó dẫn đến việc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội bị thiệt hại hơn 2.755 tỷ đồng.
Theo các nghị quyết HĐQT Agribank, nguồn vốn cho vay đối với dự án của Công ty Liên doanh Lifepro là do Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội thu xếp từ nguồn vốn vay tài trợ thương mại hoặc từ nguồn vốn huy động. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, bị can Phạm Thanh Tân, cựu Tổng giám đốc Agribank, đã ký cho Agribank chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ Hội sở, trái với Nghị quyết của HĐQT Agribank. Trong quá trình giải quyết cho vay này, Phạm Thị Bích Lương và Chử Thị Kim Hiền (cựu Phó giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội) khai đã nhận từ đối tác nước ngoài số tiền 898.000 USD để chi phí, trong đó, bị can Phạm Thanh Tân nhận 310.000 USD (bị can Tân thừa nhận khoản tiền này).
Các bị can từng là lãnh đạo Agribank như: Phạm Thanh Tân, Hoàng Tuấn Anh, cựu Ủy viên HĐQT; Đỗ Quang Vinh, cựu Trưởng ban tín dụng doanh nghiệp; Kiều Trọng Tuyển, cựu Phó tổng giám đốc... còn bị cáo buộc đã thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng khi đã ký duyệt nâng quyền phán quyết cho vay tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội thiếu căn cứ, không kiểm tra kỹ các hồ sơ thẩm định do cấp dưới trình, không chỉ đạo kiểm tra giám sát trong quá trình vay vốn...
Được biết, cơ quan điều tra xác định, tổng cộng tài sản đảm bảo, thu hồi và có cơ sở xác định được giá trị là 621 tỷ đồng. Các bị can và người liên quan trong vụ án đã nộp lại số tiền được hưởng lợi là hơn 7,8 tỷ đồng.
Bùi Trang
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Đại án tham nhũng gần ngàn tỷ đồng: Cấp dưới đổ lỗi cho cấp trên Được gọi thẩm vấn tại tòa, nhiều bị cáo đổ lỗi cho cấp trên khi khai nhận việc làm trái các quy định pháp luật là do có sự chỉ đạo của...sếp. Sáng ngày 22/10, 11 bị cáo được dẫn giải đến tòa từ khá sớm, hầu hết các bị cáo khi bước xuống từ xe cảnh sát đề tỏ ra thoải mái....