Đặc xá – nẻo về canh cánh (1)
Năm 2013 này, cả nước dự kiến có khoảng 15.000 phạm nhân đủ điều kiện được xét đặc xá nhân dịp 2.9. Song chúng tôi đã xót xa trước nỗi lo đau đáu của không ít phạm nhân dự kiến sắp được tha tù trước thời hạn. “Đường về” hun hút, biết sẽ ra sao?
Rất nhiều phạm nhân chúng tôi gặp khi thực hiện phóng sự này có gương mặt trẻ măng. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng.
Năm 2013 này, cả nước dự kiến có khoảng 15.000 phạm nhân đủ điều kiện được xét đặc xá nhân dịp 2.9. Chính sách nhân đạo, khoan hồng, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện trong niềm vui, sự xúc động của nhiều vạn phạm nhân được giảm án, tha tù trước thời hạn bấy lâu nay.
Chúng ta đã tính đến cả việc dạy nghề, lo công ăn việc làm, phối hợp với nhiều địa phương để giúp các phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm. Tuy nhiên, cũng còn đó không ít những canh cánh, trăn trở.
Tại Trại giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên), chúng tôi đã xót xa trước nỗi lo đau đáu của không ít phạm nhân dự kiến sắp được tha tù trước thời hạn. “Đường về” hun hút, biết sẽ ra sao?
Có nữ phạm nhân sau 14 năm ở trại giam, bây giờ lơ ngơ nghĩ cảnh hỏi thăm đường về quê mẹ, cái xã mà em đã sinh ra rồi bị ép cưới đến nỗi phải giết anh chồng xa lạ ấy là xã gì ấy nhỉ, có khi bản Dao của em bây giờ đường nhựa vào đến tận nơi rồi cũng nên, có khi về nhà chị gái ở nhờ thôi, không biết chị có chứa chấp em không…?
Ra trại, em sẽ hỏi thăm đường về quê
Nằm cách trung tâm thành phố tỉnh lỵ Thái Nguyên chỉ độ chục cây số, cơ sở vật chất khang trang đến mức được mệnh đanh là “kinh đô trại giam Việt Nam”, Trại giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an) đã có truyền thống nhiều năm làm tốt công tác quản lý, giam giữ, cải tạo, giáo dục phạm nhân. Đầu tháng 8 năm 2013 này, đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Đặc xá Trung ương đã lên kiểm tra công tác đặc xá tại Phú Sơn 4.
Video đang HOT
Phạm nhân trại giam 2 và thành quả một ngày lao động.
Hiện tại, trại giam giữ hơn 5.000 phạm nhân, trong đó có gần 1.000 nữ giới; năm nay, có 409 hồ sơ được đề nghị đặc xá. Một trong những nữ phạm nhân được hưởng chính sách khoan hồng, được đề nghị xét đặc xá năm nay là Triệu Thị Man, 33 tuổi, người bản Pắc Có, xã Lương Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.
Trung tá Nguyễn Sỹ Tâm – Đội trưởng Đội giáo dục của trại – cùng tôi vào thăm khu xưởng may ở phân trại số 2 – nơi rất nhiều người trong số gần 1.000 phạm nhân nữ đang làm việc ở đây. Sạch sẽ, nghiêm túc, các “bóng hồng” từng gây án, giết người, giết cả thân nhân, thậm chí gây ra nhiều tội tày trời cùng một lúc kia, không biết họ giơ nanh múa vuốt vào lúc nào, chứ giờ đây họ lặng lẽ làm việc có vẻ “ngoan hiền” lắm.
Thoáng có gương mặt xinh xẻo cúi gằm xuống đường kim mũi chỉ như còn e thẹn lắm, chưa biết đến tội lỗi là gì. Bên ngoài, có khu “nhà mẫu giáo” dành cho các nữ phạm nhân với con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, cũng bú mớm, cũng sữa đường rồi đồ chơi xanh đỏ tím vàng rinh rượp. Triệu Thị Man tóc nhuộm hoe vàng, gương mặt bầu bĩnh, các vệt cạo gió tròn nâu trên da thịt – rất… đặc trưng của quá nhiều nữ phạm nhân cả nước mà tôi từng gặp. Có lẽ thời gian nhàn rỗi hơi… bị nhiều, nên có bao nhiêu gió lành gió dữ trong da thịt họ đem đi “cạo” hết cho nhau; mà không trúng “gió độc” thì cớ sao Man lại giết người?
Triệu Thị Man được trung tá Tâm “mời” đứng dậy khỏi chiếc máy khâu ra cho nhà báo hỏi thăm tâm trạng khi nghe tin vui được đề nghị đặc xá vào dịp 2.9.2013. Bẽn lẽn, Man vuốt mái tóc hoe vàng, mà rằng: “Các chị ở trong này nhuộm tóc, chuốt móng tay đỏ cho em đấy. Em ở bản xa, trước khi giết người chưa bao giờ được học chữ, chưa biết cái đường có bánh xe tròn nó lăn, làm gì có chuyện nhuộm tóc được hả anh?”.
Triệu Thị Man và nước mắt cho ngày trở về.
Phải rồi, tôi từng đi Trại giam số 5 trong Yên Định tỉnh Thanh Hóa, cũng có chừng 1.000 phạm nhân nữ kiểu này. “Hai người đàn bà với một con vịt đã thành cái chợ”, đằng này có 1.000 người đàn bà “rách giời rơi xuống”, nhiều người từng phạm những tội kinh thiên động địa… cùng ở chung 1 cái trại giam! Họ lập cả khu gội đầu, cắt tóc, làm móng tay chân, thậm chí có cả chùa cho phạm nhân lễ Phật để “quy hướng tâm linh”.
Man thở dài: “Nghe tin được đề nghị đặc xá, em vui buồn lẫn lộn. Không biết ra khỏi trại giam em sẽ đi đâu. Em sinh năm 1980, vào trại này từ khoảng 14 năm trước, khi mới chưa đầy hai mươi tuổi đầu, suốt 14 năm qua, em chỉ ở riêng trại giam này thôi. Cuộc sống bên ngoài như thế nào em không biết đâu. Bây giờ em không nhớ xã mình là xã gì nữa, hình như xã Pắc Có (thật ra chỉ có bản Man ở tên là Pắc Có, xã của Man là xã Lương Thông – PV).
Em phạm tội giết người. Bố mẹ em chết sớm, sớm đến mức bây giờ em không còn nhớ tên bố mẹ nữa. Nhà có 7 anh chị em. Anh trai em (tên là Triệu Văn San) nợ tiền của một người trong bản, nên “bán” em sang làm vợ con trai nhà ấy. Lấy nhau, chồng em bấy giờ có 20 tuổi, em thì mười mấy tuổi đầu. Thằng Thím (chồng em) rất hay đánh em. Vì em không yêu nó, bấy giờ em thích người khác.
Hồi chưa lấy Thím, em hay lên đồi lên rừng đi chơi với “người yêu”. Em không yêu nên không… “ở gần” Thím, Thím đánh em, đánh bằng tay, bằng roi, đánh tím hết cả da thịt, chân tay mặt mũi em sưng vù. Em trốn về nhà mình, thì anh San đánh em, bảo tao “bán” cho họ rồi, mày trốn về thì họ lại sang đòi tiền thì chết tao.
Sang nhà Thím, nó lại đánh em. Suốt 5 tháng “làm vợ” khổ sở như thế, em mới bảo, giết chết Thím đi cho mình khỏi phải lấy nó, mình sẽ lên rừng chơi với người yêu của mình chứ”.
Không nhớ tên bố mẹ, càng không nhớ rõ tên xã mình đã sinh ra và sống gần 20 năm trời kia, Triệu Thị Man thật thà, mù chữ cho đến khi được cán bộ trong trại giam cho dự lớp xóa mù. Con người như Man, nếu thật sự em nghĩ: Không yêu thì giết bỏ chồng cho đỡ phải lấy nó, đỡ bị nó đánh rõ là đau đớn… thì cũng chẳng ai lấy làm ngạc nhiên lắm. Bấy giờ bản có nhiều chuột về phá ngô, bà con mua nhiều thuốc diệt chuột về để “đánh”.
Man bảo, lấy thuốc chuột trộn vào cơm giết chết thằng chồng mình đi thôi. “Lúc 13 giờ chiều em trộn vào cơm, thì 12 giờ đêm có người ăn xong… lăn ra chết”. Bi kịch ở chỗ, anh chồng ăn ít, không chết. Em chồng 12 tuổi, ăn nhiều, sức yếu, đã bị Man đầu độc chết oan uổng. Gây án xong, tưởng chồng chết rồi, Man bỏ trốn sang nhà chị gái ở ngay cạnh cái nhà mà Man vừa trộn thuốc chuột vào bát cơm “dâng mời chồng”.
5 ngày sau thì Man ra đầu thú, vì muốn “đỡ phải lấy nó làm chồng” nên Man đã phạm trọng tội. Phiên tòa xử, không có đằng nhà chồng Man, không có đằng nhà Man đến dự, tòa diễn ra ngay trong trại tạm giam của Công an tỉnh Cao Bằng. 19 tuổi, 5 tháng bị anh trai bán làm vợ cái đứa mình chưa biết mặt, Man giết chồng, rồi nhận án chung thân.
Theo Đỗ Lãng Quân
Lao động
Sẵn sàng cho đợt đặc xá năm 2013
"Đến thời điểm này, 3 trại tạm giam của CATP Hà Nội đã hoàn tất hồ sơ, danh sách phạm nhân đủ điều kiện được xét đặc xá năm 2013 gửi đến Hội đồng Tư vấn đặc xá. Các quy trình, thủ tục xét duyệt đặc xá đều được thực hiện dân chủ, chính xác, khách quan", Đại tá Đinh Văn Toản - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết.
Phạm nhân trại tạm giam số 2 đọc các quy định về đặc xá
Tiến độ nhanh, quy trình cẩn trọng
"Không để nhầm lẫn, sót lọt người đủ điều kiện, và không để trường hợp nào không đủ điều kiện lại được xét đặc xá", đó là tinh thần chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP đối với 3 trại tạm giam trong đợt xét đặc xá năm 2013. Ngay sau khi có Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá về quyết định đặc xá năm 2013 của Chủ tịch nước, CATP đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai chủ trương lớn này. Đại tá Nguyễn Công Dụng - Giám thị trại tạm giam số 2 cho biết, căn cứ chỉ đạo của Giám đốc CATP, Trại đã thành lập Hội đồng xét duyệt đặc xá; quán triệt đến cán bộ, chiến sỹ các nội dung, quy định đặc xá. Cùng với việc triển khai các nội dung đặc xá, 3 trại tạm giam CATP Hà Nội đã tiến hành rà soát, lên danh sách các trường hợp đủ điều kiện xét giảm án, tha tù trước thời hạn. "Bên cạnh yêu cầu về tiến độ, Ban Giám đốc CATP quán triệt rất rõ tính khách quan, dân chủ, công bằng đối với các trường hợp được xét duyệt", Đại tá Nguyễn Công Dụng thông tin.
Đến thời điểm này, công tác rà soát, xét duyệt, lập hồ sơ đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn ở 3 trại tạm giam CATP đã hoàn tất. Để đảm bảo tiến độ, Trung tá Trần Ngọc Hạnh - Phó phân trại Trại tạm giam số 1 cho biết, Ban Giám thị Trại đã tăng cường thêm cán bộ làm công tác rà soát, xét duyệt và lập hồ sơ. Các cán bộ của Trại đã chủ động làm ngoài giờ, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Trên cơ sở hồ sơ, danh sách Hội đồng xét đặc xá ở 3 trại tạm giam lập, các Tổ thẩm định của CATP và Viện KSND TP về thẩm định, đều đánh giá hồ sơ đạt chất lượng; không sót lọt những trường hợp đủ điều kiện xét đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn, và không trường hợp nào đề xuất trái với quy định.
"Kỹ" từng trường hợp
Để "lên" được hồ sơ của các phạm nhân đủ điều kiện xét đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn, cách thức đầu tiên mà Hội đồng xét đặc xá của 3 trại tạm giam thực hiện, là công khai thông tin, hướng dẫn các điều kiện, tiêu chuẩn xét duyệt đến các phân trại, đội, buồng phòng để mỗi phạm nhân tự đối chiếu, nếu xét thấy mình đủ điều kiện thì làm đơn xin đặc xá. Trước đó, đội ngũ cán bộ giám thị, quản giáo được tập huấn, nghiên cứu các quy định về đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn, để giải thích cho các phạm nhân. Nhận xét về các bước rà soát, lập hồ sơ đặc xá, giảm án, tha tù, Đại tá Nguyễn Công Dụng chia sẻ: "Việc tổ chức cho các phạm nhân bình xét chính là để khơi dậy trong họ tình nhân ái. Nghiêm túc với những trường hợp còn chưa chấp hành quy định của Trại, chưa bộc lộ rõ ý thức phấn đấu; cải tạo. Và ngược lại, những trường hợp đủ điều kiện xét duyệt sẽ là tấm gương, là cách thức để những phạm nhân khác học tập, noi theo, sớm được hưởng chủ trương nhân đạo của Đảng, Nhà nước".
Một trong những tiêu chí được Hội đồng xét đặc xá ở 3 trại tạm giam áp dụng, là phạm nhân phải có quá trình phấn đấu, cải tạo tốt, phải được Ban Giám thị và các phạm nhân ghi nhận. Bên cạnh đó, Ban Giám thị các trại tam giam còn chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ CATP để tìm hiểu kỹ về nhân thân đối tượng trong diện xét đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn, không để xảy ra sai sót. Hoàn tất công tác lập hồ sơ, danh sách, Ban Giám thị 3 trại tạm giam CATP bắt tay ngay vào kế hoạch giáo dục tái hòa nhập cộng đồng đối với những trường hợp có tên trong danh sách đặc xá đã gửi đi. Đó là công tác hướng nghiệp, là những buổi trò chuyện, tâm sự để mỗi phạm nhân hoàn chỉnh hơn nữa nhận thức và sự chấp hành pháp luật trước khi trở về cộng đồng. Kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng của 3 trại tạm giam cũng đã xác định phần việc quan trọng khác, là phối hợp với chính quyền địa phương nơi người được đặc xá, tha tù trước thời hạn trở về, hoàn tất các thủ tục, giấy tờ về quyền công dân, giúp họ sớm "bắt nhịp" với cộng đồng, xã hội.
Minh Hà - Yên Hưng
Theo ANTD
Trắng đêm cùng các chiến sỹ cảnh sát cơ động Khi thành phố lên đèn, mọi người bắt đầu những giây phút nghỉ ngơi là lúc các chiến sĩ cảnh sát cơ động (CSCĐ) lên đường làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông. Phóng viên Dân trí đã theo chân các chiến sĩ CSCĐ, thuộc Tiểu đoàn CSCĐ, Phòng Cảnh sát bảo vệ, Công an tỉnh...