Đặc sản xứ Thanh xiêu lòng lữ khách
Về mảnh đất Thanh Hóa bạn sẽ ngất ngây với các đặc sản thơm ngon của nơi này.
Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài. Không chỉ thế, dường như mỗi ngọn núi, con sông hay bãi biển nơi đây… cũng trở thành một danh lam – thắng cảnh mang vẻ đẹp cổ kính, nguyên sơ và hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn là vùng đất nổi tiếng với nhiều thứ đặc sản tươi ngon bắt nguồn từ các nguyên liệu đơn sơ nhất, để rồi chỉ lỡ nếm thử một lần bạn sẽ chẳng thể quên.
Nem chua Thanh Hóa
Nem chua được làm ở khá nhiều nơi nhưng chỉ có ở mảnh đất xứ Thanh này ta mới tìm được hương vị tuyệt vời nhất. Nem xứ Thanh vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị ớt, tỏi, hạt tiêu lại có vị ngọt của thịt làm ta cứ muốn thưởng thức mãi chẳng muốn dừng.
Làm nem chua không khó nhưng để món nem ngon, đặc trưng thì lại cần có bí quyết của người làm và chắc chắn, với người Thanh, thứ bí quyết ấy đã làm nên niềm tự hào của ẩm thực nơi đây. Nguyên liệu làm nem chua chủ yếu bao gồm thịt nạc xay nhuyễn; bì lợn luộc chín, cạo thật sạch, lạng mỏng bỏ vào máy cán thành sợi, ngắn chừng 3cm; thính là gạo tẻ rang vàng, xay nhỏ mịn. Gia giảm còn có men, tiêu bắc, muối tinh và bột ngọt, ớt, tỏi tươi, lá đinh lăng vừa đủ…
Nem chua được làm ở khá nhiều nơi nhưng chỉ có ở mảnh đất xứ Thanh này ta mới tìm được hương vị tuyệt vời nhất (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là khâu nhào trộn nem. Nguyên liệu nào làm trước, nguyên liệu nào làm sau, nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng, chọn men thế nào… và khâu vệ sinh cũng như kỹ thuật gói nem cũng rất nghiêm ngặt. Do vậy, phải thực sự là con nhà nòi mới làm nên món ăn lạ miệng và lôi cuốn.
Những cái nem nhỏ xíu được bọc trong nhiều lớp lá khiến người ta hồi hộp biết bao mỗi lần thưởng thức (Ảnh: Internet)
Vì thế, bất kỳ ai trên đất nước này, nếu một lần đi qua xứ Thanh, họ sẽ chẳng quên mua cho mình, cho người thân, bạn bè những bó nem chua để làm quà. Những cái nem nhỏ xíu được bọc trong nhiều lớp lá khiến người ta hồi hộp biết bao mỗi lần thưởng thức. Chờ từng lớp, từng lớp lá được trút bỏ, lộ ra thịt nem hồng tươi mới, tỏa hương ngào ngạt, thật thích thú vô cùng.
Chè lam Phủ Quảng
Chè lam là một món quà quê giản dị, dân dã mà ở nhiều vùng nước ta đều có. Nhưng có lẽ, nếu một lần thưởng thức món chè lam Phủ Quảng của huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa bạn mới phát hiện ra đây chính là nơi làm ra thứ chè ngon lam ngon nhất.
Chè lam Phù Quảng (Ảnh: Internet)
Chè lam được làm từ gạo nếp, lạc, gừng, mật mía thứ mật thơm ngon, đặc sánh và ngọt ngào. Gạo nếp sau khi được xay giã đến mức độ vừa phải (không quá trắng) thì được xay nhuyễn còn một phần gạo rang chín đều, lạc rang giã đôi giã ba, gừng tươi đồ chín rồi xắt lát… Tất cả những nguyên liệu ấy được ngào chung trong nồi mật mía vừa được đun sôi sánh óng ngọt lừ.
Khối mật óng ánh đông lại như ôm trọn tất cả các nguyên liệu lại rồi chờ bàn tay người đảo. Từng giọt mật óng vàng tan ra, thấm sâu vào phiến bột trắng ngần, từng hạt nếp cái hoa vàng vừa biến màu trên chảo gang đỏ lửa. Cuối cùng, sản phẩm thu được là thứ chè mềm, thơm, dẻo dẻo hòa quyện chút cay của gừng, và ôm trọn trong vị ngọt ngào của mật mía.
Chè lam thưởng thức cùng trà nóng rất ngon (Ảnh: Internet)
Video đang HOT
Dù đi xa, nhưng những người con Thanh Hóa vẫn luôn nhớ về hương vị dân dã phảng phất thứ khói bếp chắt chiu và nồng đượm đang hòa quyện trong những thanh chè lam bé nhỏ.
Bánh răng bừa
Nghe cái tên thật lạ thật hay mà hương vị của nó cũng thật thơm ngon, thú vị. Bánh răng bừa (có nơi gọi là bánh tẻ hoặc bánh lá), riêng người Thanh Hóa gọi tên như thế vì hình dạng chiếc bánh trông giống cái răng bừa. Đây là loại bánh truyền thống của người xứ Thanh thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc.
Bánh răng bừa là loại bánh truyền thống của người xứ Thanh thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc (Ảnh: Internet)
Nguyên liệu làm bánh răng bừa chính là gạo tẻ. Khi làm, người ta phải chọn loại gạo dẻo, thơm ngâm nước khoảng 3 – 4 giờ sau đó đem xay thành bột cùng với nước. Bột được xay xong cho lên bếp khuấy, trong quá trình này phải chú ý tay khuấy đũa liên tục sao cho bột không bị vón cục và cũng không quá chín, đây là công đoạn đòi hỏi người làm bánh phải thật khéo léo. Khi thấy nồi bột gạo có độ đặc sền sệt thì ta bắc xuống bếp, chuẩn bị công đoạn gói bánh. Lá dong hay lá chuối thường được dùng để gói bánh.
Còn nhân bánh là tổng hòa của các hương vị từ hành khô, mộc nhĩ, thịt ba chỉ, hạt tiêu, gia vị.
Bánh răng bừa nóng hổi, cùng lớp bột tẻ mềm, mịn trắng pha lẫn chút màu xanh của lá với phần nhân hành thịt thơm nức mũi chấm chìm vào nước pha loãng rồi chậm rãi cho lên miệng thưởng thức (Ảnh: Internet)
Khi những chiếc bánh thon dài được gói xong sẽ được đem hấp hoặc luộc tới khi chín cho đến lúc mùi thơm của thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu hòa với mùi bột gạo tỏa ra mùi thơm ngào ngạt căn bếp nhỏ, cũng là lúc báo hiệu bánh chín.
Bánh răng bừa nóng hổi, cùng lớp bột tẻ mềm, mịn trắng pha lẫn chút màu xanh của lá với phần nhân hành thịt thơm nức mũi chấm chìm vào nước pha loãng rồi chậm rãi cho lên miệng thưởng thức. Có lẽ, lúc ấy bạn sẽ cảm nhận được bao nhiêu tinh hoa của đất, của trời được tích tụ trong chiếc bánh.
Mắm cáy
Khác với mắm tôm, mắm tép, mắm ruốc… mắm cáy có hương vị rất đặc biệt và được xếp vào loại ẩm thức có “cá tính” của người Thanh Hóa. Mắm cáy được làm từ con cáy, một loài giáp xác có hình thù giống con cua đồng hay con rạm nhưng nhỏ và nhanh hơn. Cáy có nhiều loại như đỏ, nâu, đen, lông, gió… Trong đó, cáy đỏ làm mắm ngon nhất. Kị nhất là cáy lông vì theo dân gian nó rất độc, ăn vào không có lợi cho sức khỏe.
Cáy đỏ làm mắm là ngon nhất (Ảnh: Internet)
Nghe nói, cứ vào độ tháng 5, trời nắng, trên những cánh đồng nước cạn, những con cáy thi nhau chui ra khỏi hang và đó cũng là thời điểm người dân nơi này bắt tay vào làm mắm cáy. Cáy bắt về rửa sạch, bóc yếm, bỏ hoi, chặt phần kìm nhọn ở còng rồi đem vào cối đá giã thật nhuyễn, sau đó trộn muối và thính cho vào vại, nén vỉ tre như nén cà rồi đem phơi nắng chừng một tháng là chín, càng được nắng, mắm càng nhanh chín và thơm ngon.
Người ta hay có thú thưởng thức mắm cáy vào những ngày trời se lạnh hay có chút mưa nhẹ nhàng (Ảnh: Internet)
Mắm cáy có màu đỏ au, nồng nồng pha chút gì đó ngai ngái như mùi của ruộng của đồng nhưng khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được vị thơm, ngọt. Những món ăn hợp nhất để chấm với mắm cáy là thịt ba chỉ luộc, cà muối xổi, các loại rau luộc… Người ta hay có thú thưởng thức mắm cáy vào những ngày trời se lạnh hay có chút mưa nhẹ nhàng. Khi ấy, người ta sẽ cảm nhận được rõ ràng nhất cái đậm đà trong hương vị mắm cáy của quê hương.
Gỏi cá Sầm Sơn
Sầm Sơn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng mà cứ mỗi khi hè về, du khách kéo về đây tấp nập. Và đến đây, nếu được thưởng thức món gỏi cá, thứ đặc sản tươi ngon của vùng chắc chắn chẳng ai quên được. Nhiều người sợ ăn gỏi cá sẽ tanh, sống… nhưng đảm bảo với cách làm của người dân nơi này thì chẳng ai có thể cưỡng lại được sự lôi cuốn của nó.
Để làm món gỏi cá, người ta phải lựa những con cá to từ 3-5kg mới sử dụng được. Bởi cá to thì thịt càng ngon, càng trắng và lọc được nhiều. Cá sau khi được lọc và thái thành từng miếng mỏng, to bản (như bạn thái để nhúng lẩu) rồi trộn với nước cốt chanh, đợi cho thịt cá chuyển từ màu hồng nhạt sang màu trắng nga thì đem vắt kiệt nước và trộn với bột thính.
Nếu được thưởng thức món gỏi cá, thứ đặc sản tươi ngon của Sầm Sơn chắc chắn chẳng ai quên được (Ảnh: Internet)
Nước chấm gỏi cá mới đặc biệt và cầu kỳ hơn cả bởi nó không hề giống thứ nước chấm chua ngọt mà bạn vẫn hay làm. Nước chấm gỏi cả nơi đây là sự tổng hòa của các nguyên liệu da, gan cá, thịt ba chỉ, trứng vịt và các gia vị như hành, tỏi, mẻ, mắm, muối, mì chính, đường, hạt tiêu, ớt… Qua bàn tay điêu luyện của người làm, thứ nước chấm cầu kỳ thơm ngào ngạt, đặc sánh đã ra đời với nhiều công đoạn.
Rau thơm để ăn cùng gỏi cá vẫn là những loại rau quen thuộc như húng, mùi tàu, răm, đinh lăng, lá sung, mơ tam thể cùng khế, chuối xanh… Tất cả các nguyên liệu được bày ra đĩa, rồi lượt cuốn từng nguyên liệu lại trong chiếc bánh đa nem, và nhẹ nhàng nhúng vào bát nước chấm. Khi ăn, thả gỏi vào miệng, cắn thật khẽ rồi chậm rãi nhai bạn sẽ tận hưởng được từng hương vị của các nguyên liệu đang dần hòa tan trong miệng, một cảm giác rất tuyệt vời.
Chả tôm
Nếu như Quảng Ninh là mảnh đất nổi tiếng với chả mực thì người Thanh Hóa lại nổi tiếng với món chả tôm với hương vị thơm ngon, độc đáo.
Theo người dân nơi này, làm món chả tôm không khó, nhưng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, kiên trì và khéo léo, bởi nếu không cẩn thận, bạn có thể sẽ làm mất đi hương vị đặc trưng của món ăn.
Chả tôm ăn ngon nhất khi đang còn nóng cùng với các loại rau thơm tùy thích (Ảnh: Internet)
Trải qua nhiều công đoạn, từ băm nhỏ nõn tôm cho đến trộn cùng các nguyên liệu như hành, hạt tiêu và đem xào. Thịt ba chỉ, rồi thái theo kiểu hạt lựu, rán vàng, sau đó đem băm lẫn với bánh phở, hành khô, muối tiêu, hạt nêm vừa ăn, tất cả trộn lẫn đều, cho vào cối giã tay thật nhuyễn. Trong quá trình giã, có thể cho một ít mỡ nước để khi cuộn, chả sẽ đều và không bị dính. Phần nhân này được đem cuốn với bánh đa giống như cuộn nem và đem nướng trên những viên than hồng. Mùi thơm nức từ chả tôm cứ thế mà bay lên, lan tỏa trong không gian khiến ai cũng phải ngây ngất, không rời.
Chả tôm ăn ngon nhất khi đang còn nóng cùng với các loại rau thơm tùy thích.
Ngoài ra, Thanh Hóa còn nổi tiếng với bánh gai Tứ Trụ, dừa Hoằng Hóa, bánh đa Hậu Lộc, cơm lam, mía Kim Tân…
Bánh gai Tứ Trụ (Ảnh: Internet)
Dừa Hoằng Hóa (Ảnh: Internet)
Mía Kim Tân (Ảnh: Internet)
Bánh đa Hậu Lộc (Ảnh: Internet)
Mỗi một đặc sản đã góp phần làm nên dấu ấn của văn hóa ẩm thực nơi này. Nếu một lần đến Thanh Hóa, bạn hãy mang về cho người thân, bạn bè một đặc sản nào đó của mảnh đất bình dị này nhé. Chắc chắn sẽ chẳng ai có thể quên được hương vị mộc mạc, dân dã còn đọng lại mãi trong từng thứ quà, bánh xứ Than
Theo Eva
"Chỉ có điên mới đâm đầu vô đó..."
Tôi nhớ lần đầu tiên, tôi nhận ra tình cảm khác lạ của mình là khi thấy anh đi cùng cô bạn học lớp bên cạnh. Có cái gì đó đâm xuyên lồng ngực khiến tôi muốn ngã quỵ. Tôi chạy vô nhà vệ sinh và ở thật lâu trong đó. Hết giờ giải lao, tôi trở vào lớp mà mắt đỏ hoe. Năm đó chúng tôi học lớp 12.
Tôi và Sơn học chung từ năm lớp 10. Khi ấy tôi ở quê ra, trọ học gần nhà anh. Bắt đầu năm học khoảng 1 tháng thì tôi phát hiện điều đó. Không ngờ khi tôi vừa nói ra, Sơn đã nhiệt tình: "Vậy thì để mình chở bạn đi học luôn cho tiện".
Lúc đầu tôi còn ngại nhưng sau đó Sơn nói mãi khiến tôi xiêu lòng. Từ đó, ngày ngày tôi ngồi sau xe để anh chở đến trường. Sơn sinh trước tôi 9 tháng nên chúng tôi thống nhất tôi làm em, còn Sơn làm anh. Có lẽ thương tôi ở xa nhà nên Sơn chăm sóc tôi như em gái của mình. Có gì ngon ngọt anh cũng mang cho tôi. Học nhóm, anh và tôi cũng học cùng. Tôi cứ nghĩ, mãi mãi chúng tôi sẽ là anh em tốt của nhau như thế.
Không ngờ, tình cảm của tôi đã thay đổi. Tôi bắt đầu nhận ra mình không còn vô tư nữa dù ngoài mặt vẫn cố hồn nhiên vui đùa. Cho đến một ngày, tôi thấy con tim mình tan nát khi Sơn đi với người con gái khác. Mấy hôm sau tôi bảo Sơn: "Từ giờ em đi với nhỏ Phương, anh khỏi chở em nữa". Sơn tưởng thật nên vui vẻ: "Ừ, vậy cũng được. Nói Phương đi đứng cẩn thận, đừng có lạng lách nghe chưa".
Từ đó, tôi không có dịp nào được ngồi sau xe anh nữa. Thay chỗ tôi ngồi đã có một cô bạn khác. Những quan tâm Sơn dành cho tôi trước đây cũng bị san sẻ rất nhiều. Tôi chấp nhận điều đó một cách khó khăn và chỉ biết lấp đầy khoảng trống bằng cách chúi mũi vào chuyện học hành.
Có kết quả thi tốt nghiệp, tôi đỗ thủ khoa. Khi ấy tôi đã về nhà nghỉ hè với ba mẹ. Sơn đạp xe gần 60 cây số về báo tin cho tôi. "Để anh hẹn lớp mình đi liên hoan mừng cả lớp tốt nghiệp, mừng em là thủ khoa..."- Sơn hào hứng nói. Nhưng tôi lắc đầu: "Thôi, để thi đại học xong đã anh à". Hôm đó khi Sơn về, tôi đưa anh ra đến đầu đường, rồi đứng tần ngần mãi mới dám đưa cho anh quyển sách bài tập Toán luyện thi đại học mà tôi mua từ năm lớp 11 nhưng chưa có dịp nào để trao cho anh. Ở trang cuối của quyển sách, tôi đã viết một dòng bằng mực đỏ và hi vọng, nếu anh đọc đến trang cuối cùng thì sẽ nhận ra...
Có lẽ Sơn đã đọc. Từ đó, mỗi mùa hè, anh đều về thăm ba má tôi ở quê. Tôi biết điều đó và cố tình tránh mặt với lý do học trường y rất bận rộn. Có một năm, tôi về ăn tết, nghe má nói: "Thằng Sơn dẫn bạn gái về giới thiệu với ba má. Con nhỏ dễ thương hết sức". Tôi mừng cho anh nhưng vẫn thấy có điều gì đó buốt nhói trong lòng.
Sơn học Nông nghiệp ở Cần Thơ. Ra trường anh đi làm rồi cưới vợ. Suốt từng ấy năm trời, chúng tôi không gặp nhau lần nào. Tôi học xong cũng về Cần Thơ công tác. Tôi không ngờ có ngày tôi gặp lại anh trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Con gái anh bệnh nhập viện điều trị ngay chính khoa của tôi. Cháu bị sốt cao không rõ nguyên nhân phải nằm lại để theo dõi. Gặp anh, tôi hết sức bất ngờ. Anh cũng mừng rỡ nắm tay tôi lắc mạnh: "Em về đây hồi nào? Sao không liên lạc gì với anh vậy? Mấy năm nay công việc bận rộn quá nên anh không về thăm ba má được...".
Anh nhắc ba má tôi với giọng ấm áp như thể đó là người thân của mình. Đến lúc đó tôi mới biết vợ anh đã mất. Một mình anh bây giờ phải nuôi 3 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới 6 tuổi, hai đứa sinh đôi 4 tuổi. "Vợ anh mất ngay sau khi sinh 2 đứa nhỏ... Cô ấy bệnh tim. Khi mang thai lần sau, bác sĩ khuyên nên bỏ nhưng cô ấy không bằng lòng"- giọng anh nghèn nghẹn. Tôi lặng người đi. Thảo nào mà tóc anh đã bạc dù khi đó anh và tôi mới ngoài ba mươi.
Cuộc gặp này khiến tôi đánh mất tình cảm của một người đồng nghiệp. Đúng hơn là người ấy đã không thể chờ đợi vì tôi cứ vướng víu 3 đứa trẻ của Sơn. "Cho em thêm thời gian... Nhìn cha con anh ấy bây giờ em không đành lòng..."- tôi nói với anh bạn như vậy. Nhưng anh đã từ chối: "Anh nghĩ không cần như vậy. Nhìn em và mấy đứa nhỏ quấn quýt nhau, anh biết điều gì sẽ xảy ra. Thôi thì dứt khoát càng sớm càng tốt để không ai bận lòng". Vậy rồi người ấy ra đi.
Bây giờ thì 2 đứa út đã 10 tuổi, bé lớn đã vào cấp II. Tóc tôi cũng bắt đầu có vài sợi bạc. 6 năm qua, tôi đã lặng lẽ đi cạnh cha con anh như thể định mệnh đã gắn chúng tôi lại với nhau. Có lần, cách nay chưa lâu, Sơn đưa cho tôi quyển sách giải bài tập Toán lớp 11 mà tôi tặng anh ngày nào. Dòng mực đỏ ở cuối trang sách đã mờ nhưng tôi vẫn đọc được những dòng chữ của chính mình: "Từ bây giờ đôi ngã chia xa... nhưng mãi mãi em vẫn nhớ người ta". Tôi nhẩm tính, đã gần 20 năm. Anh nắm tay tôi, rất lâu mới nói được: "Sao em lại làm như vậy? Phải biết nghĩ tới bản thân chứ? Anh và các con đã tự lo được rồi...".
Tôi nhìn cha con anh mà nhiều khi không cầm được nước mắt. Nếu các cháu là con trai thì có thể dễ dàng hơn, đằng này lại là 3 đứa con gái. Không có bàn tay người mẹ chăm lo, dạy dỗ, tội nghiệp biết chừng nào... Nhưng trên hết, tôi biết rõ trái tim mình đã thuộc về anh, từ những ngày còn học chung hay khi xa cách, chưa có lúc nào tôi quên anh.
Má tôi có lẽ hiểu điều đó nên bảo: "Nếu con thương thằng Sơn thì cứ lấy nó, má không cản...". Thế nhưng rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi thì can ngăn: "Chỉ có điên mới lao đầu vô đó. Con mình mình lo còn mệt mỏi, đằng này con riêng của chồng, hơi sức đâu mà lo? Lỡ mai mốt tụi nó phản thì thêm tức".
Tôi không ngại điều đó vì tôi đã dạy dỗ mấy đứa nhỏ từ khi chúng còn bé, tôi hiểu chúng nó cũng yêu thương tôi như vậy. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy đã quá muộn để nghĩ đến chuyện hôn nhân. Tôi soi gương và chợt buồn khi nghĩ đến những vết chân chim, những sợi tóc bạc, những cơn đau âm ỉ khi trái gió trở trời...
Có phải là tôi đã quá già để làm vợ, làm mẹ?
Theo VNE
Chuyện đời đặc biệt của hai "công tử Bạc Liêu" xứ Thanh Trong căn nhà gỗ 5 gian cũ kĩ, trống hoác, mối mọt, gió mùa đông lạnh ngắt cắt vào da thịt, ông Đặng K. Thịnh ngồi co ro trên giường với 2 lớp áo len xanh, đỏ rách vai phải và hở sườn trái, giọng trầm buồn kể về cuộc đời mình. "Thời huy hoàng" của phú ông K.Bản Theo lời tâm sự...