Đặc sản núi xuống phố
Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các loại trái cây đặc trưng, nông sản sạch của người dân thành thị, nhiều hộ dân vùng Bảy Núi đã nhạy bén mở hướng đi mới nhằm đưa các mặt hàng này xuống phố thị, góp phần nâng cao thu nhập, đồng thời giới thiệu “đặc sản” xứ núi đến đông đảo người tiêu dùng.
Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù ở vùng Bảy Núi góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú và những hương vị đặc trưng thơm ngon, lạ miệng, của các loại cây trái, nông sản nổi tiếng như: trái thốt nốt, trái trâm, sầu riêng, bơ, cây chúc, các loại rau rừng… Chính các yếu tố này giúp cho đặc sản của vùng Bảy Núi được du khách gần xa biết đến, săn đón và ngày càng xuất hiện nhiều hơn, điều này đã mở ra tín hiệu lạc quan trong việc nâng cao chuỗi giá trị cho cây trồng của người dân xứ núi.
Điển hình như cây thốt nốt, loại cây nổi tiếng nhất vùng Bảy Núi, trước kia chỉ đơn giản sử dụng để lấy nước làm đường thốt nốt và bán trái tươi, nhưng nay đã có nhiều sản phẩm độc đáo từ thốt nốt, như: nước thốt nốt, đường thốt nốt, mứt, chè, bánh bò, rượu, đũa, chén, thạch thốt nốt… được nhiều người biết đến và có mặt trong các siêu thị lớn.
Cây chúc là loại đặc sản ở vùng Bảy Núi. Trước đây, cây chúc rất quý vì nó chỉ còn tồn tại một số ít phum, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Chính vì mùi thơm độc đáo của lá chúc và trái chúc, nhiều chuyên gia ẩm thực đã tìm tòi và sử dụng nó như một gia vị đặc biệt để chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng, hấp dẫn như: cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, cháo gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc… Hiện nay, trái chúc và lá chúc không chỉ có ở vùng Bảy Núi mà đã xuất hiện nhiều trong các món ăn, các chợ lớn nhỏ từ thành thị đến nông thôn. Hay, trái hồng quân từ loài cây hoang dã, không có giá trị kinh tế nên nhiều người phá bỏ cây hồng quân để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, như: xoài, điều, vú sữa, mãng cầu… Bây giờ, trái hồng quân Bảy Núi đã trở thành loại trái cây đặc sản được du khách gần xa săn tìm và tiêu thụ mạnh ở nhiều nơi. “Đến mùa, tôi hái trái hồng quân bán trước nhà, rất nhiều du khách ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… ghé mua và xin số điện thoại để đến mùa tiếp theo đặt hàng trái chín” – bà Huỳnh Yến Linh (xã Thới Sơn, Tịnh Biên) chia sẻ.
Video đang HOT
Anh Chau Sam gánh hàng nông sản núi xuống phố bán
Tất cả những mặt hàng nông sản này được các hộ dân vùng Bảy Núi trồng xen canh dưới tán rừng, hoặc đất vườn nhà, sinh trưởng trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng các loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật nên đảm bảo yếu tố “sạch”. Cộng thêm việc, thời gian gần đây, khi người tiêu dùng ở khu vực thành thị đang có xu hướng chuộng sử dụng các sản phẩm “sạch”, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình. Nắm bắt được nhu cầu này nên nhiều hộ dân người Khmer đã nghĩ ra cách gánh nông sản đến tận các chợ thị trấn, thành phố để bán, nhằm kiếm thêm thu nhập.
Tại TP. Châu Đốc gần 10 giờ sáng, gánh hàng của bà Neáng Sa (Tịnh Biên) chỉ còn một ít trái su, mãng cầu ta và me sống. Bà Neáng Sa cho biết: “Hôm nay là ngày bán đắt nên sẽ về sớm. Trước đây, tôi thường gánh hàng ra chợ Tịnh Biên bán, dần dần “mở rộng thị trường” gánh đi đến Châu Đốc bán. Có bữa chưa đến Châu Đốc đã hết hàng”. Ngày nào cũng vậy, anh Chau Sam (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) cũng gánh đầy đặc sản của các nông dân xứ núi theo các chuyến xe buýt đến chợ Trà Ôn (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) để bán hàng. Chủ yếu là đặc sản theo mùa ở vùng Bảy Núi, như: đường thốt nốt, măng tre, me dốt, đậu phộng, trái su, vú sữa, xoài, mãng cầu… tuy phải đi xa nhưng bán rất đắt hàng, trung bình 1 buổi đi bán anh Chau Sam thu nhập khoảng 200.000 đồng. “Sáng khoảng 4-5 giờ thức dậy, đi gom hàng hóa bán trong ngày, xong xuôi đón xe buýt sớm cho kịp chợ sáng. Hôm nào bán đắt thì khoảng 12 giờ trưa là hết hàng. Hôm nào chợ ít khách thì gánh dọc theo đường lộ bán, khi nào hết hàng thì về” – anh Chau Sam cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thoa (thị trấn An Châu, Châu Thành) chia sẻ: “Tôi thường hay đón các gánh hàng đặc sản của người Khmer gánh đi bán ngang nhà, bởi vì các loại rau, củ, trái cây vừa tươi ngon, vừa rẻ so với ngoài chợ và không sợ thực phẩm nhiễm hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Hơn nữa lại được thưởng thức đặc sản Bảy Núi theo mùa mà không cần phải đi xa”.
Theo Baoangiang
Bún cá Xà Tón
Các quán bún cá ở Tri Tôn, An Giang thường không treo bảng hiệu, chủ quán cứ bày ra trước cửa nhà. Nhiều nhà bán mà các nồi bún vẫn cứ thi nhau cạn. Phải chăng bún cá Xà Tón có điều gì lạ thường?
Bún cá Xà Tón ăn kèm trứng vịt lộn
Tri Tôn là huyện miền núi của tỉnh An Giang, được bao bọc bởi một nửa của dãy Thất Sơn, là vùng biên giới, có các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống và là nơi có chùa Xà Tón (Svay Ton) của người Khmer.
Tri Tôn còn có một cái tên khác - xứ Xà Tón, với núi đồi xen lẫn đồng ruộng, di tích lịch sử và nhiều đặc sản độc đáo. Sự giao thoa văn hóa Kinh - Khmer làm cho ẩm thực Tri Tôn đa dạng, hấp dẫn lạ thường. Ngoài những món nổi tiếng như gà nấu lá trúc, gà đốt, đu đủ đâm, cháo bò, bánh canh lò rèn... thì món bún cá Xà Tón mang hương vị rất riêng của vùng đất này.
Dừng chân trước quán, bạn sẽ cảm nhận một mùi thơm rất nhẹ và dễ chịu. Đó là mùi ngải bún. Người dân gọi ngải bún cho gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, chứ ngải bún còn có tên là ngải hẹ, tên khoa học là Auttum crosscus. Ngải bún dùng để nấu bún cá, tạo nên hương vị rất đặc trưng. Bún cá Xà Tón có 2 kiểu nấu - của người Kinh và người Khmer.
Người Kinh chọn những con cá lóc ngon, sau khi luộc cá chín, lấy xương cá hầm cho ra nước ngọt, phần thịt cá gỡ ra từng miếng nhỏ, đem xào sơ qua cho thấm gia vị, dùng nghệ tươi giã lấy nước rồi để vào thịt cá cho cá có màu vàng nghệ, nửa phần để riêng khi ăn cho vài miếng cá lên trên mặt bún, nửa phần còn lại để vào nồi nấu với xương heo để tạo vị ngọt và làm cho nồi nước lèo có màu vàng của nghệ. Người nấu còn dạo vào nồi nước chút nắm ruốc hoặc mắm cá chốt hay cá sặt để tạo mùi thơm rồi cho tiếp nước ngải bún, sả, gia vị vào.
Người Khmer nấu thì sau khi lấy thịt cá lóc đem đi giã nát cùng sả băm nhuyễn và nước ngải bún rồi cho vào nồi, vì vậy nước lèo trắng, ngọt đậm đà. Đặc biệt, cho vào nồi nước bún chút mắm bò hóc (pro hoc) - đặc sản của người Khmer để món bún có vị hấp dẫn lạ kỳ.
Ngoài ra, giá đỗ chọn mua loại giá cát, giá cát được làm từ hạt đậu xanh ngâm nở cho vào thùng rồi lấp cát lên, cát này được lấy từ lòng ô ở ruộng do nước trên núi Tô chảy xuống kéo theo lớp cát trắng, nhờ vậy mà giá cát mọc tự nhiên không dùng loại hóa chất nào, cọng giá khẳng khiu dài nhằng nhưng trắng trẻo và có độ giòn ngọt tự nhiên.
Còn hoa chuối được cẩn thận tách bẹ lấy phần non để bào mỏng, có nơi còn tìm hoa chuối hột để cọng ghém thêm ngon. Rau muống thì chọn loại cọng to non giòn rồi bào mỏng. Vậy là được thau ghém như ý: giá, bắp chuối, rau muống trộn lẫn vào nhau, trên cùng là lớp rau thơm, mùa nước về thì điểm lên những đốm vàng của bông điên điển hay chút xanh xanh của cọng rau nhút, trông đậm chất miền Tây làm sao!
Nước sôi ùng ục, người nấu nhanh tay trụng bún qua nước sôi vài lần cho bún nóng, những miếng cá được xếp trên mặt tô. Mùi ngải bún, sả, nghệ, rau thơm, nước mắm, vị cay của ớt, tất cả ùa vào làm ta cứ tưởng "sơn hào hải vị" là đây! Bún cá Xà Tón còn hấp dẫn hơn khi cho thêm vào tô cái trứng vịt lộn hay cái đầu cá lóc, rồi chấm với chút muối ớt vắt chanh hoặc trái trúc, vị chua xen lẫn tinh dầu của trái trúc chỉ có ở xứ này. Nếu thích ăn cay thì dùng thêm ớt trái, mà phải là ớt hiểm xanh mới đúng điệu.
Cắn ớt vào cảm nhận vị nồng rất thanh của ớt lên đến tận mũi, húp vào chút nước bún mới tận hưởng hết cái vị rất riêng của bún cá Xà Tón.
Theo Thanhnien
Món ăn bị cấm nhưng vẫn được đưa vào liên hoan 'Món ngon các nước' Tại Liên hoan ẩm thực "Món ngon các nước" năm nay vừa mới kết thúc vào tối 17/11 ở TPHCM, ngoài nhiều món ăn đặc sản gây sự chú ý cho du khách thì cũng có những người ngạc nhiên khi đuông dừa- Một loại thực phẩm chế biến thức ăn bị cấm cách đây chưa lâu cũng được đưa vào danh sách....