Đặc sản giáp Tết ở miền Tây: Thơm nức rượu nếp, khô cá, chuối ép
Khoảng 2 tháng nay, người dân miền Tây ở các làng nghề truyền thống làm đặc sản như khô cá, rượu nếp, chuối ép…tất bật bước vào vụ sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Không khí tại các làng nghề tại miền Tây rộn ràng hơn bao giờ hết ở những ngày giáp Tết.
Giữ gìn và phát triển nghề truyền thống
Cứ đến dịp này hàng năm, xóm làm nghề làm đũa tre ở ấp Xẻo Cui, xã Hòa Thuận (Giồng Riềng, Kiêng Giang) lại bận rộn hơn bao giờ hết. Hơn 30 năm nay, đây là nơi ra đời của những bó đũa tre truyền thống chất lượng. Nhiều người dân đang miệt mài với những thanh tre, với chiếc mác vót đũa sắc bén trên tay để tạo ra những sản phẩm không thể thiếu của mỗi gia đình.
Chị Thị Bảnh, ngụ ấp Xẻo Cui, cho biết: “Khoảng 2 tháng nay đũa vót bao nhiêu bán hết bấy nhiêu vì theo thường lệ gia đình nào cũng muốn đổi đũa cho năm mới. Nếu ngày nào cũng vót thì từ nay đến Tết cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng để mua quần áo mới cho con”.
Nhiều chị em của xóm làm đũa tre ấp Xẻo Cui có thêm tiền sắm Tết từ nghề. Ảnh: NQ.
Gia đình chị Bảnh chỉ có 2 công ruộng, chồng chị ngoài phụ vợ đốn tre thì đi làm phụ hồ, đặt trúm. Chị Bảnh ở nhà vót đũa để có thêm thu nhập. Nghề làm đũa tre gắn bó với gia đình chị Bảnh và người dân ấp Xẻo Cui, giúp nhiều hộ có thêm thu nhập.
Điểm đặc biệt khiến đũa tre Xẻo Cui luôn được khách hàng tin dùng do được làm từ những cây tre mạnh tông già đủ tuổi, đủ độ cứng để làm đũa không gãy. Khi thành phẩm đũa có màu vàng óng mượt, độ bền cao và an toàn cho sức khỏe người dùng.
Về Xẻo Cui những ngày này, không khó để bắt gặp cảnh nhiều phụ nữ lớn tuổi ngồi tỉ mẩn với từng chiếc đũa tre trước nhà, hay cô gái đôi mươi cầm chiếc mác đưa tay thoăn thoắt vót từng chiếc đũa tre.
Sản phẩm rượu nếp Kênh 5 đắt hàng dịp Tết. Ảnh: NQ.
Còn tại ấp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp, Kiên Giang) nhiều hộ cũng đang tất bật để cho ra sản phẩm rượu nếp Kênh 5 nức tiếng.
Chị Đinh Thị Bích Hằng, chủ một cơ sở sản xuất rượu nếp Kinh 5, đang tất bật bên lò nấu rượu nếp của gia đình. Chị Hằng cho biết, Tết này chị có kế hoạch cung ứng cho thị trường khoảng 4.000 lít rượu nếp. Điều đặc biệt, rượu nếp của cơ sở sản xuất đã qua lọc aldehic nên khi uống sẽ không bị nhức đầu.
Tiếp nối truyền thống sản xuất rượu Kinh 5 của cha ông để lại, nhiều năm nay, chị Hằng tự mày mò pha chế rượu Kinh 5 với một số loại trái cây để cho ra đời nhiều dòng rượu khác nhau như: Rượu chuối hột, rượu mơ, rượu nho, rượu la hán quả… Để tạo sự mới mẻ cho rượu Kinh 5 truyền thống, chị Hằng đầu tư thiết kế mẫu mã chai, hộp chứa rượu khá bắt mắt.
Video đang HOT
Tuy được sản xuất công phu từ khâu tuyển chọn nguyên liệu nếp, men, trái cây an toàn, nhưng giá bán các mặt hàng rượu tết của cơ sở sản xuất rượu nếp Kinh 5 vẫn không tăng, trong đó rượu trái cây dao động từ 85-100 ngàn đồng/chai.
Tạo thu nhập khá cho lao động
Còn tại làng nghề ép chuối khô ở xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), các cơ sở cũng tất bật chuẩn bị hàng để phục vụ cho thị trường Tết. Theo người dân, vụ chuối khô Tết năm nay sản lượng tăng từ 30-50% so với ngày thường.
Anh Phạm Văn Quỳnh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Hợi, cho biết: “Nghề làm chuối khô tập trung nhiều nhất ở các ấp 10A, 10B, 10C với khoảng 50 hộ hành nghề. Đây là nghề truyền thống lâu đời của địa phương và giải quyết được lượng lớn lao động. Mỗi nhân công làm cho các cơ sở ép chuối khô có thu nhập từ 4-6 triệu/người/tháng”.
Làng nghề ép chuối khô ở xã Trần Hợi thu hút lượng nhân công lớn. Ảnh: Chúc Ly.
Theo người dân địa phương, mùa vụ chính của nghề ép chuối khô bắt đầu từ khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau.
Với gần 30 năm gắn bó với nghề ép chuối khô, cơ sở của gia đình anh Trần Duy Thanh (ngụ ấp 10B) được xem là nơi có mặt hàng chuối khô chất lượng. Anh Thanh cho biết: “Trung bình mỗi tháng gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 7-10 tấn chuối khô; thời điểm gần Tết thì sản lượng có thể tăng thêm từ 30-50%. Bình quân thu từ 80-100 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí mỗi tháng lãi từ 15-20 triệu đồng”.
Hiện chuối khô được cở sở bán với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg, nếu đóng gói thì từ 28.000-35.000 đồng/kg. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở một số tỉnh của ĐBSCL và TP.HCM.
Nhân công tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ việc làm tại các cơ sở cá khô. Ảnh: Chúc Ly.
Tại các làng nghề làm cá khô biển ở Cà Mau như Cái Đôi Vàm, Sông Đốc, các cở sở cũng đang khẩn trương với các công đoạn làm cá khô.
Ghi nhận của phóng viên ở Làng khô cá ở thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau), nhiều nhân công tại địa phương đã tranh thủ thời gian làm việc tại các cơ sở để kiếm thêm thu nhập. Theo ông Tô Trường Sơn – Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, làng nghề sản xuất cá khô Cái Đôi Vàm đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nhãn rỗi, với thu nhập trung bình từ 150.000-200.000 đồng/người.
Lao động làm cho các cơ sở sản xuất cá khô có thu nhập trung bình từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày. Ảnh: Chúc Ly.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thị Biếu (khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm), cho hay: “Những lúc vô cá nhiều thì mình mần từ hai giờ khuya cho đến 5 giờ chiều mới về. Tuy vất vả nhưng có tiền ổn định, mỗi ngày thu nhập khoảng 150.000-200.000 đồng; vào dịp Tết ai làm giỏi thì kiếm được 300.000-400.000 đồng/ngày cũng không khó. Mỗi tháng cá về từ 2-3 lần cá, mỗi lần làm được từ 3-4 ngày”.
Theo một số vựa khô ở khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, thông thường vụ khô Tết chỉ kéo dài từ 1-1,5 tháng. Dịp này sản lượng của cơ sở bán ra tăng gấp 2 lần so với các tháng trong năm. Theo đó, các cơ sở cũng cần lượng nhân công đông hơn so với ngày thường.
Theo Danviet
Ảnh: Trùm chăn thâu đêm trông đào, quất lộ thiên ở Hà Nội
Trên tinh thần "ăn ngủ cùng đào, quất", những người trông vườn thuê tìm mọi cách để chống chọi với cái lạnh "cắt da, cắt thịt" trong đêm đông Hà Nội.
Cách Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khoảng một tháng, nhiều hộ dân, chủ vườn ở Hà Nội lại mang đào, quất xuống bày bán ở vỉa hè của các tuyến đường đẹp như đường Lạc Long Quân, Võ Chí Công... để tiện cho người dân mua sắm, chơi Tết.
Những gốc đào giá từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đều được mang ra bày lộ thiên nên để tiện chăm sóc và trông coi, đề phòng kẻ xấu nhòm ngó, những chiếc lều, lán nhỏ được chủ vườn dựng lên ngay trong khuôn viên khu vực trưng bày cây.
Đây cũng là nơi những người trông đào ăn, ngủ, sinh hoạt hàng ngày.
Nhiều chủ vườn còn cẩn thận chăng dây thép, buộc quanh các gốc đào để đảm bảo an ninh tối đa.
Ngoài đào thì quất và bưởi cũng là mặt hàng được nhiều chủ vườn mang đến đây bày bán. Có những vườn rộng hàng trăm mét vuông với cả trăm cây đào, quất trĩu trịt quả.
Tương tự như vườn đào, tại các vườn quất, bưởi, người ta cũng dựng lán để túc trực, bảo vệ vườn cây 24/24.
Không gian trong lán chỉ vừa đủ để đặt một chiếc giường, chăn, gối với một vài nhu yếu phẩm để những người trông vườn thuê có thể sống ở đây trong một tháng.
Những cây bưởi giá hàng chục triệu đồng, nếu không có người trông có thể bị kẻ gian lấy cắp, hái trộm quả. Ở các vườn lớn, chủ vườn còn bố trí 2 lán ở 2 đầu vườn để đảm bảo an toàn cho cây trái.
Thậm chí, có những vườn chủ vườn còn thuê nhiều người thay phiên nhau trông giữ vườn cây.
Trông thuê cho một vườn bưởi trên đường Lạc Long Quân kiếm thêm thu nhập, anh Chuyên (19 tuổi) chia sẻ, những ngày giá rét, để ngồi trông hàng tiếng đồng hồ ngoài trời rất khó khăn, anh phải trùm chăn, pha trà nóng uống liên tục cho ấm người và giữ được tỉnh táo.
Những ngày gần đây, thời tiết có xu hướng đỡ lạnh hơn, thuận lợi cho những người trông đào, quất thuê.
Tuy nhiên, trời ấm hơn làm cho các cây đào nở bung hoa trong khi vẫn còn gần 3 tuần nữa mới đến Tết, ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của các chủ vườn.
Theo Danviet
Háo hức sắm nông sản tết ở Hội chợ Xuân Thái Nguyên 2019 Với khoảng 150 gian hàng, Hội chợ Xuân 2019 hứa hẹn vừa là địa chỉ mua sắm tin cậy cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm. Nhằm mục đích liên kết cung - cầu hàng hóa,...