Đặc sắc ẩm thực Thu Hà Nội
Nói đến ẩm thực mùa Thu ở Hà Nội, ai cũng nhớ đến cốm xào, chè cốm, sấu chín, chả rươi…
Nhưng, loanh quanh phố phường Hà Nội trong những ngày cuối Thu, không phải người dân Thủ đô hay du học sinh nước ngoài nào cũng dễ tìm được những món ăn đặc trưng này.
Món Chả rươi tại một quán hàng ở phố Ô Quan Chưởng. Ảnh: Lại Tấn
Truy tìm từng ngõ ngách
Cynthia (người Anh gốc Việt) trở về Hà Nội cùng người bạn Leo (quốc tịch Anh) sau 20 năm sinh sống và học tập ở nước ngoài. Trở về nước và sau chuyến bay dài từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, Cynthia tìm gặp những người bạn Việt Nam để cùng thưởng thức những món ngon, đặc trưng của mùa Thu Hà Nội. Cynthia chia sẻ: “Món đầu tiên tôi nhớ đến là sấu chín, thứ hai là cốm xào. Và tôi cũng muốn cho người bạn trai ăn thử chả rươi và bia hơi Hà Nội”.
Cynthia cùng Leo rong ruổi đường phố Hà Nội theo sự hướng dẫn của Daisy (một giáo viên tiếng Anh – người Việt) tìm đến những địa chỉ quán ăn ngon của Thủ đô. Sau khi đợi một giờ để được thưởng thức phở Khôi Hói (Hàng Vải) vào buổi sáng sớm, Cynthia bày tỏ: “Tôi muốn ăn sấu dầm”. Chớm Đông, sấu chín cũng không còn nhiều nơi bán, Daisy sau hồi lâu suy nghĩ quyết định dẫn hai người bạn ngoại quốc đi dọc phố Phan Đình Phùng rồi lộn ngược, dừng chân ở phố Thái Phiên. Con phố nhỏ nằm ngay dưới chân toà nhà Vincom (Bà Triệu) là nơi được nhiều giới trẻ tìm đến để thưởng thức cà phê vỉa hè, trà sữa, khoai lang luộc và không thể thiếu là món hoa quả muối – trong đó có sấu chín.
Con phố trải đầy những sạp đồ ăn vặt và những gánh hàng rong nhưng duy nhất có một sạp sấu vàng ươm khiến người đi đường thèm thuồng. 10.000 đồng một túi sấu dầm nhỏ, Cynthia vui mừng mua được hơn chục quả sấu chín đựng trong túi nilon. Vừa ngồi trên xe, giữa tiết trời se lạnh và những vệt nắng vàng, Cynthia lấy cái xiên bằng tre vót nhọn bỏ tọt quả sấu vào miệng nhăn mặt thưởng thức và thốt lên “Ngon”. Cô Vũ Thị Mai – người bán hàng ở Thái Phiên tiết lộ: “Ngoài sấu chín gọt vỏ cắt xoáy ốc, đường, muối tinh, ớt bột thì trước khi gọt phải ngâm với chút nước muối loãng cho hết nhựa. Để món ngon, người làm không được bỏ hạt vì hạt sấu giữ nước, tạo hương vị cho món sấu dầm, người ăn thường thích ngậm, ăn như vậy mới có cảm giác thú vị”.
Video đang HOT
Chờ được khám phá
Sau món sấu chín dầm, Cynthia bày tỏ mong muốn thử cốm xào, chè cốm… Mò mẫm, len lỏi theo một vài địa chỉ tìm thấy được trên mạng, Cynthia và Daisy tìm đến một vài địa chỉ ở Mễ Trì, Cầu Giấy. Tuy nhiên, Cynthia chỉ được thấy những cửa hàng đã đóng gói cốm sẵn vào gói, in bao bì. Khi ngỏ lời muốn vào chụp hình hay quan sát chế biến, họ đều nhận được những cái lắc đầu với lý do: “Bếp của gia đình chỉ những người trong gia đình mới được vào”. Vậy là, cốm xào, chè cốm hay thạch cốm đều lỡ hẹn với người bạn ngoại quốc xa quê hương.
Chưa thoả mãn với những món ăn Thu Hà Nội được thưởng thức, Cynthia lục tìm lại trong trí nhớ của mình và nói muốn thử món chả rươi. Với món ăn này, chẳng phải nghĩ đâu xa, Daisy đưa hai người bạn ngoại quốc đến thẳng Ô Quan Chưởng. Vậy nhưng, để tìm được quán bán món chả rươi thơm, ngon, béo ngậy ở con phố – cửa ngõ Thủ đô này chẳng dễ. Ô Quan Chưởng bây giờ có đến gần 10 hàng bán chả rươi, quán nào cũng đầy ắp khách. Chui tọt vào một quán “nhậu” nhỏ có treo biển “bia Khoái”, Daisy vỗ tay chắc nịch “chả rươi ngon miễn chê”. Nhâm nhi đến 1/3 cốc bia Hà Nội, Daisy dẫn Cynthia vào bếp. Ở đây máy ảnh không được chụp vì bí quyết gia truyền (thực chất là chả rươi người làm đã chuẩn bị từ sáng sớm do quá đông khách) người ta chỉ thấy vài thứ gia vị quen thuộc như rươi, trứng, hành, gừng, rau mùi… và không thể thiếu “vài miếng vỏ quýt thái chỉ đủ liều lượng” – người đầu bếp già ở quán cho hay. Đặc biệt, món chả rươi này khi ăn không thể thiếu thứ đồ chấm ngọt ngọt, cay cay, thơm mùi quất. Pha cũng khó, chọn quất cũng khó, người pha khéo tay làm sao cho quất thái mỏng khi chấm rươi người ăn thấy vị thơm ngọt nhưng không bị đắng.
Ẩm thực Hà Nội phong phú, đa dạng, nhưng món ăn đặc trưng cho mùa Thu quanh đi quẩn lại chỉ có vài món. Khi mạng xã hội, bán hàng online phát triển, ngày càng nhiều quán chè cốm, sấu dầm, chả rươi mở ra để thu hút khách. Thế nhưng, người sành ăn Thủ đô đều tìm đến những nơi nào mà họ có thể thưởng thức chọn vị. Vị món ăn không chỉ là đắng, cay, mặn, ngọt mà ở đó, người Thủ đô còn giới thiệu về nét đẹp ẩm thực, nét đẹp văn hóa của Hà Thành.
Theo Kinhtedothi.
Thưởng thức đặc sản "rồng đất" ở Hải Dương
Có nhà văn đã từng viết: "Ở Bắc Việt, ăn rươi là một thông lệ, đến mùa mà không được ăn thì như một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa". Quả đúng là như vậy
.Bất cứ ai đã từng thưởng thức các món ăn từ rươi cũng sẽ bị làm cho mê hoặc, cảm thấy nhớ nhung và quyến luyến mãi không nguôi.
Ở Hải Dương, con rươi xuất hiện rất nhiều ở các huyện Kinh Môn, Tứ Kỳ, Thanh Hà... Nhưng những thực khách sành ăn thì cho rằng, chỉ có rươi Tứ Kỳ là thơm ngon số 1 và xứng đáng được gọi là món lộc "trời cho". Mùa rươi khá ngắn nên nếu bỏ lỡ, thực khách chỉ có thể thưởng thức mùa rươi chiêm hoặc đợi đến năm sau mới có cơ hội.
Rươi có vẻ ngoài khiến nhiều người e dè.
Thoạt nhìn, rươi có vẻ ngoài khá đáng sợ. Chúng giống những con giun đủ màu xanh đỏ, cuộn vào nhau bò lổm ngổm. Dân gian còn gọi rươi là con "rồng đất". Thân rươi có nhiều lông tơ nhỏ, chúng xuất hiện nhiều vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, chủ yếu ở vùng nước lợ.
Khi nước ở sông tràn vào đồng vừa rút thì cũng là lúc người dân bắt đầu vào vụ đi "săn" rươi. Chỉ cần bổ vài nhát cuốc là đã thấy những con vật kỳ lạ, nửa giun nửa rết từ từ đùn đất chui lên, có con dài tới vài mét. Chẳng mấy chốc, chúng tự động phân khúc, đứt rời thành từng đoạn nhỏ và hình thành con rươi.
Cách đây vài năm, chỉ vài chục ngàn là có thể mua được một kg rươi. Nhưng 1, 2 năm trở lại đây, rươi rất khan hiếm, giá bán lên đến 450.000 đồng. Rươi chính vụ kéo dài chỉ mấy ngày, nhưng vậy cũng là đủ cho nhiều hộ kiếm được tiền triệu.
Việc lựa chọn rươi cũng nên được các bà nội trợ cân nhắc.
Từ lúc rươi được bắt lên, chúng sống trong lớp nhớt tự tiết ra, sau đó yếu dần đi và chết. Bởi vậy khi mua rươi, cần lưu ý chọn những con bò được, thân mập có màu hồng, thả vào nước sẽ thấy bơi rất nhanh. Ngược lại, rươi yếu hoặc sắp chết có màu xanh, xanh đậm ngả sang đen, ăn không ngon, khi đánh ít tan, rán lên sẽ rất khô.
Sau khi thu hoạch, những mẻ rươi tươi rói được bán lại cho các nhà hàng đặc sản hay khu chợ lớn. Vẻ ngoài xấu xí là vậy, nhưng người ta có thể chế biến rươi thành nhiều món thơm ngon như rươi om nồi đất, nem rươi, mắm rươi, rươi hấp, thậm chí có nơi còn làm canh rươi. Nhưng trên tất thảy, nổi tiếng nhất vẫn là chả rươi.
Chả rươi, theo cách gọi một số nơi là rươi đúc trứng, là một trong những món chả rán đặc biệt của người Việt. Đối với vùng quê Hải Dương, chả rươi là món ăn có thể làm hài lòng cả những vị khách khó chiều nhất.
Các nguyên liệu chính làm món chả rươi.
Dù mỗi vùng có cách chế biến riêng, nhưng làm theo kiểu nào vẫn có chung các nguyên liệu chính, từ thịt lợn xay nhuyễn, trứng gà, hành hoa, thìa là, chút ớt tươi và không thể thiếu vỏ quýt. Nghe thì đơn giản, nhưng thiếu đi một nguyên liệu cũng coi như "hỏng" cả món ăn tinh túy. Tuy ít phổ biến hơn, nhưng có nơi người ta còn cho thêm lá chanh hoặc lá lốt thái chỉ để gia tăng hương vị.
Rươi tươi sống sau khi được sơ chế sạch, nhặt hết rác, sẽ đem rụng qua nước sôi tầm 90 độ để "làm lông". Khi trút nguyên liệu chính vào bát, người nấu bếp sẽ cho cùng thịt lợn xay nhuyễn, trứng gà, hành lá, thìa là kèm gia vị nước mắm rồi đánh nhuyễn. Sẽ không đúng vị chả rươi nếu thiếu đi vỏ quýt. Tuy không cho nhiều nhưng tinh dầu của vỏ quýt tăng thêm hương vị đặc biệt, đồng thời giúp món ăn dễ tiêu hơn.
Khi hỗn hợp đủ dẻo, người ta sẽ đưa lên chảo rán. Thông thường, dùng mỡ nước rán chả sẽ cho thành phẩm thơm ngon hơn. Món rươi thành công khi có phần vỏ ngoài vàng ruộm màu cánh gián, ruột mềm ngọt đậm.
Chả rươi có màu sắc hấp dẫn và mùi vị khó lòng chối từ.
Chả rươi ăn kèm cùng rau mùi, húng thơm, chấm trong nước mắm pha chanh ớt đậm đà, quyện chút ớt cay và hạt tiêu bắc thơm lừng. Vào ngày miền Bắc chuyển lạnh, đĩa chả rươi trong mâm cơm gia đình có khả năng gắn kết mọi thành viên.
Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, rươi cũng xuất hiện ở một số tỉnh và được người dân huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đặc chế thành nước mắm.
Theo truyền thuyết, khi vua Gia Long trên đường lánh nạn đến vùng Duyên Hải đã dùng nước mắm rươi hằng ngày trong bữa cơm. Thấy hương vị thơm ngon đặc biệt nên khi đăng ngôi thiên tử đóng đô tại Huế, năm nào vua Gia Long cũng cử ghe bầu về nơi này mua nước mắm. Từ đó, nước mắm rươi còn có tên gọi "nước mắm ngự".
Theo Dân trí
Những món ăn vặt ngon nức tiếng nhất định phải thử khi Hà Nội vào thu Mùa thu Hà Nội có rất nhiều món đặc sản "gây thương nhớ" như cốm làng Vòng, sấu chín dầm, bánh trôi Tàu hay ốc nóng đốn tim nhiều bạn trẻ. Cốm làng Vòng Trong tiết trời thu mát mẻ dễ chịu, ngồi bên chén trà nóng ăn kèm những hạt cốm căng mẩy thơm lừng thì quả là không còn gì thú...