Đặc quyền giúp ông Trump ngăn cựu giám đốc FBI tiết lộ thông tin
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ngăn cựu giám đốc FBI James Comey ra làm chứng trước thượng viện vào tuần tới bằng cách kích hoạt đặc quyền hành pháp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey dự kiến ra làm chứng trước thượng viện vào ngày 8/6 liên quan đến cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực, yêu cầu ông chấm dứt cuộc điều tra các mối liên hệ giữa cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn với Nga, theo CNN.
Câu hỏi đặt ra là liệu Tổng thống Mỹ có ngăn cản cựu giám đốc FBI ra làm chứng hay không và nếu muốn, ông Trump nắm trong tay những công cụ gì để thực hiện điều này?
Giới quan sát nhận định Nhà Trắng có thể tìm cách kích hoạt đặc quyền hành pháp của tổng thống để ngăn chặn việc tiết lộ nội dung cuộc đối thoại giữa ông Trump với ông Comey hồi cuối tháng một. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer hôm qua cho biết văn phòng cố vấn Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý tỏ ra hoài nghi trước khả năng Tổng thống Mỹ kích hoạt thành công đặc quyền hành pháp nhằm ngăn cựu giám đốc FBI tiết lộ thông tin bởi ông Trump từng viết một bức thư giải thích về những cuộc đối thoại với ông Comey, thậm chí công khai đề cập đến chúng trên mạng xã hội Twitter. Nói một cách khác, Tổng thống Mỹ không thể sử dụng đặc quyền của mình như “thanh gươm” trong bối cảnh này, đồng thời dùng nó như “lá chắn” trong bối cảnh khác.
Video đang HOT
Cựu giám đốc FBI James Comey. Ảnh: Hill
Đặc quyền hành pháp cho phép các tổng thống Mỹ cất giữ thông tin, không để quốc hội hoặc tòa án liên bang xem xét vì an ninh quốc gia. Đặc quyền hành pháp được xây dựng dựa trên ý tưởng về việc tổng thống Mỹ luôn cần phải trao đổi thẳng thắn với những thành viên nội các cùng đội ngũ cố vấn. Năm 1974, trước bê bối Watergate, Tòa án Tối cao Mỹ nhận ra rằng “tổng thống Mỹ cùng đội ngũ trợ lý cần được tự do khám phá những lựa chọn thay thế trong quá trình định hình chính sách cũng như ra quyết định” và làm việc đó một cách hoàn toàn bí mật, riêng tư.
Vụ Watergate là một bê bối gây chấn động chính trường Mỹ, diễn ra từ năm 1972 đến năm 1974. Các thân tín bên cạnh tổng thống Mỹ Richard Nixon, cùng ủy ban vận động bầu cử của ông bị cáo buộc tổ chức vụ đột nhập văn phòng Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) tại tòa nhà Watergate nhằm nghe lén đối thủ. Cuộc điều tra bê bối cuối cùng dẫn tới việc ông Nixon phải tuyên bố từ chức ngày 9/8/1974.
Song theo tòa án, đặc quyền hành pháp của tổng thống Mỹ không phải “tuyệt đối” mà cũng có những giới hạn nhất định. Thực tế, nó có thể bị vô hiệu hóa nếu các bên liên quan chỉ ra được sự cần thiết phải nêu ra bằng chứng trong một vụ kiện hay phiên tòa hình sự. Bên cạnh đó, Tòa phúc thẩm liên bang Washington cũng quy định “đặc quyền sẽ biến mất khi có lý do để tin rằng chính phủ liên quan đến hành vi sai trái”.
Nếu Comey còn làm giám đốc FBI, Tổng thống Mỹ có thể đơn giản yêu cầu ông không ra làm chứng. Nhưng hiện tại, Comey chỉ xuất hiện với tư cách một công dân bình thường, nên ông Trump có rất ít khả năng hạn chế lời khai từ cựu giám đốc FBI.
Một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề từ thượng viện Mỹ cho hay ông Comey hiện không còn làm việc cho chính phủ liên bang, vì thế đặc quyền hành pháp không thể áp dụng trong vụ việc này.
Theo chuyên gia, nếu Nhà Trắng quyết tâm ngăn cản cựu giám đốc FBI, các luật sư có thể đưa vấn đề lên tòa án liên bang, yêu cầu tòa ban hành lệnh ngăn ông Comey ra làm chứng, song động thái trên chưa từng có tiền lệ và cũng không đảm bảo thành công.
Joni Ernst, thượng nghị sĩ Cộng hòa đến từ bang Iowa, ngày 2/6 nhận định ông Trump không nên cố gắng ngăn cản ông Comey xuất hiện trước thượng viện.
“Tôi cho rằng người dân Mỹ nên nghe từ ông Comey”, Ernst nói với CNN. “Quốc hội yêu cầu ông ấy làm chứng và tôi nghĩ ông ấy cũng nên làm chứng trước quốc hội, nhờ thế công chúng mới biết rõ chuyện gì đang diễn ra”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Cựu giám đốc FBI sẽ không nói tất cả khi điều trần
Cựu giám đốc FBI James Comey sẽ không được nói ra toàn bộ thông tin ông biết khi điều trần trước quốc hội Mỹ.
Cựu giám đốc FBI James Comey (phải) và công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: Reuters
Việc công tố viên đặc biệt Robert Mueller giám sát cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ nhiều khả năng sẽ hạn chế những nội dung cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey được nói khi điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, CNN ngày 22/5 dẫn một nguồn thạo tin cho biết.
"Không đời nào Mueller muốn nhân chứng của ông điều trần. Ông ấy muốn chất vấn Comey trước khi người khác làm việc đó", nguồn tin nói. "Nhưng Mueller phải nghiên cứu hàng tấn tài liệu trước".
Mueller nhiều khả năng sẽ trao đổi với các ủy ban Thượng viện và Hạ viện trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra để bảo đảm ông luôn là người đầu tiên nắm thông tin.
Mark Warner, phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 22/5 cho biết ông muốn gặp Mueller để trao đổi về những nội dung Comey có thể nói trong phiên điều trần. Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ Jason Chaffetz cùng ngày thông báo cuộc điều trầncủa Comey trước ủy ban, dự kiến diễn ra ngày mai, đã bị hoãn vì ông muốn nói chuyện với Mueller trước.
Mueller đã được thông báo về nội dung bản ghi nhớ mà Comey ghi lại sau cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump hồi tháng 2. Tại cuộc gặp, Tổng thống Trump được cho là đề nghị ông ngừng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Mueller có thể đã đến trụ sở FBI và gặp các đặc vụ tham gia cuộc điều tra Nga - Trump từ tháng 7/2016.
Vũ Phong
Theo VNE
Mỹ bổ nhiệm cố vấn đặc biệt điều tra liên hệ Trump - Nga Bộ Tư pháp Mỹ bổ nhiệm một cựu giám đốc FBI làm cố vấn đặc biệt để lãnh đạo cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Cựu giám đốc FBI Robert Mueller trong phiên điều trần trước Thượng viện năm 2013. Ảnh: New York Times. Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein ngày 17/5 chọn Robert Mueller là người tiếp...