Đặc phái viên Triều Tiên bị phóng viên quốc tế vây kín khi đặt chân tới Hà Nội
Khi đặc phái viên Triều Tiên Kim Hyok-chol xuất hiện, nhóm phóng viên đến từ các hãng tin hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản lập tức vây quanh ông để chụp ảnh, ghi hình và phỏng vấn.
Ông Kim Hyok-chol được truyền thông quốc tế vây quanh khi tới gặp đối tác Mỹ tại Hà Nội. Ảnh: Getty
Đặc phái viên Triều Tiên Kim Hyok-chol hôm nay (22/2) sẽ gặp đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun tại Hà Nội để thảo luận về Hội nghị Thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Từ 7h sáng cùng ngày, hàng chục phóng viên đến từ hơn 10 cơ quan báo chí quốc tế đã túc trực tại Nhà khách Chính phủ, nơi lưu trú của phái đoàn Triều Tiên ở Hà Nội.
Khi ông Kim xuất hiện, nhóm phóng viên lập tức vây quanh ông để chụp ảnh, ghi hình và phỏng vấn. Họ đến từ các hãng tin hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản như NHK, SBS, KBS, News1, Yonhap… và có mặt ở vị trí này trong 4 ngày qua để ghi nhận hoạt động của phái đoàn Triều Tiên.
Video đang HOT
Trước đó, ông Biegun nói rằng cuộc thảo luận của họ tại Triều Tiên “có hiệu quả”, nhưng đôi bên vẫn phải đối thoại tiếp.
“Chúng tôi gặp khó khăn khi làm việc với Triều Tiên, trước đây và bây giờ”, Straits Timesdẫn lời ông Biegun. Đặc phái viên Mỹ bổ sung rằng ông tự tin đôi bên “cam kết với việc tạo ra tiến triển thật sự”.
Trong khi đó, nguồn tin ngoại giao nói với Chosun Ilbo “Thành công hay thất bại của hội nghị thượng đỉnh phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán bên lề một tuần trước hội nghị thượng đỉnh”. Đó chính là cuộc gặp của ông Kim Hyok-chol và ông Stephen Biegun.
Ông Kim Hyok-chol, người được xem là cánh tay phải của Kim Jong-un, từng là đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha, Ethiopia, Sudan cùng một số quốc gia khác.
Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội sẽ là lần gặp mặt thứ hai của ông Donald Trump và ông Kim Jong-un sau cuộc gặp tại Singapore hồi tháng 6/2018. Hai bên đã đưa ra một thỏa thuận mơ hồ và không đạt được nhiều tiến bộ thực chất vì bất đồng trong cách diễn giải vấn đề phi hạt nhân hóa.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)
Theo Doisong&phapluat
Những nhân tố quyết định của thượng đỉnh Mỹ - Triều
Cách chọn đặc phái viên đàm phán trước hội nghị thượng đỉnh được cho là mang thông điệp ngoại giao đầy ẩn ý và có thể quyết định sự thành công của sự kiện.
Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun (trái) và người đồng cấp Triều Tiên Kim Hyok-chol
ẢNH: REUTERS
Sau chuyến thăm Bình Nhưỡng từ ngày 6 - 8.2, đặc phái viên Mỹ về CHDCND Triều Tiên Stephen Biegun đang tiếp tục thảo luận tại Hà Nội với người đồng cấp Triều Tiên Kim Hyok-chol nhằm gút lại nội dung cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa lãnh đạo hai nước. Theo tờ The Washington Post, thử thách lớn đối với ông Biegun là cùng ông Kim Hyok-chol soạn thảo bản thỏa thuận chi tiết được Bình Nhưỡng chấp thuận, đồng thời có thể đáp ứng mong muốn của Tổng thống Donald Trump. Ông Biegun cũng phải đảm bảo bản thỏa thuận làm hài lòng các quan chức cấp cao tại Nhà Trắng vốn có quan điểm cứng rắn về Triều Tiên.
Theo giới quan sát, việc chọn ông Biegun và ông Kim Hyok-chol vào các vị trí quan trọng này mang hàm ý của lãnh đạo 2 nước trong việc xúc tiến hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên cũng như sớm cải thiện mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Đặc phái viên Biegun (56 tuổi) được bổ nhiệm thay thế ông Joseph Yun vào tháng 8 năm ngoái. Trước đó, ông Biegun là trợ lý nổi tiếng cho nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa trong 14 năm tại Quốc hội, bao gồm vị trí nhân viên ngoại giao cho nghị sĩ Jess Helms, cố vấn an ninh quốc gia cho nghị sĩ Bill Frist và nhân viên Hội đồng An ninh quốc gia cho cố vấn Condoleezza Rice từ năm 2001 - 2003.
Tờ The Washington Post dẫn nhiều nguồn tin cho rằng ông Biegun được Tổng thống Trump tin tưởng nhờ bề dày kinh nghiệm, chủ trương hợp tác với Triều Tiên và khả năng xử lý khéo léo trước một số quan chức Nhà Trắng có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng. Trong bài phát biểu vào tháng trước tại Đại học Stanford, ông Biegun ủng hộ quan điểm Triều Tiên tháo dỡ các cơ sở làm giàu hạt nhân đổi lại "các biện pháp tương ứng" từ Mỹ. Trong số các biện pháp này có khả năng là tuyên bố hòa bình nhằm chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Trong khi đó, ông Kim Hyok-chol là một nhà ngoại giao thân cận, được Chủ tịch Kim Jong-un tín nhiệm và là sự thay đổi nhân sự đáng chú ý nhất của Bình Nhưỡng so với đội ngũ tham gia đàm phán trước hội nghị thượng đỉnh tại Singapore hồi tháng 6.2018. Theo Reuters, ông Kim Hyok-chol (khoảng 50 tuổi) là cựu đại sứ tại Tây Ban Nha trước khi chấm dứt nhiệm vụ vào năm 2017. Trở về nước, nhà ngoại giao này làm việc tại Ủy ban Quốc vụ trước khi thay thế Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui trong vai trò đàm phán với phía Mỹ. "Ông Kim Hyok-chol dường như đã vượt qua bài kiểm tra về lòng trung thành để trở thành người dẫn đầu cuộc đàm phán", Reuters dẫn lời một quan chức Hàn Quốc nhận định. Trong khi đó, một cựu quan chức Triều Tiên cho rằng chính sách ngoại giao của Bình Nhưỡng đang có những thay đổi chưa từng có. "Với việc bổ nhiệm ông Kim Hyok-chol, Chủ tịch Kim Jong-un đang cố gây ấn tượng rằng không còn ai đứng giữa họ, nên ông Trump có thể trao đổi với ông ấy và không lắng nghe từ các quan chức cấp dưới", cựu quan chức này nhận định.
Trong bài viết về các đặc phái viên Mỹ và Triều Tiên, tờ Hankyoreh cho rằng đây là những vị trí quyết định sự thành bại của hội nghị thượng đỉnh sắp tới, ông Biegun cùng ông Kim là lựa chọn tối ưu thể hiện thiện chí xúc tiến mối quan hệ song phương. Theo đó, cả hai đều chưa từng tham gia vai trò cấp cao trong đàm phán song phương nên việc bổ nhiệm thể hiện cam kết phá vỡ thế đối lập giữa 2 nước trong gần 7 thập niên qua. Song song đó, quá trình đàm phán sẽ được báo cáo trực tiếp với 2 nhà lãnh đạo. Điều này thể hiện qua việc Tổng thống Trump từng viết trên Twitter vào ngày 24.12.2018 rằng ông đang thảo luận về vấn đề Triều Tiên, kèm theo bức ảnh có mặt ông Biegun nhưng không có mặt Ngoại trưởng Mike Pompeo. Về phía Triều Tiên, ông Kim Hyok-chol với vai trò là đại diện đặc biệt của Ủy ban Quốc vụ, đồng nghĩa với việc ông là trợ lý cho Chủ tịch Kim. Theo Hankyoreh, một yếu tố quan trọng khác là cả 2 đặc phái viên đều đã tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo của phía bên kia và từng bày tỏ quan điểm cá nhân ủng hộ mối quan hệ song phương nên sẽ tạo dựng lòng tin tốt hơn trong quá trình đàm phán.
LHQ tạo điều kiện cho thượng đỉnh
Reuters hôm qua đưa tin Ủy ban Giám sát lệnh trừng phạt Triều Tiên của HĐBA LHQ quyết định tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với các quan chức Triều Tiên. Với việc ủy ban bật đèn xanh, các quan chức Triều Tiên sẽ được phép đến VN để chuẩn bị và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Trước thềm cuộc gặp lần 2, Tổng thống Trump nhấn mạnh Bình Nhưỡng phải thực hiện những bước đi "có ý nghĩa" hướng tới phi hạt nhân hóa trước khi Mỹ dỡ bỏ biện pháp trừng phạt. Yonhap dẫn lời Tổng thống Trump bác bỏ các ý kiến cho rằng Bình Nhưỡng đang chần chừ trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân. Tổng thống Trump cũng nói ông sẽ không bất ngờ nếu cuộc gặp lần 2 với Chủ tịch Kim ở Hà Nội mang lại kết quả tốt, nhưng nói thêm rằng ông hy vọng rằng đây chưa phải cuộc gặp cuối cùng giữa hai nhà lãnh đạo.
Theo Thanhnien
Phái đoàn Mỹ, Triều chuẩn bị cho hội nghị Trump-Kim Đại diện của Mỹ và Triều Tiên được cho là sẽ gặp gỡ đại diện phía Mỹ để sắp xếp chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 27-28/2 tới, truyền thông Hàn Quốc đưa tin. Đặc phái viên Triều Tiên Kim Hyok-chol (phải) và người đồng...