Đặc nhiệm Mỹ ‘tập mổ xẻ tù binh hấp hối’
Cựu đặc nhiệm Eddie Gallagher thừa nhận từng tập chèn ống thở vào họng một phiến quân sắp chết mà không có ý định cứu người này.
“Sự thật là phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị chúng tôi giết và không ai khi đó cảm thấy có vấn đề”, cựu trung sĩ Eddie Gallagher, từng là đặc nhiệm SEAL hải quân Mỹ, nói trong cuộc phỏng vấn hồi đầu tuần. ” Chúng tôi giết chết anh ta. Chúng tôi cố ý làm vậy và cả nhóm đều tham gia”.
Gallagher đề cập đến cái chết của một tay súng IS bị đơn vị đặc nhiệm SEAL của anh ta hạ sát trong chiến dịch ở Iraq năm 2017. Một tòa án binh năm 2017 cáo buộc trung sĩ đặc nhiệm này đã đâm chết phiến quân IS bị thương sau khi bắt được anh ta, nhưng Gallagher được tổng thống Donald Trump ân xá năm 2019.
“Anh ta kiểu gì cũng chết. Chúng tôi không bắt tù binh, đó không phải việc của chúng tôi”, Gallagher nói trong cuộc phỏng vấn. Cựu trung sĩ cho hay các thành viên trong nhóm đặc nhiệm đã luân phiên nhau thực hành các thủ thuật y tế trên tù binh này cho đến khi anh ta chết.
“Anh ta chết vì tất cả thủ thuật y tế được thực hiện. Họ đã thực hiện rất nhiều thao tác trên người anh ta”, Gallagher cho hay, khẳng định mình không đâm chết tay súng IS như một số thành viên trong đội đã cáo buộc.
Tờ Navy Times hồi năm 2019 đưa tin sau 20 phút được các đặc nhiệm Mỹ “ cứu chữa”, tay súng IS chết trong tình trạng “không thể giải thích nổi với vô số thiết bị y tế” gắn trên người, bao gồm ống nội khí quản, ống thông lồng ngực và ống cắm truyền dịch qua xương ức.
Gallagher thừa nhận anh ta đã rạch đường thông khí khẩn cấp trên cổ họng của tay súng IS và chèn một ống thở “chỉ để luyện tập” xem có thể thực hiện thao tác này nhanh đến mức nào. “Mọi người đều biết chuyện xảy ra, đó là sự thật duy nhất. Sau đó toàn bộ phần còn lại của câu chuyện là loạt lời nói dối méo mó nhằm đổ tất cả tội lỗi lên đầu tôi”, cựu trung sĩ cho hay.
Video đang HOT
Eddie Gallagher rời tòa án binh tại San Diego, bang California, tháng 7/2019. Ảnh: AFP .
Nhóm luật sư bào chữa của Gallagher không đề cập câu chuyện trên trong phiên tòa hồi giữa năm 2017 mà tập trung vào bác bỏ cáo trạng của công tố viên. Tuy nhiên, câu chuyện này xuất hiện trong bản kiến nghị do một luật sư bào chữa đệ trình.
Bản kiến nghị cho biết tay súng IS 17 tuổi được đưa tới đội của Gallagher trong tình trạng “đã hoặc đang cận kề cái chết”. Luật sư cho hay Gallagher “ban đầu cố gắng cứu” tay súng IS, song khi anh ta rơi vào tình trạng không thể cứu chữa, nhân viên y tế của trung đội “sử dụng chiến binh IS này làm phương tiện hỗ trợ huấn luyện thực hiện thủ thuật y tế”.
Tuy nhiên, một bài viết trên Tạp chí Y học Nội khoa Tổng quát năm 2002 nhận định “các quy tắc đạo đức hiện hành không ủng hộ việc sử dụng bệnh nhân mới chết hoặc hấp hối để đào tạo các thủ thuật y tế xâm lấn mà không được đồng ý trước”.
Gallagher bị bắt vào tháng 9/2018 với cáo buộc đâm chết một tay súng IS ở thành phố Mosul, Iraq năm 2017 khi phiến quân này bị lực lượng đặc nhiệm SEAL bắt làm tù binh và điều trị vết thương. Đặc nhiệm này còn tạo dáng bên thi thể của phiến quân IS này để chụp ảnh.
Một số đồng đội tố cáo hành vi này của Gallagher, gọi anh ta là “kẻ táo tợn và khát máu”, đồng thời cho biết anh ta đã bắn một cô gái và một cụ già và dọa giết họ nếu báo cáo hành động này với cấp trên.
Trong phiên xử hồi tháng 7, Gallagher lĩnh án bốn tháng tù và nộp phạt hơn 10.700 USD trong bốn tháng do hành vi chụp ảnh với thi thể phiến quân IS. Gallagher không phải ngồi tù do đã bị giam chín tháng trước khi phiên tòa diễn ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã can thiệp để Gallagher được trả tự do và chúc mừng đặc nhiệm này sau khi được miễn tội giết người. Đại diện hãng luật bào chữa cho Gallagher nói vụ án có nhiều lỗ hổng khi các điều tra viên và công tố viên vi phạm quy định khi bắt Gallagher, đồng thời cho rằng các thành viên bất mãn trong đội đặc nhiệm SEAL đã dựng chuyện để Gallagher bị mất chức.
Chiến tranh thông tin Mỹ - Trung nguy cơ leo thang
Mỹ lập đơn vị chuyên đối phó hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc, làm gia tăng nguy cơ đối đầu giữa hai nước trên mặt trận thông tin.
Đại tướng Richard Clarke, tư lệnh Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt Mỹ, hồi tháng 3 thông báo quân đội nước này sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm "ngăn chặn hoạt động tuyên truyền và gây ảnh hưởng của Trung Quốc".
Tướng Clarke nói tổ công tác đặc biệt sẽ phối hợp "với các đối tác cùng chí hướng" trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để ngăn chặn hoạt động tung tin không đúng sự thật của đối phương.
Chuyên viên kỹ thuật xử lý hệ thống hơn 1.500 máy tính của tàu sân bay USS Ronald Reagan tại Bộ Chỉ huy Hệ thống Tác chiến Thông tin Hải quân Mỹ ở San Diego tháng 9/2019. Ảnh: US Navy .
Tống Trung Bình, cựu giảng viên quân đội Trung Quốc, cho rằng tổ công tác đặc biệt mới của Mỹ sẽ thu thập thông tin tình báo về năng lực của quân đội Trung Quốc, thậm chí "phát tán thông tin sai lệch về quân đội Trung Quốc" nhằm "gây rắc rối cho Bắc Kinh".
"Mỹ đang muốn hiểu thêm về quân đội Trung Quốc, bao gồm năng lực tác chiến và sự phát triển của ngành công nghiệp quân sự", chuyên gia Tống cho biết. "Trung Quốc sẽ phải tăng cường an ninh cho các cơ sở quân sự khác nhau và ngăn chặn hoạt động xâm nhập".
Malcolm Davis, chuyên gia chiến lược và năng lực quốc phòng thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho biết việc thành lập tổ công tác đặc biệt phản ánh mối quan ngại của Mỹ với các hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc.
"Chiến tranh thông tin sẽ gia tăng khi Trung Quốc nỗ lực làm suy yếu quyết tâm của Mỹ và đồng minh, đặc biệt là quanh vấn đề Đài Loan và Biển Đông", Davis nói, thêm rằng nếu không đáp trả, Mỹ sẽ đánh mất quyền chủ động tác chiến trên mặt trận thông tin vào tay Trung Quốc.
Một sĩ quan thuộc đơn vị Chỉ huy, Kiểm soát, Liên lạc và Mạng kiểm tra hệ thống máy tính và liên lạc của bệnh viện dã chiến trên đảo Guam, Mỹ, tháng 5/2020. Ảnh: U SMC .
Mỹ từ lâu coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Cựu đô đốc Phil Davidson, từng giữ chức tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hồi tháng 3 từng nói Trung Quốc đang sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để gây chia rẽ giữa Washington với các đồng minh châu Á.
Michael Raska, giáo sư trợ lý tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh cùng ảnh hưởng của mình ở các khu vực như eo biển Đài Loan.
"Mỹ đang cân nhắc lại việc tích hợp các công cụ chiến tranh quân sự và phi quân sự, bao gồm các hoạt động tác chiến mạng và chiến tranh thông tin trong nhiều lĩnh vực, nhằm hạn chế các lựa chọn và phương án chiến lược của đối phương", Raska nói.
Mỹ lo bảo vệ thiết giáp trước đòn tấn công của tin tặc Mỹ tố tin tặc quân đội Nga tấn công mạng Tin tặc Trung Quốc bị tố cáo đánh cắp thông tin tên lửa Mỹ
Sập cầu vượt đường sắt trên cao ở Mexico, ít nhất 85 người thương vong Các quan chức Mexico cho biết, đã có 15 người thiệt mạng và ít nhất 70 người khác bị thương trong vụ sập cầu vượt đường sắt trên cao tại thành phố Mexico City của nước này vào cuối ngày 3/5 (giờ địa phương) Theo Cơ quan Quản lý Rủi ro và Bảo vệ Dân sự Mexico, trong lúc tàu điện đang di...