Đặc nhiệm Mỹ – bộ não trong các chiến dịch diệt khủng bố
Ngoài chức năng huấn luyện và chiến đấu, các đặc nhiệm Mỹ còn lên kế hoạch và đạo diễn những cuộc tập kích tiêu diệt các phần tử khủng bố ở nước ngoài.
Một đội đặc nhiệm Mỹ triển khai ở Iraq. Ảnh: Reuters
Trong đêm tối, toán phiến quân có vũ trang dưới sự chỉ huy của Khaled Chaib, kẻ vừa mới thực hiện vụ tấn công khủng bố đẫm máu 10 ngày trước, rơi vào ổ phục kích của quân đội chính phủ Tunisia.
Khi lực lượng tinh nhuệ Tunisia ẩn náu trong những ngọn đồi xung quanh nổ súng, đạn vạch đường của họ thắp sáng cả bầu trời đêm, khiến toán phiến quân tìm cách tháo chạy. Tất cả 9 nghi phạm, kể cả phiến quân cấp cao Chaib, đều bị tiêu diệt sau trận phục kích chớp nhoáng.
Đây là diễn biến một chiến dịch diễn ra vào tháng 3/2015, được Thủ tướng Tunisia Habib Essid gọi là một thành công quan trọng cho thấy năng lực chống khủng bố nước này đang tăng lên. Một tờ báo địa phương còn giật tít “Đất nước đã được cứu khỏi một thảm họa”. Tuy nhiên, điều mà các lãnh đạo Tunisia không tiết lộ là vai trò then chốt của lực lượng đặc nhiệm Mỹ trong hỗ trợ lập kế hoạch và đạo diễn chiến dịch này, theoWashingtonPost.
Theo các quan chức Mỹ và Tunisia, việc chặn thu các cuộc liên lạc đã giúp lần ra dấu vết của Chaib trên sa mạc. Một toán đặc nhiệm Mỹ được các nhân viên CIA hỗ trợ đã giúp quân đội Tunisia lên kế hoạch và bố trí trận địa phục kích. Trong quá trình tấn công, một máy bay trinh sát Mỹ bay lòng vòng trên trời và một nhóm nhỏ cố vấn Mỹ đứng quan sát từ một công sự phía trước.
Qua điện đàm, tướng David M.Roriguez, chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ ca ngợi các nỗ lực chống khủng bố của quân đội Tunisia nhưng từ chối bình luận về hoạt động ở Tunisia của đặc nhiệm nước này. CIA cũng từ chối bình luận.
Theo bình luận viên Missy Ryan của WashingtonPost, chiến dịch này là minh chứng cho một vai trò trung tâm nhưng ít được biết đến của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, đó là hỗ trợ lực lượng nước ngoài lập kế hoạch và tiến hành các cuộc phục kích, đột kích tiêu diệt phiến quân khủng bố.
Những năm gần đây, đặc nhiệm Mỹ đã tiến hành hoạt động hỗ trợ tác chiến tầm gần như “cố vấn chiến đấu”, “hộ tống chiến đấu” và “hỗ trợ chiến đấu” ở ngày càng nhiều chiến trường như Uganda, Mauritania, Kenya, Colombia, Philippines và Tunisia, ngoài các mặt trận truyền thống là Iraq và Afghanistan.
Video đang HOT
Hầu hết hoạt động hỗ trợ kiểu này được tiến hành ở châu Phi, nơi sự nở rộ của các nhóm chiến binh có liên hệ với al-Qaeda hoặc IS đã vượt trội so với khả năng trấn áp của quân đội địa phương vốn được huấn luyện và trang bị kém.
“Nhiều người hiểu sai rằng đặc nhiệm Mỹ chỉ có vai trò là tham chiến và huấn luyện. Trên thực tế, họ còn một nhiệm vụ nữa là hỗ trợ và tham mưu tác chiến”, Linda Robinson, một học giả tại Viện Rand chuyên nghiên cứu về các hoạt động của đặc nhiệm Mỹ, nói.
Theo đó, quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ quân đội các nước lên kế hoạch tiến hành các chiến dịch có độ rủi ro cao, thường là nhờ vào thông tin tình báo và khí tài quân sự của Mỹ như máy bay trinh sát và các hệ thống tình báo tiên tiến khác. Trực thăng Mỹ sẽ chở các đơn vị quân đội nước ngoài tới địa điểm tiến hành chiến dịch, đồng thời sẵn sàng di tản thương vong. Trong một số trường hợp nhất định, đặc nhiệm Mỹ được phép cố vấn, hộ tống lực lượng nước ngoài tiến vào chiến trường, trong khi họ dừng lại sát tiền tuyến.
Một binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm lục quân Mỹ. Ảnh: Reuteurs
Các hoạt động này khác với các sứ mệnh trực tiếp tham chiến như vụ đặc nhiệm Mỹ đột kích vào nơi ẩn náu của trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan năm 2011 hay cuộc đột kích giải cứu các con tin người Mỹ ở Syria năm 2014.
Trong các chiến dịch kiểu này, Tổng thống Obama sẵn sàng chấp nhận rủi ro thương vong của lính Mỹ để bắt giữ hoặc tiêu diệt phiến quân có giá trị cao và giải cứu con tin. Tuy nhiên, ông cũng chỉ thị cho các lãnh đạo quân đội thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ gián tiếp nhằm chia sẻ rủi ro và vinh quang với các lực lượng đối tác.
“Điều này giúp họ tự chịu trách nhiệm và giảm rủi ro từ các vấn đề nhạy cảm chính trị”, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ giấu tên nói. “Nhiệm vụ này giúp giảm quân số và sự hiện diện của quân đội Mỹ và nâng cao trách nhiệm cho nước đối tác”.
William F.Wechsler, từng là một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc phụ trách giám sát hoạt động của đặc nhiệm Mỹ cho tới năm ngoái, cho biết việc chuẩn bị cho quân đội nước ngoài tiến hành các cuộc đột kích dưới sự chỉ đạo, cố vấn của đặc nhiệm Mỹ cần đảm bảo sự cân bằng giữa các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn.
“Quân đội Mỹ luôn dễ dàng thực hiện nhiệm vụ tác chiến trực tiếp, nhưng nếu nhiệm vụ lớn hơn là xây dựng năng lực quân sự cho đối tác, Mỹ phải chấp nhận một số rủi ro khi thực hiện nhiệm vụ và hỗ trợ các lực lượng địa phương chiến đấu”, Wechsler nói.
Duy Sơn
Theo VNE
Tình báo và đặc nhiệm, đặc sản chống khủng bố của Obama
Trong suốt hai nhiệm kỳ tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama luôn trao cho lực lượng đặc nhiệm vai trò trung tâm trong các chiến dịch can thiệp quân sự quốc tế.
Lực lượng đặc nhiệm Delta của Lục quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Ngày 10/3, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố các binh sĩ đặc nhiệm thuộc lực lượng tấn công mục tiêu tầm xa (ETF) đã bắt được Souleimane Daoud al-Bakkar, còn gọi là Abou Daoud, chuyên gia vũ khí hóa học của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trong một cuộc đột kích tại miền bắc Iraq hồi tháng hai.
Chiến công này một lần nữa khẳng định hiệu quả của phương pháp chống khủng bố đặc biệt được Tổng thống Obama áp dụng, đó là kết hợp nhuần nhuyễn giữa tình báo và các lực lượng đặc nhiệm, theo Le Monde.
Jaques Follorou, bình luận viên quốc phòng của Le Monde, nhận định vụ bắt giữ này không những làm giảm đáng kể khả năng chế tạo vũ khí hóa học của IS, mà còn giúp Mỹ thu thập được nhiều thông tin quan trọng để tiến hành các vụ không kích tiếp theo một cách hiệu quả.
Từ đợt tăng cường quân số đầu tiên cho chiến lược bình ổn Iraq năm 2006 đến các chiến dịch chống lại IS, quân đội Mỹ đều áp dụng một phương thức hành động giống nhau, đó là sử dụng cùng lúc hai lực lượng tình báo và đặc nhiệm.
Từ giữa năm 2015, các đội đặc nhiệm tinh nhuệ Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc đột kích chớp nhoáng vào sâu trong lãnh thổ do phiến quân kiểm soát, bắt giữ và tiêu diệt nhiều chỉ huy cao cấp. Chiến thuật này đã tỏ ra vô cùng hiệu quả, bởi các điều tra viên có thể khai thác nhanh nhất các thông tin tình báo từ lời khai của những kẻ bị bắt để tiếp tục tiến hành các chiến dịch bắt giữ tiếp theo.
Trong một cuộc đột kích như vậy trên lãnh thổ Syria hồi năm ngoái, đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt Abou Sayyaf, kẻ phụ trách tài chính cao nhất của IS. Trong vụ đột kích, các binh sỹ Mỹ đã thu được nhiều dữ liệu máy tính quan trọng, có thể được khai thác để phục vụ cho các chiến dịch chống lại tổ chức này.
Tại diễn đàn an ninh quốc tế Halifax hồi cuối tháng 11/2015, tướng John Allen, người từng đứng đầu lực lượng liên quân quốc tế chống IS đã nhấn mạnh vai trò của chiến lược này trong cuộc chiến chống IS.
"Để đẩy lùi IS, cần phải thu hẹp thời gian giữa thu thập thông tin tình báo và sử dụng thông tin đó vào chiến đấu", ông Allen khẳng định.
Chiến đấu cơ Mỹ trong một đợt không kích IS. Ảnh: USAF
Đêm 8/3, một số lực lượng đặc nhiệm khác của Mỹ đã tiến hành cuộc đột kích bằng trực thăng nhằm vào các phần tử Hồi giáo cực đoan thuộc tổ chức Al-Chabab tại thành phố Awdhegele, Somalia. Vụ tấn công này diễn ra sau khi Mỹ không kích vào một cơ sở của tổ chức khủng bố al-Qaeda.
Nhiều vụ tấn công tương tự cũng diễn ra ở Libya và Yemen mà không gây bất kỳ thiệt hại nào cho dân thường, bởi lực lượng đặc nhiệm nắm được thông tin tình báo khá cụ thể về vị trí bố trí của các phần tử khủng bố và tiến hành đột kích nhanh chóng, chính xác.
Trước đó, chiến lược kết hợp giữa tình báo và lực lượng đặc nhiệm đã từng được quân đội Mỹ sử dụng trên quy mô lớn để chống lại phiến quân Taliban ở Afghanistan. Theo số liệu của Le Monde, các binh sĩ đặc nhiệm Mỹ hoạt động ở Afghanistan đã tiến hành hàng trăm chiến dịch đột kích mỗi tuần để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị của Taliban.
Sau khi NATO rút quân vào cuối năm 2014, Washington vẫn để lại một đơn vị đặc nhiệm nhiều kinh nghiệm tại Afghanistan. Điều đó cho thấy Tổng thống Obama thực sự coi trọng lực lượng này và xem đây là lựa chọn hàng đầu trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào ở nước ngoài.
"Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ có một học quy tắc 'bất thành văn', đó là trao cho lực lượng đặc nhiệm vai trò trung tâm cả trong tác chiến lẫn giải quyết các điểm nóng trên thế giới để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, dù các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc vẫn gây áp lực để phái lực lượng chiến đấu thông thường tới Iraq hay Afghanistan", ông Camille Grand, giám đốc quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) của Pháp, nhận định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
[Infographic] Xe tăng M1 Abrams - lô cốt di động của lục quân Mỹ Trong số các xe tăng hiện đại nhất hiện nay, thì M1 Abrahams là xe tăng được sản xuất với số lượng rất lớn. Nó đồng thời được sử dụng bởi lục quân Mỹ, Ai Cập, Ả Rập Saudi, Kuwait, Iraq và Australia. M1 Abrams là loại xe tăng chủ lực do hãng General Dynamics của Hoa Kỳ sản xuất năm 1980, theo...