Đặc biệt lưu ý giám sát tại các cửa khẩu để ngăn chặn dịch Ebola
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Ebola, với nguy cơ lây lan rất cao, ngày 20/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Ebola của Bộ Y tế đã họp với sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học – Công nghệ, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa kỳ (CDC), Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) vv…
Các thông tin mới nhất về dịch Eboloa đã được PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết: Dịch Ebola vẫn tiếp tục gia tăng theo cấp số nhân, cả về số mắc và số tử vong tại các nước Tây Phi, lo ngại khi đã xuất hiện bệnh ở một số nước khác. Đến ngày 20/10, đã có 9.284 người mắc, trong đó 4.604 trường hợp tử vong.
WHO dự báo, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống lây lan thì dịch bệnh có thể gia tăng mạnh với khoảng 10.000 người mắc mới/tuần. Vì thế, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp ứng phó với dịch Ebola rất quyết liệt. Mỹ, Australia, Anh, Singapore, Cộng hòa Séc và Maldives vv… đều gia tăng biện pháp sàng lọc hành khách đi và đến tại các sân bay; áp dụng quy trình giám sát người nhập cảnh từ các nước có dịch Ebola; các cơ sở y tế áp dụng biện pháp phòng, chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện (BV); khuyến cáo người dân hạn chế tới các nước đang có dịch.
Từ ngày 16/10, các nước EU kêu gọi tăng cường các biện pháp sàng lọc đối với hành khách đến từ Tây Phi.
Với tốc độ lây lan rất nhanh của dịch Ebola hiện nay, dịch hoàn toàn có khả năng lây lan vào Việt Nam. Đã có 277 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam được giám sát, trong đó có người Việt Nam lao động từ nước có dịch về, có trường hợp bị sốt đã được sàng lọc cách ly, nhưng chưa phát hiện có virus Ebola.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, Đại sứ quán Việt Nam ở các nước Tây Phi luôn theo dõi nắm tình hình dịch bệnh và thường xuyên báo cáo về. Hiện nay, số lượng người Việt ở các nước này không nhiều và chưa có ai bị lây nhiễm.
Trước nguy cơ của dịch Ebola với cộng đồng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long – chủ trì hội nghị, đã yêu cầu, Văn phòng EOC khẩn trương rà soát các kế hoạch chuẩn bị ứng phó với dịch Ebola theo tiêu chuẩn mà WHO khuyến cáo; rà soát cơ chế phối hợp của các cơ quan liên quan và tăng cường năng lực kiểm soát, phòng ngừa lây nhiễm Ebola tại các cơ sở y tế. Bộ Y tế sẽ thành lập các đội phản ứng nhanh tại các khu vực Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên.
Video đang HOT
Kiểm tra công tác phòng dịch ở BV Bệnh Nhiệt đới TW.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo các địa phương phải nâng cao năng lực giám sát tại các cửa khẩu để ngăn chặn dịch Ebola vào Việt Nam, bằng việc đo thân nhiệt từ xa với tất cả khách nhập cảnh và duy trì khai báo y tế với khách đến từ vùng dịch. Khi dịch bệnh Ebola gia tăng về số nước có bệnh, Việt Nam sẽ áp dụng khai báo y tế thêm với các nước mới. Cần đặc biệt lưu ý giám sát để phát hiện ca bệnh đầu tiên vào Việt Nam, cách ly kịp thời, sẵn sàng các phương tiện chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân, tránh lây lan.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, các đơn vị liên quan nâng cao hơn nữa khả năng đáp ứng tình huống 1, một số hoạt động phải đặt ở tình huống 2, là cao hơn một mức; rà soát tất cả hoạt động chuyên môn, trang thiết bị, quy trình xử lý, phòng hộ; tránh tâm lý chủ quan, có thể nghi ngờ mà lại không phát hiện sớm. Các bộ, ngành cần tập huấn cho nhân viên, đặt tình huống có hành khách mắc bệnh trên chuyến bay thì nhân viên phục vụ phải làm gì.
Các bộ, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Ebola phối hợp với WHO, FAO, CDC tổ chức diễn tập, thực hành việc cách ly, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân vv…
Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với Công an cửa khẩu, Bộ đội biên phòng để sàng lọc và lập danh sách tất cả khách nhập cảnh từ vùng dịch Ebola, đồng thời giám sát tại nơi lưu trú hành khách nhập cảnh từ vùng dịch chưa qua 21 ngày.
Về công tác điều trị, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên toàn quốc dự trữ trang bị phòng hộ cho cán bộ y tế, trang thiết bị, thuốc men; sẵn sàng xe chuyên dụng để vận chuyển bệnh nhân Ebola tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, từ các địa phương, các cửa khẩu về các đơn vị được phân công điều trị. Ở miền Bắc, BV Bệnh Nhiệt đới TW là nơi điều trị bệnh nhân Ebola khi có dịch, hiện đã sẵn sàng tiếp nhận, điều trị và phòng, chống lây nhiễm Ebola. Trong tuần này, WHO và Bộ Y tế sẽ thẩm định phòng xét nghiệm của BV theo các hướng dẫn của WHO, CDC và Bộ Y tế, đảm bảo an toàn sinh học.
Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã có đủ khả năng xét nghiệm xác định virus Ebola. Bộ Y tế đã xây dựng quy trình xét nghiệm sàng lọc virus Ebola dựa trên hướng dẫn của WHO và CDC, đồng thời đã thẩm định phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và BV Bệnh Nhiệt đới TW, là các đơn vị có thể xét nghiệm để xác định được Ebola.
Bộ Y tế đã tăng cường hợp tác với WHO, CDC, các tổ chức quốc tế khác trong việc điều tra, xử lý dịch Ebola và tiếp nhận sự hỗ trợ khi cần thiết về kỹ thuật, sinh phẩm chẩn đoán Ebola, quy trình chẩn đoán và kỹ thuật, tài chính vv…
Theo Công An Nhân Dân
Việt Nam thành lập 4 đội phản ứng đối phó với Ebola
Sáng (20/10), Bộ Y tế đã họp báo cáo tình hình dịch bệnh do virus Ebola gây ra trên thế giới và phổ biến các hoạt động phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam.
Việt Nam thành lập 4 đội phản ứng đối phó với Ebola.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình dịch bệnh Ebola trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, số người mắc bệnh và tử vong ngày càng gia tăng. Cho đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua hành khách nhập cảnh trở về từ các quốc gia đang có dịch bệnh vào Việt Nam là có thể.
Để phòng chống dịch bệnh lây lan và bùng phát vào Việt Nam, Bộ Y tế đã và đang gấp rút chuẩn bị các phương án để đối phó khi có dịch bệnh.
Theo đó, Bộ Y tế đã thành lập 4 đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh Ebola đặt tại khu vực Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên để đáp ứng và chỉ đạo kịp thời trong trường hợp ghi nhận ca nghi ngờ Ebola. Đồng thời, xây dựng các đội phản ứng nhanh tuyến tỉnh, huyện. Mỗi tỉnh có ít nhất một đội do Phó giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn.
Chủ động đưa ra các biện pháp giám sát dịch bệnh, phòng chống hiệu quả dịch bệnh lan truyền qua các cửa khẩu. Tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày. Duy trì khai báo y tế đối với hành khách đến từ vùng có dịch Ebola.
Triển khai hệ thống khử trùng lưu động tại 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất để sẵn sàng xử lý, cách ly kịp thời những trường hợp đầu tiên hành khách nhập cảnh nghi ngờ mắc bệnh Ebola.
Tổ chức các cuộc diễn tập phòng chống dịch và thường xuyên tổ chức họp thường kỳ để cung cấp thông tin, bàn giải pháp phòng chống dịch. Tập huấn về giám sát và điều trị virus Ebola cho tất cả các Trung tâm Y tế tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thường xuyên cập nhật và phổ biến các thông tin liên quan đến dịch Ebola trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân nắm bắt được. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, truyền hình chia sẻ thông tin, trả lời trực tuyến, khuyến cáo người dân về cách phòng chống Ebola.
Thành lập các đường dây nóng để trả lời thắc mắc cho người dân, người nhập cảnh khi cần thiết. Xây dựng các poster, khuyến cáo, tờ rơi gửi tới các địa phương.
Tổ chức rà soát về nhân lực, thuốc, trang thiết bị phòng chống dịch và xây dụng danh mục dự trữ ngành y tế để đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh khi nó xảy ra và lây lan trong cộng đồng. Hỗ trợ một số đơn vị thuộc các Bộ, ngành y tế và các địa phương thuốc sát khuẩn Chloramine B, trang phục phòng hộ cá nhân, dung dịch sát khuẩn.
Bộ Y tế cũng sẽ phối chặt chẽ với các Bộ, ngành như Bộ Ngoại Giao, Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông... để triển khai và ngăn ngừa dịch bệnh Ebola lây lan và bùng phát vào Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với WHO, USCDC trong việc xây dựng các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, điều trị, xét nghiệm các bệnh nhân nhiễm Ebola. Trang bị và vận hành Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC).
Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ebola đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới, số trường hợp mắc bệnh và tử vong tiếp tục gia tăng. Chỉ trong vòng 3 tuần qua, số người mắc mới và tử vong tăng gần gấp đôi thời điểm trước đó. Tính đến hết ngày 17/10, đã ghi nhận 9.284 trường hợp mắc bệnh, trong đó 4.604 người đã tử vong tại các quốc gia. Số nhân viên y tế mắc bệnh Ebola đã lên tới 431 người và 247 người đã tử vong.
Theo Một Thế Giới
Canada thử nghiệm vaccine Ebola trên người Vaccine phòng Ebola VSV-EBOV do Cơ quan Y tế công Canada phát triển bắt đầu được thử nghiệm trên người từ ngày 13/10. Ảnh minh họa. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 13/10, Bộ trưởng Y tế Canada Rona Ambrose cho biết trong giai đoạn 1, vaccine VSV-EBOV được thử nghiệm ở 20 người khỏe mạnh tại Viện nghiên cứu quân sự...