Đã xử lý được 39.000 tỉ đồng nợ xấu
Đó là thông tin được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo tại sự kiện Gặp gỡ báo chí chiều (27.12) về hoạt động ngân hàng năm 2012 và định hướng năm 2013.
Dự phòng rủi ro sẽ đạt mức 90.000 tỉ đồng
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, năm nay trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) của các ngân hàng (NH) dự kiến đạt 90.000 tỉ đồng, hiện được 78.000 tỉ đồng. Hiện các NH đã xử lý được 39.000 tỉ đồng nợ xấu.
Về ý kiến cho rằng xử lý nợ xấu còn chậm, ông Bình cho biết, điều này vừa đúng vừa không đúng. Đúng là xử lý nợ xấu phải xử lý càng nhanh càng tốt, không đúng vì phải xử lý trong bối cảnh của VN.
“Chính phủ Mỹ đưa ra một cục tiền, mua đứt luôn các khoản nợ, không cần biết tốt hay xấu. Cơ quan quản lý chỉ nắm danh mục các khoản nợ, xấu đến mức nào không cần biết, một quyết định là xong hết. Nhưng để có, thì chỉ có Mỹ vì có nguồn lực. Còn VN, nguồn lực lấy ở đâu. Người ta gọi cái khó bó cái khôn. Trong môi trường chúng ta xử lý được như giai đoạn vừa qua không phải chậm mà là quá quyết liệt. Ví dụ, quyết định 780 ban tháng đầu năm 2012, đến nay các khoản nợ được các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại tháng 10 cỡ 250.000 tỉ đồng, tương ứng 8% dư nợ tín dụng. Nếu không xử lý khoản nợ này, nợ xấu tăng lên bao nhiêu, sẽ tăng ít nhất thêm 8% so với hiện hành”, ông Bình nói.
“Mọi năm giờ này báo chí giật tít NH lãi khủng. Năm nay đọc mãi không thấy ông nào giật tít bởi vì các NH trích lập DPRR rất mạnh. Phải lấy lợi nhuận bù đắp vào nợ xấu lớn. Mỗi NH phải chia nhau hàng tháng tiền tháng, năm nay không có tháng nào, thậm chí không có thưởng luôn. Không chia hoặc chia cổ tức rất thấp. Cán bộ NH bị sa thải nhiều, tính bằng con số 100, 200 nhưng giờ tính theo tỷ lệ bao nhiêu %”, ông Bình nói thêm về sự khó khăn của hệ thống trong năm qua.
Video đang HOT
Còn một ngân hàng chưa có phương án cơ cấu
Về việc xử lý các NH yếu kém, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra giám sát, NHNN cho biết, điểm rơi tái cơ cấu năm 2012 không thuận lợi vì kinh tế khó khăn, trong khi xử lý nợ xấu vì đòi hỏi chi phí lớn. Ngay trong 2011, NHNN đã xác định chín NH là đối tượng cần xử lý ngay nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc tự nguyện đầu tiên, sau đó mới đến mua bán, sáp nhập. Các TCTD phải có trách nhiệm xây dựng phương án tái cơ cấu trình NHNN. Theo đó, có ba NH đã hợp nhất, một sáp nhập, hai NH đã được chấp thuận, hai NH nữa đang báo cáo Thủ tướng (một tự tái cơ cấu, một sẽ hợp nhất). Còn lại duy nhất một NH đang được NHNN xây dựng phương án cuối cùng.
“Cơ bản năm 2012 phương án cơ cấu được xây dựng triển khai. Cái được lớn nhất là khả năng chi trả của NH được đảm bảo, tiền gửi của dân được trả đầy đủ, tài sản nhà nước được bảo toàn. Đặc biệt, không xảy ra những vụ rút tiền hàng loạt”, ông Nghĩa nói.
Nhiều cách xử lý nợ xấu
Liên quan đến việc xử lý nợ xấu, theo ông Nghĩa, NHNN tạo điều kiện cho TCTD dùng dự phòng rủi ro để tự xử lý nợ xấu, cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản đảm bảo thu hồi. Cùng với kềm chế gia tăng nợ xấu, từ tháng 4.2012, NHNN có quyết định 780 đưa ra cho phép TCTD được phép giữ nguyên nhóm nợ, nếu TCTD xét thấy khách hàng cơ cấu lại vẫn có thể phát triển tốt. Bên cạnh đó, văn bản 2871 cho phép các TCTD khi khó khăn tìm kiếm đối tác mua nợ, NHNN đứng ra môi giới, làm trung gian cung – cầu, để các TCTD bán nợ.
Tuy nhiên, ông Nghĩa khẳng định: “NH nào không trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, nhất quyết năm 2012 không cho chia cổ tức. Đánh giá lại tài sản bảo đảm để trích lập hợp lý hơn”.
Cũng theo ông Nghĩa, hôm qua, Chính phủ đã nghe hai đề án gồm Xử lý nợ xấu và Thành lập công ty mua bán nợ. Đề án Xử lý nợ xấu gồm một gói các giải pháp tổng thể. Công ty mua bán nợ là công cụ mới, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Hiện theo ông Nghĩa, sau 11 tháng, NHNN đã xử lý nợ xấu đạt con số 39.000 tỉ đồng. Tốc độ gia tăng nợ xấu giảm, chỉ còn bình quân 3%/tháng, so với mức bình quân 8-9%/tháng của 4 tháng đầu năm. Đặc biệt, tháng 10 giảm 0,95%.
Theo báo cáo của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh về mức định hướng đề ra từ đầu năm, nhưng với lộ trình giảm nhanh hơn dự kiến. Lãi suất huy động giảm từ 3 – 6%/năm, lãi suất cho vay giảm 5 – 9%/năm so với cuối 2011, trở về mức lãi suất của 2007.
Tính đến 20.12.2012, tín dụng tăng 6,45% so với cuối 2011, trong đó tín dụng VNĐ tăng 8,92%, ngoại tệ giảm 3,51%. Dư nợ cho vay có mức lãi suất 15% chỉ còn chiếm 18,7%, giảm so với mức 65% trước ngày 15.7.2012. Trong đó, đến cuối tháng 9, các tổ chức tín dụng đã gia hạn, giãn nợ khoảng 252.159 tỉ đồng.
Tỷ giá đến ngày 21.12.2012, tỷ giá mua trung bình của các ngân hàng thương mại giảm 0,96% so với cuối 2011. Tình trạng đô la hóa giảm, NHNN mua một lượng ngoại tệ đáng kể bổ sung cho dự trữ ngoại hối.
Theo TNO
'Việt Nam không thể xử lý nợ xấu kiểu Mỹ'
Trước những ý "chê trách" tiến độ còn chậm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, với nguồn lực hạn chế của Việt Nam, chỉ trong một năm xử lý 39.000 tỷ đồng nợ xấu bằng nguồn dự phòng tự có là "quá quyết liệt".
Chiều 27/12, trao đổi với báo chí về kết quả điều hành 2012 và định hướng năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời về một trong những câu chuyện được xem là"nóng" và "rát" nhất của năm 2012: Nợ xấu.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng ngành ngân hàng đã làm hết sức có thể với vấn đề nợ xấu. Ảnh: Thanh Lan.
Chưa đưa ra thống kê mới nhất về quy mô nợ xấu tính đến tháng 12, Thống đốc tiếp tục dẫn chứng số liệu đến tháng 10 là 8,82%. Trước ý kiến cho rằng việc xử lý các ngân hàng yếu kém như trong năm 2012 là "quá chậm" dẫn đến việc xử lý nợ xấu chậm trễ, Thống đốc trả lời nhận định trên "vừa đúng, vừa không đúng". Theo ông, đúng là nợ xấu thì phải xử lý và thật nhanh nhưng cần phải cân nhắc trong bối cảnh của Việt Nam chứ không thể so sánh với mọi trường hợp khác. Người đứng đầu ngành ngân hàng chia sẻ rằng, Việt Nam đã xử lý nợ xấu trong cảnh "cái khó bó cái khôn".
"Lấy trường hợp ở Mỹ, họ bơm tiền ra mua đứt tất cả các khoản nợ, không cần biết nợ đó xấu hay tốt. Nhưng chỉ có Mỹ mới làm được như vậy thôi bởi họ mới có nguồn lực để làm còn Việt Nam thì lấy ở đâu? Tôi nghĩ trong môi trường của thế mà xử lý được như thời gian vừa qua thì không phải chậm mà là quá quyết liệt", Thống đốc nói.
Một trong những biểu hiện để thấy rõ sự "quyết liệt" của nhà điều hành được Thống đốc chỉ ra là ở sự thay đổi về lợi nhuận, lương thưởng của chính bản thân ngành ngân hàng. "Chưa năm nào như năm nay, không có thông tin nào về ngân hàng lãi khủng. Nói cách khác, các ngân hàng cũng đã hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cùng xử lý nợ xấu. Mọi năm có thể chia nhau hàng tháng tiền thưởng Tết nhưng năm nay đã có nhiều ngân hàng tuyên bố không có tháng lương nào cả. Ngân hàng không chia cổ tức cũng là bình thường", ông Bình lý giải. Người đứng đầu ngành cho rằng, nên nhìn nhận sự việc này là những chia sẻ và nỗ lực của ngành ngân hàng với nhiệm vụ xử lý nợ xấu của toàn nền kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình và hai Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình (ngoài cùng, trái) và Lê Minh Hưng. Ảnh: Thanh Lan
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng đến nay trích lập được khoảng 90.000 tỷ dự phòng rủi ro. "Coi như những gì hệ thống ngân hàng có thể làm được chúng tôi đã làm hết sức. Năm vừa rồi tôi luôn phải tuyên bố trước Quốc hội, Chính phủ rằng cần hiểu nợ xấu là của nền kinh tế. Bởi vậy, tại sao chỉ có ngân hàng mà cần có cả hệ thống chính trị", ông Bình trần tình.
Để chứng minh nợ xấu đã được xử lý nhanh, vị "tư lệnh trưởng" của ngành ngân hàng cũng nhắc lại những số liệu ông từng nêu trong phiên họp Thường vụ hôm 13/11. "Đến tháng 10, những gì đã được làm là 252.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại - tương ứng 8% dư nợ tín dụng. Nếu không xử lý như vậy, nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng lên ít nhất 8% nữa", ông Bình giải thích.
Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho rằng các ngân hàng đã sẵn sàng hy sinh ngắn hạn trong việc giảm lợi nhuận để tăng dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu. "Đến nay các ngân hàng đã tự xử lý được 39.000 tỷ nợ xấu. Khẳng định nội dung xử lý nợ xấu mà nhà điều hành đang làm là đúng đắn, người đứng đầu ngành thanh tra ngân hàng lấy dẫn chứng, 4 tháng đầu năm 2012, khi chưa có những quyết định, chỉ thị để cơ cấu nợ, khắc phục xử lý nợ xấu, tốc độ tăng của nợ xấu lên tới 8-9% mỗi tháng. Ngược lại, đến nay theo ông Nghĩa, nợ xấu chỉ tăng trung bình 3% một tháng.
Ông Nghĩa cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án xử lý nợ xấu và Đề án Thành lập công ty quản lý tài sản. Theo ông, đề án thứ hai được cho là một công cụ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Về tiến trình xử lý các ngân hàng yếu kém - một trong những bước quan trọng để dọn "cục máu đông" nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến nay đã đảm bảo khả năng chi trả của 9 nhà băng này. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trong 9 trường hợp thuộc diện cần tái cơ cấu, hiện chỉ còn duy nhất một ngân hàng vẫn chưa xây dựng xong phương án tái cơ cấu. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước chưa thông tin cụ thể danh tính nhà băng này.
Ngoài 9 nhà băng này, người đứng đầu Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng nhắc đến tình trạng yếu kém của cả ngân hàng thương mại nhà nước. "Vẫn có những ngân hàng thương mại nhà nước có yếu kém lộ diện rõ ràng cần phải xử lý. Và chúng tôi cũng có phương án cụ thể, rõ ràng với ngân hàng này", ông Nghĩa nói thêm.
Theo VNE
Sắp đón tiền tấn, đại gia BĐS lên hương Liên tiếp các cuộc làm việc, các kế hoạch và lời hứa giải cứu BĐS, các đại gia BĐS như mở cờ trong bụng. Đã đến lúc các đại gia có thể mở tiệc ăn mừng. Còn trên thị trường chứng khoán, rất nhiều cổ phiếu đã tăng giá đưa các đại gia "lên hương". Lại sướng như BĐS Không còn lờ mờ...