Đã xác định được các nguyên nhân gây sụt lún đường Hồ Chí Minh
Ngày 26/8, thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông xác nhận, tổ giám định sự cố đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông vừa có báo cáo về kết quả thực hiện giám định nguyên nhân sự cố công trình.
Khu vực đoạn đường sụt lún, sạt trượt nhìn từ trên cao. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN
Theo đó, sau 1 năm kể từ thời điểm xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt khiến 2/4 làn đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ, đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) phải tạm ngưng lưu thông, tổ giám định liên ngành tỉnh Đắk Nông do Sở Giao thông Vận tải chủ trì đã xác định được các nguyên nhân dẫn tới sự cố.
Báo cáo nêu rõ, sự cố sụt lún, sạt trượt tại khu vực này là do lượng mưa tăng đột biến tại khu vực địa hình bát úp, chia cắt mạnh, cộng với lượng nước ngầm tăng nhanh trong khi địa chất vị trí sụt trượt không thuận lợi. Kế đến là do khối đất san nền (thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nằm áp sát mái ta luy âm của đoạn đường) đã bị sụt trượt.
Khu vực xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt thuộc Km1900 350 Km1900 650 đường Hồ Chí Minh. Đoạn đường bắt đầu xuất hiện các vết nứt, lún vào ngày 2/8/2023 và diễn ra nghiêm trọng hơn trong các ngày sau đó. Hiện tại, phần đường chính thuộc bên phải tuyến (theo hướng lưu thông từ Đắk Nông đi Đắk Lắk) có nhiều vết nứt; trong đó, vết nứt dài nhất hơn 40m (với bề rộng từ 10 – 15cm). Một số đoạn thuộc dài phân cách, phần đường gom bị sụt lún nặng (thấp từ 3,5 – 5m so với mặt đường hiện trạng). Tình trạng này khiến việc lưu thông qua 2/4 làn đường bị chia cắt và ngành chức năng đã rào chắn, cắm biển bảng cấm lưu thông từ đầu tháng 8/2023.
Sụt trượt bên mái ta luy âm (bên phải tuyến theo hướng lưu thông từ Đắk Nông sang Đắk Lắk) đã kéo theo 2/4 làn đường bị sụt lún, sạt trượt và việc lưu thông bị chia cắt từ tháng 8/2023. Ảnh: TTXVN phát
Video đang HOT
Đáng chú ý hơn, cơ quan chức năng cũng xác định, gần 1.500 m2 đất thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại phường Nghĩa Thành của Công ty cổ phần Đường bộ Đắk Lắk (nằm tiếp giáp với đoạn đường bị sụt lún bên mái ta luy âm) cũng bị sụt trượt hoàn toàn. Đáng lưu ý, vị trí sâu nhất bị sụt khoảng 5m so với vỉa hè hiện trạng.
Theo Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, đoạn tuyến xảy ra sự cố do Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2013 trước khi được bàn giao cho là Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông quản lý, bảo trì theo quy định. Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cũng xác định sự cố sụt lún, sạt trượt không liên quan tới quá trình đầu tư, xây dựng cũng như vận hành, bảo trì đoạn đường.
Cũng theo báo cáo, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông xác định sự cố công trình có liên quan tới khối đất san nền thuộc phạm vi thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại phường Nghĩa Thành của Công ty cổ phần Đường bộ Đắk Lắk. Đây là nguyên nhân chủ quan duy nhất trong nhóm các nguyên nhân dẫn tới sự cố công trình (các nguyên nhân còn lại đều do thời tiết, lượng mưa, địa hình, địa chất, thủy văn – PV). Tổ giám định đã yêu cầu các đơn vị, từ chủ đầu tư cho đến chính quyền địa phương cung cấp các tài liệu liên quan. Tuy nhiên, các đơn vị đều chưa cung cấp với lý do là thất lạc hồ sơ trong quá trình lưu trữ.
Hiện trạng sụt trượt đường Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát
Theo UBND thành phố Gia Nghĩa, việc san lấp tại dự án khu dân cư là tự phát, chưa được cấp phép và ngành chức năng thành phố, chính quyền địa phương phường Nghĩa Thành cũng chưa tìm thấy các hồ sơ liên quan việc kiểm tra, xử lý, xử phạt hành vi này.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đắk Nông, ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa xác nhận, UBND thành phố đã chỉ đạo các Phòng Tài nguyên – Môi trường, Phòng Quản lý đô thị và UBND phường Nghĩa Thành rà soát, kiểm tra các hồ sơ liên quan tới dự án hạ tầng khu dân cư tại phường Nghĩa Thành cũng như việc kiểm tra, xử lý hoạt động san lấp, xây dựng tại đây. “Các đơn vị đã báo cáo tìm chưa ra nhưng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo phải kiểm tra, rà soát kỹ. Khi có kết quả chúng tôi sẽ căn cứ để xử lý theo quy định”, ông Thạch Cảnh Tịnh chia sẻ thêm.
Còn theo ông Hà Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, tổ trưởng tổ giám định, ưu tiên của tổ khi thực hiện nhiệm vụ là chỉ rõ các nguyên nhân dẫn tới sự cố đoạn đường và đề xuất các giải pháp để khắc phục sớm, triệt để, đảm bảo việc lưu thông qua khu vực. Do dự án hạ tầng khu dân cư chưa được cấp giấy phép xây dựng nên tổ không đi sâu vào xem xét sự tuân thủ các quy định trong quá trình thực hiện.
Việc xác định bổ sung trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân liên quan việc san lấp mặt bằng trong phạm vi sự cố sẽ do các cơ quan chức năng xem xét, đề xuất, thực hiện trong trường hợp cần thiết và khi có đủ thông tin.
Cũng theo báo cáo giám định, có 2 phương án để khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt đường Hồ Chí Minh nói trên. Phương án thứ nhất là hoàn trả nguyên trạng; phương án thứ 2 là cải tạo vị trí tuyến sang phía bên trái (theo hướng lưu thông từ Đắk Nông sang Đắk Lắk). Kinh phí dự kiến gần 200 tỷ đồng và thời gian thi công từ 9 – 11 tháng. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang lập báo cáo tiền khả thi và dự kiến cuối năm 2024, đầu năm 2025 sẽ khởi công việc khắc phục đoạn đường này.
Cảnh báo nguy cơ sạt lở, sụn lún tại khu vực miền núi
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục 14 - 17 độ vĩ Bắc nối với cơn bão số 2 đang hoạt động trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc) và có khả năng đi vào Vịnh Bắc Bộ, trong đêm 21, đến sáng 22/7, khu vực tỉnh Thanh Hóa đã có mưa, có nơi mưa vừa và dông.
Một vị trí sạt trượt tại khu vực đồi Na Lo, xã Tân Phúc (Lang Chánh, Thanh Hóa).
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2 và mưa lũ, trong sáng 22/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn có công điện yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt. Từ đó, các đơn vị triển khai ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét... Các địa phương bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện bao gồm cả tàu du lịch còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, ven bờ...
Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương huyện Lang Chánh đã đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở hai đầu vị trí sạt lở trên Quốc lộ 15A.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến lượng nước tích lũy trong đất của một số khu vực thuộc các huyện miền núi ở Thanh Hóa như Mường Lát, Lang Chánh, Quan Sơn... gần đạt bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, sụt lún tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Lũ quét, sạt lở, sụt lún đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân, phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, kinh tế - xã hội, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện.
Tại huyện miền núi Lang Chánh đã xuất hiện nhiều vết nứt mới tại khu vực đồi Na Lo (xã Tân Phúc) và khu vực dốc Sáp Ong (giáp ranh giữa xã Đồng Lương và xã Tân Phúc), nguy cơ sạt lở nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, vị trí có nguy cơ sạt lở nằm ngay trên tuyến Quốc lộ 15A - là tuyến đường có nhiều phương tiện lưu thông qua lại. Tại nhiều vị trí, tình trạng sụt lún, sạt lở ta-luy dương đã vùi lấp đi một phần rãnh thoát nước thuộc Quốc lộ 15A.
Ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh cho biết: "Để chủ động ứng phó, UBND huyện Lang Chánh đã chỉ đạo lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đặt biển cảnh báo ở hai đầu vị trí sạt lở trên Quốc lộ 15A, đồng thời tổ chức di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm...
Người dân và chính quyền địa phương rất mong, các ngành chức năng sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở tại khu vực đồi, núi thuộc dốc Sáp Ong, đồi Na Lo, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện khi lưu thông trên tuyến quốc lộ 15A".
Thông tin từ huyện miền núi Quan Hóa cho biết, trong chiều 21/7, tại bản Chiềng Hin, xã Hiền Kiệt xảy ra vụ sạt lở đất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình ông Hà Văn Lương.
Chính quyền địa phương đã vận động, di dời gia đình ông Lương ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời tổ chức lực lượng hỗ trợ hộ dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Dự báo, từ đêm 22 - 24/7, khu vực tỉnh Thanh Hóa có khả năng xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi trên 100mm.
Vết nứt trên quốc lộ 14 qua Đắk Nông mở rộng, kéo dài thêm Vết nứt trên quốc lộ 14 qua Đắk Nông mở rộng, kéo dài thêm buộc ngành chức năng phải lên phương án di dời dân, phân luồng giao thông. 'Gãy' quốc lộ 14 qua Đắk Nông, vết hở gần 1m: căng dây phong tỏa, di dời người dân Vết nứt trên đoạn quốc lộ 14 dù đã được gia cố bằng xi măng...