“Đã uống rượu, bia – không lái xe”
Sau vụ tai nạn thương tâm của chị Yến và chị Quỳnh tại hầm Kim Liên, Hà Nội đêm 30/4/2019 do tài xế say xỉn lái xe làm họ thiệt mạng.
Nhiều phong trào, sự kiện được tổ chức bởi Cộng đồng cựu học sinh THPT Hà Nội khóa 1991 – 1994 và các tổ chức, cùng lan tỏa mạnh mẽ một thông điệp “Đã uống rượu, bia – không lái xe” đến toàn xã hội.
Hơn 8.000 tham gia sự kiện diễu hành “Đã uống rượu, bia – không lái xe”. Nguồn: Báo Giao thông
Những nỗi đau còn mãi
Dù đã xảy ra cách đây hơn 2 tháng nhưng vụ hai phụ nữ tử vong tại hầm Kim Liên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đêm 30/4/2019 khiến ai cũng không khỏi bàng hoàng, xót xa. Hai nạn nhân trong vụ tai nạn là chị Đinh Thị Hải Yến (SN 1976, ở Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện đang công tác ở Nhà hát kịch Việt Nam và chị Trần Thị Quỳnh (SN 1976, ở Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Hai người phụ nữ đã ra đi mãi mãi, họ để lại con cái, gia đình chỉ vì một phút “không may” gặp phải tài xế say rượu.
Trên trang facebook cá nhân, chị Minh Nguyệt (Hà Nội) chia sẻ kỷ niệm lần đầu tiên gặp cô giáo Quỳnh và chị Yến – hai nạn nhân xấu số tại hầm Kim Liên, Hà Nội. Những dòng chia sẻ của chị nhận được sự đồng cảm lớn từ mọi người, hầu hết ai cũng xót thương cho hai người phụ nữ không may là nạn nhân của những tài xế say xỉn.
Chị Nguyệt viết: “Trưa nay 2/5 tôi đi tiễn Yến – nữ diễn viên xinh đẹp Nhà hát kịch Việt Nam, người bạn cùng khóa cấp 3 Hà Nội 1991 – 1994, người tôi đã từng làm việc với bạn trong ban lễ tân của Gala Cúp Hội Ngộ. Trưa mai 3/5 tôi đi tiễn Tí (Quỳnh) – cô giáo tiểu học giỏi giang luôn tươi cười mà tôi mới gặp hôm 26/3 đây, người bạn cùng khóa cấp 3 Hà Nội 1991 – 1994 xấu số trong vụ tai nạn thảm khốc ở đường hầm Kim Liên đêm 1/5 vừa qua…”.
Còn chị Trang (Hà Nội) là bạn cùng khóa hai nạn nhân cũng không khỏi bàng hoàng trước sự ra đi đầy đau đớn của những người bạn đồng niên. Không thể tin họ lại mãi mãi nằm xuống đất lạnh, đau đớn chỉ vì một người tài xế đã uống 6 chai bia trước khi điều khiển xe của mình. Những dòng trạng thái đầy đau đớn nhận được sự đồng cảm lớn từ mọi người: “Sáng sớm tôi mở máy tính vào ca trực đầu ngày. Đập ngay vào mắt là thông tin hai người bạn gái cùng khoá cấp 3 ra đi sau một tai nạn ở hầm Kim Liên ít giờ trước. Bàng hoàng! Đau xót! Bạn nằm đó, trên mặt đường đêm khuya lạnh lẽo. Ngay giữa thủ đô. Ngay ngày nghỉ lễ. Ám ảnh quặn lòng! Tôi không dám xem hết những hình ảnh được chụp, được quay tại hiện trường. Càng không dám nghĩ tới những ông bố bà mẹ, những đứa con của các bạn. Rồi đây họ sẽ sống ra sao?….”.
ADVERTISEMENT
Có lẽ, người đau đớn nhất người thân của người bị nạn. Ai cũng xót xa cho L (con gái chị Yến), em mãi mãi mất mẹ, nấc nghẹn không thành lời trong lúc chờ nhận thi thể mẹ về lo hậu sự. Còn cậu con trai bị tự kỷ, còn không thể hiểu nổi mẹ em đã ra đi mãi mãi. Nhà cô giáo Quỳnh cũng vậy, ai cũng bàng hoàng trước nỗi đau này và rất nhiều lứa học sinh mất đi cô giáo tâm huyết với nghề dạy học.
Có những nỗi đau vẫn còn đó, vì những tay lái có hơi men!
Video đang HOT
Facebook nhóm cựu học sinh 91-94 Hà Nội đồng loạt thay ảnh thông điệp “Đã uống rượu, bia – không lái xe”. (Nguồn: Facebook)
Chia sẻ những mất mát thành hành động
Trong lời khai với cơ quan điều tra lái xe Hiếu cho biết, anh đã lái ô tô từ năm 2006, tức là được gần 13 năm cho tới nay. “Tôi uống với bạn bè tại một quán trên phố Thợ Nhuộm. Chúng tôi uống cả bia và rượu. Tôi uống khoảng 6 chai bia, sau đó uống tiếp rượu. Khi ra về, tôi còn đưa một người bạn về nhà, rồi mới đi tiếp. Tới hầm Kim Liên thì tôi gây ra tai nạn”, trích lời của Hiếu trên báo An ninh thủ đô.
13 năm lái xe, làm mất đi cuộc đời của hai người mẹ – vợ – công dân tốt chỉ sau 6 chai bia với bạn bè. Tất cả là quá đắt, quá đau đớn, quá bất công. Sẽ còn nhiều người “chết oan” vì bia rượu khi lái xe, nếu xã hội không nhận thức nghiêm túc vấn đề này.
“Cái chết oan nghiệt của Quỳnh, của Yến vẫn hằng ngày diễn ra, nếu chúng ta không hành động. Hôm nay, nạn nhân là bạn của chúng tôi, ngày mai có thể là bất kỳ ai trong số chúng ta” chị Trang – bạn chị Quỳnh chia sẻ.
Ngày càng nhiều vụ tai nạn do tài xế sử dụng bia rượu gây tai nạn khiến chúng ta ra đường không khỏi bất an, lo lắng cho sự an toàn của bản thân và xã hội.
Sau sự việc đau lòng của 2 người bạn đồng niên, nhóm cựu học sinh Phổ thông trung học 91-94 (những người cùng khoá cấp 3 năm học 1991 – 1994) đã phát động phong trào “Không lái xe khi đã rượu bia!”. Phong trào này đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội facebook, kêu gọi mọi người đồng loạt đổi ảnh đại diện, với nội dung kêu gọi đầy nhân văn và văn minh: “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “Say xỉn lái xe là tội ác”…
Không chỉ các cựu học sinh 91- 94 đồng loạt đổi hưởng ứng phong trào này mà còn nhiều tài khoản mạng xã hội khác. Không chỉ gói gọn phạm vi những bạn đồng niên của hai nạn nhân xấu số mà còn lay động toàn xã hội tiếc thương cho những người không may bị đoạt mạng bởi những tài xế say xỉn.
Chị Nguyễn Linh Chi chia sẻ: “Rạng sáng nay (1/5), hai người bạn gái cùng niên khoá 91-94 của tôi đã bị chiếc xe Mercedes biển số 30F-154.78 tông trúng gây tử vong tại hầm Kim Liên. Người lái xe gây tai nạn đã uống rượu bia.
Hãy cùng Nhóm Cựu HS PTTH 91-94 Hà Nội phát động phong trào nói KHÔNG với rượu bia khi tham gia giao thông!”.
Đám tang chị Yến với những logo tuyên truyền ý nghĩa, nhân văn. (Nguồn: Infonet)
Trong đám tang chị Đinh Thị Hải Yến ngày 2/5, những người bạn đồng niên đã đến tiễn biệt người bạn thân thiết của mình trong trang phục đen, có dán biểu tượng kêu gọi mọi người không uống rượu bia khi lái xe trên cánh tay trái và dán trên xe ô tô. Có lẽ, đây là đám tang đặc biệt nhất, họ đến không chỉ để thể hiện nỗi tiếc thương người đã mất mà còn là lời nhắc nhở người ở lại.
Không chỉ dừng lại phong trào mạng xã hội, thông điệp “Đã uống rượu, bia – không lái xe” đã lan tỏa đến toàn xã hội. Sáng 12/5, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm đã diễn ra sự kiện đi bộ kêu gọi cùng hành động “Đã uống rượu, bia – không lái xe” của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với thành phố Hà Nội. Hơn 8000 nghìn người đã hòa vào đoàn đi bộ cùng hô vang khẩu hiệu, không uống rượu bia chất kích thích khi lái xe ô tô, gắn máy. Sự kiện có Phó Thủ tướng, đại diện các bộ, ban ngành, các ngôi sao, các nhóm như Otofun, sinh viên, học sinh. Đặc biệt là hàng trăm thành viên nhóm Cựu HS PTTH 91-94 Hà Nội, họ có mặt để nhớ về người bạn xấu số. Từ mất mát, đau đớn ấy lan tỏa thông điệp nhân văn tới cộng đồng. Họ ở đây cùng nhau chia sẻ nỗi đau cùng người nhà nạn nhân, cùng nhau kêu gọi xã hội nhận thức về vấn đề sử dụng chất có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Chính tình cảm đồng niên trân quý, tinh thần văn minh, tính nhân văn đã thực sự “thức tỉnh” toàn xã hội tầm quan trọng của việc loại bỏ bia rượu khi chúng ta là những người cầm vô – lăng.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Hiệp, Chủ tịch Cộng đồng cựu học sinh THPT Hà Nội khóa 1991 – 1994 đã có chia sẻ đầy xúc động: “Chúng tôi đã mất 2 người bạn cùng khóa và sự ra đi này của họ đã khiến cảm xúc đau buồn lan tỏa thành viên trong cộng đồng học sinh PTTH Hà Nội khóa 1991 – 1994, nhất là sau chuỗi tai nạn giao thông xảy ra gần đây liên quan đến rượu bia. Chúng tôi mong muốn sự ra đi của người bạn không vô nghĩa, muốn sự ra đi đó lan tỏa thông điệp “Đã uống rượu bia – Không lái xe”, giảm tai nạn giao thông”.
Phong trào kêu gọi mọi người nói không với rượu bia là một lời tưởng niệm với 2 người bạn đồng niên đồng thời là thông điệp thức tỉnh mọi người trong xã hội tránh xa rượu bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và những người khác. Với mong mỏi không chỉ dừng lại các phong trào ngắn, mà ý thức bỏ rượu bia khi lái xe còn lan tỏa mạnh mẽ thành hành động trong mỗi người khi điều khiển các phương tiện giao thông.
Minh Hải
Theo baophapluat
Nóng : Quốc hội đã đồng ý với quy định đã uống rượu bia không lái xe
Sáng nay (14/6), trước khi thông qua toàn văn Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, Quốc hội đã thông qua điều 5 về các hành vi cấm, trong đó bổ sung quy định cấm, đó là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.
Kết quả biểu quyết điều 5 của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (ảnh PV).
Kết quả biểu quyết riêng với điều 5 cụ thể như sau: Có 347 đại biểu Quốc hội tán thành tương đương tỷ lệ 77,27%; không tán thành có 54 đại biểu chiếm 11,16; không biểu quyết 18 chiếm 3,72%.
Như vậy Quốc hội đã đồng ý với quy định cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.
Về kết quả biểu quyết thông qua toàn văn có 84,30% số đại biểu Quốc hội tán thành, chỉ có 5,17% không tán thành, có 3,51% không biểu quyết.
Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày đã nêu rõ: Khi thảo luận dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, một số ý kiến đề nghị cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; ý kiến khác đề nghị vẫn giữ quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện xin ý kiến các vị ĐBQH hai phương án, trong đó phương án Cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là phương án 1. Nhưng các phương án này đều không đạt được trên 50% ĐBQH tán thành (xin ý kiến chiều ngày 3/6).
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.
Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.
Đồng thời, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan để có các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật về giao thông do sử dụng rượu, bia.
"Do đó, trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dư luận, mong muốn của cử tri gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông", bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định khung giờ cấm bán rượu, bia để hạn chế việc uống rượu, bia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đứng trước yêu cầu phải có giải pháp mạnh mẽ để hạn chế mức tiêu thụ rượu, bia như hiện nay khi mà chưa có quy định pháp luật nào quy định trực tiếp về khung giờ được phép hoặc khung giờ hạn chế bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ, thì việc quy định khung giờ cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ ngay tại dự thảo Luật là cần thiết.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng tiến hành xin ý kiến các vị ĐBQH về việc quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ.
Nhưng quy định khung giờ hạn chế bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ được ghi ở Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa đạt được sự đồng thuận của ĐBQH để ghi vào Luật.
Tuy nhiên, hiện nay, việc này đã được pháp luật hiện hành quy định về thời gian được phép hoạt động của một số loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ phổ biến có bán rượu, bia như: quy định hạn chế thời gian hoạt động của cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quầy bar... , đồng thời đã có chế tài xử lý ca nhân, tô chưc kinh doanh vi phạm, kể cả việc phải xử lý những hành vi như gây tiêng đông lơn, lam ôn ào, huyên nao khu dân cư, nơi công công trong khoang thơi gian tư 22 giơ ngay hôm trươc đên 6 giơ sang hôm sau . Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định trên của pháp luật hiện hành, cần thiết sẽ đề xuất biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Một số ý kiến đề nghị cần quy định cấm bán rượu, bia trên internet; ý kiến khác đề nghị cấm bán rượu, bia trên internet theo khung giờ cụ thể.
Vấn đề này đã được các vị ĐBQH thảo luận kỹ và sôi nổi tại kỳ họp thứ 6 , Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 393/BC-UBTVQH14 ngày 17/5/2019 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý báo cáo Quốc hội. Do đây là lĩnh vực mới, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các ý kiến ĐBQH tại hai kỳ họp, tình hình thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và để đảm bảo tính khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử như thể hiện tại Điều 16 của dự thảo Luật trình Quốc hội.
Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương 36 điều, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020
Theo Danviet
Vì sao không đưa quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe" vào luật? Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có lý giải nhanh vì sao 2 lần biểu quyết nhưng các đại biểu Quốc hội không thông qua việc đưa quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe" vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí...