Dã tâm, vô cảm sinh ra tội ác
Xin đừng thờ ơ với tiếng khóc bất thường của bất cứ đứa trẻ nào quanh ta. Đôi khi, sự vô tình lại dung dưỡng cho tội ác.
Cô bé ấy, 8 tuổi đã phải sống trong một gia đình không trọn vẹn. Hẳn sự hồn nhiên, vô tư của tuổi thơ ngây đã sớm rời bỏ khi em ý thức được rằng mình phải sống với bố và không được gặp mẹ. “Mẹ ơi, mẹ không được đến thăm con đâu… Mẹ đừng khóc, con không muốn mẹ khóc đâu, mẹ đừng làm con buồn…” – Thốt ra câu nói đấy, hẳn bao đêm nước mắt em đã rơi và bao tổn thương chất chứa trong lòng.
Đứa trẻ ấy làm gì nên tội khi cha mẹ chúng bỏ nhau? Người lớn đã làm gì để cô bé cảm thấy mình là mối bận tâm của mẹ, nỗi phiền toái của cha? Để em câm lặng không cầu cứu ai khi hàng ngày phải nhận những trận đòn từ roi mây và gậy gỗ? Để vì câm nín chịu đựng, em đã phải nhận cái chết tức tưởi, oan khuất?
Cái chết của cô bé làm rúng động dư luận. Như cuối năm ngoái, người ta cũng đã từng bàng hoàng vì vụ đứa trẻ 3 tuổi bị mẹ đẻ và cha dượng đánh đập cho đến chết.
Những dã thú có gương mặt con người. Những kẻ thủ ác lại chính là người thân của các em. Nếu như vụ án năm ngoái, người ta có thể lý giải sự tàn bạo ấy là do hai kẻ vô nhân vì phê ma túy mà không kiểm soát được hành vi và do đứa trẻ nhỏ tuổi quá không biết kêu cứu. Vậy còn vụ bé gái 8 tuổi này thì sao?
Cô bé ấy bị bạo lực tinh thần khi người bố cách ly, cô lập em với mẹ đẻ, không cho gặp gỡ.
Cô bé ấy bị bạo lực thể xác với những trận đòn roi như cơm bữa mà hàng xóm thường xuyên nghe thấy tiếng đánh chửi, xô xát. Người mẹ kế đã khai với cơ quan chức năng rằng mình đã đặt mua roi mây để dạy dỗ nhưng do nhiều lần đánh, roi hỏng nên phải chuyển sang dùng gậy gỗ… Với mức độ và tần suất như vậy, khó có thể nói người cha không biết gì nếu không nói là “nhắm mắt làm ngơ” hoặc thậm chí, tiếp tay.
Video đang HOT
Trong hoàn cảnh thân cô thế cô, không cảm thấy an toàn, không được bảo vệ, đứa trẻ nào biết phải làm gì ngoài câm lặng.
Cô bé câm nín. Nhưng… có lẽ nào mọi chuyện có thể đã khác nếu không có sự im lặng đáng sợ? Sự im lặng, thờ ở của người cha, sự im lặng của hàng xóm… Cô bé có thể đã tránh được cái kết đau lòng này, nếu người cha của em không thản nhiên xem những điều người vợ kế làm với con mình là bình thường, nếu ban quản lý khu chung cư nơi em sống hay hàng xóm không xem đó là “chuyện riêng nhà người ta”…
Theo một nghiên cứu gần đây của UNICEF, có khoảng gần 70% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 tuổi khi được hỏi đã cho biết từng bị cha, mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình bạo hành. Dù việc bạo hành có thể diễn ra một cách thường xuyên và thậm chí công khai, nhưng nhiều người vẫn cho đó là cách giáo dục theo kiểu “thương cho roi cho vọt” một cách sai lệch. Và nữa, trẻ có thể là nơi trút giận của người lớn, có công đẻ nên nhiều người làm cha, làm mẹ nghĩ mình có cái quyền trút mọi bực dọc, bất đắc chí trong cuộc sống lên con, thậm chí, hành hạ con để trả thù nhau…
Những vụ bạo hành trẻ vẫn ngày càng tăng và chưa hết nóng. Và hẳn nhiên, nó sẽ còn tiếp tục nóng nếu nhiều người vẫn cho rằng đây là vấn đề, là “chuyện riêng” của mỗi gia đình.
Chúng ta vốn dĩ hòa vi quý, ngại đụng chạm, nhất là với hàng xóm. Nhưng khoảng cách từ việc không muốn chen vào chuyện người khác, sợ rách việc… đến sự bàng quan, vô cảm lại rất gần. Xin đừng thờ ơ với tiếng khóc bất thường của bất cứ đứa trẻ nào quanh ta. Đôi khi, sự vô tình lại dung dưỡng cho tội ác…
Làm lễ tưởng niệm cô bé 8 tuổi xấu số, rất nhiều giọt nước mắt thương cảm đã rơi xuống, rất nhiều sự phẫn nộ được thốt lên nhưng giá như có sự quan tâm, can thiệp sớm, dã tâm đã không nhân lên, trở thành tội ác đắng cay như những gì hôm nay phải chứng kiến…/.
UNICEF lên tiếng vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong
Trước sự việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong ở TP HCM, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho rằng cần một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn và sự không khoan nhượng với bạo lực để bảo vệ trẻ em tốt hơn.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, ngày 29-12 đã lên tiếng trước sự việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong ở TP HCM.
Nhiều người và gia đình rất đau lòng và bức xúc trước cái chết tức tưởi của bé V.A.- Ảnh: NLĐO
"UNICEF bày tỏ sự đau buồn và mối quan ngại sâu sắc về việc bé gái tử vong do bạo lực của người mà lẽ ra em có thể tin tưởng và có thể bảo vệ em"- bà Rana Flowers nói.
Theo bà Rana Flowers, đáng buồn là phần lớn các vụ xâm hại trẻ em đều do những người mà các em quen biết và tin tưởng gây ra. Các vụ việc thường chìm trong im lặng và đơn độc.
"Các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian phong tỏa vì Covid-19, báo hiệu nhu cầu cấp bách cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn"- bà nhấn mạnh.
Theo UNICEF, Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em, một hệ thống với các nhân viên công tác xã hội được đào tạo, không phải các tình nguyện viên hay các cán bộ phúc lợi không được đào tạo, mà cần có các nhân viên chuyên nghiệp có trình độ, những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng với nhu cầu và bảo vệ trẻ em và phụ nữ.
Theo đó, cần có một hệ thống với lực lượng công an được đào tạo, với các thẩm phán và tòa án thân thiện với trẻ em, cần có thái độ không khoan nhượng đối với bạo lực của tất cả các nhà chức trách, trong tất cả các trường học, trên toàn cộng đồng.
"Không khoan nhượng có nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền và yêu cầu công an phải hành động để bảo vệ nạn nhân; có nghĩa là công an sẽ phải chịu trách nhiệm và có những hành động kịp thời, các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ báo cáo ngay, có nghĩa là những giải pháp dựa vào cộng đồng cần được thực hiện để trẻ em hoặc phụ nữ có thể tiếp tục sống an toàn ở nhà trong khi thủ phạm phải bị chuyển đi"- bà Rana Flowers nêu ví dụ.
Đồng thời, đại diện UNICEF kêu gọi: "Tất cả chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa, đứng lên bảo vệ những người dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em rằng bất kỳ hình thức bạo lực nào cũng không thể chấp nhận được và họ cần tìm kiếm sự giúp đỡ để ngăn chặn bạo lực".
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers - Ảnh: UNICEF
Theo bà Rana Flowers, cùng với các tổ chức Liên Hiệp Quốc, với sự hỗ trợ của các Chính phủ đang truyền cảm hứng thực hiện cam kết và hỗ trợ về chuyên môn và tài chính, như Úc, EU và các nhà tài trợ khác, UNICEF hỗ trợ việc xây dựng một hệ thống bảo vệ có sự điều phối giữa các bên liên quan. Nhưng để đảm bảo có được sự thay đổi cho những người cần nhất, để đạt được mức độ nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em và phụ nữ trên khắp Việt Nam, cần có sự đầu tư nguồn lực, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ để xây dựng hệ thống bảo vệ như hệ thống hiện có ở nhiều quốc gia trong khu vực này và trên thế giới.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, bé N.T.V.A. (SN 2013, ở TP HCM) nghi bị bạo hành dẫn đến tử vong hôm 22-12. Bé gái được đưa đi cấp cứu khi tim đã ngưng, trên người nhiều vết thương. Võ Nguyễn Quỳnh Trang (SN 1995), nghi phạm đánh đập bé gái, hôm 28-12 bị bắt tạm giam 2 tháng để điều tra hành vi Hành hạ người khác. Gia đình bé cũng đề nghị xử lý người bố vì cho rằng anh này cũng có trách nhiệm liên đới với cái chết của con.
Võ Nguyễn Quỳnh Trang là người có quan hệ tình cảm với bố bé N.T.V.A. Cả ba sống chung ở căn hộ chung cư Saigon Pearl, phường 22, quận Bình Thạnh. Tại cơ quan điều tra, Trang khai để dạy con của người tình, Trang mua roi mây về giấu trong căn hộ. Ngày 22-12, Trang dạy bé V.A. học bài, bé V.A. làm sai thì bị Trang đánh. Phát hiện bé V.A. rơi vào tình trạng nặng nên Trang gọi cho cha bé về đưa đi bệnh viện nhưng bé đã không qua khỏi.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã chỉ đạo Công an TP HCM điều tra, xử lý nghiêm cá nhân sai phạm. Lãnh đạo thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục theo dõi, phối hợp UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phổ biến pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, phòng chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, không để xảy ra sự việc bạo lực trẻ em.
Hơn 2.000 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do Covid-19 Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho biết, cả nước có 2.093 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó 133 trẻ dưới 5 tuổi. Ngày 9.10, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, theo báo cáo của 47 địa phương, có 2.093 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó,...