Đa số người Mỹ hài lòng với chiến dịch của Biden
Khảo sát mới của Gallup cho thấy 56% người Mỹ hài lòng với chiến dịch tranh cử của Biden, trong khi 46% ủng hộ chiến dịch của Trump.
Cuộc thăm dò được Gallup công bố ngày 3/11, đúng ngày bầu cử Mỹ, cũng cho thấy 90% cử tri của đảng Dân chủ và Cộng hòa nói rằng họ hài lòng với chiến dịch tranh cử của hai ứng viên đại diện cho mỗi đảng.
Những người Mỹ tự nhận là cử tri độc lập tham gia khảo sát đánh giá cao phần thể hiện của Biden hơn Trump, với tỷ lệ lần lượt là 55% và 39%.
Ứng viên Dân chủ Joe Biden (trước) rời máy bay tại Scranton, bang Pennsylvania hôm 3/11. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, Gallup cho biết tỷ lệ hài lòng với chiến dịch của Trump năm nay đã cao hơn 4 năm trước. Trong cuộc bầu cử năm 2016, chỉ có 29% người Mỹ hài lòng với chiến dịch tranh cử của Trump. Và đây được xem là tỷ lệ thấp nhất dành cho một ứng viên đảng chính mà tổ chức này từng khảo sát trong 6 cuộc bầu cử gần nhất.
Cựu tổng thống Barack Obama năm 2008 nhận được 66% ủng hộ với chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ hai, mức cao nhất đối mà một ứng viên tổng thống Mỹ từng nhận được. Ngoài Obama, Al Gore là ứng viên tổng thống duy nhất của đảng Dân chủ có tỷ lệ hài lòng trên 60%, khi có tới 61% người Mỹ ủng hộ chiến dịch tranh cử năm 2000 của ông.
Về phía đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ John McCain là ứng viên tổng thống duy nhất ngoài Tổng thống Trump nhận được tỷ lệ hài lòng dưới 50%. Chỉ 40% người Mỹ đánh giá cao chiến dịch tranh cử của ông trong cuộc chạy đua với cựu tổng thống Obama năm 2008.
Chiến dịch tranh cử của ứng viên Biden năm nay có tỷ lệ hài lòng cao hơn 6 điểm phần trăm so với ứng viên Hillary Clinton năm 2016. Gần 50% người Mỹ hài lòng với những gì bà Hillary từng thể hiện trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 4 năm trước.
Cuộc khảo sát của Gallup được thực hiện trên toàn nước Mỹ với 1.018 người trên 18 tuổi tham gia khảo sát từ ngày 16/10 tới ngày 27/10. Sai số của khảo sát này là 4 điểm phần trăm.
Các điểm bỏ phiếu ở Bờ Đông nước Mỹ bắt đầu mở cửa từ 6h sáng 3/11 (18h giờ Hà Nội). Ngay từ sáng sớm, nhiều cử tri đã xếp hàng chờ đợi trước điểm bầu cử. Khoảng 100 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm, con số kỷ lục trong lịch sử bầu cử Mỹ.
Tổng thống Trump dự đoán ông sẽ giành được ít nhất 306 phiếu đại cử tri. Ứng viên tổng thống cần ít nhất 270 phiếu đại tri để chiến thắng chung cuộc. Trong khi đó, nhiều cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy lợi thế nghiêng về ứng viên Biden.
Ngôi nhà thời thơ ấu của Joe Biden
Joe Biden, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, sinh ra và lớn lên trong 10 năm đầu đời tại một ngôi nhà đơn sơ ở thị trấn Scranton, bang Pennsylvania.
Nhà cũ của Joe Biden cách thành phố New York khoảng 200 km về phía tây bắc. Gia đình ông đã rời Scranton khi Biden mới 10 tuổi, nhưng ứng viên tổng thống đảng Dân chủ vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với quê hương và thường nhắc tới nó trong suốt sự nghiệp chính trị của mình.
Biden cũng duy trì mối quan hệ gắn bó với người dân địa phương, bao gồm cả gia đình nhà Kearns, những người đã mua lại ngôi nhà thời thơ ấu của ông năm 1953. Biden thường xuyên tới thăm nơi này trong những năm qua. Trong chiến dịch tranh cử phó tổng thống năm 2008, ông đã về đây, ký lên bức tường trong nhà cũ.
Joe thường kể lại câu chuyện có lần bố về nhà, bước lên bậc thang và bảo ông rằng bố vừa mất việc
Nhà cũ của Joe Biden tại Scranton, Pennsylvania. Video: Reuters
Ngôi nhà nằm ở một vùng ngoại ô, bên ngoài treo quốc kỳ, giống rất nhiều ngôi nhà khác ở nước Mỹ. Tầng trệt là phòng sinh hoạt chung và nhà bếp. Trên gác là phòng ngủ.
"Joe là một người Scranton, Pennsylvania bình dị, ấm áp", Bob Sheridan, chủ tịch đảng Dân chủ tại Scranton, nhận xét. "Ông ấy luôn nhớ về nguồn cội. Trái tim và tâm trí lúc nào cũng hướng về quê hương".
"Joe thường kể lại câu chuyện có lần bố về nhà, bước lên bậc thang và bảo ông rằng bố vừa mất việc", Chris Kearns nói. "Nếu bạn chưa từng trải qua điều này, sẽ không cách nào hiểu được tâm trạng của người ta khi đó".
Biden dành phần lớn thời gian trong quãng đời trưởng thành của mình làm việc với tư cách là thượng nghị sĩ đại diện cho Delaware. Ông đảm nhiệm vị trí này từ năm 1973 tới khi trở thành phó tổng thống năm 2009, nổi tiếng là người khiêm tốn vì vẫn di chuyển hàng ngày bằng đường sắt từ nhà ở Delaware tới Washington. Nhiều năm sau, ông vẫn là một trong những người nghèo nhất Thượng viện Mỹ.
Khi bắt đầu giàu có sau khi rời ghế phó tổng thống, Biden vẫn tiếp tục phát huy tính khiêm tốn của mình trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020, thường xuyên lấy nó để so sánh với đối thủ Donald Trump.
"Donald Trump thường nhìn thế giới từ đại lộ Park. Còn tôi nhìn thế giới từ nơi tôi sinh ra và lớn lên: Scranton, Pennsylvania", Biden viết trong một bài đăng trên Twitter gần đây.
Scranton là thành phố lớn nhất hạt Lackawanna, bang Pennsylvania, nơi nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng có thể đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử tháng 11.
Scranton cũng phát triển mạnh và giữa thế kỷ trước. Khi đó, nó có biệt danh là "Thành phố Điện", bởi là nơi có mạng lưới xe điện đầu tiên ở Mỹ. Scranton phát triển nhờ sự bùng nổ của ngành than, dệt may và các lĩnh vực khác. Nhưng sau giai đoạn cực thịnh, dân số thành phố giảm một nửa xuống còn 75.000 người như hiện nay, giống nhiều thành phố khác trên "Vành đai Rỉ sét" của Mỹ.
Trump, người từng về đích trong cuộc tranh cử năm 2016 nhờ chiến thắng sít sao ở Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, hứa hẹn sẽ mang công việc trở lại cho giới cổ cồn xanh tại khu vực kinh tế suy thoái này. Nhưng trước cuộc bầu cử chỉ còn vài tuần nữa, với nhiều người dân địa phương, Biden là người kết nối tốt nhất.
"Ông ấy sinh ra ở đây, vì vậy ông ấy hiểu rõ rằng chúng tôi đang hết tiền", Ashley Levandowski, người làm việc tại một nhà hàng ở Scranton, nói. "Ông ấy hiểu rõ thị trấn này và những thị trấn tương tự cần gì nhất".
Theo bà Anne Kearns, người luôn tới ngôi nhà để hồi tưởng những kỷ niệm tươi đẹp với Biden, cựu phó tổng thống luôn nhớ về quê hương.
"Ông ấy thường mang theo rất nhiều người tới đây, dẫn họ vào bếp rồi kể lại cho các nhà báo nghe về ông nội của mình", bà Anne nói. "Cứ mỗi lần xuất hiện trên tivi, ông ấy thể nào cũng nói: 'Bố tôi hay dạy thế này', 'Mẹ tôi hay bảo thế kia'. Tôi đã nghe những câu này rất nhiều lần. Ông ấy luôn hướng về nguồn cội, thật sự như thế".
Thống đốc Pennsylvania đáp trả sau khi ông Trump cảnh báo chớ gian lận bầu cử Thống đốc Pennsylvania Tom Wolf tuyên bố, "người dân Pennsylvania sẽ không bị đe dọa" và "bang này sẽ có một cuộc bầu cử công bằng". Thống đốc bang Pennsylvania -bang tối quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 tuyên bố các quan chức địa phương sẽ không bị đe dọa, sau khi Tổng thống Donald Trump nói rằng...