Đà Nẵng trải qua 4 – 5 chu kỳ lây nhiễm
Ngày 1/8 tại hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, diễn biến dịch ở Đà Nẵng đến nay khá phức tạp, có tới 40% bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng.
Nhân viên y tế khử trùng các phương tiện ra vào khu vực bệnh viện dã chiến Hòa Vang (Đà Nẵng). Ảnh TTXVN
“Do tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, nên đòi hỏi khả năng ứng phó phải khẩn trương hơn nữa. Đà Nẵng trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên việc truy tìm F0 rất khó khăn. Chúng ta nỗ lực cao nhất để phải ngăn bằng được, càng sớm càng tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng, giảm thiểu tối đa tử vong ở khu vực này”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Về bệnh nhân số 499 mắc COVID-19 mới tử vong sáng 1/8, GS.TS Nguyễn Gia Bình, thành viên Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 cho biết, nguyên nhân tử vong do bệnh nhân bị ung thư máu ác tính không đáp ứng hóa chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và COVID-19. Theo GS Bình, công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện gặp nhiều khó khăn hơn giai đoạn trước khi có rất nhiều bệnh nhân nặng, tuổi cao, bệnh mãn tính kèm theo, suy tim, đái tháo đường, suy thận, chạy thận chu kỳ, ung thư…
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, những yếu tố này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng nặng khi nhiễm COVID-19 vì suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác. Hiện những ca bệnh nặng ngày càng nhiều lên, diễn biến nặng rất nhanh, thậm chí có những ca đánh giá là rất nặng.
Làm việc trực tuyến với Bộ “Chỉ huy tiền phương Bộ Y tế” – Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 tại TP Đà Nẵng sáng ngày 1/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu phải rà soát chặt chẽ, tất cả các ca F1 buộc phải cách ly, không có ngoại lệ, theo đúng quy định. Đồng thời triển khai thành lập các Tổ COVID-19 cộng đồng và phân chia số lượng người cần quản lý, giám sát và tiến hành lấy mẫu khi có triệu chứng bất kỳ.
Từ điểm cầu Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Tiểu ban Điều trị sẽ tập trung các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 vào các bệnh viện chuyên biệt là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Dã chiến có thể thu dung 2.000 bệnh nhân. Th.S Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh – Đội trưởng Đội Điều trị cho biết, hiện đã thiết lập một đơn vị Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và lắp đặt 20 máy chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế Hòa Vang. Hiện 38 bác sĩ bệnh viện Bạch Mai đã chi viện cho 5 đơn vị là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang; Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Bắc Quảng Nam. Bệnh viện T.Ư Huế đã hỗ trợ Đà Nẵng điều trị 18 bệnh nhân, đa số là bệnh nhân nặng.
Bệnh viện Đà Nẵng – ổ dịch siêu lây nhiễm
Quyền Bộ trưởng yêu cầu phải giải phóng nhanh, giảm mật độ với Bệnh viện Đà Nẵng, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên. Hiện nhân viên y tế ở đây quá nhiều, phải giảm số lượng nhân viên y tế ở đây, đưa ra ngoài cách ly khách sạn. “Bệnh nhân có bệnh lý nền cũng chuyển bớt vì Bệnh viện Đà Nẵng là ổ dịch siêu lây nhiễm. Đặc biệt, các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực – chống độc, hô hấp, tim mạch – là những nơi có khả năng lây nhiễm ở Bệnh viện Đà Nẵng, không đưa bệnh nhân vào đây điều trị nữa”, ông Long nói. Đồng thời, GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý, với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, cần tách riêng bệnh nhân dương tính với virus SARC-CoV-2 ra khu riêng và thực hiện triệt để phòng lây nhiễm nếu không sẽ không bao giờ cứu được bệnh nhân.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, hiện có đến 40% ca bệnh COVID-19 không có triệu chứng nên không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào nghi ngờ. Bộ Y tế yêu cầu TP Đà Nẵng tổ chức các chốt lấy mẫu tại những nơi có nguy cơ trước như tại khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải Châu, các địa điểm đông khách du lịch và nhân viên y tế. Hiện năng lực xét nghiệm tại Đà Nẵng đã đáp ứng xét nghiệm 10.000 mẫu/ngày. Theo thống kê có khoảng 11.000 người dân đến Bệnh viện Đà Nẵng trong giai đoạn này, do đó các địa phương và chính quyền địa phương phải quản lý các đối tượng này.Lưu ý Đà Nẵng là điểm nóng nhưng không được quên Quảng Nam cũng là nguy cơ cao, Quyền Bộ trưởng đề nghị Bộ chỉ huy tiền phương phải rà soát, kiểm tra khu vực này.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết, sẽ cùng các chuyên gia vào Quảng Nam trong ngày 2/8 để cùng trao đổi, bàn thảo về công tác phòng chống dịch của địa phương này.
Ngày 1/8, Bộ Y tế cho biết có thêm 40 ca mắc mới COVID-19. Trong đó đáng chú ý, Thái Bình có bệnh nhân mắc đầu tiên trong đợt dịch mới này. Đà Nẵng, TPHCM và Quảng Nam tiếp tục ghi nhận thêm những ca bệnh mới. Như vậy Việt Nam đã có 586 bệnh nhân COVID-19. Trong ngày, có thêm 1 trường hợp tử vong có liên quan đến COVID-19, nâng số ca tử vong vì COIVD-19 tại nước ta lên 3 trường hợp. Các bệnh nhân tử vong đều là người cao tuổi, có hàng loạt bệnh lý nền kèm theo.
Sức khỏe hai ca mắc COVID-19 nặng ở Đà Nẵng: Quyền Bộ trưởng Y tế thông tin
Đại diện Bộ Y tế cho biết, chỉ số sức khỏe của hai bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng hiện tương đối ổn định dù vẫn trong tình trạng nặng.
Sáng 27/7, liên quan tới tình trạng sức khỏe của 2 bệnh nhân 416 và 418 mắc COVID-19 nặng tại Đà Nẵng, GS. TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các chỉ số sức khỏe của 2 bệnh nhân đã tương đối ổn định.
Hiện đây là 2 ca bệnh nhiễm virus corona nặng nhất tại Việt Nam. BN416 (nam, 57 tuổi) có tiền sử nang trung thất, được phẫu thuật cách đây khoảng 2 năm. Sức khỏe bệnh nhân tiên lượng rất nặng, tiếp tục phải thở máy, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu liên tục. Đây cũng là bệnh nhân thứ 3 tại Việt Nam phải can thiệp ECMO sau BN19 và phi công người Anh BN91.
(Ảnh minh họa: Xuân Tiến)
Bệnh nhân nhập Bệnh viện C Đà Nẵng từ ngày 20/7 đến ngày 24/7 với chẩn đoán viêm phổi. Sau đó, người bệnh được chuyển điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng nặng, chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do virus corona, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn.
Các chỉ số và chức năng của bệnh nhân vẫn đang trong phạm vi kiểm soát. Người bệnh sốt 37-38 độ C, được chỉ định dùng thuốc an thần, thuốc vận mạch, kháng sinh, kháng virus, nâng cao miễn dịch, ăn qua sonde, phổi thông khí tạm...
Về BN418 (nam, 61 tuổi), Tiểu Ban điều trị cho biết, bệnh nhân còn sốt nhẹ, đang được thở máy, dù các chi số đều kiểm soát được nhưng tiên lượng vẫn rất nặng. Khả năng bệnh nhân vẫn tiếp tục phải thở máy và lọc máu trong thời gian dài.
BN418 bị viêm phổi trên nền bệnh lý tiểu đường type 2, tăng huyết áp, biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp.
Báo cáo dịch tễ học cho thấy, ngày 21/7, bệnh nhân điều trị tại khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng với chẩn đoán theo dõi lao phổi bội nhiễm, trên nền bệnh tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp. Chiều 23/7, bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực chống độc, 3 ngày sau thì chuyển đến khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng.
Video: BN416 ở Đà Nẵng có dấu hiệu giống bệnh nhân 91
Đà Nẵng có hơn 7.200 người F1 tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 Sở Y tế Đà Nẵng xác định được hơn 7.200 người F1 tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19. Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, 7.276 người F1 được xác định có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 trong khoảng thời gian từ 25/7 đến nay. Ngoài ra còn hơn 2.300 đối tượng F2. Hiện thành phố đã cách ly gần 4.300...