Đà Nẵng: Thay thế những cán bộ thao túng vốn đầu tư công
Những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức, nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu sẽ bị thay thế.
UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, các Chi nhánh số 1, 2 và 3 căn cứ kế hoạch vốn đầu tư năm 2017 được giao cho từng công trình khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương để đảm bảo cuối năm giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao, không để dồn khối lượng vào cuối năm mới thanh toán.
Trường hợp đến hết ngày 30/9, dự án nào có tỷ lệ giải ngân dưới 30% so với kế hoạch vốn năm 2017 đã giao, yêu cầu thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.
Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, yêu cầu khẩn trương phối hợp với nhà thầu lập báo cáo quyết toán, trình thẩm tra, phê duyệt để thanh toán số vốn còn lại cho nhà thầu theo quy định.
Những cán bộ nhũng nhiễu, thao túng trong quản lý vốn đầu tư công sẽ bị thay thế
Video đang HOT
UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị rà soát tình hình và đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để đến hết tháng 8/2017 phải giải ngân trên 80% kế hoạch vốn nước ngoài được giao. Nếu có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài, yêu cầu khẩn trương có văn bản đề xuất gửi Sở KH&ĐT để kiểm tra, tham mưu UBND thành phố trình các Bộ KH&ĐT, Tài chính để giải quyết.
Đặc biệt, nếu phát hiện các hành vi tiêu cực như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu phải kiên quyết xử lý theo quy định hoặc rút vốn, điều chuyển vốn cho dự án, công trình khác; báo cáo kịp thời để UBND thành phố xem xét, xử lý.
Cùng với đó, thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức, nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu.
Khánh Hồng
Theo Dantri
Quy trách nhiệm người đứng đầu nếu chậm giải ngân vốn ngân sách Nhà nước
Đến hết kế hoạch năm 2016, nếu các bộ ngành và địa phương không giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao, theo chỉ thị của Thủ tướng, Chính phủ sẽ nghiêm khắc kiểm điểm người đứng đầu, điều chuyển vốn sang dự án khác, cắt giảm toàn bộ số vốn này để thu hồi các khoản vốn đối ứng trước đó
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng trong văn bản gửi các bộ, ngành liên quan về việc báo cáo tình hình giải ngân 9 tháng và hiện tượng chậm giải ngân vốn ngân sách nhiều bộ được bố trí vốn trong năm 2016.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, hiện có nhiều địa phương, bộ và ban ngành được phân cấp vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016, nhưng không thực hiện đầy đủ báo cáo chi tiết về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và chi tiết danh mục các dự án sử dụng vốn NSNN. Đáng nói, nhiều bộ, ngành, địa phương, dự án chậm giải ngân, giải ngân không đạt yêu cầu đề ra.
"Tính đến hết 30/9/2016, các bộ ngành và địa phương mới giải ngân được dưới 50% kế hoạch vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ. Có dự án giải ngân dưới 30% kế hoạch. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, chi cho đầu tư phát triển các dự án đầu tư công trọng điểm của cả nước", Bộ KH&ĐT nêu thực tế.
Theo lý giải của Bộ KH&ĐT, việc chậm giải ngân và không báo cáo chi tiết về kết quả giải ngân vốn đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách phân bổ, ảnh hưởng đến thời gian thi công các dự án và đặc biệt, việc chậm giải ngân vốn ảnh hưởng đến kế hoạch và các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực và quốc gia. Chính vì vậy, thời gian tới cần yêu cầu báo cáo rõ các nguyên nhân chậm giải ngân, không giải ngân và các biện pháp đẩy nhanh tiến độ của dự án... được hưởng vốn từ trung ương.
Theo kiến nghị của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Đối với trường hợp không thể giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2016 được giao, đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, cho phép chuyển vốn từ các dự án chậm triển khai, không có khả năng giải ngân trong năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương và các dự án không thể giải ngân sang các dự án cần triển khai đẩy nhanh tiến độ và các dự án cần vốn từ ngân sách khác".
Đồng thời, Bộ KH&ĐT nêu rõ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây để tránh tình trạng giải ngân chậm, không rõ lý do, không xử lý được trách nhiệm của ai, Chính phủ sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng nêu trên.
"Đến hết kế hoạch năm 2016, nếu các bộ ngành và địa phương không giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao. Chính phủ sẽ nghiêm khắc kiểm điểm người đứng đầu, điều chuyển, cắt giảm toàn bộ số vốn này để thu hồi các khoản vốn đối ứng trước", Bộ trưởng Dũng dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây.
Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 9 tháng năm 2016 ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm trước và bằng 33% GDP, trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ước tính đạt 180.000 tỷ đồng, bằng 69,1% kế hoạch năm và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2015, vốn trung ương quản lý đạt 42.600 tỷ đồng, vốn địa phương quản lý đạt 137.000 tỷ đồng
Hiện, các bộ được phân bổ vốn NSNN lớn nhất hiện nay là Bộ Giao thông Vận tải đạt 15.400 tỷ đồng (chiếm 36% vốn ngân sách); Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 5.000 tỷ đồng; Bộ Y tế 1.900 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo 1.900 tỷ đồng...
Hà Nội là địa phương được phân bổ vốn ngân sách lớn nhất với 22.800 tỷ đồng (chiếm hơn 16% ngân sách cho các địa phương); TPHCM 12.100 tỷ đồng; tiếp sau là các tỉnh như Bình Dương hơn 4.100 tỷ đồng; Nghệ An 4.085 tỷ đồng...
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Từ chối xóa nợ, khoanh nợ gần 14.700 tỷ đồng tiền thuế Trước đề xuất của Bộ Tài chính xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế 7.963 tỷ đồng và khoanh nợ cho những trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh 6.731 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đây là vấn đề quản lý thuế, không liên quan đến khó...