Đà Nẵng: Sốt đất Hòa Liên vì “tin đồn” di dời 2 nhà máy thép ô nhiễm
Trong khi chính quyền TP.Đà Nẵng đang tập trung xử lý sai phạm hành chính và ô nhiễm môi trường tại 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc thì giá đất quanh khu vực đã bị đẩy lên chóng mặt.
Những ngày vừa qua, bên cạnh việc Thanh tra TP.Đà Nẵng công bố kết quả thanh tra tại 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) thì hàng trăm người đã rầm rộ kéo nhau về địa phương này để mua bán đất đai khiến giá đất ở đây tăng chóng mặt.
Theo ghi nhận, vào sáng 8.10, hàng trăm người đã tập trung tại khu tái định cư 5 xã Hòa Liên tạo ra khung cảnh “mua bán đất đai” rất nhộn nhịp. Các ki ốt mua bán, ký gửi đất đông nghịt người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản có uy tín, phần lớn là các “cò” và nhân viên môi giới của các công ty bất động sản.
“Đất ở có đường 5,5m hoặc 7,5m trước đây, khu vực này có giá tầm 800 triệu/1 lô, nhưng đến sáng nay đã được đẩy lên 1-1,2 tỷ/lô. Giá mỗi lô đất 100m2 đường 7,5m trước đây dưới 1 tỷ nay nhảy vọt lên 1,6 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại”, anh Nguyễn Văn Tuấn, một người có mặt ở Hòa Liên cho biết.
Sáng 8.10, hàng trăm người tập trung tạo cảnh mua bán đất nhộn nhịp ở Hòa Liên, Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên
Nhiều người dân sống tại xã Hòa Liên cho hay, vì 2 nhà máy thép Dana Úc – Dana Ý sắp di dời nên đất trong khu vực nóng bất thường. Ngoài ra, nhiều tin nói rằng, sắp tới thành phố có chủ trương xây dựng nhiều dự án lớn ở địa bàn nên giá đất tăng mạnh.
Video đang HOT
“Đất Hòa Liên trở nên nóng sốt chỉ trong 3 ngày qua. Dân đầu cơ đổ về càng đông, giá bán liên tục đẩy lên cao. Thậm chí nhiều người sốt ruột muốn chốt giá để sở hữu vài lô nhưng vẫn không kịp. Trước đây, khi các khu vực khác ở Đà Nẵng lên cơn sốt đất thì ở đây vẫn trong ngưỡng bình thường, bởi khu vực này nằm cách trung tâm đến 20km. Đúng là cảnh tượng giờ chúng tôi mới thấy”, ông Trần Cam (trú xã Hòa Liên) nói.
Nhận định từ cơ quan quản lý nhà nước và những doanh nhân kinh doanh bất động sản có uy tín trên địa bàn Đà Nẵng, việc giá đất ở Hòa Liên tăng chóng mặt là hiện tượng bất thường.
“Rõ ràng, có ai đó lợi dụng việc thành phố ra chủ trương đầu tư các dự án lớn ở địa bàn, trong đó có cảng Liên Chiều, khu công nghệ cao… Các “chim mồi” làm thị trường mua đi bán lại của nhau rồi tung tin sốt đất; một khi có sự giao dịch lớn sẽ thu hút giới dịch vụ lên để kiếm ăn. Hiện tượng đất tăng phi mã ở Hòa Liên có dấu hiệu bị thao túng bởi giới “chim mồi” bất động sản, giới đầu tư bất động sản có nhiều dự án ở địa bàn”, ông Nguyễn Văn Q. (Giám đốc công ty địa ốc HL.Land) nhận định.
Các ki ốt, phòng giao dịch ở Hòa Liên đều đông nghịt người. Ảnh: Đình Thiên
Còn anh Phạm Thanh, một doanh nhân ở Đà Nẵng thì cho rằng: “Các giao dịch trong những ngày qua chủ yếu là mua đi bán lại của giới dịch vụ với nhau. Sau khi những người đầu tiên chốt lời và đẩy ra sản phẩm xong thì sẽ rút hết, khiến cho người mua cuối chịu thiệt, còn các giao dịch ở giữa sẽ bẻ cọc nhau. Đây dường như là chiêu thức đẩy giá đất tại các dự án lớn ở địa bàn”.
Trao đổi với Dân Việt, ông Trương Tấn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Hòa Liên xác nhận những ngày vừa qua tại khu vực thôn 5 xã Hòa Liên tập trung hàng trăm người để giao dịch bất động sản.
“Ba ngày vừa qua trên địa bàn rất là nhộn nhịp kẻ bán người mua bất động sản. Chính quyền xã cũng đã cử người xuống nắm tình hình và chưa có vấn đề gì trái pháp luật. Việc mua bán bất động sản là quyền của người dân và tôi cũng không rõ có việc thổi giá hay đẩy giá đất gì ở đây hay không?”, ông Mạnh nói.
Liên quan đến hiện tượng này, ông Lê Văn Tuấn – Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, khu tái định cư Hòa Liên 5 có diện tích khoảng 30ha với khoảng 1000 lô. Đây là một khu tái định cư của thành phố, hiện hầu hết các lô đều đã được cấp sổ đỏ. Sở này đang theo dõi sát sao tình hình giao dịch bất động sản tại đây.
Theo Danviet
Đà Nẵng: "Mọc" thêm hơn 700 lô đất TĐC cạnh 2 nhà máy thép ô nhiễm
Chỉ một năm sau khi Đà Nẵng có chủ trương giải tỏa, bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ dân sống cạnh 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, đã có hơn 700 lô đất TĐC "mọc" thêm tại khu vực này.
Ngày 8.10, thông tin từ Thanh tra TP.Đà Nẵng cho hay, trong đợt thanh tra sai phạm của 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (thôn vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), đơn vị này đã đồng thời thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại thôn Vân Dương 2.
Theo đó, sau khi thanh kiểm tra, Thanh tra TP.Đà Nẵng kết luận, từ năm 2008 - 2018, UBND huyện Hòa Vang đã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 29 hồ sơ với diện tích 4.213m2. Tuy nhiên, tất cả diện tích đất được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đều không căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng quy định... Đồng thời, việc cho tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn có một số hạn chế, thiếu sót.
Thanh tra TP.Đà Nẵng cũng kết luận, tại khu vực thanh tra có 10 trường hợp xây dựng nhà, vật kiến trúc trên đất nông nghiệp vi phạm điều Luật Đất đai. Tuy nhiên, không có hồ sơ nào thể hiện việc xử lý của UBND xã Hòa Liên, UBND huyện Hòa Vang đối với các trường hợp sai phạm trên. Điều này cho thấy, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang qua các thời kỳ đã không xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định.
Vì vậy, Chánh Thanh tra TP.Đà Nẵng kết luận trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cùng bộ phận tham mưu... và yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên.
Người dân Đà Nẵng nhiều lần bao vây 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý. Ảnh: Đình Thiên
Đặc biệt, trong kết luận của Thanh tra TP.Đà Nẵng thể hiện một chi tiết rất đáng quan tâm: Để xử lý ô nhiễm khu vực quanh 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, UBND TP.Đà Nẵng chủ trương di dời, giải tỏa và bố trí TĐC cho các hộ dân. Tuy nhiên, chỉ sau một năm (tính từ tháng 1.2017 - 2.2018), tại khu vực này đã "mọc" thêm 714 lô đất TĐC, từ 500 lô vào năm 2017 lên thành 1.214 lô vào năm 2018.
Liên quan đến vấn đề trên, Thanh tra TP.Đà Nẵng cho biết, qua báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, việc để "mọc" lên 714 lô đất này là do sai lệch trong việc kiểm đếm. Cụ thể, Trung tâm phát triển quỹ đất cho rằng, vào thời điểm tháng 1.2017, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã tạm đếm trên cở sở nóc nhà hiện trạng, chưa triển khai kiểm đếm thực tế và đếm ra con số là 500 lô. Còn đến thời điểm tháng 2.2018, qua kiểm đến thực tế và hồ sơ pháp lý do chủ hộ cung cấp, con số này là 1.214 lô.
Việc tăng thêm 714 lô đất TĐC chỉ trong một năm ở khu vực 2 nhà máy thép gây ô nhiễm khiến chính quyền TP.Đà Nẵng thêm khó khăn trong việc xử lý vấn đề "nóng" tồn tại nhiều năm nay.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho rằng: "Những năm gần đây, lãnh đạo thành phố quyết tâm giải quyết tình trạng người dân phải chịu cảnh sống ô nhiễm cạnh 2 nhà máy thép. Tuy nhiên, việc chỉ phải bố trí chưa đến 500 lô đất TĐC thành hơn 1.200 lô đất đã khiến quỹ đất quy hoạch TĐC của thành phố đưa ra bị vỡ. Còn việc di dời nhà máy thép đi nơi khác cũng gặp khó khăn khi không có nơi nào phù hợp...".
Theo Danviet
Đà Nẵng dừng hoạt động 2 nhà máy thép gây ô nhiễm: Cả hai phía đều lấn cấn... Để giải quyết điểm nóng Hòa Liên khi hàng trăm người dân bao vây 2 nhà máy Thép Dana Ý và Dana Úc, chiều 2.3, lãnh đạo Đà Nẵng đã quyết định đình chỉ hoạt động của 2 nhà máy. Dư luận xã hội cho rằng chính quyền Đà Nẵng đã "chọn dân". Tuy nhiên, có vài vấn đề cần phải suy nghĩ......