Đà Nẵng sẽ xây nhà máy 80 triệu USD để đốt rác thành điện
Đà Nẵng sẽ xây một nhà máy đốt rác thành điện, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở quận Liên Chiểu.
Ông Huỳnh Tấn Quang, Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cho Zing.vn biết UBND TP đã cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam liên doanh với Tập đoàn EverBright International (Hong Kong) xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại bãi rác Khánh Sơn.
Dân bức xúc vì bãi rác bốc mùi hôi thối
Nhiều năm qua, cứ đến mùa nắng là người dân sống gần bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) phải “sống chung” với mùi hôi thối. Những cơn gió từ biển thổi vào kéo theo mùi hôi thối ở bãi rác, xộc vào nhà dân.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu ngày 26/6, nhiều cử tri phường Hòa Khánh Nam bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài hơn 10 năm nhưng chính quyền sở tại chưa xử lý triệt để.
Bãi rác Khánh Sơn sắp quá tải. Ảnh: Đoàn Nguyên.
“Ngày nắng thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, còn mùa mưa thì nước đen ngòm rỉ ra từ bãi rác, chảy xuống khu dân cư. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền cứ hứa rồi để đó”, bà Nguyễn Thị Lan ở quận Liên Chiểu bức xúc nói.
Video đang HOT
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng thừa nhận tình trạng ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn đã tồn tại hơn chục năm. Bãi Khánh Sơn đang chứa 3,2 triệu tấn rác các loại. Bình quân mỗi ngày toàn TP có 1.100 tấn rác, chưa tính rác thải y tế, công nghiệp.
Thành phố cũng đã nhiều lần đối thoại với người dân để tìm cách tháo gỡ khó khăn, nhưng quỹ đất có hạn nên việc di dời dân là không khả thi. Mới đây, Công ty CP Môi trường Việt Nam đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác thành điện năng ở khu vực Khánh Sơn.
Lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường cùng người dân tham quan nhà máy đốt rác tại Cần Thơ. Ảnh: Nguyên Vũ.
Theo ông Hùng, nếu dự án trên hoàn thành, địa phương sẽ cơ bản giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khánh Sơn.
Đốt rác thành điện
Theo trình bày của Công ty CP Môi trường Việt Nam, nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt có số vốn 80 triệu USD, công suất xử lý rác đạt 650 tấn/ngày.
Nhà máy sẽ được khởi công vào cuối năm 2019, đi vào hoạt động vào đầu năm 2021. Toàn bộ rác thải sinh hoạt sẽ được đưa vào hố rác để ủ khoảng 5-7 ngày để tách nước rỉ và giảm độ ẩm. Sau đó, rác được đưa vào bộ phận sấy khô rồi chuyển qua lò đốt ở nhiệt độ khoảng 1.000 độ C.
Dựa vào sức nóng của lò đốt, nước bốc hơi làm quay tuabin, phát điện. Theo thiết kế, nếu đốt đủ 800 tấn rác thì mỗi ngày có khoảng 300.000 kWh điện. Trong đó, nhà máy sử dụng 20% điện năng, số còn lại sẽ bán cho công ty điện lực.
Các kỹ sư đang điều khiển hệ thống đưa rác vào lò tại nhà máy đốt rác Cần Thơ. Ảnh: Nguyên Vũ.
Phần tro xỉ được lấy ra khỏi lò (với tỉ lệ khoảng 17% tổng khối lượng rác đem đốt) được trộn thêm cát, xi măng, phụ gia để sản xuất gạch không nung…
Nước rỉ được xử lý đạt chuẩn, tái sử dụng làm mát lò đốt. Khí thải được xử lý bằng hệ thống khử axít, lọc bụi túi vải, than hoạt tính và được quan trắc liên tục các thông số về khói bụi đạt chuẩn châu Âu.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường Việt Nam cho biết công nghệ đốt rác đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Năm 2018, Tập đoàn EverBright International đã xây dựng một nhà máy đốt rác tại TP Cần Thơ và đang phát huy hiệu quả cao trong việc xử lý rác thải.
Theo Zing.vn
Phản biện xã hội đối với dự án nâng cấp bãi rác Khánh Sơn
Ngày 20-6, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành khu liên hợp xử lý chất thải rắn.
Bãi rác Khánh Sơn chuẩn bị đóng cửa vào tháng 3-2020.
Góp ý cho dự án, ông Nguyễn Đăng Hải - Phó Chủ tịch không chuyên trách UBMTTQVN TP Đà Nẵng, trao đổi: Thực tế bãi rác Khánh Sơn đã quá tải và gây ô nhiễm nặng. Nhiều năm qua nhân dân rất bức xúc, thậm chí đã tạo ra điểm nóng... Do đó, việc nâng cấp bãi rác Khánh Sơn là yêu cầu cần thiết vừa mang tính cấp bách. Tuy nhiên, nâng cấp như thế nào, chọn công nghệ ra sao cho phù hợp là vấn đề cần cân nhắc nhằm đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo môi trường sống của nhân dân và đúng nguyên tắc chung. Tương tự, PGS.TS Trần Cát, cho biết: Thực tế bãi rác Khánh Sơn sẽ không còn chỗ chứa và sắp phải đóng cửa trong thời gian ngắn nữa nhưng lượng rác thải ngày càng tăng. Nếu không nâng cấp, cải tạo để tiếp tục tiếp nhận thêm rác thì nguy cơ an ninh rác của thành phố là điều hiển nhiên, lúc đó thì không thể nói là thành phố môi trường, thành phố đáng sống nữa.
Theo các nhà khoa học, chuyên gia về xử lý chất thải rắn, việc nâng cấp là cần thiết nhưng phải lựa chọn công nghệ và nhà đầu tư nào cho phù hợp.
Bãi chôn lấp hợp vệ sinh Khánh Sơn bắt đầu hoạt động từ ngày 1-1-2007, diện tích ban đầu khoảng 49,91 ha, gồm các hạng mục: Bãi chôn lấp chất thải rắn không nguy hại, hộc chôn lấp chất thải nguy hại, hệ thống xử lý nước rỉ rác, xử lý bùn bể phốt và dự kiến đóng cửa vào tháng 5-2020. Với thực tế khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn toàn thành phố Đà Nẵng được thu gom, vận chuyển đến Khu xử lý chất thải Khánh Sơn, trung bình khoảng 1.100 tấn/ngày. Với lượng CTRSH phát sinh như vậy, theo tính toán của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng khoảng tháng 9-2019, các ô rác sẽ đạt cao trình thiết kế. Do vậy, TP Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với vấn đề an ninh rác nên việc tổ chức triển khai các dự án xử lý CTRSH của thành phố là rất cấp bách.
Trước thực tế đó, ngày 22-4-2019, UBND TP Đà Nẵng Thông báo số 157 thống nhất, định hướng triển khai dự án Nâng cấp, cải tạo Bãi rác Khánh Sơn đảm bảo các tiêu chuẩn về xử lý chất thải, hiện đại và khôi phục lại môi trường sạch tại khu vực. Dự án bao gồm các hạng mục: nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn; đầu tư ô rác số 6: dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 10-2019, hoàn thành, đưa vào hoạt động cuối tháng 3-2020; nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2 sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động cuối tháng 6-2020; xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn Khánh Sơn của Công ty CP Môi trường Việt Nam công suất 650 tấn/ngày đêm, dự kiến khởi công xây dựng vào cuối tháng 10-2019, đưa vào hoạt động tháng 6-2021; phủ bạt các ô chôn lấp chất thải rắn Khánh Sơn, dự kiến khởi công xây dựng vào cuối tháng 7-2019, đưa vào hoạt động tháng 9-2019; xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp xử lý chất thải rắn TP Đà Nẵng đưa vào hoạt động năm 2019-2020 và các hạng mục thuộc Khu xử lý chất thải rắn giai đoạn đến 2030, bao gồm: Nhà máy xử lý chất thải rắn Khánh Sơn công suất 1.000 tấn/ngày, nhà máy đốt rác thải y tế, nhà máy xử lý phân bùn bể phốt...
Về các giải pháp nâng cấp, cải tạo một số hạng mục của bãi rác như: Tăng khả năng tiếp nhận của các hộc rác đã có bằng cách điều chỉnh hệ số mái ta-luy của rác chôn lấp, hợp nhất các hộc rác để nâng cao trình đóng bãi, tăng cường việc đầm nén, mở rộng thêm hộc chôn lấp rác mới về phía Đông Nam (gọi là hộc số 6) để có thể nhận thêm một lượng rác gần 1 triệu m3 nữa đều là những giải pháp đã được nghiên cứu, tính toán đầy đủ và rất khả thi. Việc đầu tư hạ tầng cũng như các loại thiết bị phục vụ cho vận hành các giải pháp trên như làm đường, xây dựng các hệ thống chiếu sáng, thoát nước, chống sét, bạt phủ, đầu tư thêm các loại máy ủi, máy đầm, máy bơm nước rỉ... là rất cần thiết. Như vậy, chủ trương nâng cấp, cải tạo một số hạng mục của bãi rác Khánh Sơn này để tiếp tục hoạt đông đến năm 2023 là đúng đắn. Tuy nhiên, nên xem đây là giải pháp tình thế và cần một giải pháp căn cơ, lâu dài hơn là nghiên cứu xây dựng một khu liên hợp xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt rác lấy điện. Theo Kiến trúc sư Phan Đức Hải - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị: Chủ trương nâng cấp Khu xử lý chất thải Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn là rất cần thiết, là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn loại công nghệ nào thật sự tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu về lâu dài và phù hợp với thực tế tại Đà Nẵng. Một vấn đề cần quan tâm hơn nữa là tập trung phân loại rác thải tại nguồn để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xử lý rác thải sau này.
Có thể nói, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố trong thời gian qua còn mang tính rời rạc, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố... Vì vậy, việc thành phố định hướng quy hoạch nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng, đồng thời khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực xung quanh. Hy vọng, với dự án này sẽ đáp ứng được nhu cầu xử lý chất thải rắn của Đà Nẵng.
M.T
Theo CADN
10 năm "Tắt đèn Bật ý tưởng": Gìn giữ hành tinh xanh từ những hành động nhỏ Lễ hội Tắt đèn không đơn giản chỉ là hành động tắt đèn, tiết kiệm năng lượng, mà từ nhiều năm nay đã mở rộng ra thành sự kiện sôi nổi nhằm tuyên truyền bảo vệ môi trường. Cũng với ý nghĩa đó, Lễ hội Tắt đèn 2019 đã được đầu tư công phu và kỹ lưỡng, mang lại cho người tham gia...