Đà Nẵng: Sẽ di dời 2 nhà máy thép gây ô nhiễm
Chiều 2.3, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã kết luận liên quan đến hoạt động của 2 nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc đóng tại xã Hòa Liên.
Đêm 2.3, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cho biết, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã ký văn bản thông báo nội dung kết luận cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng liên quan đến 2 nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc.
Theo đó, văn bản nêu rõ, thời gian qua, hoạt động Nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý (tại thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã ảnh hưởng đến cảnh quan, đời sống của nhân dân và không phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển tại khu vực, gây tranh cãi trong dư luận.
Với quan điểm thành phố tập trung phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương không để Nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý tiếp tục hoạt động tại thôn Vân Dương, đồng thời thống nhất hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 2 nhà máy.
Nhằm thực hiện chủ trương nêu trên, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị các sở, ngành chức năng và các đơn vị liên quan thực hiện việc dừng hoạt động của 2 nhà máy theo đúng quy định của pháp luật. Khẩn trương tổ chức đối thoại, thông tin đầy đủ cho người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, ủng hộ chủ trương của thành phố.
Người dân Đà Nẵng bao vây nhà máy thép Dana Ý. Ảnh: Đình Thiên
Ngoài ra, UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu Thanh tra thành phố thực hiện việc kiểm tra, rà soát công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện, nhất là tại khu vực lân cận 2 nhà máy thép Dana Úc, Dana Ý. Bên cạnh đó, UBND TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu rà soát tổng thể, đề xuất phương án xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, báo cáo trong tháng 3.2018.
UBND TP.Đà Nẵng còn đề nghị Công an thành phố phối hợp với các ngành chức năng và địa phương triển khai công tác rà soát, nắm chắc địa bàn, có phương án xử lý kiên quyết các đối tượng có biểu hiện kích động, gây rối an ninh trật tự tại khu vực.
Video đang HOT
Trước đó như Dân Việt đã đưa tin, liên tục trong ngày 27 và 28.2, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Đà Nẵng đã chủ trì buổi đối thoại với người dân xã Hòa Liên nhằm giải quyết bức xúc của dân sống cạnh nhà máy thép.
Tuy nhiên cả trăm người dân dự đối thoại đã thất vọng khi lãnh đạo thành phố tiếp tục xin ghi nhận ý kiến và hứa giải quyết. Người dân sau đó bỏ về giữa buổi đối thoại. Sau đó vào ngày 28.2, UBND TP.Đà Nẵng đã quyết định tạm dừng hoạt động 2 nhà máy thép này.
Từ khi đi vào hoạt động từ 2007, hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc liên tục để xảy ra tình trạng ô nhiễm khiến người dân bức xúc. Mới đây nhất vào đêm 26.2, rất đông người dân địa phương đã bao vây cổng nhà máy thép Dana Ý để phản đối.
Theo Danviet
Đà Nẵng đối thoại về 2 nhà máy ô nhiễm: "Thành phố chọn dân hay chọn nhà máy?"
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và người dân sống gần hai nhà máy thép gây ô nhiễm, người dân yêu cầu phải đóng cửa nhà máy.
Chiều 28/2, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã có buổi đối thoại với người dân sống gần Công ty CP Dana - Ý và Công ty CP Dana - Úc gây ô nhiễm.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Nhạn (trú thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đặt ngay câu hỏi: "Các anh lãnh đạo sống vì dân hay vì nhà máy?".
Theo ông Nhạn, nhà máy thép hoạt động đã lâu, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Người dân đã nhiều lần phản ứng nhưng đâu lại vào đấy.
Một người dân bức xúc trước việc hai nhà máy thép gây ô nhiễm và yêu cầu chính quyền có biện pháp giải quyết sớm
"Bây giờ yêu cầu đóng cửa lò nấu của nhà máy. Nếu giải tỏa thì đưa dân chúng đi nơi nào chứ không đưa lên khu tái định cư Hòa Liên 6 vì lên đó khói bụi từ nhà máy cũng bay lên", ông Nhạn nói.
Ông Trương Vân Long (trú thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên) yêu cầu lãnh đạo thành phố cần phải trả lời dứt điểm ngay tại buổi đối thoại để người dân yên ổn sống.
"Thành phố chọn dân hay chọn nhà máy? Thành phố chọn thế nào dân chúng tôi chọn thế đó. Nhưng tôi vẫn kiến nghị là di dời nhà máy đi. Dân di dời lên khu tái định cư cũng không khỏi ô nhiễm. Nhà máy hoạt động vẫn ảnh hưởng. Vì thế di dời nhà máy là hợp lý hơn", ông Long kiến nghị.
Ông Long cũng đề nghị, hai nhà máy cần dừng hoạt động dứt điểm để tránh xung đột quyền lợi, sức khỏe của người dân chứ bây giờ dân chịu không nổi nữa.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh trả lời người dân tại buổi đối thoại
Ông Phạm Mai (Vân Dương 2) đề nghị lãnh đạo thành phố đừng hứa nữa, đừng đổ thừa nữa.
"Đổ thừa mệt lắm. Một là nhà máy đi, hai là dân đi, lộ trình đi như thế nào? Nếu dân đi thì có thể một năm, hai năm hoặc ba năm là xong nhưng khi dân đi hết thì nhà máy mới được hoạt động", ông Mai nói.
Sau khi nghe một số ý kiến của người dân, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, cuối 2016 khi xảy ra những vấn đề ô nhiễm môi trường ở hai nhà máy thép, bà con có ý kiến, thành phố cũng tổ chức nhiều đoàn gặp gỡ, tiếp xúc với bà con. Sau một số cuộc đối thoại, giữa thành phố, bà con và hai nhà máy cùng thống nhất phương án sẽ di dời nhà máy có lộ trình, đồng thời di dời dân.
"Giải quyết vấn đề nhà máy như thế nào bản thân lãnh đạo thành phố cũng rất lúng túng. Cả hai phương án đưa ra (di dời nhà máy hay phương án di dời dân) đều không có phương án tối ưu. Hai phương án đều xấu, vấn đề là chúng ta phải chọn ra được một phương án ít xấu nhất cho cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền", ông Hồ Kỳ Minh nói.
Theo ông Minh, đầu tiên, lãnh đạo thành phố định di dời nhà máy, nhưng qua rà soát vẫn không tìm được vị trí để di dời hai nhà máy.
Bây giờ có hai phương án dời dân và di dời nhà máy chậm hơn một chút và phương án di dời nhà máy. Cả 2 phương án đều phải đối mặt với lượng kinh phí lớn. Nếu di dời dân, phải đối mặt với áp lực tái định cư. Di dời hai nhà máy tức là họ phải đóng cửa thì phải đền bù. Cả 2 phương án đều không có phương án tối ưu.
"Lần trước người dân đều đồng ý là di dời dân trước, dời nhà máy sau. Lần này đa số có ý kiến của bà con là đóng cửa nhà máy và không di dời dân. Chúng tôi xin ghi nhận và sẽ báo cáo lại thành phố", Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho hay.
Sau khi nghe phát biểu của ông Hồ Kỳ Minh, một người dân đứng dậy cho biết, tất cả người dân ở đây đều thống nhất đóng cửa nhà máy, khi nào dân đi thì nhà máy hoạt động.
Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh tiếp nhận ý kiến của người dân và cho biết sẽ báo cáo kết quả với người dân vào sáng thứ 2 tuần tới.
Khánh Hồng
Theo Danviet
Đà Nẵng kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Mai Đăng Hiếu - nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng - bằng hình thức cảnh cáo. Ngày 6.2, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cho biết, đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Mai Đăng Hiếu, đảng viên sinh...