Đà Nẵng sẽ cấm xe cá nhân tại nhiều tuyến đường trung tâm
Nhằm hạn chế xe vào trung tâm, Đà Nẵng đưa ra nhiều giải pháp như không xây mới, mở rộng cơ sở giáo dục, y tế ở nội thành.
Chiều 7/7, HĐND TP Đà Nẵng biểu quyết thông qua đề án “Tăng cường vận tải công công kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố”.
Theo đó, Đà Nẵng sẽ xây dựng các tuyến phố đi bộ, cấm phương tiện cá nhân đi vào khu vực hai bên sông Hàn, đoạn từ cầu Rồng đên cầu sông Hàn (vào ban đêm).
Thành phố cũng sẽ mở rộng tuyến phố đi bộ trên các đoạn đường nằm trong khu vực trung tâm như quanh khu vực chợ Cồn, chợ Hàn, các đường Hùng Vương, Phan Chu Trinh, Triệu Nữ Vương, Lê Độ… theo một thời gian nhất định trong ngày, hoặc kết hợp với việc tổ chức các lễ hội du lịch để dần tạo thói quen cho người dân.
Đề án trên cũng có nội dung về việc cấm phương tiện cơ giới cá nhân hoạt động trên một số trục đường giao thông mà vận tải hành khách công cộng đảm bảo được nhu cầu đi lại của người dân; cấm một số loại ôtô hoặc tất cả các loại ôtô (trừ xe buýt) hoạt động trên một làn đường nhất định để hỗ trợ cho việc vận hành của xe buýt được thuận lợi.
Hiện Đề án chưa nêu cụ thể sẽ cấm phương tiện cơ giới cá nhân ở các trục đường nào.
Nhiều tuyến đường trung tâm Đà Nẵng đang gặp tình trạng kẹt xe giờ cao điểm. Ảnh: Nguyễn Đông.
Vẫn theo đề án này, Đà Nẵng sẽ giới hạn số lượng đăng ký mới ôtô, xe máy hàng năm trên địa bàn các quận, huyện và không vượt quá một tỷ lệ nhất định so với năm trước đó. Sau khi có các quy định cụ thể của Nhà nước về kiểm định xe máy và lộ trình áp dụng, sẽ tổ chức vận động người dân giao nộp các phương tiện xe máy, môtô không đảm bảo chất lượng yêu cầu kỷ thuật, thiết lập các địa điểm làm nơi giữ các phương tiện do ngươi dân giao nộp để tiêu hủy.
Thành phố cũng xây dựng chính sách hỗ trợ đi kèm cho những người dân giao nộp xe gắn máy, khuyến khích những người dân nộp sớm (số tiền thay đổi tùy theo năm sử dụng). Đồng thời, lựa chọn thời điểm thích hợp để đề xuất ngừng hẳn việc đăng ký xe máy trừ các trường hợp thay mới do mất hay đổi chủ sở hữu, sau đó cấm hoàn toàn việc đăng ký. Thời gian dự kiến bắt đầu thực hiện từ năm 2028 – 2030.
Video đang HOT
Nhằm hạn chế phương tiện giao thông đi vào khu vực trung tâm thành phố, Đà Nẵng đưa ra các giải pháp như không xây mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề, không mở rộng quy mô các bệnh viện, trường học hiện có ở trung tâm thành phố; di dời các công trình tập trung đông người, kho hàng hóa ra khỏi trung tâm…
Đề án nêu thành phố tiếp tục mở rộng mạng lưới vận tải hành hành khách công cộng bằng xe buýt để đảm bảo tính bao phủ, hiệu quả hệ thống, trên nguyên tắc đảm bảo trong phạm vi 500 m người dân có thể đi bộ tiếp cận sử dụng xe buýt. Đồng thời tổ chức triển khai đề án thí điểm xe đạp công cộng khu vực trung tâm…
Lộ trình thực hiện các giải pháp của đề án gồm 3 giai đoạn: từ nay đến 2020; 2020 – 2025 và sau 2025. Tổng nhu cầu vốn, dự kiến khoảng 135.823 tỷ đồng.
Đà Nẵng hiện có 64.899 ô tô, tăng 699 xe so với cùng kỳ năm 2016. Theo quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, toàn thành phố sẽ có 158 bãi đỗ xe, trong đó có 17 bãi đỗ xe đã và đang đầu tư. Riêng tại quận Sơn Trà có 25 bãi đỗ xe.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Chủ tịch MTTQ Đà Nẵng: 'Hội đồng nhân dân cần thảo luận về Sơn Trà'
Bà Đặng Thị Kim Liên cho rằng, vấn đề quy hoạch Sơn Trà được nhiều cử tri quan tâm, do vậy HĐND TP cần thảo luận.
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 5/7, bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng, đã đề nghị chủ tọa đưa vấn đề liên quan đến bán đảo Sơn Trà vào nội dung thảo luận trong kỳ họp này.
Theo bà, thời gian qua người dân rất quan tâm đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, và mong muốn chính quyền thành phố có chiến lược đầu tư phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà một cách bền vững.
"Phát triển phải đi đôi với bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật quý hiếm và đảm bảo quốc phòng an ninh", bà Liên nói.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng cho rằng, mọi tác động lên bán đảo Sơn Trà phải được nghiên cứu trên cơ sở khoa học và đặc biệt chú trọng yếu tố nhân văn, đảm bảo tính công khai, dân chủ và cầu thị.
Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng đề nghị chính quyền thành phố khẩn trương rà soát lại tất cả các dự án đã được cấp phép tại bán đảo Sơn Trà, theo hướng phải đáp ứng ba yêu cầu: phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái, bao gồm môi trường sinh trưởng của voọc chà vá chân nâu - hình ảnh nhận diện Đà Nẵng tại Tuần lễ cấp cao APEC.
Đồng ý với đề nghị rà soát lại các dự án ở Sơn Trà, ông Tô Văn Hùng - Trưởng ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng thành phố cần sớm xây dựng điều lệ quản lý kiến trúc, cảnh quan đối với khu vực Sơn Trà.
Bán đảo Sơn Trà nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Đông.
Nhiều dự án ven biển chậm tiến độ
Cũng tại phiên khai mạc kỳ họp, bà Phan Thị Thúy Linh - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, cho biết hiện có nhiều dự án ven biển chậm triển khai, dù vấn đề này đã được đặt lên bàn nghị sự của HĐND thành phố từ các kỳ họp trước. Trong 32 dự án chậm, đến nay chỉ có 8 dự án đã triển khai, 8 dự án triển khai chậm và 16 dự án chưa triển khai.
"Nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài, gây ảnh hưởng đến sự phát triển, môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên đất. Thành phố cần kiên quyết thu hồi nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết", bà Thúy Linh kiến nghị.
40 móng biệt thự không phép "cày nát" một góc bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Đông.
Diễn ra trong 3 ngày, kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng sẽ dành 2/3 thời gian để thảo luận, chất vấn tại hội trường. Ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho biết trong kỳ họp lần này các đại biểu sẽ biểu quyết bằng nút chọn "đồng ý" hoặc "không đồng ý", bỏ phiếu trắng ngay trên màn hình máy tính xách tay.
Mỗi đại biểu tham dự kỳ họp sẽ được cấp một tài khoản để truy cập tài liệu. Việc đăng ký thảo luận, chất vấn cũng được thực hiện qua máy tính. Đây là lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tổ chức một kỳ họp HĐND không sử dụng tài liệu bản in.
Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc, rộng 4.439 ha, là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.
Từ trước năm 2013, Đà Nẵng đã cấp phép cho 18 dự án với số phòng ước tính 5.000. Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với số phòng giảm chỉ còn 1.600.
Tuy nhiên, sau khi công bố quy hoạch, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch; kiến nghị xem xét lại bản quy hoạch theo hướng giữ nguyên hiện trạng.
Chiều 28/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì họp với Bộ Văn hoá cùng UBND TP Đà Nẵng và chỉ đạo chưa triển khai quy hoạch Sơn Trà; chấp thuận cho Bộ Văn hoá và Đà Nẵng 3 tháng để trả lời kiến nghị của Hiệp hội du lịch.
Ngày 27/6, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp báo tại địa phương, khẳng định sẽ giảm các dự án ở Sơn Trà.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Đà Nẵng hạn chế đăng ký mới xe cá nhân, đề phòng giao thông quá tải UBND TP Đà Nẵng cho biết đề án "Tăng cường vận tải công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông" đã được gửi tới HĐND TP Đà Nẵng phê duyệt vào kỳ họp thứ 4, ngày 5/7 tới. Để kiểm soát thực trạng ô tô cá nhân, xe máy đang ngày càng tăng...