Đà Nẵng sáng tạo cách đưa người nghiện ma túy đi cai tập trung
UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy.
Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ tháng 1/2014, quy định về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện, đến nay, nhiều địa phương gặp nhiều trở ngại khi đưa người nghiện nào vào trung tâm cai nghiện bắt buộc.
Thành phố Đà Nẵng chưa thể đưa một trường hợp nào đi cai nghiện, số người nghiện ở thành phố này đã tăng gấp đôi so với trước. Nguy cơ thực hiện mục tiêu “không có người nghiện ma túy tại cộng đồng” bị phá vỡ. Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy. Cách làm này nhận được sự đồng thuận cao.
Điều trị cho người nghiện ma túy ở một trung tâm cai nghiện bắt buộc
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn có chồng nhiễm HIV, nhiều lần cai nghiện tập trung. Tuy nhiên trở về với gia đình, chồng chị ngày càng sống buông thả, tụ tập bạn bè hút chích mỗi khi lên cơn nghiện. Chị Hạnh nói: “Hôm trước tôi dắt con đi trốn, cũng không biết làm thế nào. Không lo làm ăn mà anh ấy cứ nghiện ngập miết. Em mong chính quyền, địa phương giúp đỡ những người nghiện để răn đe, để họ đến với cộng đồng”.
Nỗi lo của gia đình chị Hạnh cũng là lo lắng chung của người dân thành phố Đà Nẵng. Những năm trước, Đà Nẵng quyết liệt xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nhờ đó tỷ lệ người tái nghiện của thành phố chỉ còn 41%, trong khi tỷ lệ này trên cả nước là trên 85%. Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ đầu năm 2014 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Hiện thành phố Đà Nẵng có gần 1.900 người nghiện ở cộng đồng, thế nhưng, con số thực tế chắc chắn còn cao hơn.
Theo các văn bản hướng dẫn thì người nghiện ma túy phải đối xử như một người bệnh. Việc đưa những người này vào các trung tâm cai nghiện tập trung phải được tòa án ra quyết định. Nhưng nếu thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì từ lúc tòa án họp cho đến lúc ra quyết định phải mất thêm từ 6 đến 12 tháng.
Tháng 9 vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã khởi động cách làm riêng, ra Quyết định số 28 ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn, đồng thời kèm theo chính sách hỗ trợ. Theo đó, các ngành như: tư pháp, công an, lao động – thương binh – xã hội của các quận, huyện trong vòng 3 ngày phải thống nhất lập hồ sơ, chuyển qua tòa án. Sau đó, trong vòng 3 đến 5 ngày, Tòa án ra quyết định có đưa người nghiện vào cai nghiện tập trung hay không.
Video đang HOT
Đã có ý kiến cho rằng, làm như thế là không đúng luật. Tuy nhiên, ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Cả nước cho đến bây giờ không đưa được trường hợp nào đi cai nghiện tập trung. Trước tình hình bức xúc đó, Đà Nẵng khởi động cách làm riêng. Trước khi làm, thành phố Đà Nẵng đã có văn bản nêu rõ những khó khăn, vướng mắc gửi lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành… đến bây giờ vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi. Vì thế Đà Nẵng phải làm, vì đã công bố thành phố “5 không, 3 có” rồi, trong đó không có người nghiện ma túy trong cộng đồng. Những cái gì mà luật chưa rõ ràng, thông tư, nghị định chưa rõ ràng, quy định chưa cụ thể thì Đà Nẵng quy định”.
Hiện nay muốn đưa một đối tượng vào trung tâm cai nghiện thì cần 13 – 17 loại giấy tờ, rất rườm rà và trái với tinh thần cải cách hành chính. Thời gian từ khi bắt được một đối tượng nghiện ma túy đến khi đưa vào trung tâm cai nghiện tập trung theo Nghị định 221 có quy trình từ 37 đến 72 ngày, là quá dài và gây thêm phức tạp trong việc quản lý người nghiện. Với cách làm mới của thành phố Đà Nẵng thì quy trình này chỉ mất đúng 1 tuần.
Theo đó, thành phố Đà Nẵng lập ra một tổ tư vấn ở các quận, huyện để thẩm định hồ sơ bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do UBND xã, phường đưa lên. Trong vòng 3 ngày, tổ tư vấn thẩm định họp xem xét thống nhất tính pháp lý, nội dung hồ sơ rồi chuyển qua tòa án, thay vì phải mất 17 ngày như quy định.
Mặt khác, đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý trong thời gian chờ lập thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên không thể đòi hỏi các tổ chức này phải có chuyên môn để đi điều trị, cắt cơn, giải độc.
Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, cho rằng: “Do từng tầng nấc ai cũng có thẩm quyền, ai cũng có quyền giải quyết cho nên hồ sơ bị chia cắt ở các khâu, bất cứ dừng ở khâu nào thì cũng sẽ không thành công. Người nghiện không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố trong thời gian chờ lập thủ tục bắt buộc cai nghiện tập trung, nếu không đồng bộ hóa trong cả nước thì người nghiện ở Đà Nẵng sẽ trôi nổi qua các địa bàn khác để trốn tránh quy định của chính quyền địa phương. Nếu như có luật ban hành thống nhất, có cách cư xử thống nhất thì họ không đi bàn khác làm gì mà trở về địa phương để cai nghiện”.
Để làm được điều này, thành phố Đà Nẵng cũng thành lập một cơ sở xã hội để quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ lập hồ sơ. Cơ sở này có đầy đủ chức năng về y tế, trang thiết bị, chế độ hỗ trợ cho người bị quản lý và đội ngũ cán bộ hỗ trợ tư pháp. Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã có 6 hồ sơ trình tòa án, trong đó tòa án đã ra quyết định đưa 2 đối tượng đi cai nghiện.
Cách làm của thành phố Đà Nẵng không thể được xem là trái luật mà sự sáng tạo giúp đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống tốt hơn./.
Hải Sơn
Theo_VOV
Kiến nghị Quốc hội cho TP.HCM cơ chế riêng cai nghiện ma túy
Ông Huỳnh Thành Lập - Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM thông tin như trên tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, tại kỳ họp thứ 8 - quốc hội khóa XIII sáng 21-10.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đứng) trong phiên thảo luận sáng 21-10.
Ông Huỳnh Thành Lập thông tin, sau khi tiếp nhận ý kiến từ các cơ quan chức năng cùng lãnh đạo TP.HCM, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã thống nhất kiến nghị lên Quốc hội về việc xin một cơ chế riêng để TP.HCM hạn chế người nghiện ma túy.
Cụ thể, trong khi chờ làm hồ sơ đưa đi cai nghiện, chờ phán quyết của tòa án, đề nghị cho TP được phép thực hiện việc "cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện".
Theo ông Huỳnh Thành Lập, đây là chuyện hết sức cần thiết và cấp bách. Vì luợng người nghiện ma túy ở các tỉnh thành dồn về TP.HCM sống vô gia cư rất lớn.
Trong khi đó, muốn đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung thì phải có phán quyết cùa tòa án, phải quản lý ở địa phương từ 3-6 tháng không có kết quả mới đưa đi được. Nhưng đa số người nghiện đều vô gia cư, không thể quản lý được.
Do đó, phải có "bước đệm" quản lý, nhằm hạn chế người nghiện tràn lan ngoài xã hội, gây bất ổn cho người dân.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM nói ông rất cảm ơn báo chí thời gian qua đã đưa ra thực tế nóng bỏng về ma túy đang nổi lên ở TP.HCM.
Ông Lê Thanh Hải nhắc lại, trước đây nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi còn là Bí thư Thành ủy TP.HCM đã từng đứng trước Quốc hội, đưa cả sinh mệnh chính trị của mình ra để xin cho TP cơ chế giải quyết vấn đề ma túy.
Nhờ đó một thời gian dài TP đã thành công trong việc hạn chế người nghiện ma túy. Nay Quốc hội cũng cần phải cho TP được cơ chế linh hoạt đề xử lý vấn đề này.
"Đây là làm lại cuộc đời của những em, những cháu lầm lỡ chứ không phải vi phạm nhân quyền. Chúng ta đang giành giật lại con người tốt cho từng gia đình, cho xã hội". - Ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Mở rộng vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM cũng đề nghị ngay trong kỳ họp này, Quốc hội cần có nghị quyết cho phép làm một số việc trước mắt giải quyết bất cập trong luật về vấn đề cai nghiện ma túy.
Con nghiện sử dụng ma túy ngang nhiên giữa ban ngày tại Ngã tư An Sương TP.HCM
"Đợi vài tháng nữa là rất nguy hiểm" - Bà Tâm lo lắng. Theo bà, nghị quyết này sẽ được áp dụng ở các tỉnh thành chứ không riêng TP.HCM, sau đó từ thực tiễn áp dụng sẽ tinh toán để tiến tới sửa luật.
"Quốc hội cần xem xét khẩn trương, không thể chần chừ nữa. Nói là tôn trọng quyền con người trong vấn đề xử lý người nghiện ma túy nhưng quyền con người phải hiểu theo nhân văn chứ không thể cứng nhắc được. Quyền của người này không được ảnh hưởng tới người khác" - Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Theo Tuổi Trẻ
Chủ tịch UBND tỉnh điều hành xả lũ: Địa phương có gặp khó? Bộ máy giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh cần bổ sung các chuyên gia, kỹ sư thuỷ lợi, thuỷ điện chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Mùa mưa đã đến. Đây là năm đầu tiên thực hiện Quyết định 909 của Thủ tướng Chính phủ "về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu...