Đà Nẵng: Sẵn sàng tâm thế mới để phát triển
Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW (Nghị quyết 43) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
“Đường băng” mới
Năm 2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết này đã từng bước giúp Đà Nẵng thực hiện con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 33-NQ/TW
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW cho thấy, Đà Nẵng là thành phố đi đầu phát triển nhanh và ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng bộc lộ các tồn tại, hạn chế. Tốc độ phát triển của Đà Nẵng bắt đầu chậm lại, thậm chí còn bị bỏ lại ở một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế – xã hội. Theo nhiều chuyên gia, điều này xảy ra với Đà Nẵng tương đối sớm.
Trước thực tế đó, những mục tiêu cho giai đoạn 2021 – 2030 của Đà Nẵng được Nghị quyết 43 xác định rất rõ: Tốc độ tăng bình quân GRDP trên 12%/năm; dịch vụ 12,5 – 13,5%/năm; công nghiệp 11,5 – 12,5%/năm; nông nghiệp 4 – 5%/năm. Các lĩnh vực công nghệ cao đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2% của cả nước; thu ngân sách tăng trên 15%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên bình quân tăng trên 10%/năm; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính xếp hạng trong top 3 cả nước.
Nghị quyết 43 nhấn mạnh đến chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Video đang HOT
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, với Nghị quyết 43, Bộ Chính trị thống nhất cao, đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để “cởi trói”, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Cơ chế, chính sách đặc thù tập trung vào ba lĩnh vực chính. Một là, Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý…; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Hai là, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ba là, Đà Nẵng được xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ – nhìn nhận, với Nghị quyết 43, Bộ Chính trị đã xác định đúng cái tầm gắn với thời đại cho Đà Nẵng; xác định đúng vị thế của Đà Nẵng trong phát triển miền Trung và Tây Nguyên cũng như của cả nước. Xác định đúng thế của Đà Nẵng là bay lên như thế nào, hướng nào, tọa độ nào Đà Nẵng có thể trở thành nổi bật. Đây chính là “đường băng” để Đà Nẵng cất cánh.
Thay đổi mô hình phát triển
Với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43 -NQ/TW cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo, TS. Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ – cho rằng, tới đây, Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng có trách nhiệm triển khai có hiệu quả, cả hệ thống chính trị tạo sự đồng thuận của người dân để làm sao triển khai có hiệu quả Nghị quyết 43.
Từ những thành công của giai đoạn 15 năm phát triển (2003-2018) với những thương hiệu “thành phố đáng sống”, “thành phố của APEC”, cùng những bài học thành công và cả vấp váp, câu chuyện đặt ra cho Đà Nẵng trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị chính là làm sao để từ Đảng bộ, chính quyền thành phố đến từng người dân giữ được “lửa” trong lộ trình phát triển tới đây.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình An – nguyên Chủ tịch MTTQ thành phố Đà Nẵng – nhìn nhận, Đà Nẵng từ khi được trực thuộc Trung ương vào năm 1997 đã có sự phát triển, đặc biệt sau Nghị quyết số 33 năm 2003 đã có sự thay đổi không thể nói hết được, lớn, rất kỳ diệu.
Cũng theo ông An, để thực hiện được các yêu cầu của Nghị quyết 43, Đảng bộ thành phố phải đổi mới sáng tạo nhiều trong công tác vận động quần chúng cũng như thực hiện quy hoạch.
Một điểm mới quan trọng của Nghị quyết 43 là phải thay đổi mô hình phát triển và phát triển khi công nghệ cao của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo khoa học – công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có chính sách cạnh tranh cao; xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng với vai trò hạt nhân của khu vực.
Ông Võ Duy Khương – Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, Chủ tịch Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng – cho rằng, quan niệm khởi nghiệp là sân chơi, phong trào thì hoàn toàn không chính xác. Nếu quan niệm như vậy, khởi nghiệp không bao giờ phát triển lên được.
Được biết, Thành ủy Đà Nẵng đã giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan chức năng khẩn trương tham mưu Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Đề án về một số cơ chế, chính sách đặc thù trên lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính – ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương…; tham mưu dự thảo chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 43.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế – xã hội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành, Thành ủy Đà Nẵng, các chuyên gia kinh tế… đã nghiên cứu, tổ chức nhiều tọa đàm, hội nghị để lắng nghe các ý kiến đóng góp nhằm xây dựng đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW. Đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng với những điểm mới nổi bật ngay từ quan điểm xây dựng Nghị quyết đến mục tiêu, tầm nhìn và các giải pháp, nhằm vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo. Nghị quyết ra đời được nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước hết sức đồng tình, ủng hộ tạo ra khí thế mới cho phát triển thành phố trong thời gian tới đây.
Quang Lộc
Theo CLO
"Đà Nẵng cố gắng nói ít, làm thật để phát triển như Singapore"
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhận định như vậy, đồng thời cho rằng, Đà Nẵng đã có những bước đi cơ bản để tương lai phát triển theo mô hình của Singapore.
Ngày 7.3, Bí thư Thành ủy, ông Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng cho biết, đến nay, đơn vị này đã tham mưu cho UBND thành phố thiết lập quan hệ với 41 địa phương của 19 quốc gia vùng lãnh thổ với 83 thỏa thuận ký kết còn hiệu lực. Hàng năm, đơn vị này cũng tổ chức đón tiếp hơn 100 đoàn khách quốc tế đến làm việc với lãnh đạo thành phố, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia, hoàng gia, cấp bộ trưởng, đại sứ, tổng lãnh sự... Đây là nền tảng để Đà Nẵng xúc tiến các chương trình thu hút đầu tư, thương mại, du lịch nhằm thu hút nguồn lực phát triển thành phố.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ghi nhận những thành tích đạt được của Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng trong thời gian qua và cho rằng, thời gian tới trách nhiệm của đơn vị này đối với sự phát triển của thành phố ngày càng nặng nề hơn
Ông Nghĩa nhận định: "Những năm qua Đà Nẵng tập trung phát du lịch và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở đi, Đà Nẵng sẽ phải thay đổi dần cơ cấu kinh tế, ưu tiên công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, du lịch chỉ ở mức độ. Ở đây, công nghệ cao thì chỉ kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, vai trò của công tác đối ngoại hết sức lớn".
Sáng 7.3 khi làm việc với Sở Ngoại vụ, Bí thư Đà Nẵng nói rằng: "TP.HCM nói nhiều về Singapore, Đà Nẵng cố gắng nói ít làm thật". Ảnh: Đình Thiên
Rất xem trọng vai trò của công tác ngoại giao, người đứng đầu Đảng bộ TP.Đà Nẵng yêu cầu cán bộ làm công tác đối ngoại của Đà Nẵng cần được sàng lọc kỹ càng về thân nhân, các quan hệ,... có thể gây ảnh hưởng đến công việc.
"Đề nghị lãnh đạo Sở Ngoại vụ phải tuyển lựa kỹ cán bộ, nhân viên làm trong ngành ngoại giao. Bên cạnh đó, trong quá trình cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm cũng cần tăng cường giám sát. Có nhiều việc chúng ta đôi khi không để ý nhưng ngành ngoại giao không phải đơn giản. Một lời nói, một cử chỉ, hành động nhỏ có thể làm hỏng mọi việc...", ông Nghĩa nói.
Ngoài ra, tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết thêm, hiện tại và sắp tới, không gian phát triển kinh tế của thành phố được mở rộng rất lớn, mở rộng không chỉ gói gọn các địa phương lân cận mà mang tính quốc tế. Trong đó, Đà Nẵng đã lựa chọn nhà tư vấn quy hoạch là Singapore. Bí thư Đà Nẵng đặt vấn đề, về lâu dài có thể gắn tương lai của thành phố đối với Singapore được hay không?
"Năm 2019, chúng ta đã chọn điều chỉnh quy hoạch và chọn Singapore do có rất nhiều cái tương đồng. Tới đây, sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư, trung tâm tài chính quốc tế dịch chuyển một phần về Đà Nẵng? Cảng Liên Chiểu hoàn thiện thì Singapore họ có sẵn sàng chuyển dịch vụ cho chúng ta không? Cái này, cách đây 10 năm khi tôi còn làm Phó Bí thư Đà Nẵng, tôi cũng nêu ra rồi. Chúng ta không cần ồn ào, chúng ta có những bước đi khá cơ bản. Chúng ta khác với Sài Gòn, giờ Sài Gòn đang ầm ầm nói đến câu chuyện như Singapore. Thành phố chúng ta cố gắng nói ít, làm thật, cái gì làm được, cái gì trong tầm tay thì chúng ta làm", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo Danviet
Tân Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương vừa được bổ nhiệm là ai? Chiều 11.1, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ, trao quyết định của Ban Bí thư về việc bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ông Nguyễn Văn Bình (trái) trao quyết định cho ông Nguyễn Hữu Nghĩa (ảnh xaydungdang). Theo Quyết định...