Đà Nẵng: Nông dân điêu đứng, rau xanh chết khát cạnh con sông quê
Nhiều vùng rau tại Đà Nẵng đang dần chết khát và chết mặn bên cạnh vùng sông nước của chính mình.
Là nơi cung cấp đủ các loại rau như: Mùng tơi, rau muống, cải, bí đao, khổ qua… cho các chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Đà Nẵng và một số vùng lân cận của tỉnh Quảng Nam, vùng rau La Hường đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, nhiễm mặn sớm.
Vùng rau La Hường đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, nhiễm mặn sớm.
Ghi nhận của PV Báo điện tử DANVIET.VN, tại đây, những giàn bầu, bí đang thời kỳ ra hoa, kết trái cháy khô, một số diện tích trồng rau tại đây bị cháy lá, héo úa, chết do tưới nước sông hoặc nước giếng khoan bị nhiễm mặn nặng. Nhiều hộ trồng rau ở La Hường đã dừng sản xuất rau, bỏ hoang đất vì không có giải pháp gì khắc phục. Một số hộ khác vẫn tiếp tục cầm cự, gieo trồng những loại rau có khả năng chống hạn tốt để mong có nguồn thu nhập.
Ông Nguyễn Thái (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đang nhổ bỏ các cây cà tím đã đậu trái nhỏ bị chết héo do nước nhiễm mặn để trồng cà chua thay thế. Ông Thái kể trước đó mình cũng đã nhổ bỏ dần các cây rau dền đỏ, mồng tơi… bị héo, chết cũng vì nước tưới bị nhiễm mặn.
“Trồng rau mà nguồn nước năm nào vào tầm này cũng bị nhiễm mặn, nghĩ mà chán. Tuần trước, tôi quên nếm thử nước bơm từ sông Cẩm Lệ lên nên có gần 50% diện tích trồng các loại rau bị héo, cháy lá, chết do tưới phải nước bị nhiễm mặn nặng. Nước giếng khoan tại thửa đất trồng rau của tôi cũng bị phèn và nhiễm mặn nặng nên cũng không thể tưới được”, ông Thái than thở.
Đa số các hộ trồng rau ở vùng rau La Hường đều khoan giếng ngầm để tưới rau trong các tháng mùa hè và mùa thu khi nguồn nước sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn nặng. Theo phản ánh của người trồng rau, hiện chỉ còn một giếng khoan ở khu vực có địa hình cao là chưa bị nhiễm mặn nên nhiều người phải nối ống dẫn nước từ giếng này về thửa đất của mình để tưới cho rau.
Video đang HOT
Nhiều loại rau phải buộc phải ngắt bỏ vì bị nhiễm mặn.
Ông Trần Trọng Luận (trú phường Hòa Thọ Đông) cho hay: “Xung quanh thửa đất của tôi có 4 giếng khoan đều đã bị nhiễm mặn nặng, không thể tưới rau được. Gia đình tôi canh tác khoảng 2.400m2 rau, nhưng đã bị thiệt hại hơn 50% diện tích vì nước tưới bị nhiễm mặn. Nguồn nước bị nhiễm mặn sớm hơn so với mọi năm 2 tháng là do việc thi công đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ chưa hoàn thành nên khi có nước ngọt từ thượng nguồn xuống thì nước mặn bị “mắc kẹt” tại đập ngăn mặn chính, không đẩy xuống hạ lưu đập được”, ông Luận nói.
Tương tự, tại khu vực ven sông Cầu Đỏ thuộc thôn Tây An, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) hay vùng rau ven sông Yên ở thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), nhiều hộ trồng rau đã khoan giếng và bơm nước giếng khoan lên tưới rau, không bơm nước từ dưới sông lên tưới vì lo ngại tưới nhầm nước mặn gây chết rau, nhất là cây ớt.
Bà Lý Khuê, một hộ dân ở đây, cho biết: “Mặc dù ở ven sông nhưng do sông bị nhiễm mặn nên đất cằn cỗi và khó trồng cây. Chúng tôi chỉ trồng được đậu phụng và mè, nhưng vụ đậu phụng năm nay năng suất rất thấp. Bây giờ chúng tôi bỏ những vồng đậu bị cằn cỗi, chết vì hạn hán và nước nhiễm mặn để chuyển sang trồng mè nhưng do trời quá khô hạn, lại không thể múc nước sông lên tưới được, trời phải mưa mới có hy vọng thu hoạch được nhiều”.
Nông dân không còn “mặn mà” với việc canh tác.
Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn La Hường cho biết: “Hiện có nhiều diện tích rau đã bị thiệt hại nhẹ do nguồn nước tưới từ sông Cẩm Lệ và giếng khoan đều đã bị nhiễm mặn. Chúng tôi đã động viên các hộ trồng rau nối ống dẫn nước từ giếng khoan ở khu vực chưa bị nhiễm mặn về tưới cho rau; đồng thời, đề nghị Phòng Kinh tế (UBND quận Cẩm Lệ) hỗ trợ khảo sát, khoan thêm một số giếng nước để phục vụ tưới cho vùng rau”.
Ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc xâm nhập mặn đang ảnh hưởng diện tích trồng rau, màu ven sông Cẩm Lệ. Hiện có 4ha trồng rau ở vùng rau La Hường và khoảng 30 giếng khoan nước ngầm để lấy nước tưới tại đây bị nhiễm mặn. Với tình hình như vậy và chưa giải quyết được tình hình xâm nhập mặn sâu vào sông Cẩm Lệ khuyến cáo người dân nên ít trồng các loại rau cần nhiều nước tưới tại khu vực tưới của 30 giếng khoan này để hạn chế thiệt hại”.
“Đơn vị đã có báo cáo về việc vùng rau La Hường bị nhiễm mặn, gây chết rải rác một số diện tích rau đến các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương để sớm có giải pháp ứng phó”, ông Vân cho hay.
Theo Danviet
Đà Nẵng: Rau thủy canh của Hội ND phường Hòa Phát ngon "phát hờn"
Được sự tài trợ kinh phí của ông Nguyễn Lê Hoài Long (một Việt kiều tại Mỹ), Hội ND phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) đã đầu tư làm vườn mẫu sản xuất rau thủy canh công nghệ cao, đem lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, mô hình này đang được chính quyền địa phương, Hội ND các cấp nhân rộng tại các khu dân cư trên địa bàn.
Ông Ngô Ngọc Thành - Chủ tịch Hội ND phường Hòa Phát cho biết, sau khi tham quan, thấy mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai ở đô thị, nên Hội ND phường quyết định vận động kinh phí xây dựng mô hình sản xuất rau thủy canh.
Mô hình sản xuất rau thủy canh đầu tiên của Hội ND phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) được sự tài trợ kinh phí của ông Nguyễn Lê Hoài Long, một Việt kiều tại Mỹ từng sinh sống tại địa phương.
"Được sự tài trợ của ông Nguyễn Lê Hoài Long, chính quyền địa phương đã đầu tư làm mô hình sản xuất rau thủy canh công nghệ cao, với kinh phí 150 triệu đồng...", ông Ngô Ngọc Thành chia sẻ.
Tận dụng một khu đất trống, Hội ND phường Hòa Phát đã xây dựng mô hình sản xuất rau thủy canh rộng 120m2. Sau thời gian triển khai, thấy mô hình đem lại hiệu quả rõ rệt nên Hội tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau thủy canh cho 35 hội viên ND trên địa bàn, đồng thời quyết định nhân rộng ra các khu, cụm dân cư.
Trồng rau thủy canh cần sự cần mẫn, theo dõi từng hạt giống khi gieo vào giỏ, chú ý thường xuyên khép cửa, tuyệt đối không để cho rầy, bướm bay vào.
Ông Ngô Ngọc Thành cho biết thêm, vườn rau thủy canh này được đầu tư nhà lưới, giàn ống nhựa phi 90 và có hệ thống nước luân chuyển dòng chảy. Trên các ống nhựa, cách khoảng 20cm có một lỗ nhỏ vừa đặt rọ nhựa trồng rau. Hạt giống rau được ươm trong các tấm xốp để mọc thành cây con giống. Rọ nhựa trồng rau cao khoảng 5cm và hơn nữa phần ngập dưới mặt nước. Mỗi rọ trồng 2 cây rau giống, nước dinh dưỡng được pha vào dòng chảy luân chuyển trong các giàn ống nhựa...
Việc trồng và chăm sóc rau thủy canh hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cây rau phát triển nhanh, xanh mơn mởn và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Huỳnh Thị Minh Châu, nguyên chủ tịch Hội ND phường bây giờ là lão nông đang đảm nhận việc sản xuất, trồng rau thủy canh tại mô hình cho hay, "Việc trồng và chăm sóc rau thủy canh hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cây rau phát triển nhanh, xanh mơn mởn và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm..."
Hội ND phường Hòa Phát đã xây dựng mô hình sản xuất rau thủy canh rộng 120m2.
Bà Châu cho biết thêm, "trồng rau thủy canh này cần sự cần mẫn lắm, theo dõi từng hạt giống khi gieo vào giỏ, chú ý thường xuyên khép cửa, tuyệt đối không để cho rầy, bướm bay vào là phá hoại rau liền. Sản phẩm rau thủy canh tươi ngon, giá cao hơn rau sản xuất trên đất, mỗi kg từ 50.000 - 70.000 đồng và hàng tháng vườn rau thủy canh này bán ra thị trường được gần 500kg..." - Bà Châu phấn khởi nói.
Mô hình sản xuất rau thủy canh công nghệ cao, với kinh phí hơn 150 triệu đồng.
"Cả gia đình tôi coi rau thủy canh là món ăn khoái khẩu, hằng ngày cứ tìm đến vườn để mua rau về ăn. Rau thủy canh ở nơi đây sản xuất an toàn, không sử dụng phân bón vô cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên mua về ăn là an tâm nhất...", ông Bùi Văn Xuề, một khách hàng thân thiết, nói.
Ông Ngô Ngọc Thành - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Phát cho biết thêm: "Để có rau thủy canh sạch an toàn, chúng tôi cho sản xuất cuốn chiếu để có rau thủy canh thu hoạch liên tục và bán cho khách hàng. Hiện nay mô hình này đã được Hội ND nhân rộng tại địa bàn".
Theo Danviet
Thanh niên bị xe bồn cán chết sau va chạm với xe máy ở Đà Nẵng Sau va chạm với xe máy chạy cùng chiều, anh Quân cùng xe máy văng sang làn đường ngược lại bị xe bồn cán tử vong tại chỗ. Thông tin ban đầu, khoảng 15h chiều nay, anh Dương Ngọc Quân (23 tuổi, quê Thanh Hóa) chạy xe máy trên đường Trường Chinh (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) theo hướng từ...